Bài nổi bật

Vượt bảy bậc cầu thang

RadioVn.Com – Tôi thấp thỏm theo ánh mắt của con gái trước túi quà sinh nhật. Mọi lần con bé mừng rỡ đón quà từ tay cha mình, lần này nó im lặng. Sự im lặng làm khuôn mặt hồn nhiên kia như có quầng xám rất mảnh trùm lên. Nét buồn ấy không phù hợp với đứa trẻ bảy tuổi chút nào. Nó làm cho mảnh đạn còn nằm lại trong cơ thể tôi bỗng dưng đau nhói. Con bé nói: “Bố bảo năm nay mẹ về cơ mà, con chỉ muốn mẹ về chứ không muốn nhận quà nữa”…

Nó ngúng nguẩy lắc đầu tuột cả bím tóc. Những ngọn tóc ngắn xổ tung xoắn vặn, cứ dằm dặm vào khoảng u uất trong tôi. Sự phản ứng của con làm tôi lúng túng. Vừa buộc lại tóc cho con, tôi vừa chống chế: “Bố cứ nghĩ năm nay mẹ con về, nhưng họ chưa cho mẹ về thì bố biết làm thế nào, ta đành chờ thôi con ạ”. Nó phụng phịu áp má vào ngực tôi gật đầu nhè nhẹ. Con bé xa mẹ lúc chưa đầy ba tuổi. Hình ảnh người mẹ còn mơ hồ trong trí nhớ của nó. Năm đầu, trước khi ngủ bao giờ nó cũng bắt tôi kể chuyện về nàng. Những mẩu chuyện đã thuộc làu nó vẫn bắt kể lại. Bây giờ, giá con bé đừng ngồi hàng giờ ngắm bức chân dung của mẹ nó, giá đôi mắt nó đừng giống nàng như bản sao, có lẽ tôi đỡ buồn hơn chăng. Cái sự buồn cứ kéo tahời gian quay lại để giày vò tôi…
Năm ấy, mới chớm tháng sáu dương, nắng nóng đã như hắt lửa vào muôn vật. Quên cả khóa chiếc xe đạp duy nhất của hai vợ chồng, tôi vội vào nhà hồ hởi nói với vợ: “Em ạ, mọi người bảo nuôi vẹt Úc được lắm, chúng sinh sản rất nhanh. Trừ mọi chi phí, mỗi đôi bán đi cũng lãi mấy chục ngàn”. Ngừng một lát thăm dò ánh mắt vợ, tôi say sưa nói tiếp: “Thằng bạn anh chuyển gia đình vào Vũng Tàu, nó nhượng số vẹt cho mình chỉ bằng giá ban đầu, toàn bộ  lồng inox nó cho tuốt”. Miên vừa pha nước mát cho tôi vừa chậm rãi: “Cố kham khổ một chút cũng ổn anh ạ. Chúng mình đã mấy lần thay đổi chăn nuôi rồi. Nào nuôi lợn trong bếp, nuôi chó cảnh giữa nhà, bây giờ nuôi vẹt thì để ở đâu?”. Tôi quả quyết: “Anh đã có cách”. Thấy tôi tự tin, Miên chỉ khẽ thở dài.
Mới một tuần, căn hộ hơn mười mét vuông tanh nồng mùi phân vẹt. Lãi lời chưa biết, chỉ thấy con gái vừa bị ho vừa nổi mẩn khắp người vì bọ mắt cùng lông vẹt bay khắp nhà. Tiếng lũ vẹt lích rích không còn vui tai như mấy buổi đầu nữa. Tôi lại thuê xíchlô chở tất cả số vẹt ra công viên, thả bấy nhiêu hy vọng cải thiện cuộc sống lên trời.
Biết chồng trằn trọc, Miên thì thầm: “Cơ quan em đang có đợt xuất khẩu lao động. Nếu anh đồng ý, em sẽ xin đi đợt tới”. Xoay người lại kéo vợ áp vào ngực mình, tôi vỗ nhẹ lên vai nàng, như  dỗ dành sự bế tắc của chính mình: “Nhà máy anh cũng xôn xao chuyện đi lao động ở Nga. Là thương binh nên anh không được đi, nhưng để em vất vả anh chẳng muốn”. Nàng lại thủ thỉ: “Để cuộc sống gia đình mình khá hơn em không sợ vất vả đâu…”.
                                         *
Hôm tiễn nàng, trời đang nắng gắt bỗng giông gió mù mịt. Không gian xám đục, bầu trời như thấp hẳn. Bên ngoài mưa ập xuống xối xả, trong phòng làm thủ tục trông Miên càng tiều tụy. Giọng nàng ngập úng trong nước mắt: “Anh đừng lo làm thêm nữa nhé… Thường xuyên gửi thư và ảnh hai cha con cho em… “. Tự tin, tôi nói để nàng yên tâm: “Cha con anh sẽ ổn cả, chỉ lo cho em thôi. Bên ấy lạnh lắm, em đừng phong phanh nhé”. Nàng chỉ khẽ gật đầu.
Miên vẫn ôm rịt con trong lòng. Hình như con bé biết cha mẹ đều không vui, nhưng nó chưa hiểu gì về sự chia ly. Đôi mắt thơ dại ngơ ngác hết nhìn mẹ lại nhìn cha. Dòng người lục tục xếp hàng trước cửa số 6 để vào phòng chờ lên máy bay. Người ra đi, người ở lại nháo nhác. Phút chia li không ồn ã, chỉ thấy tay nằm trong  tay, mắt lắng trong mắt. Ai cũng gấp gáp nói thêm với người thân những điều cần nói. Thuở là lính trinh sát đã luyện cho tôi sự bình tĩnh tuyệt đối, nhưng khi loa phóng thanh gọi tên nàng lại tập trung thì tôi không còn bình tĩnh được nữa. Tôi ôm cả hai mẹ con áp vào ngực mình. Con bé khóc thét khi tôi đỡ nó từ tay nàng.
Trời tạnh hẳn. Gió lùa những triền mây cuồn cuộn về hướng biển. Chiếc máy bay chở nàng đã mất hút trong triền mây ấy. Tôi cõng con thất thểu trong sự trống chếnh bao trùm quanh mình…
                                        *
Hồi chưa có Miên, mọi người quanh tôi thường bàn tán: Chắc cậu này mắc bệnh  “không thích gái”, chẳng thấy mắt tròn mắt dẹt trước cô nào! Thực ra, nhiều lúc tôi cũng rạo rực trước nét quyến rũ của vài thiếu nữ đã quen, nhưng chỉ chốc lát cảm giác ấy tan ngay. Chính tôi cũng không hiểu vì sao mình vẫn dửng dưng với việc lấy vợ, trong khi thằng Lục cùng tuổi đã vợ con đàng hoàng.
Lục với tôi thân nhau từ bé, cùng nhập ngũ một ngày, cùng đơn vị chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Xuất ngũ, tôi đi học vận hành máy lạnh, Lục về quê lấy vợ, sau đó kéo gia đình lên làm kinh tế tận Mường Vải. Năm đầu tôi lên thăm, thấy vợ con bạn nheo nhóc mà hãi. Là người luôn tìm cách vượt khó, nên chỉ vài năm Lục đã vực kinh tế gia đình mình khá hẳn.
Tại nhà Lục tôi gặp Miên, giáo viên trường tiểu học Mường Vải. Miên săn chắc thon gọn trong trang phục dân tộc Mường, búi tóc dày sau mấy ngấn cổ cao, càng tôn lên phong thái đoan trang dung dị của nàng. Vợ chồng Lục cho biết bố mẹ Miên mất vì đất lở từ ngày nàng còn bé. Dì ruột ở vậy nuôi cháu. Ngày bà dì mắc bệnh hiểm nghèo không qua khỏi, Miên suy sụp hẳn. Gia đình Lục và dân bản đã giúp nàng vượt qua sầu muộn ấy.
Từ hôm gặp người con gái có khuôn mặt phảng phất nét thiền với đôi mắt to tròn thăm thẳm sáng ấy, tôi đã mất ăn mất ngủ. Nàng biến tôi từ một người lầm lì cỗi cằn thành một chàng trai trẻ trung sôi nổi. Khi biết tôi quyết định cưới Miên, lại đôn đáo nhờ bạn hữu giúp cho nàng về làm việc ở thành phố, có người gièm pha tôi đã bị “ma Mường” cho ăn bùa ngải.
                                     *
Tôi được cử theo đoàn cán bộ kĩ thuật sang Đông Đức nhập thiết bị cho dây chuyền sản xuất bia tươi. Biết nơi Miên đang làm việc cũng ởBerlin, lãnh đạo cho tôi được kết hợp thăm vợ hai ngày. Hôm đem con lên gửi vợ chồng Lục, nắng xuân như nhảy múa reo vui với niềm hân hoan không giấu nổi trong lòng tôi. Lục nháy mắt đầy ý vị:
– Cẩn thận nhé, đừng vui quá mà làm nàng có bầu là rách việc lắm đấy.
– Biết rồi.
Nhìn khuôn mặt cương trực của thằng bạn từ thuở thiếu thời tươi rói vì niềm vui của mình, tôi thầm cảm ơn số phận đã cho tôi có người bạn như thế.
Công việc nhận máy nhanh hơn dự định, ai cũng thoải mái với những ngày còn lại. Tôi đến ban quản lí lao động Việt Nam ở Đức nhờ giúp đỡ, nhưng hôm sau mới là ngày nghỉ. Một ngày chờ đợi thật dài. Sớm thứ bảy, ban quản lý cử người đưa tôi đến Vonung số 3 ở quận Lich Lenberg. Vonung số 3 là nơi tạm trú của công nhân nhà máy bông Berlin…
Lúc này Việt Nam đã rộ nắng xuân, còn Đông Đức gió vẫn lùa giá buốt từ những mảng băng đang tan trên sông Spree lên các đường phố Berlin. Tôi đi dưới nắng,  vẫn thấy hơi lạnh luồn vào trong cơ thể. Bên tôi, Miên xanh xao ủ dột trong chiếc áo choàng màu tro tối và chiếc khăn màu ghi sáng quấn hờ hững quanh đầu để lộ búi tóc dày quen thuộc. Tôi đưa Miên bức ảnh mới nhất của con gái. Nàng ngắm rất lâu rồi nâng bức ảnh áp lên vồng ngực mình. Hình như con người của Miên tách biệt đâu đó, chỉ còn sự im lặng với đôi tròng mắt đen trong suốt đau đáu về hướng quê nhà. Nhìn ánh mắt ngưng đầy nước, nửa dỗi hờn nửa cam chịu, tôi muốn kéo nàng lại ghì xiết trong vòng tay mình, nhưng nghĩ tới thân thể nõn nà kia đã có người đàn ông khác vuốt ve ôm ấp, lý trí lại đẩy khoảng cách giữa tôi với nàng rộng hơn. Tâm hồn con người vốn dĩ không có hình khối rõ ràng, sao lúc này nó lại hiện hữu trong tôi như thể tảng đá đang lăn nghiêng xuống vực thẳm. Tâm hồn tôi đớn đau rúm ró. Tôi căm thù nét thiền trên khuôn mặt thánh thiện và đôi mắt hút hồn kia. Tôi căm thù mầm sống trong bụng nàng. Giá  hét  được thật to để khối đá tảng trong mình tan vữa ra cho nhẹ lòng, nhưng sự câm lặng vẫn nặng trĩu trong tôi.
Tôi và Miên bách bộ trên con đường xuyên qua cánh rừng gần nơi nàng lao động để đến bến xe buýt. Ở ngoại ô Berlin có những cánh rừng nhỏ phong quang như công viên, quanh đây cỏ cây vẫn chưa tỉnh hẳn sau giấc ngủ mùa đông, những cây phong vẫn khẳng khiu cành không lá. Gió thoang thoảng mùi hoa oải hương làm tôi nhớ tới mùi các loại lá thơm ở quê nhà mỗi khi nàng hong tóc. Như trêu trọc tôi, thỉnh thoảng gió ùa đến lật nghiêng vạt áo khoác của Miên, làm lộ hơn cái bụng của người mang bầu. Gió lại còn kéo tuột chiếc khăn để búi tóc sau gáy nàng xổ tung, thả mái tóc dài chấm mông bồng bềnh vào nỗi buồn của tôi. Nàng dừng chân, điềm tĩnh búi tóc quấn khăn, khép lại vạt áo che kín bụng mình rồi mới bước tiếp. Gần đến điểm chia tay nàng mới nói:
– Chưa giây phút nào em không nhớ đến anh và con, tin hay không tùy anh. Giờ đây kết tội em thế nào, nói với con thế nào cũng tùy anh. Hy vọng lớn lên, con sẽ hiểu nỗi khổ của em.
Giọng Miên vẫn nhẹ nhàng, nàng không biện bạch, không cầu xin bất cứ điều gì. Còn tôi chỉ muốn trốn chạy thật nhanh, nên cứ sải những bước dài. Ngoảnh lại, Miên vẫn nặng nề thở dốc phía sau. Đáng nhẽ phải để nàng ngồi nghỉ ở chiếc ghế đá ven rừng một lát, nhưng nỗi giận đã khiến tôi không ý thức được như thế…
                                        *
Sau ngày gặp nhau ở Berlin, tôi và Miên đều im lặng. Nhiều lần những muốn cho nàng biết tin con gái, nhưng viết xong thư tôi lại xé đi. Hôm nay, ngoài gói quà sinh nhật cho con, nàng không một chữ nào cho tôi. Đang đặt mình vào hoàn cảnh của Miên, xem tôi sẽ xử sự thế nào, chợt tiếng động cơ Môkích như cày xới sự yên tĩnh trong con ngõ nhỏ. Đấy là loại xe máy được người Việt lao động ở Đông Đức gửi về. Tôi bị kéo ra khỏi suy tưởng khi con gái bỏ lũ trẻ đang chơi ở ngoài sân chạy ùa vào nhà reo lên:
– Bố ơi! Bác Lục đến.
Lục tầm thước, da nâu bóng săn chắc trong bộ quân phục đã bạc màu, xe cùng người như chui ra từ bụi đất đỏ. Vừa gỡ túi ngô sắn sau xe Lục vừa sang sảng như ở giữa đồng rừng:
– Bác mang quà xuống cho hai cha con đây này.
 Đỡ túi quà từ trên xe của bạn, tôi hỏi:
– Cậu mới mua xe máy à?
– Ừ. Con xe này leo dốc chạy đường trường rất khỏe, từ ngày có nó mình đỡ vất hẳn.
Bất ngờ con gái tôi kéo tay Lục:
– Bác ơi! Hôm trước bác bảo sinh nhật cháu bảy tuổi bác sẽ cho cháu biết một bí mật.
– Ồ, bác đã nói thế ư?
– Vâng ạ!
– Nhưng… đã đến ngày sinh nhật cháu bảy tuổi chưa?
– Rồi ạ.
Tôi vội cúi xuống nói với con:
– Bác Lục vừa đi một chặng đường dài về đây, con để bác nghỉ đã. Hơn nữa chuyện bí mật giữa hai bác cháu làm sao có bố đứng ở bên được, đúng không nào? Con cứ ra chơi với các bạn, lát nữa bác Lục sẽ nói riêng với con nhé.
Con bé cười tít với tôi và Lục, nó chạy vù ra sân chơi tiếp.
– Cậu đừng nói gì với con bé đấy nhé.
– Chả nhẽ cậu cứ để tình trạng này kéo dài – Vừa nói Lục vừa đưa mắt vào góc nhà, thấy thùng hàng Miên gửi về hơn hai năm trước vẫn nằm nguyên chỗ cũ, nó nhìn thẳng vào tôi, lớn tiếng bằng cái giọng có thổ âm quen thuộc: – Cậu là thằng gàn.
Thấy tôi chỉ im lặng, giọng Lục mềm dần:
– Nhiều lúc tớ vừa muốn xoa dịu nỗi buồn của cậu lại vừa muốn bồi cho nỗi buồn ấy một quả đấm để cậu tỉnh ra, nhận một phần lỗi về mình. Thiếu thốn một chút có chết đâu mà lại để vợ đi kiếm tiền ở xứ người. Tớ nghe mấy người lao động ở Đông Đức về kể lại nỗi khổ của họ: “Ngoài tích lũy tiền công ra, ai muốn có nhiều tiền để mua catset 939, xe máy Môkích, xe đạp Điamăng và các loại phụ tùng gửi về gia đình đều phải buôn chui thuốc lá ba số, buôn chui đôla. Đã buôn hàng cấm thường hay chạm cảnh sát, suôn sẻ thì không sao, bị bắt chỉ có vào tù. Trong nhà nghỉ của công nhân Việt Nam, giường cá nhân nào cũng kê thật cao bốn chân lên để nhét hàng xuống dưới. Có hàng rồi lại phải đóng kiện chuyển ra cảng, làm thủ tục hải quan, khi côngtennơ xuống tàu biển mới xong việc. Ít đàn bà tự làm nổi những công đoạn ấy…”. Có người còn rỉ tai cho tớ hay, chính sự vất vả trước cuộc mưu sinh ở xứ lạ đã xô đẩy một số người xa vợ xa chồng nương tựa vào nhau, nhưng giữa họ có những hợp đồng bất thành văn: Chỉ quan hệ đến khi lên máy bay về nước sẽ cắt đứt. Tôi nghĩ những chuyện trớ trêu kia là của ai ai, chứ đâu ngờ lại rơi vào gia đình cậu…Bên ấy không có dịch vụ phá thai, ai đã lỡ đều bị buộc thôi việc. Nhiều người xin ở lại sinh xong, làm thủ tục cho con vào cô nhi viện rồi mới về nước. Ngẫm lại, tội này đâu phải xuất phát từ sự phản bội.
Giọng Lục vẫn lúc căng lúc chùng. Tôi như kẻ mộng du, lang thang trong ý nghĩ của riêng mình. Đến khi Lục đập tay xuống mặt bàn, chiếc cốc thủy tinh nẩy lên rơi xuống nền nhà vỡ tan, tôi mới giật mình.
– Ờ…Ờ…Cậu đi tắm cho mát, tớ làm cái gì đó hai thằng nhâm nhi nhé.
 Lục dằn giọng, thay đổi hẳn cách xưng hô:
– Hôm nay tao xuống không phải để ngồi nhâm nhi mà để báo với mày: Miên đã về sống tại Mường Vải. 
– Thế ư? Tớ mới đi nhận quà sinh nhật cho con mà.
– Mày không xem dấu bưu điện à, chính tao chở cô ấy xuống thị trấn gửi đấy.
– Ôi trời! Bây giờ tình hình cô ấy ra sao?
– Cực lắm, thằng bé quặt quẹo luôn.
– Còn bố của nó?
– Về nước trước khi mày sang cơ mà. Tháng trước giúp Miên sửa lại nhà, cô ấy tâm sự với vợ chồng tao: “Hậu quả này một mình em chịu là đủ, nên khi người đàn ông kia hết hạn lao động, em đã không cho biết mình có thai. Như thế sẽ giữ được hạnh phúc cho gia đình họ”. Miên đã xử sự rất người, tao nể đấy. Còn mày cứ ngồi đấy mà kết tội cô ấy.
Mặt Lục đỏ như ngấm rượu. Nói xong, Lục phăm phăm lên xe rồ máy, không ngoái đầu lại.                                                    
                                      *
Nhiều người khuyên tôi nên đi kiểm tra sức khỏe. Tôi không tin sắc diện của mình lại xuống đến thế. Nhưng khi con gái nói: “Bố không cạo râu cắt tóc trông giống ông dở người vẫn đứng ở đầu ngõ mình. Chỉ khác ông ấy nói huyên thuyên suốt ngày, còn bố lại im lặng suốt ngày”. Tôi giật mình về sự so sánh của đứa trẻ mới bảy tuổi.
Trước khi đem con gửi một gia đình thân tín trong ngõ để lên Mường Vải, tôi nói với con:
– Hôm nọ vội nên bác Lục quên, lần này bố sẽ mang “điều bí mật ấy ” về cho con.
Vít tôi cúi thấp xuống, nó nói nhỏ:
– Bố hứa rồi đấy nhé.
Nhìn khuôn mặt con gái sáng ngời, tình tôi ấm lên trong nỗi buồn.
Mường Vải vẫn thế, vẫn chiếc cầu được ghép bằng ba cây bương già bắc ngang suối Dền. Vẫn con đường đất xuyên qua những thửa ruộng dưới thung lũng dẫn tới lối lên rừng nguyên thủy Thạch Lâm. Ven đường tới nơi Miên được sinh ra, cây cỏ vẫn um tùm. Hồi ấy, tôi hái một cánh lá xanh non mướt mát sương xuân trong lùm cây hoang dại kia đưa cho nàng. Chiếc lá này phía ngọn hơi vếch lên, trông thật ngộ. Nàng cầm cuống lá xoay tròn hồn nhiên cười, để lộ hàm răng như ngô nếp ngày mùa. Tôi rạo rực vừa hôn lên đôi mắt nàng, vừa thầm thĩ: “Em cho anh mang đôi mắt đồng rừng về xuôi nhé…”.
Mải nghĩ miên man, ngước lên, mái nhà sàn quen thuộc đã lấp ló sau lùm tre ngà. Ngày Miên về xuôi, nhiều gia đình muốn mua cả khoảnh đồi với ngôi nhà sàn, nhưng nàng đã giữ lại cho con cháu lớn lên còn chốn về quê ngoại. Vợ chồng Lục thay chúng tôi sang trông coi từ dạo ấy.
Bảy bậc cầu thang như cao hơn bình thường. Tim tôi đập loạn giữa ba gian nhà trống tênh hoang hoải bóng người. Ngoài chiếc vali dựng ở góc sàn, chẳng có vật dụng nào chứng tỏ chủ nhân của nó vừa ở Đức về. Than trên bếp vẫn hồng. Tôi vòng ra vườn đồi phía sau nhà. Kia rồi. Nàng đang khom mình địu con trên lưng, chiếc váy thâm vận cạp cao lên để lộ đôi bắp chân trần lấm đất. Chắc chăm chú làm, cộng tiếng cuốc bổ xuống đất đanh ròn cùng tiếng gió  u…u từ rừng nứa vọng sang nên Miên không nghe thấy bước chân tôi vừa nhảy qua mấy luống sắn mới trồng. Tôi chỉ cách nàng một tầm tay, nghe rất rõ tiếng thở khò khè của thằng bé. Vết thương cũ lại nhói lên như ai vừa cấu dưới vồng ngực, cảm giác khó thở hẳn, sống mũi nghẹt, khóe mắt cay xè. Lẳng lặng dấn thêm bước nữa, giành lấy cán cuốc từ tay Miên, tôi nói mạch lạc trong nhịp thở dốc:
– Anh lên đón mẹ con em về. Đứa bé cần điều trị suy dinh dưỡng gấp, đứa lớn đang mong mẹ từng giờ.
Gỡ chiếc mũ vải đang đội, chụp lên cái đầu lưa thưa tóc sữa của thằng bé, tôi xắn tay áo, dồn nỗi xót xa xuống từng nhát cuốc. Tôi cuốc một hơi hết vạt đất, vùi nốt đống hom sắn còn lại, mặc nàng thảng thốt phía sau mình
Tác giả: N.T.N.H – Người thực hiện: Vân Anh

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *