Bài nổi bật

Vòng vía – Bùi Thị Như Lan

Truyện đêm khuya – Bức tranh bản Mạ vùng cao trước nạn khai thác quặng bừa bãi được tái hiện. Truyện ít chi tiết, biến cố, tình huống, duy có chi tiết người đàn bà bị đẩy xuống từ chiếc xe bóng nhoáng. Chi tiết có tính điểm nhấn báo động về cái ác không những hiển hiện mà còn hoành hành tác oai tác quái nơi vùng rừng heo hút vốn bình yên. Cảm nhận sau những trang văn là tiếng thở dài của nhà văn về buồn vui, khổ đau của mỗi phận người

Đêm tháng năm. Gió mang hơi thở của đá từng đợt, từng cơn ào ạt trượt từ núi xuống, ùa ập vào nhà sàn, nhấc bổng hương thơm man mác của gạo nương bay lượn. Gió lùa ngón tay vô hình bới mái tóc, làm những sợi tóc màu mây trên trán ta dựng ngược lên, nghiêng ngả, rối tung. Gió vô tư lôi nhau lách qua vách ngăn, vào trong buồng, miên man cùng mé thằng con ta đếm tháng ngày trôi. Gió mơn man ve vuốt gương mặt vô tư, trong trẻo rồi nhẹ lướt ngang người con trai, vỗ nhè nhẹ cho nó trôi vào giấc ngủ say nồng. Gió nô đùa cùng vật dụng trong không gian nhỏ bé của lòng nhà, ngân lên tiếng lanh canh bay bổng… Bất chợt, gió thích thú nhởn nhơ leo lên những cây cột gỗ, ôm ấp, bủa vây, hòa quyện vào quầng sáng diệu kỳ từ vòng vía của con trai lắc lư, nhảy nhót làm nên vũ điệu ảo huyền, sống động…
Ta khẽ thở dài, bó gối lặng lẽ ngắm thằng con say sưa ngon giấc. Gương mặt nó ngời ngợi, bừng rạng. Lửa bếp, nhập cùng hồn sáng vòng vía con đeo trên người, tạo quầng sáng phiêu diêu, xoay chuyển trong không gian nhỏ bé của gia đình ta. Con trai à, còn mấy ngày nữa là con bước vào thời khắc làm thằng trai mười sáu tuổi. Cái tuổi ấy ta tính từ lúc bồng con trên tay.
Nhanh thật! Vừa mới hôm nào con tựa như cây mầm nhỏ nhoi, yếu ớt chồi lên trên đá, qua bao tháng ngày đồng hành cùng nỗi cay cực của ta mà lớn dần lên, phổng phao. Bây giờ con là thằng bé khôi ngô, tuấn tú, thông minh… Ừ, nhìn con lớn lên từng ngày mà ta thấy những vết cắt tứa máu trong lòng thành sẹo. Cái sẹo ấy tuy chai lỳ, sơ cứng trong bụng ta, thế nhưng mỗi năm một lần, vào độ tiết trời đầu hè đong đầy gió thì sẹo lại sưng tấy, nhức buốt như thể có ai đó cầm cật giang, cật nứa cắt cứa, băm vằm.
Giá như ta có thể chia sẻ cùng con thì tốt biết mấy! Là ta nghĩ thế thôi con ạ, nếu con có hỏi thì nếp nghĩ trong đầu ta sẽ mất phương hướng, ta trả lời quanh quoéo, qua quít, rồi biến thành người nói dối trước sự trong trẻo của con thôi. Ta đã từng dối trá rồi phải không con? Nhưng mà ta không thể nói ra sự thật phũ phàng ấy, vì ta lo nếu như ta nói ra những điều chưa thể nói thì sự tủi thân, hờn giận của con bùng nổ, kéo theo những hệ lụy khó lường. Và biết đâu đấy, từ cay đắng, phũ phàng, con không thể trở thành thằng trai đi bằng đôi chân vững chãi trên đá núi, mây ngàn này…
Ngày con là thằng bé tóc khét mùi nắng, con hỏi ta, sao mé không biết nói, cười mà suốt ngày giống như cái bóng lầm lụi thế? Bàn chân mé sao chỉ có một bên thôi? Còn một bàn chân nữa đâu rồi? Sao nhà mình không có họ hàng bên ngoại hả cha?… Những câu hỏi vu vơ của con làm bụng ta có lửa cháy. Con hỏi mãi, hỏi nhiều lần làm ta bối rối, ta thở dài rồi bảo, con ăn nhiều vào, sau này cao lớn ngang ta thì con sẽ biết thôi. Từ hôm ấy, con không hỏi nữa nhưng thư thoảng đo chiều cao với ta.
Lâu rồi ta nghĩ con quên lời hỏi, không nhớ chuyện chiều cao nữa, thế nhưng ta đã nhầm phải không con? Mấy ngày trước con bảo cao hơn ta rồi, con muốn biết chuyện về mé… Hóa ra, con vẫn canh cánh nỗi buồn mà không nói. Ta phải nói với con thế nào đây? Mười sáu năm qua đi mà cái tên mé con ta không biết, bà ấy ở nơi nào đến đây ta cũng không rành, vậy thì làm sao ta có thể nói ngọn ngành cùng con?
Ta những tưởng cuộc đời của một gã trai trẻ bị lưỡi lửa nơi thâm sơn cùng cốc liếm quanh sau vụ cháy rừng năm xưa sẽ an bài với định mệnh. Lửa làm cho ta mất cha mé. Lửa ngăn ước mơ trở thành thầy giáo bản của ta… Nếu như gương mặt, thân thể ta không bị biến dạng méo mó, dị mọ thì ta cũng sẽ có một cuộc sống khác, một cuộc đời rộng mở…Nhưng ta không buồn vì điều ấy. Ta còn sống được ở bản Mạ này là may mắn và phúc phần rồi, ta đâu mong mỏi gì hơn? Và ta có một mái ấm gia đình cùng hai mé con. Thế là mãn nguyện lắm rồi.
Ừ, cũng vào một chiều nhập nhoạng giữa lằn ranh của ánh sáng và bóng tối trong tiết trời ăm ắp sương, cuộc sống đơn thân của gã đàn ông như ta đổi khác bởi sự xuất hiện của mé con cùng sinh linh bé bỏng là con. Dường như tạo hóa trao con vào tay ta như một sự ngẫu nhiên nhưng không vô tình. Ta ôm ấp, đón con trong vòng tay chai sần, gân guốc mà ngỡ lạc vào cõi mê. Tiếng khóc của con yếu ớt giữa gian nhà tràn căng trống trải làm tâm can ta rối bời. Đấy, mùa nối mùa chạy qua, nhưng cái nút thắt ngày ta có hai mé con vẫn nguyên sự thảng thốt, bàng hoàng…
*
*   *
Bản Mạ của ta nằm vắt ngang sườn núi Phja Vài, bao quanh là rừng đại ngàn xanh rợp chân mây. Từ đỉnh núi đặc sương ngó xuống, bản tựa con ngựa khoang, cổ đeo chuỗi lục lạc hoa trắng, đầu vươn cao, bờm dựng ngược hòa quyện vào ngút ngát mây, bốn vó của nó vững chãi nhoài bước từ những khoảnh màu nham nhở đỏ, lam, vàng…về hướng mặt trời. Trên mình ngựa khoang cõng những nếp nhà sàn bốn mùa rực rỡ hoa trái, thấp thoáng mây bay.
Nhà ta ở giữa đỉnh đầu của ngựa khoang, là nơi cao nhất bản, cũng cao nhất xã. Nơi này giáp ranh với hai xã liền kề, thế nên người bản gọi bằng cái tên nôm na ngã ba đầu ngựa. Người trên núi xuống, người dưới thung lên thường lấy nhà ta làm chốn dừng chân, uống chút nước lá mát, ăn vài ba trái cây trong vườn, lấy lại nhịp thở trước khi bước tiếp hành trình.
Từ khi bản Mạ có con đường láng nhựa chạy vòng quanh, leo qua những con dốc dài, dốc ngắn lên bản Nà Xa, Nà Háy…trên đầu nguồn con nước, rồi thong thả xuôi thị trấn thì cuộc sống người dân đỡ khổ. Xuống huyện không phải đi bộ như trước, có ô tô khách đón đầu bản. Nhiều người trong bản bây giờ khắc tự đi bằng xe máy. Có con lợn, con gà, quả hồng, quả quít… không phải cho lên lưng ngựa thồ đi bán từ nửa đêm như ngày trước nữa. Nhiều thương lái dưới chợ huyện lên nhà hỏi mua. Nếu không bán cho họ thì cứ mang ra ngoài rìa đường bày bán cũng có người mua. Thuận tiện lắm.
Vẫn biết cuộc sống khá lên, thế nhưng bản Mạ không yên bình. Những con đường mòn trên núi, trong rừng bỗng rộng rênh mãi ra. Ô tô chở hàng kêu phành phành lên xuống đông như mùa cây rụng lá. Người lạ ở đâu đó già trẻ, trai gái kéo đến từng tốp, từng hàng đông lắm. Họ đến núi Phja Vài để đào đá, lấy quặng từ trong lòng núi chở đi. Người từ các bản trong vùng bỏ ruộng nương, nườm nượp vào khoét núi, cõng quặng thuê. Đi làm lấy tiền nhanh hơn trồng ra hạt thóc, bắp ngô. Cái bụng nhờ có tiền mà căng đẫy. Trẻ con các bản xung quanh núi Phja Vài mới hơn chục tuổi đã bỏ học chữ, mê mải theo chân người lớn kiếm tiền.
Ngày trước bản Mạ êm đềm, thanh bình, bây giờ bỗng trở nên huyên náo trong vòng xoáy của người, xe cộ. Bản trên cao mà bụi ngày một nhiều. Quầng bụi đỏ ối một vùng. Bụi bám vào lá rừng dày đến nỗi cành cây trĩu xuống. Đến mùa mưa lá cây mới được gột rửa, nước chảy xuống khe núi đỏ rực. Suối Nậm Ri chạy qua cổ con ngựa ngày trước đeo lục lạc màu trắng, bây giờ cũng bị nhuộm đỏ. Người bản mỗi khi ra đường về nhà là đầu tóc, quần áo phủ dày bụi. Cũng vì thế mà ngày nắng ráo cũng như khi mưa to hễ có việc ra đường đi xuống chợ, hay đến nhà đám ăn cỗ là khoác áo mưa.
Ta không biết ông chủ khai thác quặng là ai, nghe người bản kháo nhau, ông chủ áng chừng hơn ba mươi tuổi, đầu cạo trọc, cái bụng phưỡn về phía trước nặng nề như người đàn bà mang bầu sắp đến kỳ ở cữ. Nghe nói đây là cháu vợ của một vị chức sắc to lắm. Là nghe phong thanh thế, chứ thật giả ra sao cũng không nắm rõ. Người bản nói thế thì nghe thế. Ông chủ thoắt ẩn, thoắt hiện, thư thoảng lên trên này bằng chiếc xe ô tô đen nhoáng. Nó chỉ to bằng ba tảng đá mồ côi cộng lại, thế nhưng chạy nhanh hơn con chim bay. Việc cai quản, thuê người khoét quặng trong núi do khoảng hai chục người đàn ông, mặt mũi ai cũng bặm trợn, hùng hổ. Trong đám ấy, người có vết sẹo chạy từ đuôi mắt xuống cằm làm thủ lĩnh.
Quặng khai thác xong chở đi đâu thì không ai biết. Người ta đục núi lấy quặng để làm gì thì ai mà biết được. Cũng không biết ai cho phép họ vào cày xới rừng, khoét rỗng núi như thế. Người dân hỏi chủ tịch, bí thư xã thì bảo, ông chủ có giấy trên tỉnh, trên huyện cho phép rồi. Cái giấy phép ấy ai là người kiểm tra? Chịu thôi, không tò mò. Người bản là thế. Không phải việc của nhà mình hay của dòng tộc thì cũng không thắc mắc nhiều cho cái đầu nó nặng. Vả lại, từ khi mọc ra chỗ khai thác quặng thì dân quanh vùng có việc làm, kiếm tiền dễ như người ta nhắm mắt, mở mắt, thế nên cái miệng cứ thế ngậm lại.
Người bản không nghĩ nhưng cái đầu của người làm công an xã thì phải nghĩ nhiều. Địa bàn này giáp ranh các xã trên núi Phja Vài, cách nơi khai thác quặng vài trăm nhịp thở thôi. Từ ngày bổ bụng núi lôi quặng ra, đẻ ra nhiều chuyện phức tạp. Ngày trước người bản đi ra khỏi ngõ, nhà mở cửa không phải đóng. Trâu, bò thả vào rừng khắc lớn, đến chiều tối thì lùa đàn, con nọ nối đuôi con kia tự kéo về chuồng. Con gà, con lợn thả rông chật vườn. Nhà nào cũng có nhiều, chẳng ai lấy của hàng xóm mang về nhà mình.
Bây giờ nạn trộm cắp, cướp giật diễn ra thường xuyên. Chuyện mất trâu, bò, dê, gà… ở quanh vùng xảy ra như người ta ăn cơm. Đấy, vừa mới hôm trước lực lượng công an, dân quân xã phải tập trung trấn áp đám người dữ dằn, họ vì một vài bao quặng nhặt lại ở bãi đá thải mà chém nhau đến sứt đầu, mẻ trán. Người bản ở trong nhà của mình mà giật mình. Đêm ngủ chập chờn, không đẫy giấc, lo thằng trộm đến cướp miếng ăn của con cháu. Gà chưa lên chuồng đã phải cài then, khóa cổng… Mà canh chừng người gian thì khó lắm, mình ở chỗ sáng, còn nó ngồi chỗ tối rình mò.
Ôi dà! Nhiều chuyện lắm, toàn điều không hay, không muốn nhắc đến. Thế nên anh Sỉnh, Trưởng công an xã mới đề cử ta làm công an viên. Ừ, làm việc gì tốt cho dân bản thì làm. Ta nói với anh Sỉnh, em tham gia giữ an ninh thì thích rồi, chỉ hiềm một nỗi, cái mặt em nham nhở, nhăn nhúm dị dạng thế này, có ngại không? Anh Sính khoát tay, nói chắc như đinh đóng cột: “Mặt mũi em thế là do cứu rừng, vùng này ai mà không biết. Làm việc này phức tạp, đụng chạm nhiều. Cốt cái tâm sáng, nếp nghĩ tốt, người đi chắc, đứng thẳng…”.
*
*   *
Chiều ném bột tím vào rừng. Những sắc tím pha bụi đỏ mênh mang, phiêu diêu đậm dần, trải dài vô tận trong không gian tràn gió. Sương tí tách rơi. Bản trên cao là thế. Tiết trời vào đầu hè rồi nhưng nắng tới muộn, có nơi lá rừng chưa với được nắng mà bóng chiều lại đến rồi, sương cũng lũ lượt rủ nhau kéo về nhanh. Ngày ngắn mà đêm dài. Ta nhẩn nha, chậm dãi thong thả địu bó lá từ rừng về nhà. Năm nào trước ngày mùng năm, tháng năm như đã thành thông lệ, người bản không đi đào quặng thuê nữa mà nô nức vào rừng hái lá. Hái lá đủ cho nhà mình xong, hái hộ nhà người khác. Lá thì nhiều loại, dùng nhiều việc. Lá mát để đun nước uống sáng sớm cho mát mẻ, không mụn nhọt. Lá ngâm gạo nếp làm xôi ngũ sắc cúng tiên tổ… Riêng lá “Mạy ta lạng” nhà nào cũng phải leo lên núi lấy bằng được mang về, để từ tờ mờ sáng mùng năm, trước lúc mặt trời lên, cắm xuống nương ngô, ruộng lúa ngăn sâu bọ phá hoại.
Còn chừng hơn hai sải chân là ta trượt dốc rừng xuống đường. Tiếng ô tô gầm rú vang rền trời đất đập vào tai làm ta nhăn mặt. Đã cuối ngày mà ô tô bốn chân, sáu chân địu quặng vẫn đua nhau chạy ầm ầm trên đường núi. Bỗng tiếng rít “Ke…e..e…ke…é…t…két…” chói tai thảng thốt dội vào đá, rơi vào hoang vu…
Ta nhìn sững vào chiếc ô tô đen nhẫy, nó không to kềnh, không địu quặng, mà tựa con bọ giang khổng lồ thôi. Chẳng biết trong bụng nó có nhiều người không, thế nhưng sau tiếng rít, có ai đó đẩy người đàn bà từ trên xe xuống giữa đường, người ấy chưa kịp đứng dậy, nó lao vút đi như tên bắn.
Tích tắc bất thường ấy chưa qua nửa nhịp thở, cái mắt ta chưa kịp chớp, người đàn bà lồm cồm khom lưng đứng chưa vững thì từ phía sau, ô tô cõng quặng lao tới, hất người ấy ngã lăn ra… Âm thanh rú rít của ô tô nặng quặng gào lên hoang dại, rầm rầm lao nhanh xuống núi, để lại phía sau người đàn bà bất tỉnh, máu tuôn đầm đìa giữa đám bụi đỏ quạch trong trời chiều…
Bàng hoàng, thảng thốt. Ta cuống cuồng gọi anh Sỉnh mang xe máy, bế người đàn bà có cái bụng lùm lùm, máu me be bét xuống bệnh viện huyện… Người ấy là mé con. Mé con không giấy tờ tùy thân, chỉ có chiếc bộc vải, trong đó đôi vòng vía bằng bạc được bọc kỹ giữa mớ quần áo hỗn tạp cùng một nửa chiếc ảnh bị xé.
Mà đôi vòng vía ấy khác nhau đến lạ kỳ. Một chiếc vòng vía hình hoa mộc vương nhỏ nhắn, giản dị, đẹp thanh tao. Chín bông hoa dính kết cùng chín chiếc lá, tựa như đang tỏa ra hương thơm dìu dịu, quyến rũ.
Còn chiếc vòng vía thứ hai to hơn vòng vía bình thường. Trên mình nó là hai con rắn có mào, chụm đầu, thè lưỡi nâng hình mặt trời. Những đường nét chạm trổ tinh vi, cầu kỳ, khiến cho từng chiếc vảy trên mình hai con rắn nom rõ nét, như thể nó đang oằn mình trườn tới. Song, điều đáng sợ hơn đó là mắt đôi rắn này ánh lên tia giận dữ, quoái đản, rõ khiếp.
Không biết có phải do ông “phạ” thương mé con mà ngay sáng hôm sau, con đã cất tiếng khóc chào đời trong tiếng dao kéo rợn người cùng mùi thuốc ete nồng bay. Ngày hôm ấy là Tết Đoan Ngọ, mùng năm, tháng năm. Năm ấy, lần đầu ta không làm xôi ngũ sắc cúng tổ tiên, không đun lá mát, không cắm lá xuống ruộng… Ta ở trong bệnh viện chăm sóc hai mé con. Dường như, do duyên trời định, nên ta không mảy may suy nghĩ khi nhận với các bác sĩ bệnh viện ta là chồng của mé con, là cha của con.
Hai mé con con nằm viện ba tháng thì ta đón về nhà. Bác sĩ dặn dò kỹ, mé con bị ch?n thương não, giờ đã ổn, nhưng không được làm mé con suy nghĩ, lo lắng. Nếu sống trong môi trường vui vẻ, hạnh phúc ấm êm, sẽ biến chuyển tốt.
Ta không biết tại sao mé con không nói được, cũng không hiểu có phải do tai nạn gây ra hay là mé con không biết nói từ trước. Mười sáu mùa nắng mưa qua đi, mười sáu lần làm Tết Đoan ngọ, thế nhưng không một lần cái miệng mé con biết nói. Ta không biết mé con vui hay buồn, sướng hay khổ khi sống dưới mái nhà cùng ta. Cho đến bây giờ ta không phân định nổi, tình cảm ta dành cho mé con như thế có đúng không?
Làm sao đếm nổi những đêm ta thao thức ngồi tựa khung cửa trước buồng mé con nằm. Nghe rõ tiếng thở thao thiết của mé con nhưng ta không thể cất bước vào trong ấy. Vì sao ư? Vì ta tôn trọng sự lựa chọn của mé con. Cho dù mé con không nói ra, nhưng ánh mắt, cử chỉ của buổi sáng làm đầy tháng tuổi cho con đã nói rồi…
Sáng ngày Tết Đoan Ngọ năm con là đứa bé bảy tuổi. Cái tuổi mang vía lành của bé trai. Nắng vàng nhảy nhót trên tán lá rồi miên man chảy tràn khắp bản. Chim bách thanh hót ríu ran. Ta thắp hương trên ban thờ, xin tổ tiên đeo vòng vía của dòng tộc họ Lý cho con. Có lẽ khắp vùng núi Phja Vài này không người nào lại đeo ba chiếc vòng vía như thế. Con vừa ăn xôi ngũ sắc, vừa thích thú reo ầm lên vì có nhiều vòng bạc đẹp trên người. Tiếng cười rộn vang của con lan sang ta, sang mé con. Lần đầu ta thấy mé con cười.
Lúc ấy, bỗng nhiên cái miệng ta như có gió thổi. Ta nói nhiều, nhiều lắm, rằng ta thương hai mé con, rằng con đã là người họ Lý rồi, ta muốn bù đắp thiệt thòi cho hai người… Mé con nhẫn nại nghe, đến lúc ta cầm tay thì mé con rụt lại, gương mặt thoắt trắng bệch, miệng ú ớ muốn nói điều gì đó mà không thể nói được, mắt mé con ánh lên sự hoảng hốt. Bất ngờ, mé con vào buồng, lấy tấm ảnh xé đôi còn hình mé con, nhìn đăm đắm vào đó rồi òa khóc tức tưởi, con ôm chầm lấy mé khóc ré lên. Tiếng khóc của hai mé con như có trăm ngàn mũi tên nhọn bắn vào ta, cắt cứa, băm vằm vụn vỡ nếp nghĩ của ta… Từ đấy ta sống cùng hai mé con, chăm sóc con mà không than vãn, không ảo tưởng, không trách cứ…
*
*   *
Thoắt đấy mà đã mười sáu năm. Bây giờ con học lớp mười một dưới trường nội trú huyện. Nhìn những tờ giấy khen dán trên vách gỗ, đủ nói lên con học giỏi đến nhường nào. Bước chân con phầm phập, rung chuyển cầu thang, tỏa ra sức vóc thằng trai khỏe khoắn. Không bao lâu nữa con sẽ như cánh chim bay đi xa, học cái hay, điều tốt. Giờ thì nỗi lo tụi người khai thác quặng thổ phỉ không còn nữa. Công an từ tỉnh xuống huyện, đến xã phối hợp với lực lượng chức năng giải tỏa khu vực khai thác quặng hơn chục năm nay rồi. Mỏ quặng trong bụng núi Phja Vài đã được ngủ yên.
Thế nhưng, vết sẹo trong ta vẫn bỏng rát. Ta canh cánh nỗi lo chưa tìm ra người đẩy mé con xuống đường. Người ấy có biết mé con không? Sao mé con lại ngồi trong chiếc xe sang trọng ấy? Còn người lái xe chở quặng cán mé con nữa… bây giờ họ ở đâu? Lương tâm họ có lúc nào đó cắn dứt không? Có phải mé con không biết nói từ trước, hay di chứng tai biến của tai nạn khiến mé con trở nên im lặng? Tấm ảnh xé đôi kia, người bí ẩn là ai?… những câu hỏi nhức buốt ấy xoáy tròn, cuộn lại rồi làm kén trong đầu ta… cho đến trưa nay.
Nắng nhuộm vàng núi rừng. Nắng kéo người lạ vào ngõ nhà ta. Bước chân lên cầu thang rón rén, nói lên cái chân quen đi đường bằng. Ta chưa kịp mời ngồi, thì người ấy bước tới, thả phịch thân hình phốp pháp xuống phản gỗ, cái miệng thở như bễ lò rèn, lúng túng:
– Chào công an xã.
Thoáng chút nhăn trán, nếp nghĩ trong đầu ta căng ra, rõ ràng người này chưa gặp bao giờ. Ta vừa chọn đỗ, vừa thủng thẳng:
– Ừ, uống nước đi, vừa pha đấy. Lên nhà ai chơi thế, còn đi xa không?
Cái đầu người lạ quay trước, ngó sau tựa như con sâu đo, rồi ậm ừ: – Lên trên xã này thôi.
Ta thăm dò: – Qua đây báo tạm trú à? Khách nhà ai đấy? Khách bản thì chủ nhà khắc báo mà.
Gương mặt đỏ au của khách thoáng ngẩn ra, bối rối. Người ấy ngập ngừng:
– Đến nhà công an xã nhờ một việc. Mong giúp cho…
– Có gì mà phải rào đón, cứ nói đi.
Người lạ thở dài thườn thượt, mặt thoáng biến sắc, tay người lạ run run, chìa ra nửa tấm ảnh bị xé. Trong nhịp thở gấp gáp, người ấy bảo, là lái xe cho người đàn ông trong ảnh, rằng người đàn ông này đang mắc bệnh ung thư di căn, mạng sống đếm từng ngày thôi. Ông ấy là chủ khu khai thác quặng trong núi Phja Vài ngày trước. Gia đình ông ta giàu có, nhưng bất hạnh. Hai người con trai của ông ta chết trong nghiện ngập. Ông ấy mong trước khi nhắm mắt, gặp người phụ nữ…
Ta sững sờ. Ngực ta thoắt đau nhức như thể ai đó đang cầm đá nhọn ghè vào.
Từ trong buồng, tiếng đập chân bành bạch liên tục dội ra, rồi tiếng khóc ai oán cất lên. Tiếng khóc như những vết dao liên hồi chém vào đá. Mé con khóc.
Miệng người lạ vẫn tuôn lời như thóc rơi vách máng.
Mé con cà nhắc thậm thịch nhào ra, một tay cầm cây gậy gỗ, tay kia nửa chiếc ảnh ố vàng, ném phịch xuống sàn nhà, mặt tím bầm giận dữ, cái miệng nhỏ nhắn liên tục há ra rồi ngậm vào… chừng mấy phút rồi đột nhiên, gào lên hoang dại:
– Ô…ô..ng…ông.. Th…ải… ông… đi ra… tôi kh…ông không…quen, …khô…ông…không…không quen… đi…cút đi…
Người lạ hốt hoảng đứng phắt dậy, cái chân lùi dần…lùi dần rồi bổ nhào ra cổng trong tiếng nức nở, thổn thức của mé con.
*
*   *
Đêm khuya. Những hạt sáng li ti từ vòng vía của con trai ngày thường bàng bạc, hai dòng xanh trắng lấp lánh như sao sa, bỗng nhiên đêm nay hồng rực lạ kỳ. Từng hạt, từng hạt như những cánh hoa hồng quấn quít, ôm ấp, loay xoay làm thành vòng tròn đỏ rực phiêu du, bay bổng. Và kìa, mé con đã ra ngoài từ bao giờ, dang tay tung hứng, loay xoay theo vũ điệu huyền diệu vòng vía, miệng mé con khe khẽ hát, gương mặt ngời ngợi trong tiếng gió ào ạt thổi.
Thịnh Đán – Tháng 4/2016
Tác giả:Bùi Thị Như Lan – Giọng đọc: Minh Nguyệt

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *