Bài nổi bật

Tuyết đào – Nguyễn Phú

Truyện ngắn “Tuyết đào” mở ra trước mắt chúng ta về một mùa xuân vùng cao tươi đẹp, với thiên nhiên hũng vĩ, với cảnh sắc gợi cảm giác yên bình.Mùa xuân là mùa đẹp nhất ở vùng cao, đó là mùa những bông đào rừng bung phun sắc đỏ kiêu hãnh, rực rỡ đến mê hoặc. Mùa xuân cũng là mùa tình trên núi. Những trai, những gái bản theo sắc hoa trải dài hai bên đường núi, theo tiếng sáo, tiếng khèn mà tìm đến bạn lòng…Tác giả tô đậm không gian ấy để nói về câu chuyện tình của Tủa và So. Sẽ có những người thỏa nguyện đường yêu, ăn đời ở kiếp với nhau, sinh con nở cái dưới một mái ấm yên bình. Nhưng cũng rất nhiều mối tình dang dở, để thương để nhớ cả một đời… Mối tình của Tủa và So đẹp như một bông hoa đào mới hé, nhưng rồi cũng sớm rụng rơi vào sự tuyệt vọng, chia lìa. Xuân đến hoa nở, xuân qua hoa tàn, rồi xuân đến lại hoa, đấy là quy luật của tạo hóa. Hy vọng và đợi chờ, thủy chung gìn giữ cho tình yêu luôn thắm đỏ như đóa hoa đào, dù đã bị số phận đẩy đến sự ly biệt, phải chăng đấy là mẫu số chung của tình yêu vĩnh cửu? Gần hết một cuộc đời, lão Tủa đi tìm người yêu, rồi khi không tìm nữa thì lão trồng những cây tuyết đào để thắp lên những tia hy vọng, những lời nguyện cầu nồng ấm. Việc lão Tủa bỏ đảo hoa đào ra đi cũng là để bảo vệ sự vẹn nguyên của tâm hồn, tình yêu trước những phút nổi loạn của “bản năng”. Không ai biết lão Tủa đi đâu, nhưng chi tiết chàng kỹ sư trẻ gặp Sao trên đảo hoa đào gợi lên một sự bắt đầu tươi mới. Chàng kỹ sư trẻ đi kiếm tìm loài tuyết đào thuần chủng cũng như con người luôn khát khao gặp được tình yêu đích thực đẹp đẽ, cao khiết. Hình ảnh những bông tuyết đào xuyên suốt truyện ngắn hay chính là biểu tượng của tình yêu son thắm, thủy chung…(Lời bình của BTV Vân Khánh)

Lão thầy mo bảo với con trai: “Phải lấy đứa vợ người Mông thì nó mới chịu mày được!”. Thế là thằng Tinh khoác một túi bạc mang lên Si Mã Phìn đổ đầy quả bầu khô nhà lão Chá. Người Si Mã Phìn bảo rõ là lão Chá bán con…

Đầu tháng Chạp mà tiết xuân vẫn chùng chình như đứa gái biếng lười ham ngủ nướng. Cả mặt hồ rộng lớn như bị đóng băng dưới lớp sương dày đặc. Sương muối làm cây cỏ hanh hao, xụi lơ. Nhìn những cây tuyết đào khô khẳng, những chiếc nụ quắt queo làm ruột gan lão Tủa như có ai chui vào cắt xé. Thời tiết cứ vậy, xuân này lão sẽ không có hoa đào…
Lão ngồi thừ lắng tai nghe lũ chim đang hót. “Không được rồi!”. Lão thở dài ngao ngán. Bao năm ở với bầy chim, nghe tiếng chim hót, lão có thể đoán được thời tiết. Lão vào gian bếp lấy con dao phát rồi đi quanh đảo. Lão đi đến đâu sương vỡ trên cây lá, thấm vào chiếc áo chàm của lão. Mặc kệ, lão không thấy lạnh. Gió thun thút thổi. Lẫn trong tiếng gió, lão nghe được một bài hát. Lời ca da diết, buồn như gió giữa rừng mả.
“Hoa mây thấy tóc em nở trắng
Hoa đất gặp chân em nở hồng…
…. Nhớ anh sao em không nói
Thương anh sao em không chờ…”.
Lời hát này phải chăng dành cho lão, cho tình yêu tuyệt vọng thời trai trẻ của lão với So? Lão lẩm bẩm theo lời hát mà hai con mắt đã cay xè từ lúc nào.
*
Mùa xuân năm ấy Tủa còn trẻ lắm. Thân hình như cây lim, cây dổi giữa rừng, nhựa sống căng tràn, rừng rực. Chân tay chỉ muốn biến thành đôi cánh bay theo tiếng hát ngọt ngào của những đứa gái. Khi các nơi quanh vùng tổ chức hội Gầu tào cũng là lúc bàn chân Tủa thêm sẹo thêm chai. Có nơi nào mà Tủa không tới.
Cây khèn là bạn, hát lên lời con tim bổi hổi bên trong lồng ngực, cùng Tủa đi tìm người thương. Ấy thế mà có một nơi Tủa chưa kịp đến khi hội xuân sắp tàn. Đấy là Si Mã Phìn, nơi có những đỉnh núi nhọn hoắt như những mũi dao dựng ngược ủ trong mây. Nơi ấy là xứ sở của những bông tuyết đào lấp lánh màu hồng ngọc. Nơi ấy con gái được đàn ông, con trai khắp các vùng trên cao nguyên này ao ước. Cụ truyền tai ông, ông truyền tai bố, rồi bố lại truyền tai những thằng con trai rằng được một lần với đứa gái của Si Mã Phìn thì cả đời sẽ không quên, dù có bị phơi xác cho quạ tha cũng đáng.
Không có ai là họ hàng đến Si Mã Phìn thì cũng ngại một tí đấy. Nhưng lòng Tủa chộn rộn lắm rồi nên bàn chân cứ bước thôi.
Tủa đến Si Mã Phìn thì nơi này mới vào chính hội Gầu tào. Chỗ bãi đất rộng gần nương Tam giác mạch là nơi nhộn nhịp, đông vui nhất. Cuộc đua ngựa sắp bắt đầu. Một lão già cầm chiếc loa tay cất giọng khe khé: “A lố, a lố… mới có chín người thôi à?”. Lão đi vòng quanh bãi đất, dí loa vào những người đàn ông và lũ thanh niên mới lớn, nhưng không ai bước ra. Họ không có ý định tham gia cuộc đua mà biết chắc không thể địch nổi những chàng trai lừng lững và những con ngựa cũng lừng lững kia. Lão già lại đi một vòng nữa: “A lố, a lố…”. Vẫn không có ai dắt ngựa bước lên.
Đúng lúc ấy thì có một người vỗ vai Tủa từ phía sau:
– Tủa à, mày to như con gấu, khỏe như con beo. Tao cho mày mượn ngựa. Hay lắm đấy, vào thi đi…
Tủa đã nhìn kĩ gương mặt của người này. Cái miệng rộng mà lời nói cứ tuôn ào ào như nước chảy từ trong hang kia thì không nhầm được rồi. Người anh em này là A Sênh, nhà ở Ma Ngán Tý, cách Si Mã Phìn một dãy núi, thường xuống chợ huyện mua thảo quả, măng, nấm, phong lan. Mấy năm trước hàng của Tủa mang xuống chợ hay được A Sênh đón mua, rồi lại mời rượu Tủa.
Thấy Tủa còn đứng yên đấy, A Sênh dúi dây cương ngựa vào tay, đẩy Tủa vào giữa bãi đất. Con ngựa gật gật đầu như chào làm Tủa sững lại. Ầy dà, con ngựa này sao mà giống con ngựa màu lửa của Tủa mới bị ngã núi mùa đông trước! Có phải con lửa đã trở về với Tủa?… Khi lão già cầm loa cất giọng khe khé ra lệnh xuất phát thì Tủa nhảy tót lên lưng ngựa. Người và ngựa thành một ngọn lửa lao vút đi giữa núi rừng xanh thẫm.

Có tiếng khỏa nước, tiếng cười con gái trong vắt lan khắp mặt hồ. Cuối tuần con bé Sao này lại về bản. Những ngày qua, lão vừa mong ngóng vừa sợ nó đến. Sự xuất hiện của nó làm khuấy động cả ốc đảo và cuộc đời lão. Không biết là con cái nhà ai mà cứ một mình chèo thuyền trên mặt hồ, đùa giỡn với sóng nước. Mỗi khi nó cười làm lũ chim ríu ran hót và ánh mặt trời chiếu xuống mặt hồ lung linh. Lão Tủa nghĩ con bé này sinh ra là để làm bạn với lũ chim.
Quả đúng thế, không có lũ chim thì hai năm trước nó đã chìm sâu dưới lòng hồ rồi… Sáng ấy, lão Tủa chạy vội ra chân đảo khi nghe thấy bầy cò, le le kêu thảng thốt. Và lão đã giành giật lại con Sao từ tay thần nước. Đấy cũng là lần thứ hai từ ngày ra ốc đảo lão chiến đấu với thần nước để cứu người.
“Bố!” – Có tiếng gọi từ phía sau. Tiếng gọi ấy luôn làm lão Tủa giật mình. Lão muốn nghe lại vừa không muốn nghe. Nếu lão với So có con thì con trai, con gái lão cũng bằng con Sao này. Mà không, chắc là sẽ lớn hơn nhiều. Lão mất So sắp ba mươi mùa xuân rồi…
Vào một buổi chiều mưa đã lâu, trong căn nhà tềnh toàng của lão, bên ấm nước lục bục sôi, con Sao nắm lấy cả hai tay lão. Nó bảo nó ơn lão, nó muốn làm con của lão. Thấy lão lặng đi như một bức tượng gỗ, tưởng lão không ưng bụng, mắt nó dân dấn nước. Lúc ấy, lòng lão rối bời. Chuyện này đến với lão bất ngờ quá, lão không biết phải làm sao. Từ ngày mất So, cuộc đời lão coi như bỏ. Lão không trả lời, chỉ siết nhẹ hai bàn tay bé nhỏ trắng hồng của con Sao, rồi hướng ánh nhìn vào ngọn lửa rực rỡ, giấu vẻ bối rối trên gương mặt. Thế là con bé Sao mặc nhiên coi lão là bố nó…
Lão Tủa không ngoảnh lại phía tiếng gọi. Lão buông ngọn cải ngồng đang hái dở rồi ngồi lên một tảng đá nhẵn. Lão nhìn xoáy vào những lớp sóng xô nhau như đàn chiến mã tung bờm giữa sương mù…
*
Đường đua là một con dốc hình chữ M lên xuống thăm thẳm. Đàn ngựa xé gió bám đuổi nhau tạo thành một cơn lốc trên sườn núi. Tiếng người thét, tiếng ngựa hí, tiếng hò reo, hú hét từ những ngôi nhà ven đường làm náo động một vùng. Đã có vài con ngựa trượt ngã, vài con tụt lại đằng xa…
Phía sau Tủa chỉ còn con ngựa bạch của thằng trai không cao lớn nhưng cả thân người nó như được đúc từ một khối sắt đen sì. Con lửa của A Sênh thật là khôn ngoan, tinh quái, cứ mỗi lúc con bạch của thằng trai kia định vọt lên đều bị con lửa tạt ngang chắn lối. Mấy lần định vượt lên không thành, con bạch phải chịu thua trong tiếng chửi rủa và tiếng roi vút vun của chủ nó.
Con lửa về đến đích trong tiếng hò hét sấm ran của mọi người. Khi tiếng hò hét đã ngớt, lão già cầm loa lại khe khé:
– Ầy dà, không được mà! Thằng này nó không phải người Si Mã Phìn mình. Nó không được tham dự, nó không phải là người thắng cuộc.
– Không phải thế chứ. Nó cũng là người Mông mình, nó là anh em. Nó được vui cùng người Si Mã Phìn – Một cụ già râu tóc trắng cước nói to trước đám đông.
Nhiều người nói chêm vào:
– Đúng đấy, đúng đấy… Cụ Tráng nói phải rồi…
– Thế thì có công bằng với thằng Ché không hả?
Nói xong lão già cầm loa hằm hằm mặt, vứt “cạch” cái loa xuống chân bàn của Ban Tổ chức, bỏ đi chỗ khác…
Một đứa gái lấy hai vòng hoa trên mặt bàn choàng vào cổ Tủa và con lửa. Nhìn vào mặt đứa gái, thằng trai điếng người. Xương như bị rút mất mấy cái. Hồn vía thì bay đi, lơ lửng trên chín tầng trời. Đến lúc ông Trưởng Ban Tổ chức mặc chiếc áo giải thưởng vào người thì Tủa mới tỉnh lại. Lúc ấy đứa gái đã biến nhanh đi đâu mất. Chỉ còn tiếng cười của những đứa gái giấu sau những chiếc ô rực rỡ xoáy tít.
*
Gần trưa, từng đám sương vẫn lơ đễnh trôi trên mặt hồ. Lão chỉ mong lão có thể tĩnh lặng như mặt hồ này thôi. Ấy vậy mà mọi chuyện sẽ không được thế nữa rồi. Đã có lúc lão tự trách, tự sỉ vả mình. Lão nguyền rủa cả những giấc mơ hành hạ lão.
Con Sao ngồi xuống bên lão, trên tay nó là một chiếc túi tự may thêu thật khéo. Thấy lão không nhìn mình, nó phụng phịu:
– Bố làm sao thế? Con gái đến mà bố không vui à?
– Tao không sao mà. Mày có việc gì à Sao? – Lão hỏi với giọng hững hờ.
Con bé nhìn lão, ánh mắt đen nhưng nhức của nó như dò xét, vừa như trách móc. Nó nhấm nhẳng:
– Con gái đến thăm, không được à bố?
Nói xong con Sao lấy từ trong túi thổ cẩm ra một chiếc khăn.
– Trời lạnh rồi. Bố nhớ quàng khăn, con gái đan cho bố đấy!
Nó đặt chiếc khăn vào tay lão rồi lẻn nhanh vào giữa vườn. Hoa đào là thứ mà con Sao có thể nhìn ngắm cả ngày không chán con mắt. Nó còn có một sở thích thật lạ. Ấy là uống những giọt sương trên những cánh hoa đào. Lão Tủa đã từng nhìn thấy nó ngửa cái cổ cao nõn nà, rồi thè cái lưỡi nhỏ hồng hứng lấy những giọt sương trong suốt như mèo liếm nước.
… “Mày về đi, trưa rồi Sao à!”. “Con muốn ăn cơm với bố”. Nói xong nó tự cầm lấy mớ ngồng cải mang ra máng nước rửa. Xong mớ rau, con Sao rửa chân. Nó sơ ý kéo chân váy quá cao để lộ đôi bắp chân và một phần đùi trắng lấp lóa. Hình ảnh ấy vô tình rơi vào mắt lão Tủa. Có một luồng run rẩy chạy dọc thân người lão, làm lão bủn rủn hết chân tay…
*
Đêm thứ tư. Cổ họng Tủa đã rát tựa gai cào. Tủa muốn nhìn lại mặt đứa gái đã làm Tủa mất ăn mất ngủ từ buổi đua ngựa. Ấy thế mà đứa gái kia không đáp lời. “Thế này là hỏng chuyện rồi!”. Lòng Tủa là một quả bầu rỗng rễnh. Đúng lúc Tủa định bỏ về thì đứa gái leo tót qua bờ rào đá như một con sóc nhỏ. Tiếng khèn lại cất lên gấp gáp, bổi hổi. Đứa gái tần ngần một tí rồi bước vội về nơi phát ra tiếng khèn.
– Tưởng bỏ về rồi? – Đứa gái đứng trước mặt Tủa nói thật khẽ, cười cũng thật khẽ. Nói xong, cười xong thì nguẩy đi nơi khác. Mái tóc buông dài sau lưng, hương hoa rừng bay ra từ mái tóc ấy.
Tiếng cười và mùi tóc của đứa gái làm thằng trai lại như bị rút xương, hồn vía bay lên chín tầng trời. Phải vài phút sau xương khớp mới như lắp đủ lại, nhưng hồn vía thì chưa về đủ nên thằng trai vừa nói vừa run run:
– Chưa…ưa… Chưa… về… đâu…
Đứa gái cười khanh khách, bất ngờ ném cả nắm hoa đào vào người thằng trai, rồi chạy ù đi. Thằng trai đứng ngẩn ra thì đứa gái đã bên trong bờ rào đá…
Hết mùa trăng thứ hai thì Tủa và So đã như đôi chim lùng quớ quấn quýt nhau giữa rừng.
Nhưng lão Chá thì sôi máu lên khi biết đứa con gái đẹp của lão ưng bụng thằng trai mãi tận Tà Phìn. Trời ơi, sao nó không ăn lời lão chứ? Nhà thằng Ché giàu nhất Si Mã Phìn này. Rượu lão uống, thịt lợn rừng lão ăn là do thằng Ché thường mang cho đấy. Lão muốn cho thằng Ché bắt con gái lão về làm vợ từ năm trước, mà bên nhà ấy chưa cưới vợ cho con được.
Đợi đến khi làm ma khô xong cho bố thằng Ché thì lão sợ con So nhà lão đã bị thằng Tà Phìn kia kéo đi mất rồi. Ức quá! Ức quá! Lão không để yên được. Lão phải nhốt con gái lão thôi. Nó ra khỏi nhà một bước lão theo một bước. Hằng đêm, lão kéo chiếc giường tre của lão ra sát cửa chính, thế là con So không ra ngoài được. Lão còn bảo với thằng Ché làm thế nào đuổi cái thằng Tà Phìn kia đi, tiếng khèn của nó làm bẩn tai, lão không ngủ được.
Ấy thế mà Tủa dám vào nhà So sau cái đêm vật nhau đấm đá uỳnh uỵch với thằng Ché và mấy thằng bạn của nó.
Dáng một con gấu già, ngồi lù lù giữa gian chính, lão Chá cất giọng khe khé:
– Thằng Tủa à! Tao biết mày thương con gái tao. Mày làm cho tao một việc này rồi tao cho mày dắt nó đi.
– Việc gì thế bác Chá ơi? – Tủa hồi hộp.
– Nhưng không dễ đâu, tao sợ mày không làm được – Vừa nói lão Chá vừa xoáy cặp mắt trắng dã dò xét.
– Cháu làm được. Thương So, việc khó mấy cháu cũng làm được.
Tủa nói chưa dứt câu, lão Chá đã đứng lên đi ra sát vách, nhấc cái quẩy tấu treo trên ấy xuống, rồi đặt trước mặt Tủa. Lão lấy ra một quả bầu khô, đặt nó lên chiếc bàn gỗ. Hai bàn tay chuối mắn vẫn chưa rời quả bầu khô, lão Chá nhìn Tủa nhếch mép cười:
– Vợ tao, mẹ con So ấy, ốm lâu ngày rồi… Người ta bảo phải có bạc, có tiền đưa xuống Hà Nội mới chữa khỏi được. Mày thương con So, thương mẹ nó thì mày mang bạc trắng đổ đầy quả bầu này rồi đón nó về làm vợ mày, có được không Tủa?
Dứt lời, lão với cái điếu, châm thuốc rít một hơi thật dài. Lão phả khói, lờ đờ nhìn vào mặt Tủa qua làn khói chờn vờn. Tai Tủa ù đi, còn mặt cứng đờ. Bố con Tủa chỉ đủ cái ăn. Nhà có con ngựa màu lửa quý nhất thì năm trước nó ngã núi chết mất.
Việc này thật là khó hơn cả nhảy vào lửa. Rõ là lão Chá đào sông đắp núi chắn lối Tủa rồi… Tủa định nói câu gì đấy với lão Chá mà họng cứng lại không nói được khi nhìn vào mặt lão…
*
Trắng đến lóa mắt. Trắng đến lịm người. Lão Tủa thấy nóng khát, toàn thân căng tức. Thân thể còn vâm săn của lão nứt ra như nương hạn. Từ vết nứt một cái mầm nảy lên đón đợi vùng trắng dập dờn. Lão không thể chịu đựng được nữa, lão nhào đến… Lão chỉ kịp nhận ra cái thứ mềm mịn, ấm nóng mà lão vừa quờ được đấy là một cơ thể đẹp đẽ, căng mọng. Rồi lão bơi, lão ngụp lặn trong mụ mị, đê mê… Là Sao. Là So. Là Sao. Lại là Sao…
Ú ớ. Choàng tỉnh. Lão Tủa hốt hoảng về giấc mơ. Lão vùng dậy, cuồng loạn lao ra hồ. Lão dùng nước đánh vào cơ thể tội nợ của lão. Chưa hả, lão lột phăng cái áo, dùng nó đập tới tấp lên khắp thân người. Nước hồ lạnh toát, gió rét căm căm. Nhưng lão không cảm nhận được gì. Lão chỉ cần hành hạ cái cơ thể xấu xa của lão bã bời ra thôi.
Sao lại như thế được, lão Tủa vừa đánh vào người mình vừa tự hỏi. Chiều qua, con Sao ra đây lão đã trốn nó. Lão quấn chiếc khăn con Sao cho lão, buộc vào một hòn đá, rồi quẳng xuống lòng hồ. Lão sợ mùi hương của đứa con gái còn trong chiếc khăn làm lão khổ sở. Lão sợ mỗi khi nhìn con Sao hay nhớ nó, cái ý nghĩ rắn độc kia lại chui vào trong đầu lão. Không, lão cứu nó nhưng nó không phải là quả lê ứa nước dành cho kẻ đói khát là lão…Nó… Nó là con gái lão… Hằng đêm, lão bắt mình không được ngủ sớm, lão cuốc đi cuốc lại mảnh vườn cho đến khi toàn thân rã ra. Nhưng những giấc mơ quái ác và cái cơ thể bất trị vẫn luôn chống lại lão mỗi khi lão ngủ.
“So ơi! Bao năm So ở đâu? Có còn nhớ gì cái đêm ấy không So?”. Biết bao lần câu hỏi ấy không thôi nhức buốt trong lòng lão Tủa. Chỉ một đêm thôi mà đủ để cả đời lão thế này sao?
*
– Tủa à, bố không ưng Tủa, cũng không gả So cho cái thằng Ché ấy đâu. Bạc nhà nó bay theo cái thứ khói trắng nó hít rồi.
Nói xong So gục vào vai Tủa khóc không thành tiếng. So đã muốn chết mà nghĩ đến mẹ So không muốn chết nữa. Bố lại có mắt ở khắp nơi, mắt bố như gắn cả vào chân So.
– Đi với Tủa! Tủa và So sẽ đi khỏi cái cao nguyên chết khô, chết khát này…
– Biết đi đâu Tủa ơi?
– Đến chỗ nào không ai tìm được, không ai biết Tủa và So…
– Không, So đi thì bố sẽ để mặc mẹ chết mất. So thương Tủa nhưng không muốn mẹ chết đâu.
So lắc đầu, gào lên rồi ôm ghì lấy Tủa.
… Hơi thở nóng hổi của So phả vào cổ vào tai Tủa làm Tủa tê đi. Mắt So đã không còn giọt nước nào nữa. Mắt So thành hai bát rượu, hai đốm sao. Đôi môi nụ đào. Làn da hoa đào. Mái tóc hương hoa đào. Bàn tay so lần tìm, bàn tay So đánh thức Tủa. Đời người sao mà buồn khổ thế, quên hết đi Mua Tráng Tủa ơi!…
So đang là ngọn lửa rừng rực bên dưới Tủa, làm cho cháy hết mọi buồn khổ trong Tủa. Lũ chim rừng nhảy nhót, hoan ca cùng hai ngọn sóng quấn vào nhau nhấp nhô giữa bãi lanh. Vợ chồng nhà sóc chí chóe vờn đuổi nhau. Tiếng rên khe khẽ luồn vào trong gió… Tất cả hợp thành một bản nhạc phồn sinh của núi rừng. Thân thể nâu bóng, săn căng gấp gáp của Tủa nóng lên như lò rèn, rồi nóng lên như núi lửa… Dòng nham thạch tê mê… Trời ơi, Tủa có nằm phơi xác cho quạ tha cũng được…
Tủa tỉnh dậy, So đi rồi. Chỗ So nằm còn ấm, những cây lanh trái mùa dập nát, tơi bời. Tủa thấy vài giọt tươi hồng vương trên những chiếc lá xanh. Thế là So đã cho Tủa cả cuộc đời So rồi. “So à, đợi nhau nhé!”. Tủa thì thầm nhờ gió gửi tình yêu, gửi lời nhắn đến So. Tủa đã hẹn A Sênh, ngày mai hai người cùng sang tỉnh bên. Cuối năm những chủ hàng ở khu vực cửa khẩu lớn cần người để vác hàng thuê. Người ta hứa trả cho Tủa nhiều tiền. Tủa sẽ đủ số bạc trắng để cưới So…
Qua mùa xuân, những bông hoa đào cuối cùng rã cánh trong gió, Tủa quay về thì cái thằng người Tày ở mãi dưới Nậm Chải đã kéo So về làm vợ nó. Thằng trai Tày cưới đứa gái người Mông thật là một chuyện lạ, lâu lắm rồi mới lại có ở vùng này. Nghe bảo bố cái thằng Tinh ấy là thầy mo nên nhà nó giàu lắm. Nhà giàu nhưng có mỗi thằng con trai mà ngoài ba mươi tuổi vẫn ở không. Nói không có vợ thì không đúng, vì nó cưới đến ba đứa vợ thì cả ba đều bỏ đi. Thằng Tinh đi tìm đứa vợ thứ tư thì gặp lão Chá…
Lão thầy mo bảo với con trai: “Phải lấy đứa vợ người Mông thì nó mới chịu mày được!”. Thế là thằng Tinh khoác một túi bạc mang lên Si Mã Phìn đổ đầy quả bầu khô nhà lão Chá. Người Si Mã Phìn bảo rõ là lão Chá bán con.
Tủa đi dọc con suối Thì Hồ, đi khắp vùng Nậm Chải, dẫm nát cả vùng hạ huyện cũng chả thấy So đâu. So đã làm vợ người ta rồi, Tủa chỉ muốn nhìn So một cái, nói với So một câu thôi, rằng: “Dù So đã là con chim trong lồng nhà người thì Tủa vẫn thương So. Tủa thương So đến khi nào suối Thì Hồ cạn, đỉnh núi Sa Pả vỡ ra Tủa vẫn còn thương…”. Tủa chỉ về lại Tà Phìn đúng hai lần để làm ma tươi, ma khô cho bố. Tủa dành cả cuộc đời Tủa để đi tìm So. Tủa đi từ mùa lá non, qua mùa lá xanh cho đến mùa lá vàng rụng xuống đất. Biết bao năm như thế. Bàn chân Tủa lớp chai này bong đi lớp chai khác lại dày lên. Dày lên như nỗi đau trong tim gan Tủa.
Người quanh vùng Nậm Chải bảo nhà cái thằng Tinh ấy gốc gác bên kia biên giới. Không chừng cả nhà nó kéo nhau về lại đất tổ tiên rồi, chả tìm được nữa đâu.
Mất So là Tủa mất nửa cuộc đời, mà không, mất cả cuộc đời. Loài người với Tủa không còn thú vị gì nữa. Tủa sẽ đến nơi cần đến. Thân xác không đợi, không tìm được nhau thì chờ đến lúc cùng thành ngọn gió quấn quýt lấy nhau…
*
“So à, định đợi nhau trên cái đảo này, mà chắc là không ở đây được nữa… Bao năm qua, Tủa trồng hoa đào để đợi So. Năm nay hoa đào không nở là một sự lạ rồi”. Lão Tủa rì rầm, mở chiếc khăn tay trong ấy có mấy hạt đào lão giữ lại từ mùa trước. Chiếc khăn này So nhét vào ngực lão cái đêm ấy, lão luôn giữ nó bên mình. Như sợ chiếc khăn sẽ biến thành một con chim vụt bay đi mất, lão khum khum cả hai bàn tay giữ lấy.
“Sợ rằng ở đây sinh chuyện mất. Tủa sẽ không là Tủa nữa…”. Lão Tủa gấp cái khăn cất vào túi áo trong, rồi quàng chiếc túi chàm lên vai. Lão khẽ buông một tiếng thở dài. Lão chốt cửa ngoài căn nhà, nhìn hết lượt từ nhà ra khắp khu vườn. Lão đi một vòng quanh đảo. Mắt lão hun hút nhìn về dãy núi phía Đông, nơi ấy có cái bản duy nhất ở vùng heo hút này. Con Sao đến với lão từ cái bản ấy.
Lão Tủa đứng trên con thuyền độc mộc, đẩy chèo về hướng mặt trời đang lặn. Lũ chim dáo dác bay khắp hoang đảo, chúng kêu gào như bị kẻ nào đó xông vào phá tổ.
Sáng nay con bé Sao chèo thuyền ra đảo. Lần này nó không đi một mình. Ngồi trước mũi thuyền là một người đàn bà đã luống tuổi. Gương mặt trắng trẻo tái đi vì lạnh, đôi mắt thì rõ là người luôn lo nghĩ, u buồn.
Con Sao gọi váng lên mà không có tiếng trả lời. Nó định gọi tên mà nhớ là không biết tên bố nuôi. Người đàn bà bước vào trong nhà lão Tủa. Bà nhìn thật lâu vào những vật dụng treo trên vách, dưới nền đất. Sờ tay vào đống tro bếp bà biết người trong nhà này đi đã lâu rồi. Trong ánh sáng lờ nhờ bà nhìn thấy chiếc áo màu chàm đã cũ treo ở cuối chiếc giường tre. Tự dưng nước mắt bà ứa ra. Trong lúc ấy, con Sao đến từng gốc đào, sờ vào những thân cây mốc thếch, nó nhận ra từ lâu vườn đào không có hơi người.
…Thi thoảng con Sao lại một mình trốn ra đảo. Nó chờ một nụ đào tách vỏ, chờ một tiếng bước chân chậm rãi từ phía sau. Nhưng chỉ có tiếng chim kêu chiêm chiếp buồn bã và tiếng gió u u hoang quạnh…
*
Một ngày nắng ấm, chàng kĩ sư trẻ quyết lên đường tìm về cái ốc đảo mà chàng còn lờ mờ nhớ đường. Chàng đang nghiên cứu đề tài bảo tồn giống tuyết đào quý hiếm vùng Si Mã Phìn. Nhưng bàn chân chàng dẫm nát cả vùng ấy mà không tìm được một cây đào thuần chủng. Chàng nghĩ đến hồ nước rộng lớn ẩn mình giữa vùng núi đồi chất ngất vẫn trở về trong những giấc mơ nhắc nhớ chàng. Dăm năm trước, chuyến phượt liều lĩnh ấy, nếu không được cứu có lẽ chàng đã bị thần nước bắt đi làm quân lính dưới lòng hồ. Chàng còn món nợ với người đàn ông bí ẩn ấy.
Chàng rời mảng, bước chân trần lên đảo. Chàng cảm nhận đất đang ấm dần dưới chân. Bước vội vào giữa đảo, chàng vui sướng khi nhìn thấy phía xa những bông tuyết đào lấp lánh dưới nắng xuân.
Và rồi chàng sững sờ không tin vào mắt mình. Dưới gốc một cây đào cổ thụ, sau tấm rèm hoa, một nàng tiên áo chàm đang ngửa đôi môi tươi hồng đón lấy những giọt sương long lanh trên những cánh đào thắm đỏ.

Truyện ngắn của Nguyễn Phú

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *