RadioVn.Com – Từ ngày chiếc xe hồng thập tự đưa bác tôi từ trại nuôi dưỡng thương binh nặng đặc biệt của tỉnh trở về, mãi lần này cuộc trò chuyện mới kéo dài đến thế. Nhìn mái tóc của bác rụng từng mảng, từng chỗ không đều, tôi hỏi :
– Tóc bác chưa bạc sao rụng gần hết rồi?
Đưa tay bịt lỗ đồng xu chỗ cuống họng để thở, giọng bác khàn khàn:
– Có phải tóc thật của mình đâu. Ngày bị thương mất một miếng sọ, người ta đóng đai hộp sọ bằng một chất hợp kim gì đó rồi cấy lên một lớp da tóc hoá học. Máu mình có chịu nuôi nó đâu. Da thịt mình có chịu tiếp nhận nó đâu. Nó có chịu được sương gió, nắng mưa đâu. Xanh đen mà vẫn rụng là vì thế.
-Thế những người chăm sóc sức khoẻ cho bác, ba tháng một lần họ về lấy máu, đo huyết áp, thử nước tiểu, hướng dẫn sử dụng thuốc chống kích phát chất độc da cam gây ung thư gì đó, họ có biết không?
Bác tôi lại bịt lỗ đồng xu ở họng, chậm rãi đáp:
– Có ai nói cho mình biết điều gì xảy ra đâu. Đến kỳ họ về. Đến kỳ họ đến. Sợi tóc của mình họ cũng đóng gói bỏ lọ. Hơi thở của mình họ cũng đóng gói bỏ lọ. Nước tiểu của mình họ cũng đóng gói bỏ lọ. Cái mà họ công khai được là lần nào cũng khuyên nên tập thể dục nhiều, nên uống nước chè xanh nhiều. Chỉ vào hai cái hộp vuông bằng in ốc để gần đầu giường, bác tôi tiếp,- Không thấy hai cái hộp ấy mất dấu là họ mừng rồi.
Tôi tò mò:
– Hai hộp gì đấy ạ?
– Một hộp trợ giúp thở ô xi. Một hộp trợ tim- Bác giải thích. Ngày chuẩn bị xuất trại, họ phải hướng dẫn cho mình biết sử dụng thành thục hai cái hộp ấy. Rồi bác tôi buột ra một câu ngoài dự tính,- Đời sướng thật. Có thứ tài sản không bao giờ đụng đến. Thế cũng mừng. Thừa nó là phúc rồi. Chứ thừa đám bút, đám mực này coi như đi đứt.
Câu nói của bác bất ngờ hướng sự chú ý của tôi vào những bức tranh mầu nước treo trên tường. Hình như bác tôi có một tâm sự về đường. Tranh chủ yếu vẽ về đường. Những con đường màu đỏ rực, ngoằn ngoèo, chằng chịt những nét đứt gãy, những vành khuyết nọ, khuyết kia đan cắt nhau.
– Mày có đọc Lỗ Tấn không?
Tôi sững người khi đột ngột nghe bác hỏi. Mặc dù chưa hiểu bác muốn gì tôi vẫn mạnh dạn trả lời
– Cháu có đọc. Nhưng không nhiều.
– Mày có nhớ cái câu triết lý lý về đường của ông ta không?
Lão nhà văn tiên sinh này chỉ nói đúng về những con đường thời nguyên thuỷ thôi. Cách mạng Việt Nam làm gì có chuyện đi mãi thành đường. Làm gì có chuyện cắm cờ trên nóc hầm bọc sắt của tướng Đờ-cát-tơ-ri dễ dàng thế? Làm gì có chuyện cắm cờ trên nóc dinh Độc lập của Tổng thống Thiệu dễ dàng thế? Chỉ có ông Nguyễn Trung Thành là nói đúng. Máu. Những con đường của đất nước này phải mở bằng máu. Máu ai? Máu dân tộc này. Trai gái dân tộc này đấy. Mày nhìn cái đai kim loại trên đầu bác, nhìn đồng xu chỗ họng bác, mày nhìn cái chân cụt trên đầu gối bác là mày hiểu
Tôi lặng người.
Vẫn mạch lô gíc ấy, bác tôi tiếp:
– Mày thấy gì trong màu đỏ? Không cần tôi trả lời, bác bảo,- Súng. Súng. Và những khuôn mặt người. Con đường được hình thành đấy. Mày nhìn kỹ xem, cả con đường cũng là khẩu súng. Độc lập đấy. Tự do đấy. Hạnh phúc đấy.
Quả thật, nếu bác tôi không phân tích, tôi không hiểu hết bức tranh bấy lâu nay bác vẫn thường ngắm nghía. Để tránh làm mạch xúc cảm của bác rơi vào trạng thái hưng phấn khó kiểm soát, tôi lái câu hỏi sang hướng khác:
– Ai dạy cho bác vẽ thế ạ?
Tưởng bác gắt, nhưng bác vui vẻ:
– Ông Thành Chương đấy. Ông Pi-cát-xô đấy.
Tôi nhìn bác ngạc nhiên thay cho câu hỏi. Bác èm một tiếng :
– Thấy tranh của các ông ấy, thấy tem của các ông ấy, thấy minh hoạ của các ông ấyđẹp. Thế là mình thích. Thích thì học. Và nó hút bác lúc nào chẳng biết.
Tôi nghĩ, có lẽ ham vẽ tranh quá nên lâu nay bác ít đi đây đi đó. Gần như bác đóng cửa ngồi nhà. Khác hẳn ngày mới về. Từ ngày thường đến ngày tết, bác đi khắp làng. Nhà ai có công to việc lớn gì , bác đều có mặt. Làng xóm cần nhất là cái tình,cái nghĩa. Ai cần mình tiền bạc. Bác tôi thường nói thế. Tự nhiên không thấy bác đi nữa. Tôi tâm sự. Mẹ tôi dự cảm thấy điều gì.
Mẹ tôi là người chuyên hãm nước chè xanh vào tích Hải Dương, ủ trong ấm giỏ để sau khi tập thể dục buổi sáng xong, bác tôi vào uống. Mặc dù lấy chồng vào Thanh đã ba bốn chục năm nhưng mẹ tôi vẫn giữ được chất giọng mềm mỏng và cách cư xử nhũn nhặn, lễ phép vốn có của con gái Bình Lục. Tuổi trên sáu mươi, thế mà khi xưng hô, mẹ tôi vẫn một em hai em.
– Chè em rót rồi. Bác dừng tay uống cho nó nóng. Gần như hôm nào mẹ tôi cũng bắt đầu bằng câu ấy. Bác tôi đặt cây bút vẽ xuống khay mực, đưa tay bịt lỗ đồng xu.
– Cảm ơn thím.
Đợi bác tôi uống xong hớp nước, mẹ tôi nhỏ nhẹ:
– Dạo này em thấy bác làm việc nhiều quá. Chiều nào không mưa gió, bác nên đi chơi, đi dạo cho nó thoải mái một chút. Nếu muốn đi đâu xa, bác bảo cháu Dũng nó lai. Dạo này nó đang nghỉ ở nhà. Bác tôi thừ ra, thở một hơi thật dài. Mãi một lúc sau bác tôi mới lên tiếng, giọng buồn buồn:
– Tôi cứ ngồi thế chứ có vẽ vời gì đâu thím.
Mẹ tôi hơi chột dạ, tưởng mình sất xá điều gì. Bác tôi tinh ý:
– Không phảị tại thím hay tại cháu. Tại tôi.
Mẹ tôi im lặng. Một lúc sau, giọng bác tôi trầm đục:
– Có lẽ tôi không đi nhà ai nữa đâu thím ạ.
Mẹ tôi giật mình:
– Sao bác lại nói thế. Bác là trưởng họ. Công to việc lớn trong làng, trong họ không có bác làm sao được.
– Thím nói không sai. Nhưng thím biết không, có người nói cho tôi biết. Vía
tôi sát khí lắm.
Mẹ tôi gạt đi.
– Ai độc mồm độc miệng thế? Em nghe người ta bảo, ngày còn thanh niên ở nhà, tết đến, cả làng cả xóm ai cũng mượn bác đến đạp đất xông nhà lấy may cơ mà?
Bác tôi tiếng một:
– Ngày xưa trong người tôi chưa có mảnh bom mảnh đạn, chưa có chất đi-ô-xin. Còn chất gì nữa mình chưa biết. Sát khí, sát vía là phải thôi! Họ bảo , nhà người ta có chó, có mèo vừa đẻ, tôi đến, chó mèo lập tức ăn con. Gà đang ấp trên ổ, tôi đến, gà mẹ mổ cả ổ trứng lôi đi. Hôm trước, nhà bà Tương tự nhiên chặt về một đống gai mây dấp ở cổng, rồi vãi muối rang, đốt áo rách ném ra đường. Hỏi ra mới biết, con cháu dâu mới đẻ được ba tháng. Có lần tôi đi qua nhà. Thế là cháu bị đẹn. Nó khóc tím tái suốt ngày, suốt đêm. Bà Tương đến xin manh áo cũ. Tôi đưa cho chiếc áo mới tinh. Bà Tương nói chỉ cần áo cũ. Tôi nào biết. Sau đó, tôi nhận ra. Một số người đang bế cháu chơi ở đường, vừa thấy tôi, họ đi thật nhanh khuất vào trong ngõ. Nhà ông Lâu bị chó ngộ cắn cách đây đã ba năm. Hôm vừa rồi chết. Họ cũng bảo tại tôi đến chơi nên bệnh dại tái phát!
Sau khi nghe bác tôi tâm sự, mẹ tôi khéo léo đi khắp mọi nhà tìm ra hư thực. Đúng là có chuyện đó. Mẹ tôi về giấu biệt. Trong các câu chuyện, mẹ tôi và tôi không bao giờ nhắc đến chuyện đi chơi nhà này nhà nọ.
Càng ngày bác tôi ngủ càng ít. Nhiều đêm, bác tôi dậy, bật điện ngồi mân mê, sờ vuốt chiếc hộp gỗ có hoa văn đẹp như khung ảnh Đài Loan, bỏ trong một chiếc túi da có khoá phéc-mơ-tuya, dài như chiếc đàn bầu.Rồi một hôm, trước ngày giỗ ông nội tôi, bác tôi bảo:
– Thím mua cho tôi một bó hoa, vài cân hoa quả.
Ngày hôm sau, khi khấn vái ông nội tôi xong, bác tôi thận trọng đặt chiếc hộp lên bàn thờ, cắm hoa, đặt đĩa hoa quả bên cạnh tấm ảnh bố tôi. Đốt tuần hương khác, bác tôi lầm rầm khấn gì một lúc thật lâu. Tuy rất tò mò nhưng tôi và mẹ tôi không dám hỏi xem trong cái hộp ấy đựng gì. Bác tôi cũng không nói, chỉ dặn:
– Thím ạ, tôi đã thắp hương khấn trước Tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nếu tôi còn sống, chiếc hộp này ở bên tôi. Nếu tôi chết, thím đặt ảnh tôi thờ chung với chiếc hộp này. Lôi trong ba lô ra ba bốn cái bì bằng giấy xi măng, rút từng cái một đưa tôi, bác bảo:
– Cháu để cũng được, đốt cũng được.
Mở túi thứ nhất, tôi thấy toàn phim là phim. Cái nào tôi cũng soi lên nhìn. Có cái tôi thấy hình ống chân, ống tay. Có cái tôi thây xương sườn, xương sọ. Có cái tôi thấy mấy dọc lấm tấm sáng như đám sao trên dải Ngân hà. Bác tôi bảo đó là đám mảnh bom như kiểu mảnh dao lam. Thấy nó dày trong xương nhưng không thể nào mổ lấy ra được. Túi thứ hai đựng toàn những bản nhạc chép tay cũ kỹ, nhàu nát. Tôi hỏi:
– Bác sáng tác bài hát ạ?
Bác tôi gật đầu.
– Bác sáng tác từ khi nào ?
Bác tôi bịt lỗ đồng xu ở họng:
– Từ ngày còn ở trong tù. Ngày đó, bác chỉ sáng tác miệng thôi. Khi về trại thương binh, bác nhớ lại ghi ra giấy và sáng tác thêm.
Tôi mở túi thứ ba, toàn những giấy chứng nhận dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt nguỵ, dũng sĩ diệt xe tăng. Có loại đến năm, sáu lần. Lạ nhất là cái giấy vay máy bay. Tôi hơi giật mình. Từ nhỏ đến giờ trong tiềm thức tôi chỉ có khái niệm vay ngô, vay sắn chứ chưa có khái niệm vay máy bay bao giờ. Thế mà trong ba lô của bác tôi lại có giấy vay máy bay. Bác tôi vay hay ai vay? Tôi đang định đọc nội dung tờ giấy thì nghe có tiếng ô tô. Tôi chạy ra. Ba chiếc xe con sang trọng đỗ ngay trước cửa. Một đoàn người bước vào. Phần lớn trong đó mặc quân phục đóng sao. Nhiều người ôm hoa rất đẹp. Tôi nhận ra bí thư, thôn trưởng, nhận ra chủ tịch xã. Có cả huyện đội trưởng… Bác tôi chống nạng bước ra sân. Một ông già nhỏ thó, vầng trán rộng bóng loáng như đánh véc ni, có mái tóc chạy từ vành tai bên này sang vành tai bên kia, bạc trắng, cứng như cước, xìa ra giống hệt cái mang con thằng lằn ô phồng lên khi chạy, đi thẳng đến, ôm ghì lấy bác tôi. Hai cánh mũi ông đỏ lên, phập phồng và nước mắt lả chả rơi. Nhiều người bị cái cảm xúc đó chi phối cũng ngân ngấn nước mắt. Tất cả lặng đi. Mãi một lúc sau ông già mới lên tiếng:
– Thưa bà con, thưa các đồng chí! Khi bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, đồng chí Nguyễn Đăng Khánh, người đang đứng cạnh tôi đây, đã bắn cháy năm xe tăng và bắn cháy ba máy bay của địch. Lúc ấy, tôi là Hoàng Long Biên, Sư Trưởng, trực tiếp chỉ huy chiến đấu, đã vay của đồng chí Nguyễn Đăng Khánh hai chiếc máy bay bắn được để làm thành tích cho tổ nuôi quân. Khi vay, tôi có viết giấy vay và kí nhận đàng hoàng. Mấy chục năm nay đất nước đã thanh bình, đổi mới. Tôi nghĩ mọi cái đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó. Đã đến lúc, sự thật phải được trả về đúng chỗ của sự thật. Cuộc đời có vay phải có trả. Lịch sử và cách mạng cũng vậy. Hôm nay, tôi mời đồng chí tỉnh đội trưởng, huyện đội trưởng, trước sự chứng kiến của lãnh đạo địa phương, đặc biệt là sự có mặt của bà con dân làng, tôi xin danh chính ngôn thuận, chính thức ghi xác nhận trả lại hai máy bay đã vay của đồng chí Nguyễn Đăng Khánh đã bắn được trong trận chiến Thành Cổ. Như vậy, chính thức, đồng chí Nguyễn Đăng Khánh hạ được ba náy bay địch chứ không phải một chiếc.
Mọi người ào đến đặt hoa vào tay, vào ngực bác tôi. Nhiều người bất ngờ cứ há hốc mồm ra. Không khí càng náo nhiệt khi tôi đưa tờ giấy vay máy bay mấy chục năm về trước cho mọi người xem. Bác tôi gần như không dịch chuyển. Đột nhiên, ông già lại làm một việc động trời không kém việc cho vay máy bay. Ông móc trong túi áo ra một chiếc hộp rồi trịnh trọng
– Thưa bà con, thưa các đồng chí! Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng Huân chương chiến công này cho tôi. Tôi xin tặng kỷ niệm đồng chí Nguyễn Đăng Khánh.
Để xua tan những dấu hỏi đang chuyền từ ánh mắt này sang ánh mắt khác, ông tiếp:
– Đây là tài sản riêng của tôi. Tôi có quyền tặng, cho, biếu hoặc kỷ niệm người nào tôi quý trọng và xứng đáng.
Ngay đêm hôm đó, tôi viết bài “Người cho vay máy bay”, phô tô làm hai bản. Một bản tôi gửi cho báo. Một bản tôi gửi cho đài. Không ngờ, một tuần sau khi báo ra, nhà tôi bận tối, bận ngày. Phóng viên các báo tới. Truyền hình huyện tới, truyền hình tỉnh tới. Bác tôi bị hút vào các cuộc phỏng vấn. Bộ phận theo dõi sức khoẻ của bác tôi liên tục điện lên nên tránh tiếp xúc đông người, cường độ cao. Cố gắng tập thể dục đều. Uống chè xanh càng nhiều càng tốt. Một buổi chiều bác tôi bảo:
– Sắp tới tôi phải đi Hà Nội thím ạ. Người ta bảo làm truyền hình trực tiếp nhân ngày thương binh liệt sĩ, hăm bảy tháng bảy.
Giọng bác tôi không buồn, không vui. Người ngoài mới nghe thì thấy đôi chút mệt mỏi. Mẹ tôi nhanh nhảu:
– Thế thì để cháu nó mang bác đi.
– Không cần, bác tôi đáp – Tỉnh đội họ bảo chịu trách nhiệm toàn phần.
Hàng xóm đến chơi thi nhau bàn luận. Chắc người ta sẽ hỏi ông bị cụt chân trái trong trường hợp nào? Ông có thấy đau đớn nhức buốt khi hàng trăm mảnh bom lưỡi dao cạo còn cắm trong xương cốt? Một vành đai xương sọ bằng kim loại có làm giảm tư duy và trí nhớ của ông nhiều không? Mỗi lần nói phải đưa tay lên bịt lỗ đồng xu ở cổ là vô cùng phiền toái. Lúc ông ăn uống thì phải thế nào?… Nhưng không ai nói đến cái hộp cả. Mấy ngày sắp đi, hầu như lúc nào bác tôi cũng cầm cái hộp lên vuốt ve, sờ mó. Khi người ta mời bác lên xe, bác tôi đem theo một chiếc ba lô đựng mấy cái bì bằng giấy xi măng và không quên mang theo chiếc hộp đặt lên lòng.
Không riêng gì gia đình tôi mà gần như cả làng hồi hộp ngồi trước màn hình đợi giờ phút bác tôi xuất hiện trên trường quay. Mấy chục câu hỏi mà người dẫn chương trình Khánh Linh đưa ra từ đầu buổi không khác những câu mà làng dự đoán là bao. Chỉ đến khi Khánh Linh chuyển giọng hỏi sang một nội dung khác thì bao nhiêu người trước màn hình trong nhà tôi chăm chú dán mắt lên.
– Thưa bác, đến trường quay hôm nay, cháu thấy bác mang theo một chiếc bọc da. Nếu cháu đoán không nhầm thì hình như đó là chiếc hộp. Xin bác cho cháu và khán giả xem truyền hình biết trong ấy là cái gì được không ạ?
Bác tôi gật đầu và từ từ mở chiếc hộp ra.
– Ôi! Một chiếc đàn nhị và một mái tóc! – Khánh Linh reo lên. Mái tóc dài và đẹp quá. Cháu xin ướm thử có được không ạ?
Bác tôi gật đầu. Khánh Linh giơ mái tóc cao ngang ngực rồi thả xuống. Mái tóc buông gần tới gót chân cô. Khi ngồi xuống nghế, Khánh Linh cứ cầm nguyên mái tóc vắt một vòng quanh cổ, ôm đuôi tóc vào lòng.
– Thưa bác, cô tiếp tục, mái tóc và cây đàn nhị này có liên quan gì với nhau? Nó có ý nghĩa như thế nào đối với bác?
Bịt lỗ đồng xu ở cổ, bác chậm rãi:
– Mái tóc và cây đàn nhị là một. Nó là tình yêu của tôi, là cuộc chiến đấu của chúng tôi. Đây là mái tóc của vợ tôi. Trước khi đến đây, tôi đã thắp hương khấn Tổ Tiên, ông bà, cha mẹ tôi xin nhận người con gái cắt mái tóc này cho làm con dâu trong nhà.
Cả trường quay lặng đi. Cả nhà tôi lặng đi. Đó là điều bí mật, bất ngờ nhất mà bấy lâu nay bác tôi chưa hề hé lộ. Giọng Khánh Linh như lạc đi:
– Xin bác nói rõ thêm có được không ạ?
Bác tôi kể. Đầu mùa khô năm sáu bảy. Tổ đặc công của bác tôi đánh vào sân bay Đà Nẵng. Cắt xong lớp rào dây thép gai thứ mười thì trời sáng. Bọn giặc phát hiện. Chúng nã đạn như mưa. Trên trời trực thăng. Dưới đất chó bẹc giê. Rút ra không kịp. Và bác tôi bị bắt.
Chúng nhốt bác tôi và một số người khác nữa vào một nhà tù đang xây chưa hoàn chỉnh. Mười tám người con trai là lính Thanh Hoá bị bắt ở nhiều mặt trận đưa về giam chung một phòng. Bên cạnh là mười bốn nữ biệt động thành, du kích QuảngNam. Buổi chiều, buổi tối, những người lính Thanh Hoá thường hát những điệu hò sông Mã, hát chèo, đôi khi hát dân ca quan họ Bắc Ninh. Không ngờ các cô gái Quảng Nam đã khoét thủng gạch, hát giao lưu. Anh em lấy văn nghệ quên đi đòn roi tra tấn. Bác tôi sáng tác nhiều bài hát mới. Ai cũng khen hay. Rồi bác tôi nghĩ phải làm một cây nhị kéo cho có tiếng nhạc. Bác tôi biết kéo nhị, chơi đàn bầu từ thuở bé. Có mấy thằng lính nguỵ quản thợ xây gần đó. Những người tù trong phòng bắt bọn chúng để lại cuộn dây cước để làm dây nhị. Vì biết anh em trong tù đã bí mật thủ tiêu hai thằng lính mật vụ ác ôn và hai tên chiêu hồi trà trộn vào hàng ngũ như thế nào nên chúng sợ, phải lặng lẽ làm theo. Bác tôi còn yêu cầu bọn hắn tìm cho một cái bầu nhị và một cục nhựa thông. Cây nhị đã được dựng xong. Nhưng tìm đâu ra lông đuôi ngựa để làm ắc- xê kéo ? Bàn nhau mãi vẫn không có cách giải quyết. Thấy thế, một cô bên phòng nữ tên là Út Linh cắt ngay cả một mái tóc dài như suối đưa sang. Chính là mái tóc này đây. Thế là không cần đến lông đuôi ngựa nữa. Từ đó, tiếng đàn nhị bắn đầu vang lên.
Tự nhiên giọng bác tôi như có một luồng sinh khí mới:
– Các cô gái Quảng Nam xô đổ cả bức tường ùa sang với chúng tôi. Và tình yêu đã đến. Tôi và Út Linh thề sẽ yêu nhau. Bọn giặc biết nhưng không dám đàn áp thô bạo. Và anh em trong tù đã làm lễ cưới cho chúng tôi. Mọi người bảo, nếu đứa bé ra đời sẽ lấy tên tôi và tên mẹ nó làm tên nó.
Tôi thấy hình như nét mặt Khánh Linh biến sắc. Môi cô run run . Sự xúc động đang lan toả trên đôi bờ mi. Có vẻ như Khánh Linh đang chăm chú
lắng nghe nhưng thực chất làn môi cắn chỉ nói rằng tâm trí cô đang chao đảo.
Khi bác tôi kể đến chỗ bọn giặc chuyển bác tôi đi một nhà tù khác, bác tôi tặng lại cây đàn nhị cho các đồng chí trong phòng, chỉ mang theo một mái tóc, trước khi đi, Út Linh và những người tù nữ tự tay làm tặng một chiếc bánh có in hai chữ Q-T có nghĩa là Quảng Nam – Thanh Hoá thì đột nhiên Khánh Linh quên mình đang dẫn chương trình, lao chồm tới ôm chầm lấy bác tôi rồi thét lên:
– Má ơi, đây rồi má ơi. Ba con đây rôi má ơi! Ba con đây rồi má ơi! Rồi
cô ngất đi. Nước mắt bác tôi tự nhiên cứ lả chả rơi.
Một tháng sau, nhà tôi có một sự kiện vô cùng trọng đại. Đó là cuộc đoàn tụ của gia đình bác tôi gần ba mươi năm không manh mối. Cả làng kéo đến trầu nước ăn mừng còn đông vui hơn cưới. Làm sao tù đầy như thế mà bác vẫn giữ được cây nhị? Làm sao bác vẫn giữ được mái tóc? Bác sinh Khánh Linh trong tù như thế nào? Bác bị tra tấn có nhiều không? Bác bị giam những nhà tù nào? Bao nhiêu câu hỏi dành cho bác trai và bác gái. Tôi
cũng không nghĩ số phận cây đàn nhị lại cũng phiêu liêu đến thế.
Xe chở tù binh đi đến nửa đường thì bị quân ta đánh úp giải vây. Bác tôi được cứu thoát. Sau nhiều tháng theo đường dây giao liên tìm về được đơn vị ở Quảng Trị, chiến đấu trong sư đoàn do Đại tá Hoàng Long Biên làm sư trưởng. Bị thương nặng, được đưa về trại điều dưỡng đặc biệt. ở đó ,không ai nhận ra bác tôi. Một buổi chiều, chống nạng ra ngồi ghế đá, bác tôi bỗng nghe tiếng đàn nhị. Chỉ có tiếng đàn kéo bằng tóc mới có âm thanh huyền ảo thế.
Linh tính mách bảo. Bác tôi chống nạng đến chỗ tiếng nhị ngân rung. Không ai khác, đung là Năng. Lại Văn Năng! Người cùng phòng giam được bác tôi dạy cho biết kéo nhị và tặng cho cây đàn nhị. Điều không ngờ được là họ vẫn giữ được cây đàn nhị ngày xưa. Mừng quá. Lại Văn Năng trao lại cây đàn nhị cho bác tôi .
Rồi cuộc phiêu liêu của mái tóc. Rồi chuyện bác gái tôi sinh Khánh Linh thế nào. Rồi chuyện bác gái tôi được đưa ra chiến khu thế nào. Bác tôi vào nội thành hoạt động, bị bắt lần hai bị chúng đốt cả hai bầu vú! Ly kỳ quá. Có một điều không thể lý giải nổi, như kiểu trời xuôi đất khiến. Hôm đứng trước bàn thờ thắp hương vái gia tiên, nhìn lên tấm ảnh bố tôi, đọc dòng tên trên Huân chương chiến thắng Nguyễn Đăng Chánh, bác gái tôi cứ nhìn không chớp mắt. Bác tôi quay lại hỏi bác trai:
– Có phải chú Chánh sinh ngày14 tháng 5 năm 1945, hy sinh trong trận đánh tháp nước Đà Nẵng ngày 11 tháng 11 năm 70 không? Tôi chạy vào nhà lấy giấy báo tử ra đối chiếu. Quả đúng thế. Bất ngờ bác tôi hỏi:
– Chưa tìm thấy mộ chú phải không?
Cả nhà tôi gân như cùng đồng thanh trả lời: “ vâng” cùng một lúc.
– Rứa thì bao nhiêu năm nay mộ chú đang nằm ở trong vườn nhà tui rồi. Ngày nào tôi cũng thắp hương cho chú. Đúng là tên như ri, ngày tháng như ri. Trời ơi, rứa là ông trời có mắt!
Mẹ tôi khóc oà lên. Tôi định động viên mẹ vài câu nhưng cổ họng nghẹn lại. Khánh Linh ôm chặt lấy mẹ tôi chẳng nói chẳng rằng. Sau bao nhiêu cầu khấn, dò tìm, cuối cùng bố tôi đã trở về với gia đình. Một cuộc hội ngộ mà chỉ có trời sắp đặt mới ly kỳ thế. Đỡ bát chè xanh từ tay bác gái còn nghi ngút khói toả mùi thơm dịu ngọt, bịt lỗ đồng xu ở họng, bác trai tôi chỉ
vào hai cái hộp vuông in ốc cười bảo:
– Cháu cất nó đi được rồi đấy, Dũng ạ.
Khánh Linh dí dỏm:
– Sao hôm trước ba không mang hai cái hộp này ra trường quay?
Bác tôi hỏi :
– Để làm gì ?
Khánh Linh ghé sát vào tai bác tôi :
– Để cho con…
Ngày 1 tháng 7 năm2007
Tác giả: Nguyễn Minh Khiêm – Người thực hiện: Hải Yến
Từ khóabác tôi Hải Yến Nguyễn Minh Khiêm truyện đêm khuya
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …