Cô Tư khóc, vòng tay choàng trên người Hạ rung rung theo những tiếng sụt sùi, nước mắt của cô làm ướt một bên vai áo Hạ. Hạ dụi đầu vào ngực cô nũng nịu, “Con sẽ thường xuyên về lại đây mà cô”. Quệt ngang những dòng nước mắt nước mũi nhòe nhoẹt trên mặt, cô Tư giả đò gắt gỏng, “Biết bay có cha có mẹ tao mừng quá mới khóc chớ hổng thèm thương nhớ gì đâu, đừng có bày đặt bỏ nhà đi lần nữa đó”.
Hạ ôm chặt lấy cô, phía vách tre bên kia, chú Tư trở mình trằn trọc. Tiếng thở dài của cô Tư làm nóng vành tai Hạ, giọng cô vẫn còn ướt “Ba mẹ của con chắc đã khóc nhiều lắm…”. Hạ lặng im, không gian như sánh lại. Ba mẹ không biết sao rồi, mà mình ác với ba mẹ chi vậy, chắc mẹ khóc nhiều lắm…
Gần ba tháng trước, mẹ cũng ôm chặt Hạ mà rưng rức khóc trong đêm, lưng Hạ rát bỏng. Đêm hôm đó Hạ giả đò nằm im như say ngủ nhưng sống mũi cay xé, nước mắt Hạ cũng lặng thầm ướt một vạt gối mà mẹ không hay biết. Nên mẹ không thể ngờ rằng cô con gái bé nhỏ vừa loé lên một quyết định táo bạo – ra đi.
Thực ra thì Hạ chỉ muốn lẳng lặng đi về nhà ngoại, để không phải lúng túng khi chạm mặt ba, để thoát khỏi không khí nặng nề ngượng ngập mỗi khi cả nhà ngồi chung một mâm cơm và để mẹ tự do quyết định mọi chuyện mà không phải nghĩ nhiều đến Hạ, không vì Hạ… nhưng cô bé mười hai tuổi đã luống cuống lên nhầm một chiếc xe ngược tuyến.
Lần đầu tiên cô Tư nhìn thấy Hạ là lúc cô bé trốn sau túi đồ cồng kềnh của cô mà khóc. Lúc ấy, trời chập choạng tối, bến xe nhỏ chỉ còn vài người khách say xe mệt lử lả sau một chặng đường dài. Cô hỏi “Con lạc mẹ hả”, Hạ lắc đầu. Cô hỏi “Nhà ở xã nào để cô đưa về”, Hạ cũng lắc đầu. Một chiếc xe ôm trờ tới, bác tài đưa cho cô Tư chai dầu gió, “Con gái chị say xe nom tội quá, thôi hai mẹ con lên xe tui chở về nhanh cho cháu nó nghỉ ngơi, sắp tối rồi”.
Mất mấy giây ngỡ ngàng với hai từ “con gái”, cô Tư vuốt tóc Hạ, “Ừ, mình về nhà rồi tính tiếp nha”. Hạ lưỡng lự đôi chút rồi quyết định theo cô, thì chuyến xe cuối về lại thành phố đã rời bến lâu rồi, em còn biết đi đâu nữa…
Chiếc xe máy cũng hom hem như bác tài già, è è chở túi đồ và “hai mẹ con” chạy vòng vèo qua mấy con đường đất gập ghềnh xa lắc, đến nơi thì bóng tối đã trùm xuống, vây lấy những con người nhàu nhỉ. Chú Tư trong nhà nghe tiếng xe hì hịch chạy ra mang đỡ cho cô túi đồ, chú ngạc nhiên đứng sững khi thấy cô về nhà không phải một mình…
Chú Tư dáng người thấp đậm, chắc nịch. Đôi lông mày rậm và vết thẹo dài bên má phải khiến cho gương mặt chú thoạt nhìn có vẻ dữ tợn. Nhưng không phải vậy. Tối hôm đầu tiên Hạ đến, thấy Hạ sụt sùi khóc mãi, chú Tư can vợ, “Thôi đừng hỏi nữa, để con bé nghỉ ngơi đi, mai tính”.
Nhưng hôm sau, chú cương quyết đòi chở Hạ lên xã. Giọng chú chắc nịch, “Dù giận dỗi hay có lầm lỗi gì thì cũng phải về, con nít con nôi bày đặt bỏ nhà đi đâu được, ba mẹ đang trông đỏ mắt kia kìa”. Hạ khóc tức tưởi, lời nói dối bất chợt vỡ òa trên môi, “Ba mẹ con chết rồi!”.
Trước ánh nhìn sửng sốt nhưng đầy thương cảm của cô Tư, Hạ tiếp tục kể ra một câu chuyện không thật, rằng em được một người cậu cưu mang, nhưng cậu đi làm ăn xa, mợ ở nhà thường xuyên chì chiết mắng mỏ em, mợ còn hay đặt điều và xúi cậu đánh em mỗi dịp cậu về…
Hạ còn kể thêm một số chi tiết mài mại theo một bài hát hay một tuồng cải lương nào đó mà em đã được xem. Chú Tư không biết điều đó, nên vết thẹo bên má phải của chú giật giật liên hồi, gương mặt như bị méo sang một bên, nhăn nhúm kỳ dị. Cô Tư ôm choàng lấy Hạ, ràn rụa nước mắt. Hạ ở lại nhà cô chú từ hôm ấy.
Gọi là nhà nhưng thực ra nó chỉ đơn sơ như một căn chòi rẫy. Cô chú sống giản dị. Hằng ngày Hạ theo cô Tư để làm quen những việc nhà vườn… Đôi tay non nhuốt vụng về có hôm hái chanh bị kiến vàng cắn đỏ tấy, có hôm bào vỏ khoai mì trượt tay máu chảy ròng ròng… Cô Tư xót ruột bắt vào nghỉ nhưng Hạ nhất quyết không chịu, phần vì sợ ngồi không sẽ nhớ nhà mà khóc, phần vì em không biết cách nào khác hơn để đáp lại tình yêu thương của cô chú dành cho mình.
Cô Tư cũng không ép Hạ vào nhà nữa, cô không kìm được cảm giác vui thích khi có một đứa trẻ suốt ngày lẽo đẽo bên cạnh, dù nhiều khi thần trí đứa trẻ ấy lạc đi, hướng về một nơi xa xôi nào đó mà cô không thể chạm tới…
Cô Tư vui cũng phải, gần bốn mươi rồi mà cô vẫn chưa được hưởng hạnh phúc làm mẹ. Thời gian trôi, da mặt cô xạm đi, nếp nhăn bên khóe mắt mỗi lúc một đầy thêm còn hy vọng lại ngày một vơi dần… Có hôm đi chợ, cô mãi mê coi mấy đứa con nít sún răng chơi u hơi đến khi gần đứng bóng mới mang cái giỏ rỗng không về nhà, tới thềm cửa cô ngồi bệt xuống khóc hu hu như con nít. Chú Tư thương vợ quá mà không biết an ủi lời nào, chú ra sân hì hụi bổ củi cho đến khi bàn tay đau nhừ rát bỏng…
Hạ chưa hiểu hết chuyện người lớn, nên Hạ nghĩ cô Tư thật hạnh phúc khi có được một người chồng yêu thương mình hết lòng, chung thủy hết lòng… Hôm thấy chú Tư giữa trưa đem thau nước ra sân phơi nắng để xế chiều cô Tư và Hạ tắm khỏi lạnh, Hạ đã nghĩ không biết mẹ có tìm được một niềm hạnh phúc bình dị như thế, khi không có Hạ bên mình…
Mẹ Hạ đẹp. Thời gian dường như bỏ quên không chạm đến làn da trắng hồng và nụ cười trong veo của mẹ. Mỗi lần nhìn mẹ con Hạ rượt đuổi nhau cười vang khắp nhà, ba hay lắc đầu trêu nhà mình có tới hai đứa trẻ con. Hôm đi xe đò từ dưới ngoại về, có ông tóc xịt keo bóng mướt ngồi mé bên kia cứ lom lom nhìn mẹ. Chạm phải ánh nhìn khó chịu của Hạ, ông ngập ngừng hỏi lãng xẹt, “Hai chị em đi đâu mà… xinh quá?”.
Mẹ chỉ cười nhẹ, nụ cười giúp gương mặt mẹ sáng hơn, trẻ thêm nhiều tuổi. Nhưng Hạ làm ông nọ tiu nghỉu bằng cái giọng hơi xẵng, “Mẹ con đó, hổng phải chị”. Vậy mà chỉ vài ngày sau đó, Hạ đã nghĩ cho dù là chú Hoàng (người yêu cũ của mẹ) hay là ông tóc láng mướt kia thì cũng đáng yêu hơn ba, bởi ít ra họ đã không làm mẹ tổn thương…
Cô Tư đã thôi khóc, hơi thở đều đều sát bên tai khiến Hạ thấy nhột nhạt. Những tàu lá chuối cọ nhau xao xác sau nhà, những trái chanh chín vàng chưa kịp hái rơi lịch bịch xuống đất mỗi khi có cơn gió mạnh ào qua, hương hoa bưởi hoa chanh thoang thoảng dịu dàng.
Một đêm có vẻ bình thường như bao đêm Hạ ở đây, nhưng lòng em lại nôn nao khó tả. Hạ nhấc tay cô Tư ra khỏi người rồi khẽ khàng ngồi dậy vặn to ngọn đèn dầu, em chậm rãi soạn ít đồ cho cuộc ra đi (đúng hơn là cuộc trở về) vào ngày mai. Chạm tay vào chiếc áo đỏ nhàu nhò trên mắc áo, Hạ ngập ngừng một chút rồi ra vẻ thản nhiên nhét vào túi xách.
Hồi sáng, khi cô Tư xuýt xoa nhìn chiếc áo đỏ treo lẫn giữa những chiếc áo sặc sỡ trong một cửa hàng, hình ảnh đáng sợ ngày trước lại hiện lên khiến máu trong người Hạ như đông lại.
Biến cố gia đình bắt đầu từ cái hôm Hạ cùng mẹ đón xe từ dưới ngoại về nhà sớm hơn dự kiến mà không báo trước cho ba biết. Mẹ nháy mắt với Hạ, một ngón tay đặt lên môi nhắc Hạ bước khẽ, một tay mở khóa. Môi mẹ đơm sẵn một nụ cười, chỉ chút nữa thôi, khi ba ngỡ ngàng rồi ôm chầm lấy hai mẹ con là nụ cười của mẹ sẽ bung xòe như đóa hoa rực rỡ.
Nhưng không có đóa hoa nào nở trên môi mẹ sau đó. Mọi việc xảy ra nhanh như một cái chớp mắt. Hạ nghe mẹ hét lên, cuống quýt che lấy mắt Hạ. Nhưng giữa những ngón tay run lẩy bẩy của mẹ, Hạ vẫn kịp nhìn thấy cô gái mặc chiếc áo đỏ như màu máu chạy vội ra ngoài, một khoảng ngực căng mẩy trắng non lồ lộ giữa hai chiếc nút áo gá vội vàng xẹo xọ.
Những ngày sau đó thật u ám. Nụ cười trong veo không còn, trông mẹ như một bông hoa héo rũ chờ ngày rã cánh. Hạ nghĩ giá mẹ có thể lao vào đánh đấm ba túi bụi, hay tìm đến nhà cô gái kia túm tóc trút những đòn hờn ghen như mấy cảnh trong phim thì có lẽ mẹ đã không già đi nhanh như thế. Nhưng mẹ chỉ im lặng, dường như mẹ không chờ đợi hay mong muốn bất kỳ lời giải thích nào từ ba. Căn nhà đầy ắp tiếng cười biến thành một nhà ngục mà chạm vào đâu Hạ cũng thấy sợ.
Hạ sợ bước ra phòng khách bởi những hình ảnh lem nhem hôm ấy cứ chực chờ hiện lên trong đầu. Hạ sợ những bữa cơm nặng nề mà ở đó mẹ chỉ nhìn về phía Hạ, Hạ thỉnh thoảng lén nhìn ba, còn ba thì chăm chăm nhìn vào chén cơm trước mặt, đôi đũa lúng túng vấp trên miệng chén khô khốc. Nhưng Hạ sợ nhất là đêm tối, khi những tiếng thở dài của mẹ làm không gian trong phòng như sánh lại, và chấm đỏ của những điếu thuốc trên tay ba cứ lập lòe cháy mãi ngoài kia… Những lúc ấy ruột gan Hạ cồn cào, em nằm im chong chong nhìn ánh đèn ngủ xanh lét, tự ru mình bằng cách nghĩ tới những hình ảnh đẹp của ba trước kia.
Ba có rất nhiều hình ảnh đẹp trong lòng Hạ (như hình ảnh ba dịu dàng sấy khô mái tóc mỏng dài của mẹ trong một ngày mưa dầm, hình ảnh ba đeo chiếc tạp dề sặc sỡ vừa nhún nhảy theo điệu nhạc vừa trổ tài đầu bếp chuẩn bị bữa tiệc sinh nhật cho Hạ…), nhưng hễ giấc ngủ vừa đến chập chờn là Hạ lại chỉ nhìn thấy chiếc áo đỏ như máu chấp chới trước mặt rồi quấn chặt lấy mình, em nghẹt thở, ú ớ kêu cứu và giật mình choàng tỉnh, những sợi tóc mai dán bết vào khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi…
Hạ không biết nỗi ám ảnh đó còn theo mình đến bao lâu thì nghe được cuộc trò chuyện giữa mẹ và cô Vi. Giọng cô Vi chua và hơi gắt, “Nếu không tha thứ được, không quên được thì thôi đi”. Rồi cô Vi hạ giọng, “Nghe đâu ông Hoàng vẫn chưa chịu lấy vợ, ổng còn chờ gì không biết”. Không gian đặc quánh lại bởi sự im lặng, rồi tiếng thở dài của mẹ xao xác, “Chuyện vợ chồng chớ có phải thay áo đâu mà muốn thôi là thôi, còn con bé Hạ nữa…”.
Hạ nghe cổ họng mình khô đắng. Hạ có gặp chú Hoàng đôi lần, lần gần nhất là hôm hai mẹ con đi hội chợ tình cờ chạm mặt chú, chú xoa đầu khen Hạ càng lớn càng xinh rồi mua cho Hạ một con gấu bông trắng muốt. Hạ không thích chú Hoàng, cũng như không thích bất cứ người đàn ông nào nhìn mẹ bằng ánh mắt vừa lúng túng vừa dịu dàng như thế. Nhưng đó là lúc trước, còn lúc nghe những tiếng nấc nghèn nghẹn của mẹ trong đêm, Hạ đã nghĩ mình sẽ chấp nhận bất kỳ ai, miễn người ấy có thể trả lại nụ cười cho mẹ. Sáng hôm sau, khi vừa từ chợ về, mẹ hốt hoảng vì Hạ đã không còn ở nhà, chỉ còn nét chữ nghiêng nghiêng vội vã trên một tờ giấy học trò, “Ba mẹ ơi, con về dưới ngoại…”
– Ui chao, cái áo thật vừa, cháu gái của chị xinh thiệt đó!
Tiếng suýt xoa của chị bán hàng và gương mặt sáng bừng đầy hãnh diện của cô Tư kéo Hạ ra khỏi vùng ký ức bùng nhùng. Màu đỏ nổi bật đã tôn lên làn da trắng hồng của Hạ. Dường như cái nắng gắt gay của vùng quê khó nghèo cũng không chạm tới nước da mà Hạ được thừa hưởng từ mẹ. Cổ áo đổ nghiêng, trễ xuống, làm lộ ra một nốt ruồi son duyên dáng nơi vùng da ngực mịn màng… “Mặc luôn áo mới đi đám giỗ với cô hén”, cô Tư nhét gọn chiếc áo cũ vào bọc xốp, hồ hởi kéo tay Hạ. Ngập ngừng vài bước, Hạ nhăn nhó kêu đau đầu xin về trước, Hạ chỉ muốn thật nhanh thoát khỏi màu đỏ ám ảnh từ cái áo mới trên người…
Nhưng trễ mất rồi… Chú Tư sững người, lom lom nhìn Hạ. Cái nhìn chằm chặp dán vào vùng da mịn màng dưới cổ khiến cho Hạ nhột nhạt luống cuống đánh rơi mớ rau củ vừa mua xuống nền đất ẩm. Em cập rập cúi người xuống nhặt, cổ áo càng trễ sâu hơn để lộ khuôn ngực mới nhú trắng hồng.
Chú Tư ôm ghì lấy Hạ, hơi thở gấp gáp và làn môi khô bỏng miết chặt vào cổ vào ngực khiến em như nghẹt thở. Trong cơn hoảng hốt tột cùng, Hạ hét lên “Mẹ ơi, cứu con”. Như có một luồng điện chạy qua, cánh tay cứng như thép đang xiết chặt lấy Hạ bỗng rã rời thỏng thượt, vết thẹo bên má giật giật liên hồi khiến gương mặt đen đúa của chú Tư méo mó biến dạng.
Tiếng hét mỏng giòn thoát ra từ cổ họng khô khốc của Hạ không vang được đến nhà hàng xóm cách đó hai mẫu rẫy với một con suối, nhưng nó lại dội mạnh vào vùng ký ức xám xịt u ám của chú Tư, nơi đó có một đứa trẻ thường xuyên trân mình chịu đựng những trận đòn roi oan uổng của cha vì những lời buộc tội vô cớ từ mẹ kế. Cho đến một ngày trong cơn say khật khừng, người cha nổi cơn thịnh nộ quăng luôn con dao vớ được về phía con trai khi nghe vợ méc “thằng nhỏ hư đốn hôm nay còn dám nhìn trộm tui tắm đó”, đứa trẻ bưng mặt thét lên “Má ơi cứu con”. Nhưng con dao đã để lại một vết thương không bao giờ liền sẹo trong lòng đứa trẻ…
Chú Tư chạy hộc tốc ra vườn cuốc đất như điên dại, mồ hôi tuôn như tắm. Lưỡi cuốc vập vào ngón chân cái, máu túa ra đầm đìa, thẫm cả khoảng đất bên dưới … Hạ sụp xuống, tại sao hình ảnh đẹp của những người thân yêu lại có thể dễ dàng sụp đổ đến vậy, người lớn dễ dàng phạm lỗi thế sao? Không khí ở đây sẽ như thế nào nếu cô Tư trở về ngay lúc ấy? Dù gào thét hay lặng im, dù ầm ĩ chia tay hay lặng lẽ đi tiếp con đường hôn nhân dài dằng dặc thì hạnh phúc và lòng tin yêu cũng ít nhiều tan theo những tiếng thở dài, những giọt nước mắt, những ám ảnh khó phai mờ… Hạ sợ lắm.
Không, nhất định cô Tư không được biết gì cả, mà cũng chẳng có chuyện gì xảy ra cả… Chú Tư sẽ vẫn là người chồng tốt và hết lòng yêu thương vợ, Hạ tin như thế. Những chuyện vừa xảy ra cũng sẽ phai nhanh trong tâm trí Hạ, như việc giấc ngủ của Hạ tự bao giờ đã không còn bị những giấc mơ màu máu dày vò, xiết nghẹt.
Thời gian qua, để xoa dịu nỗi nhớ nhà khủng khiếp, để gắng tin rằng mình đã không quá nhẫn tâm khi rời nơi ấy, Hạ chăm chăm hướng suy nghĩ của mình về những ngày u ám nặng nề. Nhưng những ám ảnh xưa mỗi ngày một phai dần, lạt dần cho đến khi những hình ảnh lung linh ấm áp của những tháng năm gia đình sống bình yên hạnh phúc lấp đầy tâm trí Hạ…
Hạ cứ ngồi bệt dưới đất như thế thiệt lâu, khi chống tay đứng lên thì mắt em đã ráo khô và lòng đã phẳng. Hạ vào trong thay đồ, nhặt mớ rau củ đem vô bếp và bắt đầu nhóm lửa, những lọn khói dùng dằng bốc lên, bảng lảng trong gian bếp ấm áp bình yên… Khi cô Tư từ đám giỗ trở về, cô suýt ngất khi nghe Hạ thủ thỉ kể về gia đình mình trên thành phố bằng cái giọng hơi run nhưng ánh mắt thì nhìn thẳn, cương quyết. Tối, cô ôm gối sang ngủ với Hạ, cô biết đêm nay sẽ là đêm cuối Hạ ở đây.
Tiếng gà gáy lẻ loi cất lên từ vườn sau làm xao xác không gian tĩnh mịch, ánh đèn chao đi bởi một ngọn gió vừa luồn qua khe cửa. Cô Tư ngồi dậy, xếp mùng mền vuông vức, giọng không có vẻ gì ngái ngủ:
– Con thức suốt đêm à?
– Dạ, con thức chuẩn bị đồ, con tính bắt chuyến xe đầu…
– Ừ, cô cháu mình đi sớm cho mát.
– Con đi một mình cũng được mà cô, con thuộc lòng địa chỉ nhà mà…
– Không được! Đi lạc một lần còn chưa sợ sao?
Giọng cô Tư gọn ghẽ, cương quyết. Cô vừa vấn lại mái tóc loăn xoăn xơ cứng vừa nhanh nhẹn xuống bếp nấu cơm. Chú Tư cũng trở dậy ra giếng kéo nước đổ đầy hai chiếc lu sành. Mớ củi khô bén lửa nổ lách tách trong bếp. Cô Tư dùng nước ấm pha muối loãng rửa lại vết thương trên ngón chân cái của chồng, cằn nhằn mà giọng nghe nhẹ bỗng, “Già rồi còn không chịu cẩn thật gì hết, thiệt là… Mà ông tính trồng thêm gì mà cuốc đất giữ vậy?”. Chú Tư lặng im, chong chong nhìn ngọn lửa bập bùng trước mặt, lát sau ngập ngừng, “Ừ, tui sẽ không làm gì khiến mình buồn nữa đâu”. Cô Tư không để ý đến câu trả lời trớt quớt ấy, cô nhìn xa xăm thở dài, “Con bé đi thì nhà cửa sẽ vắng lắm đây…”
Hạ ra sân sau rửa mặt, lắng nghe câu chuyện rời rạc trong gian bếp mờ mờ khói. Mùi cá kho, mùi cơm thơm lựng bốc lên. Cảnh nhà êm đềm khiến cho lòng Hạ bùng lên ước muốn mãnh liệt, Hạ muốn ngay bây giờ được nhìn thấy ba mẹ ngồi trò chuyện cùng nhau (hoặc chỉ dịu dàng lặng im bên nhau) trong một không gian ấm áp và bình yên như thế này, Hạ muốn ngồi vào lòng ba, muốn nghe tiếng cười trong veo của mẹ…
Đêm tan ra theo những tiếng cục cục, chiêm chiếp của đàn gà đi kiếm ăn sớm. Màu đỏ bừng lên phía chân trời xa. Bình minh đang về…
Hạnh Nguyên