Bài nổi bật

Xuân vọng – Phạm Ngọc Tiến

RadioVn.Com – Đại đội tân binh di chuyển bằng tàu hỏa từ Hà Nội đổ bộ xuống ga Đò Lèn vào giữa trưa một ngày đầu tháng một năm bảy hai. Lốc nhốc màu xanh quân phục nhuộm kín các cửa toa tàu khách. Tiếng hô giật giọng từ các cấp chỉ huy thu gom lính tráng trong đơn vị không vãn hồi được trật tự. Những khuôn mặt trẻ măng đa phần là học sinh phổ thông ngơ ngáo trước cảnh vật của miền núi phía bắc Thanh Hóa. Cái gì với họ cũng lạ lùng, cũng hấp dẫn mời gọi. Rất nhanh chóng, đám lính tản ra mặc tiếng hò hét gọi quân đến khản giọng bất lực. Người sà vào đám hàng rong gồng gánh thúng mủng bán mấy thứ đặc trưng của ga tàu thời ấy như trứng vịt luộc, bánh chưng khuôn lá dừa, kẹo bột và các loại hoa quả vườn. Kẻ tìm chỗ khuất xả cặn bã tích cóp của gần chục giờ nêm chặt trên tàu. Nói chung là hỗn loạn. Mãi rồi đám lính cũng đứng được vào đội hình nghe mệnh lệnh hành quân của đại đội trưởng. Đích đến là một làng sát biển Nga Sơn. Đi bộ và quãng đường xấp xỉ hai chục kilômet.
 
Tôi có mặt trong đám lính đổ bộ. Chiếc ba lô quân trang mới phát lèn chặt rất nhiều thứ của nả ăn được mang từ nhà giờ thành đồ báo hại nặng chình chịch. Hai chục cây số, nghe có vẻ là một con số nhỏ nhưng với đám lính thành phố thì đấy quả là một thử thách khốc liệt. Lúc đầu đại đội hành quân theo đội hình thứ tự có hàng lối hẳn hoi. Được một hai cây số, đội hình bắt đầu rã đám không còn hàng lối gì nữa. Cán bộ khung phần lớn là lính cũ ở chiến trường mới ra nhận quân, mặt mũi anh nào anh nấy xanh lét vì sốt rét nhúm lại căng thẳng. Họ không còn đủ hơi sức để hò hét nữa. Đám lính tân binh thở dốc và tạt ngang tạt ngửa bất cứ chỗ nào. Tình thế có vẻ nguy cấp cho bộ khung nhận quân. Lính mới lại là lính đất Thánh khó bảo bất trị nhưng cái chính là tất cả còn non quá. Ngoại trừ mấy anh thợ thuyền rồi sinh viên ngoài tuổi hăm còn thì phần nhiều là lính trẻ mười bảy, mười tám. Tôi thuộc số ít tuổi nhất, được nhập ngũ là nhờ khai tăng tuổi tình nguyện. Thế nên không lạ khi tuổi ấy ở nhà như một đứa trẻ còn nhõng nhẽo cha mẹ giờ làm lính, lại mới toanh chưa được rèn giũa đương nhiên cái vố hành quân bộ này oải là phải. Chỉ huy đơn vị phải gấp gáp thành lập một tổ thu dung đi hậu quân đề phòng anh lính nào đó không vượt nổi thử thách đầu tiên này quay trở lại ga tàu thì hết nói. Lê lết bệt bạt mãi đến quãng nửa đêm những tốp lính cuối cùng mới lần mò về được đến sân kho hợp tác của ngôi làng sát chân núi Hoàng Cương là điểm tập kết thu quân. Tôi ở trong tốp sau cùng. Đến được đích cũng là nhờ ở sự láu cá. Nguyên tôi mang đi theo mấy hộp sữa nước có hình con chim không rõ nó là hiệu gì nữa chỉ biết là sữa viện trợ bán ở phố Hàng Buồm. Sữa nặng quá lại mệt nên tôi nghiến răng mở một hộp mút lấy mút để cho nhẹ vai là chính. Nhưng mà ngon ngọt, sướng lịm đã đời. Ngải, bạn gần nhà với tôi biên chế cùng tiểu đội thấy thế nhao đến ngay tắp lự. Rồi mấy ông lính đi gần cũng sán lại. Của đâu mà đãi người dưng, Ngải nhanh trí giải phóng cho tôi chỗ sữa bằng cách đổi chác rất nhanh. Một hộp sữa lấy ba bao thuốc lá Tam Đảo. Nhanh gọn tiện lợi cả hai bên. Vố giải phóng “sức nặng” đó khiến tôi phục sát đất và hết sức ngưỡng mộ Ngải. Sau này hết chiến tranh Ngải làm đến giám đốc một doanh nghiệp chuyên về kinh doanh ăn uống. Thảo nào.
Đến đích, tôi chỉ kịp chọn được một chỗ khả dĩ là chân tường có mái hiên của nhà thúc mầm ở góc sân, cứ thế ba lô vẫn đeo trên lưng, kềnh luôn một phát, dựa vào tường thiếp đi miên mải bất chấp cái lạnh năm đó vào hàng nhất nhì của mấy chục năm trở lại. Mất đến hai ngày sau tôi mới hoàn hồn. Chân phồng rộp, cẳng nhức nhừ, vai xương ê ẩm. Rất nhanh chóng đám lính được siết vào kỷ luật. Đại đội tân binh toàn lính khu Hoàn Kiếm, Hà Nội được phân bố rải rác ở gần trọn tất cả các nhà dân trong thôn. Tôi được xếp ở cùng Ngải trong một nhà dân nghèo nhưng chủ nhà cực tốt, có gì ăn vẫn dành để cho hai cậu ấm mặt búng ra sữa. Tiếng là nghèo nhưng miền biển dạo đó cá ăn không hết. Tất nhiên Ngải vẫn theo cách của mình qua lại quà cáp sòng phẳng. Tay này mãi sau tôi mới phát hiện được có cả kho đồ ăn cùng nhu yếu phẩm giấu trong cót thóc nhà chủ. Không có gì bàn thêm ở những ngày sau đó. Lính tráng tất nhiên là phải khuôn theo kỷ cương quân đội. Tôi cùng chúng bạn quen dần với những việc tập luyện từ đeo đá đi bộ rèn sức đến bắn súng, ném lựu đạn cùng các bài chiến thuật cũng như chính trị chính em. Nghe phong thanh đại đội tân binh sẽ huấn luyện trong sáu tháng rồi sau đó được bổ sung cho chiến trường miền Nam đang rục rịch mở những chiến dịch lớn. Cái đó thì quá thường, đã là trai thời loạn lại xác định đã nhập quân ngũ thì việc đi chiến đấu là điều tất nhiên, quá bé nhỏ chẳng đáng bận tâm. Mỗi tội trẻ tuổi xa nhà, nỗi nhớ cứ qua mỗi ngày nó càng bùng phát tăng lên dữ dội. Và có một nguyên cớ cụ thể khiến đám lính càng như bị phát cuồng. Tết. Thời điểm đó đã cận Tết Nguyên đán lắm rồi. Trời lạnh se, núi non đồng ruộng xám mốc, cây cối rụng lá bắt đầu nhu nhú mầm biếc, tàn nụ, trồi hoa. Và khói, những làn khói quẩn quanh không thoát được trên mái bếp mới là thứ khiến chúng tôi phân tâm đến nao lòng. Không ít người đã có ý nghĩ liều lĩnh chuồn về Hà Nội ăn Tết. Chỉ là ăn Tết vài hôm thôi nhé. Ngày đó việc trốn quân ngũ là điều tối kỵ và đáng sỉ nhục, chẳng ai dại chọn nó.
Ngải hơn tôi hai tuổi rất chu đáo trong mọi việc và khôn khéo được lòng cán bộ khung. Chỉ hơn tuần lễ Ngải đã được đề bạt tổ trưởng ba người và sau đó một tháng lên chức tiểu đội phó. Mọi sinh hoạt, tập luyện Ngải rất mẫu mực chẳng bù cho cái thằng tôi. Thói quen của tôi là hay đọc sách đêm nên buổi sáng không tài nào dậy sớm được. Thói quen này ám vào tôi đến tận bây giờ. Ngải ở cùng nhà lại tâm đầu ý hợp với tôi trong khâu ăn uống hút xách nên thông cảm bỏ qua cho tôi nhiều thứ. Cũng lạ dạo đó tôi quá trẻ sao đã biết hút thuốc và uống rượu được đôi chén. Nói không quá Ngải hệt như một người anh chăm lo cho tôi từng li từng tí, lại biết biến báo nên tôi có dễ thở hơn đôi chút so với các đồng ngũ. Một hôm Ngải đi họp đại đội về bảo tôi rất nghiêm trọng. Đại ý là bên trung đội một đã có một nhóm đào ngũ. Lúc này đã cận Tết chỉ còn chừng mươi ngày nữa. Tôi hỏi tên thì ra là cánh Thắng choắt và Biên mugich. Mấy tay đó tôi không lạ, nhà ở phố Lý Nam Đế tinh cậu giời con ông cháu cha đã qua thiếu sinh quân. Chắc chỉ là tút về ăn Tết thôi. Ngải thông báo tiếp hiện tiểu đoàn và đại đội đã thành lập những chốt chặn. Ai đào ngũ về ăn Tết sẽ bị kỷ luật rất nặng. Tôi thoáng hoang mang. Không dám nói ra nhưng tôi đã chủ ý là khoảng hai nhăm Tết sẽ tút về mấy ngày, ăn một cái Tết ra trò trước khi vào chiến trường sinh tử. Thậm chí tôi đã lên kế hoạch hẳn hoi và liều mạng viết thư về báo bố mẹ là được về phép Tết. Chết đứ rồi. Làm sao bây giờ. Ngải nhìn thái độ tôi như đoán ra bèn giật giọng:
– Mày cũng định tút đúng không?
Chẳng hiểu sao lúc ấy tôi lại tò tò phun tuột ra hết mọi nhẽ của kế hoạch kể cả đường đi nước bước cụ thể. Ngải trầm ngâm rất lâu rồi nhỏ nhẹ bảo:
– Không được. Mày trốn thế ảnh hưởng đến phát triển của tao.
Tôi nhăn nhó rồi cáu:
– Việc ai nấy làm sao lại ảnh hưởng đến nhau. Mày định làm gì?
– Tao sẽ báo cáo đơn vị.
Ngải bỏ đi. Thôi rồi, cái đồ ngu ngốc. Tôi vả bôm bốp vào thằng mồm. Nó được ăn được hút được nói nhưng sao toàn hại lại cái thân tôi. Tức thế chứ. Sau hôm ấy, tôi với Ngải không còn nói chuyện với nhau nữa. Hai thằng giận nhau thật sự. Tôi moi trong ba lô mấy bao Điện Biên bao bạc dự trữ cất dành từ Hà Nội lôi ra hút trêu ngươi. Ngải cũng chẳng vừa, mời mấy thằng cùng tiểu đội ở nhà dân khác đến đãi đằng hẳn chè Hồng Đào cao cấp và chơi thuốc Thủ Đô thơm lừng. Giời không chịu đất ắt đất phải chịu giời, tính tôi ngang ngạnh đến già không chịu ai nhưng Ngải thì chịu. Được ba hôm, Ngải xuống nước đầu têu hỏi trước và làm lành. Vài ba câu nhấm nhẳng khi biết tôi vẫn nuôi ý định trốn về Hà Nội, Ngải suy nghĩ rất lung rồi hạ giọng:
– Tao cũng nhớ nhà lắm nhưng cương vị của tao và con đường phấn đấu không thể cho phép tao mềm yếu thế được. Hết khóa huấn luyện tao sẽ được xét vào diện đối tượng Đảng mày hiểu chưa.
– Hiểu. Thì sao?
Tôi vẫn cảnh giác nhát gừng. Ngải chùng giọng xuống nữa:
– Tao lớn hơn mày hai tuổi coi như anh. Làm anh khó lắm. Thật sự thì tao rất thương mày. Thương như em ruột. Giờ có một cách nhưng mày cấm được khai ra tao khơi mào. Nếu mày làm lộ tao sẽ bắn mày. Bắn thật chứ không nói chơi đâu.
Lúc đó Ngải vã mồ hôi mặt, răng nghiến trèo trẹo, mắt long lên rất kinh khiếp. Tôi cũng ớn lạnh xương sống vì biết Ngải đang đấu tranh tư tưởng cao độ. Thằng mồm của tôi mà bép xép vụ động trời này chắc hẳn sẽ lĩnh đủ từ Ngải.
Nói xong Ngải nhìn trước nhìn sau ra hẳn sân ngó nghiêng rồi quay vào bảo:
– Có một con đường đi tắt qua dãy Hoàng Cương. Tao đã hỏi kỹ ông chủ nhà hàng xóm làm nghề chăn dê núi. Mẹ, mất cả cân đường đỏ với hộp sữa đặc đấy. Đường núi khó đi nhưng rất gần. Chỉ hơn chục cây số là ra được ga Bỉm Sơn. Sáng mai hành quân đeo đá dã ngoại vào núi, mày thủ bộ quần áo dân, đợi lúc vượt dốc thì lỉnh vào hang, sau đó…
Minh họa của Kim Duẩn
Ngải chỉ dẫn kỹ lưỡng khiến người tôi run lên vì xúc động. Thắng lợi rồi. Có một điều tôi hơi hoảng là tính tôi nhát đi một mình đường núi hoang vắng mênh mông như thế liệu có bề gì không. Ngải động viên tôi đi ban ngày sợ gì. Chỉ chập tối là đến ga.
Tối hôm ấy, Ngải đãi tôi một hộp thịt ăn ngập lưỡi, mỡ phòi nhờn mép. Sáng trước khi tập trung hành quân, Ngải nói khẽ như sợ ai nghe thấy:
– Về nhớ qua nhà tao. Bảo bố mẹ tao là cứ yên tâm mọi bề. Tao sẽ vào thẳng chiến trường. Hết chiến tranh thì về. Mọi người đừng lo.
Tôi gai người vì câu dặn của Ngải. Mọi việc đúng như Ngải sắp xếp dự đoán. Tôi mặc chiếc quần simili và chiếc áo pô pơ lin, chân đi dép nhựa Tiền Phong quai hậu, tay xách túi đồ lính cởi ra. Những thứ đồ dân này tôi vẫn thủ đi để thỉnh thoảng nghỉ ngơi diện trộm. Rét thấu xương vì mặc phong phanh nhưng ước mơ Tết Hà Nội khiến tôi quên đi tất thảy. Đến gần hết dốc núi sau cùng thì tôi gặp một bạn đồng hành. Không xa lạ, anh ta ở trung đội khác với tôi. Người này khá nổi tiếng ở đại đội vì anh chính là người đại diện cho khối học sinh toàn khu phố đọc quyết tâm thư trước khi lên đường ở lễ tiễn tại Nhà hát lớn thành phố. Tên anh ta là Hội. Tôi hơi ngỡ ngàng khi thấy Hội mặc quân phục mà dám đào ngũ. Hỏi han thì anh ta cho biết mình được đơn vị cử về Hà Nội làm việc gì đó. Cái thằng tôi thật thà tin ngay. Sự thật chỉ được hé lộ khi ra đến ga Bỉm Sơn, Hội bị kiểm soát quân nhân xét giấy chặn bắt. Tôi mặc đồ sơ vin lỉnh thoát ngay tắp lự. Lên tàu ngồi nem nép được mươi phút thì số phận của tôi cũng giống Hội. Ngay tối đó tôi cùng với Hội bị giong về đơn vị.
Cả tôi và Hội bị kỷ luật nhốt vào nhà thúc mầm. Là cái nhà người ta xây kín rồi cho thóc giống vào trong ủ theo quy trình để thúc nảy mầm mang đi gieo thành mạ cấy. Lạnh, buồn và sợ. Được cái Hội mau miệng, mắn chuyện. Hai thằng rét quá chỉ ngồi mà không dám nằm, thủ thỉ chuyện trò. Hội bảo ước mơ của anh là trở thành nhà văn. Tôi trố mắt khi nghe Hội kể đã từng viết cả trường ca khi còn ở đầu cấp ba. Hãi thật. Tôi mê văn nhưng cao trào nhất cũng chỉ mới ở mức dám đọc sách cấm Tự lực văn đoàn. Đằng này… Tôi chuyển sang xưng em với Hội vì phục từ lúc nào không rõ. Hội tâm sự bảo nếu không đi lính đợt này anh ta sẽ vào học Tổng hợp văn. Lý do trốn thì Hội giấu biệt. Tôi cũng chả hỏi làm gì. Rồi Hội đọc một đoạn thơ của Hội mới làm cho tôi nghe. Hào sảng, da diết. Khoái quá tôi phởn chí bảo anh em mình bị nhốt thế này càng thấy nhớ Hà Nội. Rồi lại thằng mồm của tôi buột ra: “Người trong nhà mầm. Hồn ngoài Hà Nội”. Được đúng hai câu thì tôi tắc tị. Chợt tôi thấy Hội khác hẳn. Đang ngồi co ro anh ta bật ngay dậy. Hỏi, Hội chỉ lắc đầu có vẻ suy nghĩ căng thẳng. Được một lát, Hội kêu đau bụng. Rất đau, gập cả người quằn quại. Tôi hăng hái đập cửa gọi người gác để Hội đi cấp cứu. Hội được ra ngoài ngay và đến tận sáng không thấy quay trở lại. Tôi rất lo cho anh không biết có bề gì không.
Sáng bạch, cửa nhà thúc mầm mở, tôi được dẫn đến nhà ban chỉ huy đại đội. Đại đội trưởng tên gì tôi còn chưa biết đeo lon thiếu úy khuôn mặt bợt bạt vì sốt đập bàn quát tôi. Anh kết tội đào ngũ. Tôi còn cãi gì được nữa nhưng đến khi bị quy là phản động thì tôi sợ. Tai tôi ù lên. Sợ chứ, phản động là thứ không thể đùa được. Tôi cãi. Đại đội trưởng bảo tôi làm thơ phản động, có tính kích động bộ đội đào ngũ ăn Tết. Bỏ bu, có gì phản động đâu nhỉ. Tiên sư cái thằng mồm luôn gieo vạ. Tôi cãi cật lực. Càng sợ càng cãi đến mức đại đội trưởng bực quá lệnh giải tôi lên cảnh vệ tiểu đoàn. Đến lúc đó thì tôi hết sợ chỉ thấy oan ức, chỉ thấy tủi hổ. Không cãi nữa tôi ngồi im rơm rớm nước mắt. Đã bảo tôi chỉ ngang bằng đứa trẻ thôi mà. Có lẽ thái độ của tôi khiến chính trị viên đại đội động lòng thì phải. Anh gạt vị đại đội trưởng nóng tính ra ngoài rồi tỉ tê hỏi chuyện tôi từ hoàn cảnh gia đình đến vụ vượt núi và lúc trong nhà mầm. Sự ôn hòa của anh khiến tôi cởi mở tâm sự hết mọi nhẽ từ thôi thúc ăn Tết Hà Nội thế nào, đến tình nguyện chiến đấu ra sao. Nhiều lắm. Sau cùng ông khuyên nhủ tôi vài điều và hội ý với ban chỉ huy trả tôi về đơn vị. Tất nhiên tôi phải viết kiểm điểm vụ đào ngũ không thành và nhận kỷ luật cảnh cáo sau đó.
Ngải lầm lì đón tôi không như tôi tưởng là anh lẽ ra phải rất mừng vì tôi thoát nạn. Thoát chứ, tội kích động đào ngũ ấy nếu bị quy kết không biết số phận tôi sẽ thế nào. Rất có thể tôi bị tước quân tịch. Mà như thế thì cuộc đời tôi coi như sẽ chấm hết. Ngải sa sả mắng tôi ngu vì đã tin vào tay Hội và dại mồm dại miệng. Không cần Ngải mắng tôi cũng biết lý do vụ đau bụng là cái cớ Hội thoát ra để báo cáo ban chỉ huy. Chỉ có một chi tiết tôi không ngờ đến là chính Hội sau khi bị bắt ở ga Bỉm Sơn đã xì ra tôi trong bộ thường phục dẫn đến mọi tai họa cho tôi sau đó. Tất nhiên vố lõm nhất là tôi chượi mất một cái Tết Hà Nội. Tôi lúc đó đã rất oán giận Hội.
Chẳng sao, tuổi trẻ có những niềm vui nhanh chóng nên cũng mau quên mọi sự bồng bột và giận hờn. Giao thừa năm đó, Ngải tổ chức một buổi tiệc hoành tráng có đủ thứ trà thuốc, bánh kẹo và cả một chai rượu mùi mang đi từ Hà Nội. Tất cả được vùi trong cót thóc của gia chủ. Tôi thắc mắc điều này vì xưa nay anh kín tiếng và chuyên dùng chung mọi tài sản của tôi thì Ngải quắc mắt rất đàn anh:
– Không yểm kỹ trong đó thì Tết nằm khoèo mút cùi tay à.
Tôi chịu và chợt thấy sợ luôn cả Ngải. Anh đã âm thầm chuẩn bị cái Tết trước đó hơn cả tháng. Ý chí của Ngải thật quyết liệt. Đêm đó, chính trị viên cùng đại đội trưởng sau Tết chung ở sân kho cùng cả đơn vị đã xuống chúc mừng dân và cánh lính tráng ở từng nhà. Họ đã ngồi dự mâm tiệc của Ngải. Ngải lậm lừ đe dọa tôi là đừng có mượn rượu phọt ra cái vố anh đã sắp xếp. Có cắt lưỡi tôi cũng chả dám, chả dại nữa. Giao thừa. Chúng tôi nâng cốc rượu cam vàng sánh. Chính trị viên vỗ vai tôi cười cười:
– Chúc mừng. Bây giờ thì cậu có thể thoải mái thả hồn ở Hà Nội. Khá lắm cậu bé.
Tôi không trả lời anh nhưng quả thật lúc đó tôi đang nghĩ đến bố mẹ anh em tôi. Nghĩ đến Hà Nội của tôi đang tưng bừng pháo nổ. Một Cổ Ngư lần đầu tôi xa giờ hồn tôi đang vọng về với một mùa Xuân đang đến. Xuân vọng. Tôi uống cạn chén rượu mừng và xiết chặt tay vị chính trị viên đầy biết ơn.
 
Sau Tết hai tháng, tình hình chiến trường có nhiều biến chuyển. Không quân Mỹ oanh tạc trở lại miền Bắc. Khóa huấn luyện được rút ngắn. Đại đội tân binh của tôi chia năm xẻ bảy. Một nửa vào Quảng Trị dự chiến dịch tổng tấn công 1972. Tôi cùng Ngải được chuyển đến một đơn vị cao xạ. Hiệp định Paris ký kết, chúng tôi tiếp tục chuyển vào chiến trường Đông Nam Bộ chiến đấu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ngải đúng như những gì đã thể hiện, hết chiến tranh trở về làm ở một công ty thương nghiệp lên được đến chức vụ giám đốc. Vào dịp đổi mới anh mắc phải sai lầm gì đó bị cách tuột mọi chức vụ. Tôi vẫn thi thoảng gặp anh trong nhiều nghề nghiệp khác. Tôi tin anh đủ sức xoay xỏa cho cuộc sống của mình. Chỉ mỗi một canh cánh bao nhiêu năm là tôi không biết được tin tức của Hội. Anh em đồng ngũ chỉ đồn đại Hội đã B quay khi vào đến Quảng Bình. Người lại bảo Hội đã hy sinh ở thành cổ Quảng Trị. Có người nói Hội ra quân về học Đại học tổng hợp. Theo nghề văn bao nhiêu năm tôi vẫn để công dò tìm xem có nhà văn nào tên Hội hay không nhưng không hề thấy. Có lẽ Hội đã không còn cơ hội để trở thành nhà văn hoặc giả anh không thể trở thành nhà văn. Cả hai lý do đều đáng tiếc cho Hội. Dù sao thì tôi vẫn nhớ về Hội mỗi khi Tết về như nhớ một thời tuổi trẻ của tôi bằng cái Xuân vọng lạ lùng mấy chục năm trước.
Tác giả: Phạm Ngọc Tiến – Người thực hiện: Hoàng Yến

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *