Bài nổi bật

Vợ chồng phó cối

1 – Vợ chồng phó cối
Thoáng trong nháy mắt, đỉnh Quy Sơn bị dòng nước vây lên tận ngọn như viên đá ném vào chậu nước chỉ trồi lên cái đỉnh nhỏ. Mặt nước là hỗn hợp của thủy tinh và lửa lấp lánh xô đi với một sức mạnh khủng khiếp chỉ bị chặn lại khi đến dãy Mao Sơn….
—————
Dãy Mao Sơn hình móng ngựa nằm chênh chếch về phía tây đỉnh Quy Sơn trông như cái khuyên trăng hờ hững giữa đất trời. Theo truyền thuyết, cứ một trăm năm bóng mặt trăng hòa cùng dãy núi làm một, loài cá hương từ trong khe sâu sẽ chui ra khỏi cửa hang đẻ trứng và loài hoa trông như lông mao ngựa sẽ nở trắng, cánh hoa lả tả tung lên theo gió như những bông tuyết giữa ngày hè.
Dân bản vẫn gọi tên là hoa bồ công anh. Ngay dưới chân Mao Sơn có một bản làng nhỏ hàng bao thế kỷ qua sống bằng nghề đục cối đá và đốn củi. Loại cối đá xanh qua những bàn tay thủ công đục đẽo từng nức tiếng một thời. Trong làng có lão phó cối họ Hoàng, truyền nhân của vị tổ sư nghề đục cối từ kinh thành Thăng Long lên vùng sơn cước lập nên xóm bản này.
Vợ chồng phó cối
 
Ðứng trên đỉnh Quy Sơn trông xuống làng Cối vào một sáng mùa xuân mờ sương thật đẹp. Những mái nhà kiểu nhà sàn nằm nem nép bên rặng đồi như cây nấm giữa trùng sương. Sương giăng bạt núi. Ðất trời êm đềm thiếp ngủ. Chỉ có âm thanh duy nhất là tiếng con suối Seo May rắt riu chảy, nghe như tiếng đàn đá. Trong sương, dáng lão phó cối ra sức đánh tung chiếc roi da quất vào mông con lừa già gầy đét, vợ phó cối gồng lưng đẩy sau chiếc xe thồ. Hai vợ chồng đang đưa cối đi chợ phiên. Chợ phiên vùng cao ba tháng mới họp một lần và đây là phiên chính của cả mùa xuân. Phiên chợ đông vui, tấp nập nhất cả cái huyện vùng biên này.
Lâu lâu, hai vợ chồng lại bắt gặp một vài người trên lưng đầy gùi bắp chuối tươi xuống núi. Biết vợ chồng lão phó, họ đùa vui:
– Vợ chồng bác phó đi chợ phiên đấy à! Chày của bác mà giã thì ai cũng khoái, cả cái cối của bà phó nữa.
Lão phó lấy tay gạt mồ hôi rịn hai bên thái dương. Trời đã vào xuân, vẫn còn cái se buốt vùng cao mà đoạn đường dốc cũng khiến người lão như bốc hỏa.
– Cái đó thì đương nhiên rồi. Người nào của nấy mà.
Mọi người lại ra đi. Chỉ còn tiếng thở nặng nhọc và tiếng nói cười lẫn trong sương sớm. Ở đây, phải tầm chín, mười giờ trưa mặt trời mới chịu nhô lên khỏi đỉnh Quy Sơn ban phát nguồn ánh sáng mát lành.
Vợ lão phó là gái xứ Tuyên chính cống. Ngày trẻ, mụ đẹp nổi tiếng miền sơn cước này. Gốc gác hàng chục đời của mụ là từ thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, quan lại vua chúa trong triều dắt díu chạy dạt lên đây. Ðời này qua đời khác, thê thiếp của họ là những hồng nhan sắc nước khắp vùng tụ về sinh con đẻ cái để nhân ra những bông hoa rừng núi. Ngày trẻ mụ đẹp lắm chứ không có cái vẻ sồ sề như bây giờ. Cuộc sống mưu sinh khốn khó đã tàn phá nhan sắc mụ đến khiếp, mụ hay bảo thế. Nhưng lão phó lại bảo khác. Lão bảo chính vì mụ là “đu đủ đực” nên thành ra thế.
Vợ chồng phó cối sống với nhau gần trót đời mà không sinh nổi mụn con. Mụ phó cũng vài ba lần mang thai nhưng bị sẩy. Chắc tại lão phó. Thời trai trẻ, dăm ba năm lão tham gia dân công hỏa tuyến dọc tuyến đường Trường Sơn nên đã hít không ít thứ thuốc diệt cỏ của giặc Mỹ. Nhưng mụ phó lấy sự không sinh nổi đứa con là do lỗi ở mình nên cũng hay tự dằn vặt, thành ra lúc nào lão phó say rượu có cằn nhằn, mắng nhiếc mụ cũng im.
Việc của lão phó là đẽo chày, đục cối và đi lắp cối xay cho các làng lân cận. Việc của mụ là vào rừng lấy củi đốt lên thành than đem bán. Lão phó vẫn bảo: “Vợ gỗ, chồng đá”. Ðá thì tất nhiên cứng hơn gỗ nên lúc nào lão cứng thì mụ phải mềm.
Cách đây vài năm, Nhà nước mắc lưới điện vào tận vùng thâm sơn cùng cốc này, riêng làng Cối bị dãy Mao Sơn chia cắt nên điện chưa vào được. Cái xã cách làng Cối nửa ngày đi bộ đã sắm được máy xát. Những hôm có gió đông, thảng trong gió lão vẫn nghe tiếng máy chạy xình xịch. Lâu lâu, trong làng Cối cũng có dăm thanh niên trai tráng, cường sức, đánh lừa kéo xe thồ nặng trĩu những thóc, nếp, ngô, sắn xuống đấy xay xát. So với trước khi có cái máy “hại điện” ấy, bây giờ công việc của lão phó cối khó khăn hơn. Cối làm ra được ít người mua mà giá cả bấp bênh, tùy lòng khách trả.
Ðể đục đẽo thành hình cái cối trọn vẹn lão mất đến hàng tuần kiệt lực, nhưng đem bán chẳng đáng là bao. May ra được dăm ba nồi thóc. Biết vậy lão vẫn làm vì không biết làm việc gì khác. Lâu lâu, có người gọi đi lắp cối xay, tiền công ít khi bằng tiền mặt, lần vài nồi thóc, nồi ngô, có khi chủ nhà đãi chầu rượu sắn nhắm với món ruột trâu xông khói là xong. Ðối với lão phó, việc đục đẽo không chỉ để kiếm tiền đong gạo, mà lão làm vì cái thú của riêng mình. Giống như một nhà điêu khắc, nếu bỏ quên vài ba ngày không cầm tay đục sẽ thấy nhớ. Dòng máu nghệ nhân bao đời chảy trong huyết quản và lão biết sau lão sẽ không còn ai theo nghề này nữa.
Việc đốt than của mụ phó, nó cũng như mầu sắc của viên than vậy. Mỗi bữa đi chợ mua được ít mắm muối, số tiền lẻ nhem nhuốc còn lại, mụ về đút ống bơ. Cuộc sống của vợ chồng phó cối cũng cứ lắt lay như ngọn khói đốt nương, đốt rẫy mà qua ngày đoạn tháng.
Chuyện kể rằng, xưa vùng đất bao quanh dãy Quy Sơn là một cái hồ rộng hàng nghìn mẫu vuông, bốn mùa nước xanh leo lẻo, quanh năm sếu hạc rập rờn. Trong hồ có giống rùa lạ sống hàng nghìn năm, mai rùa có mầu xanh ngọc. Ðấy là loại rùa mà các thổ hào, tộc trưởng miền núi vẫn lấy làm thứ để tiến cống nhà vua. Trong hồ có một con rùa lớn, to như quả đồi con. Hàng trăm năm mới ngoi lên mặt nước một lần. Ðấy là giữa lúc mặt trăng viền với đỉnh Mao Sơn làm một, thành khuôn tròn vành vạnh như cái đĩa tráng bạc khổng lồ. Con rùa ngoi lên mặt nước trông như một ốc đảo mọc lên giữa lòng hồ. Mọi người vẫn gọi đấy là rùa chúa. Nhưng một năm kia, sau trận hạn hán lịch sử, khu hồ lớn kiệt nước, tất cả sinh vật sống trong hồ chết sạch. Rùa chúa như ốc đảo nằm im giữa lòng hồ, hơn năm sau mới chết. Cứ thế năm này qua năm khác, đất đá thời gian phủ lên, đến nay thành đỉnh Quy Sơn. Trèo lên đỉnh Mao Sơn mà trông sang thì ai nấy đều kinh ngạc khi trước mắt mình là một con rùa khổng lồ sừng sững bằng đá xanh, đầu ngoảnh về hướng bắc. Lão phó vẫn lấy đá ở đấy về đục cối. Loại cối không vùng nào sánh bằng vì cái sắc đá và độ cứng bền.
Hàng bao thế kỷ cụ rùa ấy vẫn uy nghi, lẫm liệt giữa đất trời. Gần đây, khắp các bản làng bao quanh đỉnh Quy Sơn xôn xao chuyện đang có dự án kéo điện, mở đường vào tận chân núi để khai thác đá làm vật liệu xây dựng và đá mỹ nghệ xuất khẩu. Dạo trước có đoàn cán bộ dưới xuôi lên khảo sát suốt nửa tháng trời, ăn ngủ trong nhà vợ chồng phó cối. Lúc về họ mua của lão phó, đóng thành thùng lớn các loại cối cỡ nhỏ và những rùa đá cỡ bàn tay mà trong lúc rảnh rỗi lão phó hay mài đẽo coi như một trò giải trí. Tháng một lần, lão phó lại đánh con lừa già kéo xe thồ đến chân Quy Sơn chọn những vỉa đá, khối đá xanh đẹp nhất, sắc đá lấp lánh nhất về đục cối. Từ một khối đá thô sơ như cái thúng, sau dăm ngày tay chạm, tay đục nó đã thành cái cối tròn trạnh, vuông vức với những lớp vân đục tuyệt xảo. Những viên đá thừa thẹo lão cất đi, lúc nhàn hạ lại đưa ra gọt đẽo thành những hình thù yêu thích. Rùa vẫn là con vật lão tỉ mẩn để chế tác nhất. Mấy lần lão đem đi chợ phiên cùng xe cối, khách du lịch họ rất thích và lão phó đã bán được giá cao gấp nhiều lần giá trị một cái cối. Trong phiên chợ xuân này, trên chiếc xe thồ ấy kèm theo cả một thùng gỗ hàng mấy chục con rùa đá tương tự.
Chiều, ông mặt trời mầu tiết trâu uể oải nấp mình sau đỉnh Quy Sơn, vợ chồng lão phó dong lừa về làng xuống con dốc, khuôn mặt hai người phớn phở khác thường. Nhìn vào đấy, ai cũng đoán được là hai vợ chồng lão có một phiên chợ đắt hàng. Trên thùng xe là hàng tá các thứ hàng hóa, thực phẩm chất có ngọn. Lão phó tậu được cái tẩu hút thuốc, cứ ngậm luôn từ chợ về, đi đến đâu khói phì ra đến đấy.
Con đường rải nhựa như lưỡi dao cắt ngọt, trườn qua các sườn đồi, trảng núi vươn mình sát chân Quy Sơn. Công trường khai thác đá hình thành nhanh chóng. Ô-tô, máy xúc, máy ủi như đàn bọ hung khổng lồ kéo đến. Công nhân, phu đá trông như lũ kền kền ăn xác thối tụ về. Ðỉnh Quy Sơn như tảng thịt đã nằm trên thớt. Vì nằm trong vùng đất con đường tràn qua nên trước khi xây dựng cung đường này, làng Cối đã chuyển đi sang một vùng đất mới, cách đấy hàng chục cây số về hướng bắc. Duy chỉ có vợ chồng phó cối không dời đi. Từ khi nhà bị phá, vợ chồng lão cất tạm căn nhà vầu nứa ở lưng chừng mé sau đỉnh Quy Sơn. Nghề đục cối của lão chính thức khai tử vì lão không được lấy đá nữa. Ðỉnh Quy Sơn bây giờ thuộc quyền quản lý của công trường khai thác. Mụ phó vẫn vào sâu trong núi đốn củi đốt than, riêng lão phó tìm vui bên vò rượu sắn. Lúc rảnh lại mang những cục đá nhỏ ngày trước đẽo cối thừa ra, được lão cất đi, đem chạm đục nên những con rùa nhỏ. Ðường chạm, tay đục tinh vi, tuyệt xảo. Lão phó như dồn hết vốn tâm lực và nhiệt huyết còn lại vào những con rùa đá nhỏ.
Ðêm trước hôm công trường khai thác đá chính thức khởi công cũng chính là cái đêm đến kỳ hạn một trăm năm theo truyền thuyết, mặt trăng viền với dãy Mao Sơn làm một. Ánh trăng dát bạc khắp núi rừng. Nhìn khắp chốn cỏ cây, sim mua đính triệu triệu mảnh trăng. Loài hoa mao ngựa nở trắng bay khắp đất trời, dưới ánh trăng tạo nên một mầu lấp lánh huyền ảo. Lão phó cối vẫn ngật ngừ bên vò rượu, miệng không thôi chửi rủa mụ phó, chửi rủa cái công trường dưới kia, chửi cái sự đời đen bạc, chuyển vần chớp mắt…
Lão cối say thiếp đi. Trong cơn say tỉnh chập chờn, lão thấy đất trời vần vũ. Mặt đất như trong một trận đại hồng thủy khủng khiếp. Quanh đỉnh Quy Sơn, một vòng tròn đất đá nứt ra sâu hun hút đến cả nghìn thước, từ dưới ấy một nguồn nước trắng xanh ngầu bọt phun lên như triệu triệu đàn bạch mã hí vang. Hoa mao ngựa cứ bay…  cứ bay…  lả tả…  lả tả như hàng nghìn bông tuyết trước con mắt lão.
Thoáng trong nháy mắt, đỉnh Quy Sơn bị dòng nước vây lên tận ngọn như viên đá ném vào chậu nước chỉ trồi lên cái đỉnh nhỏ. Mặt nước là hỗn hợp của thủy tinh và lửa lấp lánh xô đi với một sức mạnh khủng khiếp chỉ bị chặn lại khi đến dãy Mao Sơn. Có tiếng hàng trăm con người kêu cứu loạn xạ, tiếng kim loại, sắt thép, xe cộ, máy móc bị dòng nước cuốn va đập vào nhau hòa với sóng nước lồng lộn tạo nên dàn hợp âm đinh tai nhức óc. Hoa bồ công anh cứ bay, dập dờn trước gió.
Một lúc sau, mọi âm thanh tự dưng im bặt chỉ còn hiện ra trước mắt lão là mặt hồ khổng lồ sóng sánh. Viền trăng giao kết với dãy Mao Sơn tạo thành một vầng trăng tròn y đáy đĩa dát vàng khổng lồ mà đỉnh Quy Sơn chỉ là một chấm đen nhỏ điểm tô chính tâm cái đĩa vàng ấy. Cảnh vật ngời ngợi dưới trăng. Núi rừng rờ rỡ dưới trăng. Ðẹp đến kỳ vĩ. Ðỉnh Quy Sơn nhẹ nhàng chuyển động, thoắt ngay nơi lão ngồi cùng căn nhà cũng chuyển động. Ðỉnh Quy Sơn nhô cao lên mặt nước. Lão hoảng hồn khi dưới lão là một con rùa khổng lồ với cái mai xanh láng có những đường vân vi dọc ngang rất đẹp. Con rùa đưa lão dạo quanh khắp lòng hồ. Con rùa đi đến đâu suối trăng tuôn theo đến đấy. Lão phó nghĩ mình chẳng khác gì một vị thần tiên thoát tục. Như chợt nhớ ra điều gì, lão liền trút bỏ cái hộp gỗ đựng mấy chục con rùa đá nhỏ cất công đẽo gọt xuống lòng hồ, thoáng chốc cả một đàn lớn rùa nhỏ ve vẩy bơi theo rùa chúa. Mai của mỗi con rùa như được chạm khắc bằng ánh trăng. Lão thấy mụ phó biến thành một cô sơn nữ mười tám đôi mươi xinh đẹp thoắt cái lại biến thành một đóa bồ công anh lớn và cứ tan ra…  tan ra theo những cánh hoa nhỏ như lông mao ngựa cứ bay lên…  bay lên, lừng lững về trời…
2 – Chị Dâu
Bố mẹ tôi đã ngoài sáu mươi tuổi. Hai cụ có lương hưu nên nghỉ lao động hơn chục năm nay, có mở quán trà đá nhỏ đầu con hẻm, cái chính là để vui vầy tuổi già với lại cũng kiếm đồng ra đồng vào phụ giúp con cháu.
Từ khi chị Hạnh về làm dâu, mọi nền nếp sống của gia đình tôi dường như bị đảo lộn. Tất cả mọi sinh hoạt hằng ngày được quy định theo một giờ giấc cụ thể, khoa học không có kiểu gặp đâu đánh đấy, mạnh ai nấy làm như trước nữa. Cái chuồng của anh Lộc (trước nay tôi vẫn gọi nơi anh Lộc ở là cái chuồng), được chị dâu dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ như một phòng khách sang trọng khiến anh ú ớ không nhận ra phòng mình.
Trước khi cưới anh Tấn, chị Hạnh làm ca ngày ở công ty vệ sinh, môi trường của thành phố. Nhưng kể từ ngày về nhà tôi, chị xin chuyển làm ca đêm để tiện cho công việc nội trợ, bếp núc nhà chồng. Trong nhà chỉ có ba người phụ nữ. Tôi cũng đã được xếp vào số đó. Từ ngày có dâu mới, mẹ tôi không đụng tay vào dầu mỡ, còn tôi hơn mười ba tuổi, vào cái tuổi thập thành thiếu nữ nên chỉ biết ăn và nhõng nhẽo chứ chưa làm nên trò trống gì. Có chị, tôi bắt đầu học vào bếp.
Bao nhiêu công việc vất vả là thế, chị Hạnh còn về quê lôi lên cả đôi lợn giống để nuôi. Chị bảo: ‘Nuôi lợn khỏe hơn nuôi chó mèo lại có thu nhập. Mà ở các khu phố quanh mình cơm thừa canh cặn bừa phứa ra đấy, vứt đi phí lắm’.
Vốn sau nhà tôi có cái chuồng lợn làm từ thời bao cấp, nhưng đã lâu không dùng, thường ngày là sân chơi quen thuộc của anh Lộc và con xồm. Anh Tấn kiếm đâu về mấy thanh sắt hàn lại, thế là thành cái chuồng lợn ngon lành. Mỗi khuya đến là ngửi thấy mùi chua chua, lờm lợm từ đó phát ra, nhưng lâu dần cũng quen.
Anh Tấn ngoài giờ làm ở xí nghiệp xe buýt ra thì ở nhà phụ giúp chị xay và đóng khuôn đậu phụ. Chị dâu còn kiêm luôn một hàng đậu phụ nơi cái chợ cóc đầu phố. Ðậu phụ đem bán còn nước làm thức ăn cho lợn. Nhìn chị dâu suốt ngày quần quật làm việc mà sợ, có lúc tôi tự nhủ sau này mình không nên lấy chồng.
*
* *
Hơn chục năm sau, nhờ đôi bàn tay cần cù chịu khó cùng đức tính ki cóp tiết kiệm, hai vợ chồng chị đã gây dựng được một cơ ngơi vững chãi, bề thế. Ngôi nhà hai tầng khang trang úp mặt lại như khiêu khích căn nhà cấp bốn có tuổi ngót nửa thế kỷ. Anh chị chuyển ra ở riêng kể từ khi căn nhà mới hoàn thành.
Mọi việc dường như rất suôn sẻ đối với anh Tấn kể từ ngày chị về làm dâu. Mọi người đều bảo chị Hạnh có tướng vượng phu. Anh nay không còn là thằng phụ quèn thu vé xe buýt tuyến như trước nữa, tiền bạc cùng sự khôn khéo giúp anh chen chân được vào tổ thanh tra của xí nghiệp. Công việc nhàn hạ, đồng lương rủng rỉnh, con người anh trở nên đẫy đà ra.
Chị Hạnh thì ngược lại. Bao nhiêu công việc, lo toan của người dâu trưởng đã vắt kiệt sức lực của chị. Trước đây chị tươi trẻ bao nhiêu thì bây giờ chị già nua bấy nhiêu. Chị kém anh Tấn bốn tuổi mà giờ nếu ra đường nhiều người ngỡ… chị em.
Cái đó đối với chị chẳng đáng gì, điều lo ngại nhất là anh chị đã cưới nhau hơn chục năm mà vẫn chưa có con. Ông bà mong mỏi đứa cháu nội để bồng bế mà mãi không thấy. Nhiều lúc, vì quá mong mỏi, hai cụ trở nên bẳn tính hay cáu kỉnh, gắt gỏng, nói con dâu những điều khó nghe nhưng chị đều nhẫn nhịn. Ðược làm mẹ, người phụ nữ nào mà chẳng ao ước. Anh chị đã từng phá thai một lần vì ngày đó mới cưới, kinh tế gia đình còn khó khăn. Việc này anh chị giấu tiệt không cho ai biết. Phá thai lần đầu rất dễ gây ra những biến chứng về sau. Với chị, tuổi già đang treo lơ lửng trên đầu và đó là điều đáng sợ nhất đối với một người phụ nữ.
*
* *
Bố tôi thuộc chi nhánh trưởng của một dòng họ lớn, nên mỗi năm phải đứng ra lo khá nhiều ngày lễ Tết. Ngày nhỏ, tôi thường trông chờ từng ngày và đếm tất cả các ngày có việc như thế lên đầu ngón tay để được đánh chén. Lớn bé phải đến hàng chục lần. Nào là rằm tháng giêng, giỗ các cụ, rằm tháng bảy, giỗ anh Tài (anh trên tôi mất khi mới mười một tuổi) và bao nhiêu cuộc ma chay, cưới hỏi… Tất cả một tay chị dâu lo toan. Bố mẹ tôi đã già, anh Tấn bận việc suốt, anh Lộc thì nhiều khi còn làm phiền chị hơn. Còn tôi vào đại học, không những không phụ giúp được gì mà trở thành gánh nặng của chị.
Mỗi khi có công chuyện, từ mấy hôm trước chị dâu đã rối rít tít mù không biết bao nhiêu là việc. Nhìn chị có lúc tôi nghĩ sao chị giống người đi ở cho cái nhà này hơn là một dâu trưởng. Hai bà chị gái tôi nhẩn nha đến bữa ăn mới đến, ăn xong tìm cách lẩn luôn. Thấy cơ ngơi anh chị đàng hoàng đem lòng ganh tị hay nỏ mồm bàn tán lung tung. Cứ xoay quanh cái chủ đề chị hiếm muộn mà giở ra bàn tán. Có lần tôi còn nghe được hai chị nói với nhau cùng cái lườm nguýt rõ dài: ‘Anh Tấn nhà mình thật bạc phước. Rồi đến nước phải đi lấy vợ hai thôi’.
Chị Hạnh biết hết những lời xì xào đó, nhưng luôn im lặng. Cam phận và nhẫn nhục là đức tính của chị và trong thâm tâm chị tự nhủ chưa có con cũng do lỗi ở mình. Nét mặt trầm tư, u buồn luôn ngự trị trên khuôn mặt chị. Thi thoảng, để làm tôi vui, chị cố nở nụ cười gượng gạo.
Anh Tấn càng ngày càng vắng nhà nhiều hơn. Luôn có những lý do đột xuất và chính đáng để anh ở lại công ty hoặc một vài ngày cho chuyến công tác, về tận các xí nghiệp khảo sát. Với anh, chị luôn dành một tình yêu đến mức tôn thờ không một chút nghi kị mặc dù gần đây có lời ra tiếng vào rằng chồng chị bồ bịch. Miệng lưỡi thiên hạ là thế. Chị tự nhủ.
Cái thói trưởng giả trong anh ngày càng thể hiện rõ, tuồng như đó là bệnh của đàn ông vào độ tuổi trung niên. Hôm nào đến công ty thì chớ, còn ở nhà anh luôn kiếm chuyện hạch sách vợ. Người vợ cùng chung chăn gối với anh hơn chục năm trời, đã cùng anh trải qua những tháng ngày gian khó nhất của cuộc đời, đã giúp anh được bao nhiêu việc, vậy mà thoạt tiên trước mắt anh, chị bỗng trở thành một người xa lạ. Mọi chuyện cũng chỉ vì chị chưa thể sinh cho anh, cho ông bà nội một đứa cháu mà thôi. Hay cũng có thể nhan sắc chị đã phai nhạt, hoặc do cái lối so sánh cố hữu của anh giữa vợ với những cô gái trong các mối quan hệ xã giao hằng ngày. Anh Tấn đã nhiễm phải cái thói xấu của đàn ông thời hiện đại chăng?
Mặc dù tôi đang học trong thành phố, nhưng vẫn thuê trọ ở riêng, thi thoảng cuối tuần hoặc lúc hết tiền mới về nhà. Mỗi lần về tôi lại thêm xa xót khi nhìn thấy dáng hình lầm lũi của chị. Dù bận học nhưng tôi cũng nán ở nhà một đêm để tâm sự cùng chị. Từ nhỏ, tôi vẫn là người chị tin tưởng nhất vì trong ngôi nhà này không còn ai để chị có thể nói chuyện được. Bố mẹ tôi thuộc vào một thế hệ khác. Mẹ tôi xem việc đi lễ chùa là quan trọng hết thảy. Từ khi tôi còn là một đứa bé con rồi thành thiếu nữ, chị như một chuyên gia tư vấn cho tôi mọi chuyện với tư cách một người phụ nữ. Chị là người đáng tin cậy nhất để tôi trút bầu tâm sự.
Tôi biết tính chị vốn kiệm lời, không hay ta thán, kể khổ. Những lúc chuyện trò chị chỉ xoay quanh việc tôi học hành thế nào, đã có bạn trai chưa… Chị luôn nhắc nhở tôi cuộc sống phức tạp, ra ngoài đời phải cẩn thận. Khi tôi hỏi đến chuyện của chị, chỉ nhận được tiếng thở dài đến não nuột cùng câu nói bâng quơ, quen thuộc: ‘Em không phải lo cho chị. Chị vẫn sống tốt’, rồi hôm sau trước khi đi, chị lại giúi cho tôi ít tiền. Tôi đâu đành lòng nhận tiền của chị, nhưng cũng phải nhận để chị vui lòng. Ðiều kém may mắn là chị chưa có con, nên mọi tình yêu thương của người mẹ chị dành hết cho tôi và anh Lộc.
*
* *
Cuộc sống đô thị hiện đại cuốn con người ta vào cái vòng xoáy nghiệt ngã của cơm áo gạo tiền. Thực dụng, ích kỷ đến cay nghiệt. Nhiều giá trị của một gia đình truyền thống bị đảo lộn. Các thứ bậc tình cảm vốn có là lòng yêu thương trân trọng lẫn nhau trong mỗi gia đình dần bị xóa nhòa.
Tôi bước vào năm cuối ở giảng đường đại học với bao nhiêu bề bộn phải lo toan nên hai ba tháng rồi vẫn không về nhà dẫu biết rằng chỉ cần hơn tiếng xe buýt là đã có mặt bên những người thân. Không khí buồn tẻ vẫn là điều đáng sợ nhất với tôi mỗi khi về nhà. Gọi điện thoại về gần như là một điều xa xỉ đối với tôi. Chính vì vậy cũng đã lâu tôi không biết nhiều tin tức trong gia đình. Chắc rằng mọi việc cứ theo cái vòng xoay của nó.
Cuối tuần, trả xong bài khóa luận tôi tranh thủ tạt về mấy hôm nhân tiện xin cha mẹ ít tiền chuẩn bị cho đợt thực tập dài ngày. Căn nhà nơi anh trai và chị dâu ở đóng cửa im ỉm. Nhà trên, bố mẹ tôi mỗi người một góc. Một khoảng lặng đáng sợ bủa vây ngôi nhà giữa lòng phố thị xô bồ, tấp nập.
Tôi tạt vào buồng thăm anh Lộc. Cái buồng xộc lên mùi lờm lợm, tanh tưởi, mốc thếch. Anh thấy tôi vào mừng lắm, quên luôn cả con chó xồm. Nhìn anh tôi đoán có chuyện không hay đã xảy ra vì có lần nào về nhà được thấy bộ dạng nhếch nhác, bẩn thỉu của anh như thế này đâu. Chị Hạnh đâu để cho anh ở bẩn.
Anh nói liến láu, giọng ngọng líu: ‘Ấn ới ạnh a òa. Ấn ánh ạnh’… (Tấn với Hạnh ra tòa. Tấn đánh Hạnh), nói xong anh Lộc khóc như một đứa trẻ lạc mẹ. Trong nhà chị Hạnh là người quan tâm và chiều chuộng anh Lộc nhất. Tôi không ngờ cơ sự lại đến nước đó.
Sau đó tôi mới hiểu rõ ngọn ngành. Tất cả cũng từ việc chị Hạnh không sinh nổi đứa con mà ra. Ðó đâu phải lỗi chị. Một hôm chị đi làm ca ba về thì thấy một người phụ nữ lạ trong nhà mình. Chị đã bị sốc khi nghe anh Tấn tuyên bố đó là vợ hai của anh. Lời qua tiếng lại, chị bị anh đánh, lại thêm bố mẹ chồng bênh con trai, ghét nàng dâu ‘đu đủ đực’, chị bỏ về nhà mẹ đẻ ngay trong đêm. Hai bà chị gái tôi chẳng biết gì cũng vào hùa cùng cha mẹ bảo anh Tấn ly dị với chị lấy vợ mới may ra cứu vãn được sự nghiệp. Năm nay là năm hạn của anh. Bà đi chùa và xin được quẻ thế!
Hôm tôi về anh chị đang ra tòa làm thủ tục ly hôn. Chị dâu đã cố nuốt dòng nước mắt chua xót ký vào đơn ly hôn mà không đòi hỏi gì. Tình yêu của chị đối với anh cao thượng đến mức chị sẵn sàng hy sinh bản thân mình, giải thoát cho anh để anh có được cuộc sống theo ý muốn. Mười năm trước về nhà chồng cũng như mười năm sau ra khỏi nhà chồng, hành trang theo chị là cái hòm tôn trong đó có cái áo lụa tơ tằm của mẹ chị tặng. Bao nhiêu công sức mười năm chị gây dựng nên bây giờ cho người phụ nữ khác nghiễm nhiên hưởng thụ. Nhưng điều làm chị đau xót nhất là bao nhiêu tình yêu thương dành hết cho chồng, cho gia đình nhà chồng hóa ra vô nghĩa.
Gặp chị, tôi không biết nói với chị câu gì. Hai chị em ôm chầm lấy nhau. Cả hai đều im lặng. Tôi để mặc cho những dòng nước mắt đắng đót cứ thế mà trào ra ấm nóng. Tôi chỉ nghẹn ngào nói được một câu: ‘Chị ơi’. Chị buông tôi ra cố nở nụ cười như hôm nào. Chị bảo: ‘Ðừng buồn em nhé! Rồi mọi chuyện sẽ qua thôi. Con người sống ở đời quý ở cái tình yêu thương. Mọi thứ đều phù phiếm và vô nghĩa cả’. Mặc dầu chị nói thế nhưng tôi biết chị buồn lắm. Những lời của chị khiến lòng tôi như bị xát muối.
Tôi thắt lòng khi nhìn bóng chị như dấu chấm hỏi khô khan hắt trên đường chiều cuối phố. Nước mắt tự nhiên trào ra. Chợt sờ vào cái túi áo khoác, có một ít tiền lẻ chị vừa giúi cho. Chị vẫn là chị dâu của tôi như hôm nào. Ðứng giữa phố xá nhộn nhịp khi hoàng hôn vàng vọt, tôi tự hỏi: ‘Sao ở thời này mà vẫn còn những thân phận khổ cực như chị’. Cha mẹ, các chị, anh Tấn liệu có biết tôi cũng là một phụ nữ và rồi tôi cũng sẽ đi lấy chồng. Tôi cũng sẽ làm dâu?…
Tác giả: Hoàng Nghĩa – Người thực hiện: Hà Phương

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *