Bài nổi bật

Vết Thương – Lê Hữu Bình

Truyện đêm khuya vov2 – Nhân vật “tôi” và Khiêm là hai người lính, hai người bạn thân. Sau khi chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình, hai người lính trở về đời thường với số phận riêng của mình. Khiêm có một gia đình hạnh phúc, sự nghiệp phát triển khiến ông trở thành tấm gương của mọi người. Nhưng có một bí mật là vết thương trong chiến tranh của Khiêm không phải trong chiến đầu mà vì tai nạn. Khiêm đã dũng cảm nói ra sự thật và trả lại công bằng cho những đồng đội đã hi sinh trong chiến tranh..

Giữa mùa mưa năm 1971. Trung đội tôi chốt ở điểm cao Đắc Đun bằng súng 12,7 ly, đề phòng địch đổ bộ đường không, lùng sục các trận địa pháo các kho hậu cần dọc tuyến, gây khó khăn cho ta khi đang cất giấu vũ khí trong mùa mưa dằng dặc. Chân đồi là ngã 3 đường tuyến, một phía đi thẳng tới Tà Tum, một lối đi ngang về nước ta, tức đông Trường Sơn. Mùa mưa cỏ cây xanh um lan tỏa khắp các mép đường vận tải, bìa rừng. Bấy giờ không nhớ ở tỉnh nào của Lào, chỉ biết rằng những buổi quang mây, từ đây nhìn vào phía cao nguyên Pô Lô Ven của bạn, thấy một vùng cao bằng phẳng mờ xanh, ước chừng 10 km lộn lại. Tôi và Khiêm là hai anh em cùng tỉnh khác huyện, được cái hai huyện cách nhau chưa đầy 40 phút xe đạp, thành thử hồi chưa vào chiến trường, mới nhập ngũ, chúng tôi đã qua nhà nhau chơi. Anh em quý nhau lắm, bởi ở chiến trường vừa đồng chí lại đồng hương gần, nghe hiếm, ăn ở sinh hoạt thậm chí mặc quần áo chung cũng được. Cùng phấn đấu rồi cùng được vào Đảng chỉ cách nhau vài tháng, Khiêm vắng tôi nhớ, tôi sốt rét Khiêm gọi y tá rồi mở xanh tuya tiêm ký ninh vào mông cho tôi, rồi tự nấu cháo riêng cho tôi húp. Đôi lúc rỗi không tiếng máy bay, cả hai tào lao chi khươn tán chuyện và chỉ ao ước bao giờ hết chiến tranh, cả hai cùng về cùng tiến theo con đường vào Đại học, thì hạnh phúc biết bao.
Hôm đó thao tác lấy đạn ra lau, có một viên hơi bị rỉ mờ phía đuôi và hạt nẻ, Khiêm dựng viên đạn lên, đầu đạn cắm xuống đất, tay trái giữ, tay phảỉ dùng con dao năm gõ gõ nhẹ vào đít nhằm bung bật rỉ ra. Nghe oành một tiếng, từ trong hầm chạy ra tôi thấy tay trái Khiêm đầy máu, tay phải đang bóp giữ dịt lại, người ngã vật sang một bên. Tôi gọi:
– Các đồng chí ơi, Khiêm bị thương rồi! Cấp cứu cấp cứu…
Mọi người đổ xô ra băng bó, lát sau tôi lập tức mang ba lô của Khiêm, vừa dìu vữa dẫn bạn tới phẩu thuật tiền phương cách đấy chưa đầy 2 cây số. Có lẽ hăng máu hay sao, Khiêm chạy băng băng, chả mấy chốc đến khu vực rừng già, vượt qua con suối nước nông là vào cái hầm chữ nhật to, nơi thực hiện các nội dung phẩu thuật băng bó cấp cứu bộ đội ta khi bị thương. Mặt Khiêm tái nhợt, máu ra cũng nhiều, bác sỹ cùng y tá lập tức đưa ngay Khiêm vào vị trí tháo băng và đành cắt đi 2 đốt ngón tay giữa và một đốt ngón tay trỏ của bàn tay trái. Vì bàn tay này trực tiếp cầm dựng viên đạn, không còn khả năng giữ lại được bởi các đốt bị nát bét, lồi xương ra. Tôi thương Khiêm quá chừng, mặc dù biết bạn thao tác liều lĩnh, không đúng quy trình quy phạm bảo dưỡng vũ khí đạn dược. Rất may mặt mũi không bị vết xước nào. Bác sỹ hỏi để làm hồ sơ bệnh án, tôi nháy Khiêm, cả hai đành bảo là bị mảnh của quả bom nổ chậm, trên đường về trận địa. Bởi ở chiến trường mà, ngày nào chả bom đạn đì đùng, mưa bom tọa độ, nắng chúng bổ nhào quen rồi. Nếu nói là vô ý thức nên bị thế, có lẽ mọi cách nhìn sẽ khác. Tôi nắm tay phải Khiêm, thoa nhẹ lên bàn tay trái, nơi lớp gạc dầy vừa băng xong, động viên vài câu “ mong chóng khỏi về trực chiến nhé… vắng mày tao buồn lắm…”. Mắt Khiêm ánh lên, đầu gật gật, thay lời đáp. Tôi chào rồi trở về trận địa, lòng canh cánh xót xa thương bạn, hẫng hụt bàng hoàng cứ như thiếu vắng cái gì đó, khó bù đắp lại được. Ba năm ròng chiến đấu, mùa khô trên mâm pháo tôi pháo thủ số 1, Khiêm số 2, tay tầm tay hướng đánh trả tàu bay Mỹ bảo vệ trọng điểm, đèo xe, kể cả khi địch bổ nhào phản pháo ban ngày. Chúng tôi coi cái chết nhẹ như lông hồng, ăn cùng mâm ngủ cùng hầm, quen cả mồ hôi múi mặn của nhau, nay đâu mất. Hơn tuần sau tôi quay trở lại trạm phẩu thuật thăm Khiêm, thì được biết Khiêm đã lên đường ra Bắc theo quyết định của Bác sỹ trưởng. Tôi châng hẩng vừa mừng cho bạn lại buồn cho mình. Khoác khẩu AK trên lưng, tôi thẫn thờ từng bước nặng nề trên con đường mòn ven đồi. Trời về chiều quang tạnh, chiếc OV10 hai thân vo vo não nuột vòng lượng trên đầu, sẵn sàng chỉ điểm. Mặc, tôi cố luồn lách ẩn hiện qua các khóm cây, rồi trở lại điểm cao trực chiến…
* *
Giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất tôi được về Quân khu công tác, mỗi lần nghỉ phép có điều kiện, hai anh em lại gặp nhau. Hàn huyên bao chuyện, ký ức kỷ niệm xưa, nhìn tay Khiêm, tôi lại kể về chuyện cậu bị cụt mấy đốt trên hai ngón tay, cứ thấy bạn tư lự không mặn mà về vết thương lắm. Chắc lẽ cậu buồn với vết thương, buồn nỗi đau lại cứ vày thêm nỗi đau. Tôi còn bảo Khiêm “Hồi đó, anh Tiếp vừa Trung đội trưởng kiêm Tổ trưởng Đảng, định kiểm điểm cậu về việc vô ý thức trong việc bảo quản vũ khí dẫn đến bị thương. Mình khuyên, anh ấy thôi, vì không may, hơn nữa mấy hôm sau cậu ra Bắc rồi còn đâu mà kiểm điểm?”. Khiêm cười e ái, chuyển chuyện khác… Đường quan lộ của Khiêm, không ngờ như rải thảm, tốt nghiệp Đại học luật, rồi về công tác tại huyện, qua các chức Trưởng phòng Tổ chức… Chủ tịch huyện, Giám đốc Sở kế hoạch và đầu tư, tiếp theo làm phó Chủ tịch. Lên Chủ tịch tỉnh, Khiêm mới 51 tuổi. Nói cho cùng trang lứa tôi, lại trải qua chiến đấu, hiện nay trong nước không thiếu gì người là Ủy viên trung ương, Bộ trưởng, thứ trưởng không phải ít. Có điều Khiêm là bạn thân, được như vậy là hiếm nên tôi chú ý theo dõi rất sát. Khiêm lúc này càng có đất dựng võ, thể hiện tài tổ chức và lãnh đạo, vai trò cá nhân. Khi ở huyện thì huyện cũng phát triểm toàn diện, đời sống dân được nâng cao. Khi Chủ tịch tỉnh thì còn phải nói, toàn tỉnh bừng bừng như măng tre mùa mưa ở Trường Sơn. Nông thôn điện đường trường trạm, diện mạo mới. Nhiều khu công nghiệp chế xuất mọc lên ở thị xã ven đô. Mở rộng cảng biển, hoàn thiện các khu nghỉ mát, quy hoạch vùng thâm canh dồn điền đổi thưả, khoán sản sâu đến các hộ lao động, một luồng gió đồi mới thổi mạnh trên toàn bộ diện tích tỉnh. Biết khai thác vốn đầu tư trong ngoài tỉnh, phát huy thế mạnh tỉnh nhà, nâng thu nhập GDP tỉnh rất cao. Các công trình mang tính phúc lợi công cộng lớn, Khiêm trực tiếp chỉ đạo điều hành, không để thất thoát. Mức sống của mọi người dân hơn trước nhiều, vượt xa các chủ tịch tỉnh thời tiền nhiệm. Biết là Tỉnh ủy lãnh đạo toàn diện, nhưng con người cụ thể đó là ai? Chín chắn năng động tài đức đến đâu, ở nhân vật nào? Khiêm hoàn toàn xứng đáng với sự tin cậy mến mộ của cán bộ Đảng viên, nhân dân tỉnh nhà. Vợ Khiêm khá xinh, nhà cửa tiện nghi khang trang, cũng đúng thôi vì con người làm ra ích quốc như thế, đáng được hưởng lắm chứ? Không thấm gì so với tài đức của Khiêm bỏ ra, làm được cho xã hội rất nhiều. Tôi Trung tá về hưu 1992, bốn con ăn học, vợ tôi mụ dòng, không được đẹp lắm. Đôi khi bà ấy cứ bô bô so sánh làm tôi ngượng nhũn người:
– A, người ta Chủ tịch tỉnh vợ lộng lẫy, con khôn nhà cửa đề huề. Đám ma mẹ người ta xe về phúng viếng chật hết đường làng, số vòng hoa, ô tô tải chở không hết.
– Sao bà biết?
– Đều do ông kể lại, khi mỗi lần có việc qua đó.
Hóa ra những điều quý tốt về bạn, kể cho vợ nghe mong sự ngưỡng mộ, thì bà ấy lại tích tụ thành những nguyên liệu để rồi khi cần, bà ấy xây thành đống hổ lốn lên đầu mình một khối đay nghiến, nặng chịch. Và những lời kháy khỉa, ghẻ lạnh:
– Bố mày á, chỉ tài ngắm đít con trâu theo từng sào ruộng. Giương cung bắn mèo xó bếp, may có mấy đồng lương hưu kéo lại, không thì con thất học tất… A, thế mà cũng bào bạn thân từ thời ở chiến trường khói lửa, bát cơm sẻ nửa bánh lương khô bẻ đôi, a… còn bào đưa bạn đi cấp cứu khi bị thương…!”.
Tôi im lặng cho cái đau vợi bớt, mặc bà ấy muốn trách cứ điều gì thì tự bà ấy nghe. Lắm khi bà ấy hong tiếng một mình ngoài vườn rau, khóm mía cho khô giọng hả cơn. Có lần rất tự ái, tôi bảo:
– Hồi chiến đấu, Khiêm dũng cảm được bầu là chiến sỹ thi đua của đơn vị, tôi chồng bà đây này mới được giấy khen một lần, bà đừng so sánh nữa làm tôi xấu thẹn. Khiêm thu phục lòng người bằng sự chân thành cần mẫn, luôn vì đồng đội, nói thẳng ra Khiêm là người tốt tính. Còn tôi thu phục bạn, bằng những chén rượu, điếu thuốc lào sòng sọc. Lúc phê phê thì tán khen nhau, khi vãn hoặc quá chén là xầng cộ ngay. Tôi ít bạn, kém, ngu lâu dốt dài đần muôn thưở, bà hưởng cái lộc cạn vậy, đừng chì chiết so đo làm gì, khổ lắm nói mãi…
Bà sưng sỉa mặt phừng như cái thớt, tóc tai bù xù, làu bàu gì trong miệng tôi không rõ. Thực tình Khiêm rất quý rất tốt với tôi với gia đình tôi, có lần Khiêm bảo:
– Dũng này, khi nào con gái đầu mày tốt nghiệp Đại học về tỉnh, tao sẽ sắp xếp việc cho, con trai mày cần gì, bảo.
Tôi kể lại với vợ, thì bà ấy lại ngao ngán, than thở:
– Biết lúc nào cho con mình ra trường?
Phụ nữ mà, bà nhà tôi thế đấy hay so đo, được cái rất đảm đang và thủy chung. Nói cho cùng bà ấy xấu thành ra an toàn, mà tôi lại cũng giữ được sức khỏe lâu. Khiêm làm Chủ tịch sắp hết khóa thứ hai, tiếng tăm tốt như xạ hương, cứ bay xa lan rộng. Tôi rất khâm phục mà tự hào có người bạn như thế. Nhưng mỗi lần bà xã tru tréo, làm tôi cũng chạnh lòng tổn thương, máu hỏa gằn gằn lên cổ…
* *
Vào một buổi tối nọ, nhân Quốc tế lao động mồng 1/5. Đài truyền hình tỉnh phát chương trình người tốt việc tốt. Năm nay lại phát về Nguyễn Minh Khiêm- Chủ tịch tỉnh nhà, một con người tiêu biểu cho lãnh đạo trong thời kỳ đổi mới, góp phần đưa toàn tỉnh vươn lên giàu có nhất nhì khu vực miền Trung, không còn lẹt đẹt nghèo túng trong tốp 3 tỉnh khó khăn nhất của miền, như trước đây. Một phó Bí thư tỉnh ủy, một lãnh đạo kiểu mẫu “dĩ công vi thượng” và là một Đảng viên uy tín nhất trong các đợt lấy phiếu tín nhiệm của Hội đồng nhân dân, vào những lần gần đây. Cô phát thanh viên tiếp:
– Tác phong sâu sát tỷ mỷ dễ gần, Chủ tịch Khiêm luôn để lại sự quý mến cho mọi ai có lần công tác, tiếp xúc với ông. Ông bao dung độ lượng, nhưng kiên trì tới cùng những mục tiêu của Tỉnh ủy đã đề ra. Những năm gặp thiên tai hạn hán bão lũ, ngày đêm chúng ta thấy Chủ tịch luôn có mặt trên tuyến đầu cùng cán bộ các cấp, cùng nhân dân khắc phục khó khăn. Thực là con người của công việc, hành động với một tinh thần máu lửa.
Tôi cứ gật gù theo lời tâm huyết truyền cảm của phát thanh viên. Nghĩ lại Khiêm đúng vậy, vì bao năm bên nhau tôi hiểu rất kỹ con người này, cho dù mấy chục năm nay không còn điều kiện sống gần. Chắc chắn Khiêm vẫn là biểu tượng tốt, nhất định tốt- “Thật đáng khâm phục”. Cô phóng viên ngừng dây lát, xem chừng đến đoạn hệ trọng hơn, nói tiếp:
– Hơn thế nữa, Chủ tịch lại là đồng chí thương binh trong chiến tranh, mảnh bom thù phạt cụt gần hai ngón tay của một bàn tay, vẫn làm việc, không kém gì người lành lặn.
Kế tiếp, hình bàn tay trái chụp lên trên màn Ty vi to rõ, đúng vị trí hai ngón mà tôi cùng các đồng chí trực chiến lúc ấy băng sơ cứu, rồi kèm Khiêm tới phẩu thuật hồi đó, làm sao quên được. Tôi giật mình, chuyện ấy sao lại là thương binh nhỉ? định nói với bà xã ngay, nhưng thôi và cố theo dõi hết chương trình. Phải nói chương trình hay, ấn tượng và bổ ích cho dân… Mãn buổi xem, tôi dạo vài bước trước sân hè nhà cho thư thái. Ôi cái đêm miền quê nay khác xưa rất nhiều, chỉ riêng trời cao là vẫn giống, vẫn muôn vì sao nhấp nháy ngôi rõ ngôi mờ tit tắp giữa không gian sâu thẳm. Nhìn ra đường, hàng xóm điện sáng, tiếng xe máy ục hục về đâu, nhà ai đó mở loa hát nghe hơi bị to đấy, đôi đám chó sủa đâu đây chắc ai về muộn, hay ghé nhà nhau chơi quá giờ? Không còn nghe tiếng xay lúa giã gạo của ngày xửa ngày xưa nữa, có chăng chì còn trong chuyện cổ tích mà thôi. Cuộc sống đủ đầy thế này, đúng là ơn Đảng ơn chính phủ và có đóng góp thật sự của những cán bộ tài năng? Tuy nhiên… vài ngọn gió lành thổi qua vườn, nghe hàng cây trước ngõ lá rung đưa xào xạc, mà cũng không vơi đi, cơn oi bức bực trong lòng tôi.
Qúa canh hai rồi, tôi vẫn trằn trọc không thể nào ngủ được, hết đặt tay lên trán lại kéo xuống bụng sườn, với một suy ám “giỏi thì giỏi năng động thì năng động, cái gì cũng phải trung thực chứ và cứ tự hỏi mình, tin nghi lẫn lộn?” Vợ tôi biết hình như có vấn đề gì không ổn, nhưng không thể đoán ra, vì tôi nhất quyết không nói. Chủ nhật ngay tuần đó, tôi phóng xe máy đến nhà Khiêm. Vừa vào tới cửa sân đã nghe tiếng vọng từ trong ra:
– Tôi đoán thế nào Dũng cũng đến.
Nói rồi, Khiêm bước từ hè xuống ra tận đầu sân bắt tay tôi. Khi trong phòng khách chỉ có hai người, Khiêm chủ động:
– Hôm đầu tuần chương trình đài truyền hình tỉnh ta phát về mình? Chắc mày xem, bởi thế mà sáng nay đến gặp tao?
– Mình không bỏ bất cứ một tiểu tiết nào.
– Mình còn nợ Dũng và tổ chức một vấn đề, nhất định mình phải trả.
Khiêm nói, câu chuyện còn đề cập đến những điều xã hội bức xúc dân còn đòi hỏi, những điều khâm phục và hạnh phúc. Có một vấn đề mà không ai muốn nói ra trước, cái điều còn trên cả tế nhị bởi nó quá hệ trọng… Ở nhà mạnh bạo thế, nhưng khi diện kiến, bản thân tôi cũng ngần ngại lưỡng lự, đành để lửng. Cơm trưa xong, Khiêm bịn rịn tiễn tôi ra hết ngõ đầu làng mới quay vào. Mặc dù Chủ tịch tỉnh thực đó, mà Khiêm vẫn ở quê, đất cha ông để lại, cố nhiên nhà cửa khang trang hiện đại hơn nhiều. Bà con làng xã cũng mừng vì có ông đương kiêm Chủ tịch, nên đường sá đi laị bê tông hóa đẹp hơn, điện nước luôn bảo đảm thường xuyên hơn, mặc dù Khiêm không có ý chỉ đạo gì, nhưng các ngành chuyên môn trong tỉnh, huyện vẫn vậy. Ở đời bao giờ chẳng thế, xuân thu nhị kỷ thói quen ứng xử lấy điểm vậy rồi. Còn một năm nữa là nghỉ hưu theo luật định, Khiêm vẫn hết mình cho quản lý sáng tạo, chỉ đạo các ngành toàn tỉnh làm việc thật tốt. Quyết không một sao nhãng, thậm chí tính lùi theo kiểu hạ cánh an toàn như kiểu của một số kẻ cơ hội, vẫn còn ẩn khuất đâu đây… Sau một thời gian tự đấu tranh giữa bộ óc và trái tim của chính mình, tôi nhận ra con đường sáng ngời sinh khí, từ chân lý tình đời. Có thể hiểu nôm na: Ông trời cho một nửa và chí khí nghị lực của bản thân một nửa. Không nên tách ra để rồi khen chê mừng ghét ghen tâng, một cách tùy tiện. Tôi mãn nguyên và sẵn sàng…
* *
Nghỉ được chừng một tháng, Khiêm quyết định làm bản tường trình gửi Thường vụ tỉnh ủy về việc mấy ngón tay ở bàn tay trái bị đứt, không phải do mảnh bom thù phạt gãy mà do khi bản thân vô tình đập vào hạt nổ của viên đạn 12,7 ly, lúc bảo quản. Vào phẩu thuật, trót khai là… Khiêm tường trình rất đầy đủ nguyên nhân và được giám định vào loại thương binh hạng nhẹ nhất. Bao năm nay có ý giấu tổ chức để được ăn học làm việc. Giờ đây thấy hối nên xin trên cắt bỏ chế độ thương binh. Số tiền nhận theo hàng năm tuy không nhiều nhưng nguyện trả lại cho nhà nước. Phần dưới về nhân chứng, ghi có đồng chí Phạm Quang Dũng quê huyện bên, người bạn chiến đấu trực tiếp mang đi cấp cứu, khi tôi bị đứt 2 ngón tay ở chiến trường, mùa mưa 1971.
Cân nhấc rất kỹ Khiêm đến gặp tôi, bảo:
– Nhờ ông đọc lại và xác nhận cho tôi một cách trung thực, để tôi hoàn thiện ý nguyện của chính mình. Nếu không người làm chứng, ai tin? biết đâu có người lại cho tao làm trò, tự nghĩ ra độc chiêu, tạo một ấn tượng lịch sử để đời trong thiên hạ.
Cầm bản tường trình này, đọc mà lòng tôi se thắt, cảm động quá chừng, càng ngưỡng mộ nhân cách của một Đảng viên dám nhìn thẳng vào sự thật. Tuy nhiên, đắn đo hồi lâu, tôi kể chuyện xa một chút, Khiêm rất chú lắng nghe:
– Truyện Tam Quốc xưa, khi Tào Tháo đánh Viên Thiệu. Lúc đầu binh lực của Tào yếu mỏng hơn nhiều, nên một số tướng ngầm gửi thư cho Thiệu ý muốn thỏa hiệp đầu hàng. Sau đó Tào Tháo thắng, cái tủ mà do viên Thiệu giữ có chứa thư của một số tướng Tào gửi sang. Các quan văn đề nghị bóc ra để hành xử những kẻ ý hai lòng. Tào Tháo không nghe, còn ra lệnh đốt toàn bộ thùng thư đó. Tháo nói: Con người ta vào hoàn cảnh nguy rất dễ có vấn vương, cũng là lẽ thường ở đời… Sau này các tướng trung thành tuyệt đối với Tào, không một ai phản bội. Vậy có cần thiết phải làm như thế này không?
Khiêm gật gật đầu:
– Mình hiểu, ông vẫn tài nhớ chuyện văn học cổ khi xưa- Rồi đặt ngược lại:
– Nếu là Dũng, thì ông xử lý thế nào?
Tôi khề khà mà rằng:
– Mình á, kể cả tuyên dương anh hùng rồi lý do gì đó bị tước đi. Vài chén rượu mình quên tất, chẳng nặng nề cái tâm làm gì cho mệt.
Song cũng không thể đùa được, đây là chuyện nghiêm túc cũng cần phải ngọn ngành cho bạn thấu hiểu thêm. Tôi phân tích kỹ:
– Trong chiến đấu việc lỡ, như không may bị thương dù ở phía nào thì vẫn là nỗi đau chung. Không phải tự mình cố gây nên, càng không phải tự hủy hoại một phần cơ thể để thoái vị chiến đấu. Mình chứng kiến lòng tốt của bạn, sự trung thành của Khiêm với Đảng ngay từ lúc cả hai cùng chạy vào Trạm phẩu thuật cấp cứu. Mong sớm lành để trở về chiến đấu, nhưng rồi Quân y lại quyết theo một hướng khác, bản thân Khiêm bất khả kháng. Biết đâu trong cái rủi đấy của bạn, lại là cái rất may cho xã hội. Từ đó cả một chuỗi phát triển không ngừng của Khiêm, để lại dấu ấn kinh tế, chính trị rất lớn cho dân tỉnh ta. Nhà nhà ai cũng giàu thêm, người người càng phấn khởi hào hứng mặn nồng.
Nghỉ một lát, tôi tiếp với giọng của cựu chiến binh, trung thẳng:
– Từ khi lớn lên mình biết tỉnh ta đã qua 6 đời Chủ tịch, tất cả đều không làm được như Khiêm, bởi họ còn bị hạn chế ở mặt này mặt khác. Dấu ấn của bạn, trong lòng nhân dân toàn tỉnh về một cán bộ trong sạch đức tài trọn vẹn, góp phần làm cho dân giàu tỉnh mạnh, không ai có thể phủ nhận. Mình sẽ xác nhận vào đề nghị trong bản tường trình, cho bạn thỏa lòng, nhưng cũng đề nghị không được gửi cái đơn đó cho Thường vụ tỉnh ủy. Trân trọng tình bạn, mong Khiêm giữ đúng lời hứa với mình.
Đăm chiêu suy nghĩ rồi Khiêm gật đầu và tôi viết ngay vào phần làm chứng ở cuối tờ giấy Khiêm đưa, đúng với những gì mà bản thân vừa nói với bạn, ký tên Dũng. Chần chừ đắn đo thêm giây lát, Khiêm bảo:
– Mình sẽ trích vài chục triệu góp vào quỹ từ thiện của xã mình, làng mình để tu bổ thêm khu nhà trẻ của làng. Coi như đã trả lại mấy chục triệu tiền thương binh, mà từ trước đến nay mình nhận. Bạn thấy được không?
Hai mái đầu ngày nào còn trẻ xanh, hăng hái xốc tới mặt trận không chút ngại ngùng, nay đã hoa râm đang kề sát bên nhau, nghe rõ từng nhịp thở rất sâu rất lắng. Tôi không nói gì thêm, tần ngần xúc động trước nghĩa cử hào hiệp của người bạn người đồng chí, từng chung trong cảnh ngộ chiến tranh và hòa bình.

Tháng 4/2015
Tác giả: Lê Hữu Bình – Giọng đọc: Hùng Sơn

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *