Bài nổi bật

Xóm Rẫy Ven Sông

RadioVn.Com – Đang lúc khu công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai, hút nhân công, người chuyên làm thuê, vác mướn ở Xóm Rẫy như Tư Sự có giá cũng phải. Lịch làm mướn khít rim, khiến Út Duyên, vợ chắp nối với Tư Sự ra vẻ kiêu kiêu nhưng dân Xóm Rẫy không mấy ai lấy làm ngạc nhiên.
Vốn đã vắng đàn ông từ cơn bão lớn cách nay không lâu, sau này, tốp trai trẻ Xóm Rẫy lăm lăm tay xách, tay gói hướng về nơi ấy, khi đó, Xóm Rẫy không có Tư Sự coi như bó tay ngồi nhìn việc: Làm cỏ vườn, xịt thuốc trừ sâu, ban bờ, tỉa tót mấy nhánh gừa chạm đường dây điện, lên mô trồng cây me, cây khế…
Lam lũ sáng đi, chiều về, say mềm, nói chuyện xà bát nghe mệt nghỉ: chuyện tào lao; chuyện thiên la địa võng; chuyện đại sự mặt trời ăn mặt trăng, chuyện hồi ức vùng quê tứ giác Long Xuyên có năm nước lũ xuất hiện con ma Cà Rồng cứu cánh hai đứa bé bị nước lớn cuốn trôi…
So sánh làm gì với người chồng trước lam lũ làm ăn không may mất tích trong cơn bão lớn, bù lại điểm nói xà bát phản cảm, Tư Sự được nước hiền từ, ngay thẳng, không sưng sỉa, cao thấp với ai, được lòng bà con Xóm Rẫy… Duyên yên tâm, an phận. Còn về phía người đàn ông chân ướt chân ráo tới Xóm Rẫy, Tư Sự mãn nguyện ngay từ lúc chắp nối chính thức với người đàn bà góa bụa có miếng thổ cư tại Xóm Rẫy sau nạn chạy thoát cơn lũ lụt lớn nhất, nhì, vùng Tứ giác Long Xuyên. Không muốn nhắc nhưng tự nhiên cuộc đời bắt Tư Sự phải nhớ: Nước trữ đâu không thấy bỗng dưng ập xuống ngập nhà, ngập đường; nước trắng dã bốn bên; nước chảy như cắt…
 
Vốn sống độc thân, sinh cơ lập nghiệp chỉ bằng chiếc xe đạp kéo thùng chuyên chở mướn sau đít, níu kéo theo thằng bạn nối khố làm thuê vác mướn khắp lục tỉnh cũ trước khi dừng chân nơi Xóm Rẫy này.
Xa tít. Tỉnh lại, Tư Sự giật mình. Xóm nằm giữa chặng sông lớn sâu hoắm, bước ngàn thước tới con đê phía tây (sau này thành lộ nhựa thông tới tỉnh lỵ). Lác đác vài chục mái lá ven sông. Đường đi nước bước lắp ghép bằng nhiều đoạn bờ kinh mương bùn sình lầy lội bao bọc vạt rừng cây tạp, nhiều nhất là những lùm chà là um tùm, gai gốc, chơm chởm. Miếng thổ cư riêng của vợ chỉ được Tư Sự trồng thêm cây cau đuôi chồn làm kỷ niệm.
Cậy vào địa thế hiểm trở trên vùng đất này, Út Duyên nở mày nở mặt với chồng rằng, xưa, đố cha lính Quốc gia trấn đồn Miễu Ông Tà dám bén mảng tới Xóm Rẫy. Rừng chà là Xóm Rẫy có lắm hầm bí mật của các chú, các bác trên huyện, trên tỉnh nghỉ hưu, đương chức… Nhờ vậy, Xóm Rẫy có nhiều đoàn khách về nguồn tới thăm. Có lần một “Ông lớn” trên tỉnh ngồi ô-bo theo đường thủy tới Xóm Rẫy mang theo thư ký riêng với mớ tiền mạnh thường quân tặng Xóm Rẫy xây ba ngôi nhà tình nghĩa, hai ngàn mét lộ bê-tông, một cây cầu đúc nối liền con đê ngăn mặn trong niềm phấn khởi của người dân nơi xa xôi, cách trở này.
Riêng cây cầu đúc, nhiều người đoán có lẽ “Ông lớn” nặng số hơn chất lượng, hoặc quên bẵng hai đường dẫn lên cầu khiến cầu xây xong để ngó coi chơi. Dân Xóm Rẫy nóng hơ bắc thang tre lên cầu. Không lâu, thang bị gãy. Cầu chờ thời đứng ngắm sao! Thành thử Xóm Rẫy với con lộ xuyên qua phía tây, với những cánh đồng mẫu lớn vẫn còn dang cách. Bù lại, Xóm Rẫy có một đoạn đường trải bê tông chặng vàm rạch, đất ngọt, phân ngọt, cây cối tốt tươi nhờ vào công trình thủy lợi của huyện, của tỉnh. Xóm thay da đổi thịt hằng ngày.
Ít ai ngờ rằng, ngoài hoa màu có mặt thường năm trong xóm ven sông: các loại khoai củ, rau quả, bí, bắp… người ta tận dụng tới đất thừa, đất trũng, đất nhiễm phèn, nhiễm mặn, trồng trặc, trúng mấy mùa bồn bồn, dưa hấu. Dân ăn nên, làm ra. Quán tiệm mọc lên ven con đường bê-tông bắt đầu từ cây gừa cổ thụ có râu tọa lạc đầu xóm. Dưới tàn cây gừa nổi lên quán ốc bươu nướng chấm muối tiêu. Chiều mát trời, quán phập phù than lửa. Những con ốc bươu ươn bướn nằm thu lu ngửa miệng sôi sụt sùi trên vỉ sắt kê trên lớp than hồng, kèm thứ rượu gạo nếp phảng phất mùi hèm thu hút nhân công khuân vác lúa ra bến sông.
Xóm Rẫy Ven Sông
Thêm nữa, nhờ ưu thế lưu thông đường thủy, chợ tỉnh lỵ có món gì, Xóm Rẫy có món nấy, kể cả nhiều mặt hàng xịn. Phận gối rơm làm thuê, vác mướn, Tư Sự chỉ biết nằm mơ, còn Út Duyên nay ước chi nhà mình có cái ti-vi mặt phẳng treo trên vách, mai dòm dèm quán Cây Gừa, cái tủ Sanyô chế ra được đá lạnh, ngày kia, ước có dầu gội đầu hiệu Sunkiek, kem thoa mặt Olay đựng trong hũ thủy tinh, đặc sánh, mát da, dài tóc…
Không nói ra nhưng Tư Sự nhớ tuồng bụng những điều vợ ước, oằn lưng tăng giờ làm, buổi làm. Nhưng mọi việc sắm sanh phải ngưng ngay do phải tập trung lo cho Út Duyên sinh thằng bé có tên “Đức đen” từ trong bụng mẹ. Do Tư Sự ngỏ ý đặt tên “Đức Đen” trước ngày sinh nở nhằm vừa nhắc nhớ thằng bạn nối khố, vừa tránh nhầm lẫn giữa Đức Đen (tên con) với Đức trắng (tên thằng bạn) cùng quê.
Mới bốn năm tháng tuổi, thằng bé Đức Đen bụ bẫm, kháo khỉnh, hay dòm người lạ cười chúm chím, dòm lâu hơn ai hết là người khách lạ huơ lạ hoắc mới xuất hiện trong nhà mình.
“Tai nạn ngang xương: người, xe lôi, bị cây cột điện gãy đè ngáng ngang, trời tối thui, không có bạn mày tiếp cứu chắc tao chết. Nhưng đang nằm bịnh viện, mày bỏ đi đâu?”. Trời đánh tránh bữa ăn nhưng Tư Sự tình thiệt, gác đũa, hỏi. Đức Trắng hề hà: “Nằm đó có nước chết đói. Thằng đáng nằm, phải nằm điều trị, thằng khỏe, kiếm chuyện làm ăn chứ, để chết cả đám sao!? “Dừng. Dừng thôi. Đất vàng. Mày ở đây với tao… Nuôi cá!”. Tư Sự chưa tới khúc xà bát, nói nghiêm như xếp đặt việc làm ăn chắc cú cho bạn. Sự nắm níu, chơi thân, có trách nhiệm với bạn, còn là vì Sự thông cảm hoàn cảnh Đức trắng bị vợ bỏ, ẵm theo đứa con gái với lý do chồng chơi bời, lêu lỏng, nhiều lần không sửa sai.
Thế là Xóm Rẫy có thêm một nhân khẩu tạm trú hành nghề nuôi cá. Tửu lượng khách so với chủ một bên nửa cân, bên tám lượng. Nhưng nhận dạng kỹ, Đức trắng biết giữ kẽ, ít khi say quắc cần câu như Tư Sự. Dáng cao, tóc xoăn, khuôn mặt chữ điền, Đức trắng bô trai.
“Vốn liếng vợ chồng tôi cung cho. Chút ít thôi. Một, lời mười. Đừng ngại”. Út Duyên động viên bạn chồng. Rõ ràng gia đình đồng chồng, đồng vợ. Đức nghĩ, nhảy vào làm ăn chí chết: Gieo hết đợt cá mè, đến cá tra, cá bổi, không kể thứ cá phi ăn tạp, dễ nuôi. Nước ham ăn, ăn hỗn, ít tốn kém là loài trắm cỏ. Cứ ném xuống ao bao nhiêu cỏ dại, loại mềm mụp như lá chuối, lá khoai, cá trắm lần lượt ngoạm một hơi, mặt nước trống hoang, trống hoác…
Từ bao đời nay, cá kéo về đồng, về ao, dại gì trồi lên đất rẫy chết khô. Từ một ao nuôi cá nhà Tư Sự nhân ra mấy chục ao nuôi Xóm Rẫy. Thêm nữa, cá thiên nhiên ngày một cạn kiệt, nay Xóm Rẫy có nhiều loài cá về sinh sôi, Xóm Rẫy cười mỉm với Xóm Đồng. Xóm Rẫy vui.
Thu hoạch đợt đầu, đúng là vốn một, lời mười, khiến người đàn bà trong nhà nẩy ra ý thức biết tổ chức làm ăn. Dỗ dành đứa con ngủ khì, Duyên hí húi cắt cỏ phụ hợ cho cá ăn. Trả công cắt cỏ, cơm, canh, hằng ngày, Đức trắng nhảy vào tiếp Út Duyên công việc nội trợ, kể cả bổ củi, nấu cơm, kho cá, giặt giũ…
Một năm trôi qua… Xóm Rẫy càng thay da đổi thịt. Đầu trên, xóm dưới, bên trong đê ngăn mặn, những cánh đồng mẫu lớn mở ra. Tư Sự có thêm trăm thứ việc làm. Đi hoài. Có hôm đi mị cà tha tới khuya lơ khuya lắc mới về tới nhà, xông ra mùi rượu nồng nặc…
Rồi không hiểu sao Tư Sự phá lệ hay vô tình, lúc mặt trời vừa đứng bóng, Tư xẹt lờ tới sân, mắt nổi đóa vì bắt gặp việc lạ: thằng bạn nối khố với vợ mình đứng xoay xoay, chầm chậm quanh cây cột giữa nhà. Đức trắng, Út Duyên, cùng say xỉn hoặc đang chơi giỡn trò cà lơ phất phơ lạ lẫm? Không. Họ “Yêu đứng”!
“Đứng yên. Chạy, tao chém nát đầu!”. Liền đó, cây phảng vung lên, lưỡi phảng nhoang nhoáng ánh thép. Dừng. Từ chỗ cây cau đuôi chồn lá vàng tua tủa,Tư Sự bước tới mấy bước, trừng mắt vào người bạn nối khố, trấn an: “Giữa Tư Sự – Đức trắng, đứa nào ra khỏi nhà này? Nói mau”. Dĩ nhiên, khách ấp a ấp úng chọn cho mình cách rời khỏi nhà nhưng đêm tối đen như mực được phép Tư Sự cho ngủ lại qua đêm.
Chủ nhà nằm đất, khách nằm giường vì Tư Sự không muốn cho thằng con trai theo mẹ nằm đất, ngủ muỗi. Trắng đêm vì tiếng khóc ngằn nghặt của thằng con trai ngủ giường, miếng thổ cư Xóm Rẫy không thuộc phận nghèo làm thuê, ở đậu, suy nghĩ kỹ, Tư Sự biến đi đâu mất lúc nào không ai hay… Hành trang của riêng Tư Sự, khi tới Xóm Rẫy, cặp nách chiếc giỏ bàng, khi đi, giỏ xách tay. Chỉ đau nỗi đau quên gởi lại xấp vải, hai bộ đồ may sẵn – quà tặng – của bà con Xóm Đồng, Xóm Rẫy mừng dịp Đức đen lên bốn tháng tuổi để dành lâu nay. Tết tới rồi!… Tư Sự ngậm ngùi, tiếc rẽ nhưng đã ra khỏi Xóm Rẫy khá xa…
Nhà vẫn không đổi chủ. Dẫu sao, Út Duyên đường đường làm chủ miếng thổ cư tọa lạc ở Xóm Rẫy. Bằng đỏ trong tay. Cá đói. Loài cá háo ăn như cá trắm chu mỏ tìm mồi trên mặt nước. Cá phi nổi lừ đầu. Những thân cá lớn vùng vẫy, vô vọng. Người đứng ra cứu cánh đàn đá đói chính là người đàn bà chủ nhà bản lĩnh thay Đức trắng chưa kịp hoàn hồn. Đức tạm yên tâm khi ở lại cùng ăn, cùng ở, cùng làm, với Út Duyên nhưng hồn phách bay đi đâu mất, cảm giác thằng bạn thân từng cưu mang mình về nhà bất cứ lúc nào?… Phải yêu “đứng” thôi! Yêu “đứng” vẫn có khoái cảm riêng của nó theo những bước đi khật khưỡng, lượn vòng, lượn vòng… vừa trông ra bốn phía qua kẽ vách, và vừa tránh ánh mắt thằng bé Đức đen nằm giường nhìn khách lạ!
Thời gian trôi nhanh… Xóm Rẫy thèm đồng, thèm cầu. thèm lúa… và, nhớ thương người làm thuê, vác mướn Tư Sự. Tư Sự chưa về, Xóm Rẫy xảy ra cuộc ẩu đả được nhiều người đoán trước nhưng không khỏi phải ngỡ ngàng.
Chuyện gì? – Chuyện có lửa – Chuyện động trời – Chuyện Út Duyên đi vay nợ chưa được năm trăm ngàn đồng cho chồng cần gấp ra tỉnh lỵ thăm đứa con gái đi tìm cha bị bệnh bất đắc kỳ tử phải nhập viện. Đức nổi trận lôi đình. “Bao nhiêu tiền bán cá không cánh mà bay đi đâu, hả? Thằng đầy tớ nhà này biết làm, không biết ăn!? Giỏi ra khỏi cái nhà này đi cho khuất mắt. Ra mau!”. Vừa nói, Đức trắng lăm lăm cây dao phay bén ngót trong tay. Không kém gì ngọn phảng phát lát chém của Tư Sự; lưỡi dao nhoang nhoáng ánh thép! “Khoan đã, anh. Chờ sáng sáng sẽ cạy cục được ngay. Năm trăm ngàn đồng. Em lo…”. Út Duyên nói cứng nhưng người run lên bần bật. Lách mình qua cửa trước, Út ôm thằng bé chạy thoát thân… Chưa yên. Đức Trắng ngày thường nhã nhặn, chải chuốt, giữ kẽ chưa một lần uống rượu say quắc cần câu nay hiện nguyên hình con quỷ dữ: Đập. Đá. Xô đẩy. Quăng. Ném. Vung tay. Vung chân… Chiếc ti-vi mặt phẳng màn hình bể nát. Cái tủ lạnh Panasonic thay cái Sanyo bung cửa, lật nhào. Mùng mền chiếu gối, nệm lót giường, kiếng soi, lược chải đầu, kem đánh răng, thoa mặt, trộn lẫn thức ăn cho cá bay vèo xuống vũng, xuống ao… Tốp dân công làm đường, làm cống, dân Xóm Đồng, Xóm Rẫy tới nơi sẵn sàng nhảy vào lửa nhưng phải cầu viện tới lực lượng an ninh huyện. Và, khi lực lượng an ninh xã, huyện, tới quán Cây Gừa, Đức trắng đã cao bay xa chạy…
Tan cuộc hồi lâu, dân có mặt chưa hết bàng hoàng. Người trễ tràng mới tới cầu đúc chính là người chuyên làm thuê, vác mướn Xóm Rẫy. Tư Sự huỡn đãi, nhẩn nha trên cầu mới vừa xây xong hai đường dẫn, nối liền bon với Xóm Rẫy ven sông. Chiếc cặp ni-lông hai ngăn màu đen thay chiếc giỏ bàng phồng cộm, Tư nhẩn nha vì bởi hay tin chắc chắn thằng Đức đen không hề hấn gì qua sự cố mới vừa xảy ra…
Đứng trên cầu đúc, Tư trông thấy rõ quán Cây gừa lố nhố bóng người uống cà-phê sáng, có cả cây cau đuôi chồn ve vẩy những tàu lá vàng rưng rức, tua tủa. Hướng tới chỗ cây cau đuôi chồn đang lắt lay, bước thêm hai trăm mét nữa, sẽ tới!
Tác giả: Nguyễn Thanh – Thực hiện: Minh Nguyệt

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *