1. Tôi dời làng năm mười tám tuổi.
Mười tám tuổi ở nông thôn to xác lộc ngộc. Lúc nào tôi cũng muốn đi khỏi thôn quê, lúc nào cũng băn khoăn về con đường xa tít đi đâu về đâu ở phía trước. Có lúc chán học, chỉ muốn đi làm kiếm tiền. Cha tôi bảo: “Tú Xương ngày xưa thi chín lần, ước mơ làm ông nghè ông cử vẫn ri rô. Anh có gan, tôi cho anh thi mười lần”. Tôi lắc đầu ngao ngán và bật cười; hóa ra cha tôi cũng có khiếu hài. Nhưng mà tôi thi lần thứ nhất đỗ ngay vào đại học.
Cha tôi có một chút chữ thánh hiền đủ để đọc sách tướng số, phong thủy, câu đối. Ông gọi tôi đến bảo:
– Anh khí chất nóng, tính nổi loạn. Ta chỉ dặn anh ba điều. Một là: Đã tha phương cầu thực thì phải hơn người, lúc về làng thua bạn kém em thà ở nhà bám đít trâu, đỡ hao công trí. Hai là: Không được hèn. Làm thằng đàn ông hèn, nhục lắm. Nhưng tôi dặn này: Đứa nào nó tranh ăn thì nhường suất, đi tìm chỗ khác kiếm sống; đất trời rộng lắm, anh đừng sợ thiếu chỗ dung thân. Ba là: Chớ làm ác. Làm ác là thất đức, mất phúc, nó quả báo đến năm đời con cháu chắt chút chít.
Tôi đi. Ba lô bụi. Mũ cát. Chân dép lê. Mấy thếp giấy Bãi Bằng. Ra thành phố. Mẹ tôi sụt sịt, giơ tay áo lau nước mắt. Cha tôi gắt: “Đàn bà cứ lấy nước mắt làm đầu. Con trai chí lớn, học làm ông nghè ông cử thi thố với đời. Cứ đi là đến. Việc gì mà nước mắt ngắn nước mắt dài”.
2. Năm thứ nhất đại học, tôi đã biết yêu.
Ba tháng học chưa hết chương trình đại cương, thầy giáo đã đưa chúng tôi đi điền dã. Sau điền dã là khai quật. Hòn cuội. Mảnh tước. Vỏ sò. Xương động vật… toàn công cụ thô sơ của cư dân Sơn Vi hậu thời kỳ đồ đá cũ.
Con người hiện đại lọc lõi tinh ranh, nhưng cũng rất kém hiểu biết và ngây thơ với quá trình tiến hóa của mình. Họ không biết xu hướng rời bỏ cái tổ ấm nhỏ xíu cất tiếng chào đời được di truyền từ thời nguyên thủy. Bây giờ, người nông thôn, sơn cước cố nhoai ra thị tứ, thị trấn, thị xã, thành phố. Người thành phố, thủ đô nước mình thì cứ muốn sang New York, London, Paris hưởng lạc hoặc kiếm sống. Đào đến ngày thứ năm. Lòng đất bộc lộ vỏ sò, xương động vật có niên đại ba mươi ngàn năm và dụng cụ người nguyên thủy bằng đá.
Ngày thứ bảy, chúng tôi bắt đầu mệt mỏi. Hơi lạnh từ lòng đất phả lên. Hồn khí u uất. Trễ nải. Bọn con gái có dấu hiệu hiêng hiếng mắt. Hai mép kéo vếch lên như cười. Thế rồi cười thật. Một đứa cười. Đứa bên cạnh đập tay vào vai, hỏi:
– Sao tự dưng mày cười? Con khỉ này.
– Tao khỉ. Mày khỉ. Dưới hố khai quật toàn khỉ. Tất cả đều là khỉ…
Ré lên. Hội chứng con bài đô mi nô rồi. Đứa nọ lây đứa kia cười cả lũ. Cười rũ rượi. Cười man dại. Như điên.
Mặt thầy giáo biến sắc. Mặt chúng tôi tái mét. Thầy hô:
– Các em trai. Mỗi em bế một bạn về nhà trọ đi.
Ngượng ngùng. Từ tái mét chuyển sang đỏ mặt. Có đứa quay đi.
Thầy giáo lại hô:
– Bế đi. Tôi bảo mỗi em bế một bạn gái về nhà. Bế cật lực vào.
Như cái máy làm theo người ra lệnh, tôi hăng hái tiên phong xốc nàng đang đứng ngay ở bên cạnh. Nàng là lớp trưởng xinh xắn, da trắng, ngực vun cao đầy, môi đỏ hồng, mi dày cong, mắt ướt. Nàng quàng tay ghì chặt vai tôi. Tôi cúi lom khom, chạy; ngực cọ sát ngực; mặt gần như như áp sát mặt.
Sau nữa là từng đứa trai mới lớn chạm tay vào da thịt con gái. Mùi dầu gội đầu Sunsilk, mùi lá cây ải mục, mùi khét hắc của ám khí tích trữ lâu cả vạn năm mùi con gái… Tất cả trộn lẫn, thăng hoa. Thằng nôn nao. Thằng rạo rực. Chẳng có thằng nào dửng dưng.
Như có liều thuốc thần diệu kỳ, chỉ đến nửa đường về nhà trọ, bọn con gái lớp tôi đã hết cười. Chúng nó im lặng, mắt nhắm nghiền bình yên như đang ngủ. Gương mặt đứa nào cũng thánh thiện, dịu hiền thật đáng yêu.
Chúng tôi có tình ý với nhau ngay trong đợt đi điền dã đó. Từng đôi, từng đôi ghép vào nhau; có thể là yêu nhau, có thể là tình thân. Buổi tối, từng cặp nháy nhau khỏi làng đi chơi từ lúc hoàng hôn vừa lụi. Đêm đêm, đom đóm bay xanh xao. Tiếng tắc kè kêu chẵn lẻ báo mưa nắng chỉ làm cho màn đêm huyền bí. Sáng sáng, thấy những gốc cây đầy lá bị bứt, xé. Những đám cỏ bị chà xát, dập nát. Những bụi rậm xào xạc rung như mùa lá rụng.
Nữ lớp trưởng hơn tôi hai tuổi. Chúng tôi hay ngồi với nhau dưới gốc cây lim trắng. Mơ màng, có lúc hai đứa nằm ngửa nhìn bầu trời qua kẽ lá. Chúng tôi nói về ngày mai. Ngày mai tôi sẽ học cao học, tôi sẽ làm tiến sĩ, tôi sẽ là giáo sư sử học, tôi sẽ đi đại học Paris 7 thỉnh giảng… Ngày mai, nàng sẽ làm ở một tổ chức văn hóa Liên Hiệp Quốc, nàng sẽ có nhiều tiền và nuôi tôi ăn học. Và chúng tôi ôm nhau. Dưới gốc cây lim già ấy, tôi có những xung động bão táp đầu đời của thằng con trai. Tôi chia tay thời con trai…
3. Sau này, khi trở về thành phố, tôi hỏi nàng yêu vì cớ gì. Nàng bảo: Ngốc ạ. Tình yêu không có lời. Nhưng đã hỏi thì người ta nói này: Anh chân thật. Rất đàn ông. Với em là quá đủ.
Tôi luôn sống trong vương quốc ánh sáng và tình yêu. Nàng chăm sóc tôi từ cái ăn, cái mặc còn hơn mẹ tôi chăm tôi. Nàng có cái váy mới thì nàng mua cho tôi cái quần bò. Nàng mua cả lố quần lót hàng hiệu Nike thì nàng cũng sắm cho tôi mấy cái quần sịp Thái, dầu gội X-men, nước hoa Dove. Cái thằng tôi suốt đời trai quê chỉ mặc quần ống bô rộng thùng thình, rất xa lạ, ngượng ngùng trước những đồ nàng sắm cho. Có thể nói, nàng đưa tôi vào đời. Chưa bao giờ tôi hỏi nàng lấy đâu ra nhiều tiền thế? Cũng chưa bao giờ tôi tự vấn vì sao nàng sành sỏi, từng trải sự đời như vậy? Nàng luôn thiếu thời gian. Học, tan trường, rồi nàng mất hút vào thế giới người đông hơn kiến cỏ lúc nào cũng hối hả gấp gáp kiếm ăn.
Có lúc nàng buồn vô cớ. Nàng đưa tôi đến khách sạn Hà Nội. Chọn một căn phòng hạng nhất. Sang trọng. Quý phái. Thơm tho. Thằng trai quê tay trắng học trò mà được đến nơi này ư? Nôn nao. Rạo rực, niềm vui sướng dâng lên tột đỉnh. Cha tôi khòm lưng đi cày suốt đời, mẹ tôi còng lưng đi cấy quanh năm; chắc chắn chưa bao giờ các cụ tưởng tượng hoặc mơ thấy cái nơi ở của mình thế này. Chúng tôi chìm vào cảm giác hạnh phúc ái ân. Mặt cận mặt, tôi thoáng nhận ra khuôn mặt thanh tú của nàng không còn dấu vết đồng quê mà đã in bóng dáng thị thành. Mặc kệ, tôi vùi đầu vào ngực nàng căng mẩy. Tôi quàng tay ôm eo nàng, cảm nhận được cả đường cong uốn dưới da thịt mình, nóng hổi…
Nàng đưa tôi lên sân thượng. Đêm lung linh đẹp ở dưới chân tôi, ngang tầm mắt tôi. Tôi bế nàng. Ấm áp. Nồng nàn. Có cảm giác nếu bầu trời thấp có thể với được, tôi sẽ hái sao tặng nàng.
Chính lúc này, nàng buồn nhất:
– Chúng mình phải giàu anh ạ – Nàng bảo tôi.
– Nhưng giàu bằng cách nào? Nhà anh nông dân, nhà em cũng nông dân.
Nàng thở dài, vuốt tóc tôi, y như chị gái vuốt tóc em trai:
– Anh rất tốt, Xâng ạ. Anh còn ngờ nghệch nữa. Lúc nào, em sẽ nói hết mọi chuyện cho Xâng nghe. Có thể, lúc nào đó, và cũng có thể sau đêm nay, chúng ta sẽ tạm xa nhau, biệt tin tức, bóng hình một thời gian dài. Xâng có chờ em không?
Rất phức tạp. Mông lung. Và khó hiểu. Tôi mơ hồ có chuyện rất hệ trọng đã đến lâu rồi.
4. Ở thành phố cái gì cũng đắt đỏ.
Cha mẹ tôi thắt lưng buộc bụng, giật gấu vá vai nuôi tôi bốn năm ăn học. Tôi tốt nghiệp, ra trường thì hai cụ cũng bã người vì thằng con học trò dài lưng tốn vải. Không ân hận, nuối tiếc đoạn đời đã qua. Cứ đi là… đến! Chỉ day dứt, nàng đi đâu ở đâu?
Tôi theo chúng bạn đi làm thuê.
Rửa bát, lau bàn, bưng bê ở quán phở thì ngại. Bỗng dưng có đứa bạn cùng trường hoặc người cùng quê tình cờ vào ăn, mình phải bưng phở ra hầu thì chỉ có nước chui xuống lỗ nẻ. Phát tờ rơi, đứng ở ngã ba ngã tư lớ ngớ xe tông gãy chân, bươu đầu mẻ trán, sẹo nhằng nhịt có mà ế vợ. Làm gia sư thì kiến thức sinh viên nông quá, chưa có phương pháp sư phạm, liệu cơm không gắp nổi mắm.
Tôi theo chúng bạn đi làm “cửu vạn”. Buổi sáng đứng vêu mặt ở Ngã tư Sở chờ người đến thuê làm.
Hôm đầu đứng mỏi chân.
Hôm thứ hai chẳng ma nào ngó.
Hôm thứ ba, một gã bụng phệ, trán hói nhẵn bóng, ti hí mắt lươn, có vẻ lọc lõi, tay chơi mò đến. Gã ngồi xe Honda 175 phân khối, hai ống pô to đưỡn dọc hai bên, nổ pành pành. Tay đeo xích bạc. Cổ đeo vòng vàng. Tai xỏ khuyên vàng. Tóc dài pha sương, búi tó. Ăn diện chơi bời như đám thanh niên hư hỏng con nhà coi tiền bạc hơn con người. Tự xưng là chủ thầu, gã chọn tôi và hai người nữa đi vác cát, khuân gạch.
Tôi bảo tôi là sinh viên, nhà quê, ra trường chưa xin được việc làm. Tôi sẽ cố gắng chăm chỉ, làm như trâu húc mả; nhưng nếu quát mắng thì… bỏ ngay, chẳng thèm lấy một cắc tiền công. Nghe khẩu khí của tôi, gã có vẻ thích, cười độ lượng.
Gã khoảng ngoài sáu mươi tuổi. Mấy mùa mưa nắng làm bưởng vàng ở Tân Kỳ, Nghệ An. Vài lần bị sập hầm hàm ếch. Ba vết sẹo lưu lại mặt và cánh tay sau các cuộc giành giật thanh toán lẫn nhau. Gã đánh bị thương bao nhiêu đồng bọn hoặc có giết người hay không? Chỉ trời biết được. Cũng thân tàn ma dại. Cũng thất thế. Cũng bị vong ơn. Giải nghệ và chí thú làm chủ thầu là một kỳ công.
***
Gã chủ thầu có người tình trẻ, tôi chưa tường mặt. Nghe cánh thợ xây bảo, nàng kém gã bốn mươi tuổi. Nàng trẻ, đẹp. Nàng có giá.
Bình minh giữ eo ót, nàng mặc bộ đồ thể thao lắc vòng, đánh mông, guồng chân… trên máy tập thể hình gắn đồng hồ đo huyết áp, và ghi tốc độ chạy. Sáng, chiều đọc tiểu thuyết hoặc xem phim tâm lý xã hội Hàn Quốc.
Nhất bồ nhì giời, gã chủ thầu chiều chuộng nàng như Đường Minh Hoàng yêu chiều Dương Quý Phi. Chiều thì không thể nói bằng nước lã, phải nói tiền. Tiền làm nàng trẻ hơn, đẹp hơn. Hở ra là bọn trai lơ nó vồ mất. Trắng tay. Nàng biến thành bông hoa đẹp, thành vật trang trí trong tủ kính lúc nào không hay. Gã chủ thầu thường đưa người tình đi giao dịch ký kết hợp đồng, đi các công trình phát lương cho thợ. Thảng hoặc, cặp tình nhân già trẻ cọc cạch này dung dăng dung dẻ đi Đồ Sơn, Vũng Tàu, Đà Lạt, Bangkok du lịch. Hỏi còn sung sướng nào hơn?
Tôi không tin cánh thợ xây đàm tiếu. Đôi lứa chẳng xứng đôi. Cọc cạch. Vênh váo quá.
Một hôm, ông chủ nhà, trong nghề gọi là bên A làm lớn cỡ vụ trưởng gì đó. Ông thỉnh thoảng liệng đến “công trình thế kỷ” xem xây trát thế nào, còn giao phó hết cho đệ tử là kỹ sư xây dựng theo dõi thi công. Ông thấy tôi mặt mũi sáng sủa, hỏi học trường gì ngành gì? Tôi trả lời, ông có vẻ mến. Hỏi yêu đương gì chưa? Tôi lắc đầu bảo: nhà cháu nghèo ai lấy mà yêu. Ông bảo: Chú có đứa con gái mải làm tiến sĩ chưa lấy chồng, mà nó kén lắm. Mày có ưng chú gả cho. Thương yêu nhau thật lòng thì nhà đây chú cho, nó đấy mày ngủ. Công ăn việc làm chú lo cho hết, muốn làm thạc sĩ, tiến sĩ để không thua kém vợ thì chú cũng lo cho tuốt tuồn tuột. Chứ mày đi vác cát đánh hồ thế này khổ lắm. Tôi bảo: Vâng! Cháu xin cảm ơn. Nếu thế thì còn gì bằng. Ông vụ trưởng bắt tay rất chặt, còn lắc lắc.
Lòng tôi dâng đầy mặc cảm lẫn tự trọng. Buồn tê tái, vẫn cố cười – nụ cười buốt giá giữa ngày hè nóng bỏng.
Chiều hôm sau, ông vụ trưởng đánh ô tô đến. Có cô gái tóc ngắn cũn như tóc con trai nhuộm nâu sáng điểm các sợi vàng ánh, đi cùng về thăm nhà đang xây. Cô gái lùn, nước da bánh mật. Mặc váy bò ngắn trên đầu gối. Đùi to như gốc cây chuối hột. Mắt lồ trố có dấu hiệu tiền sử ba zơ đô. Ngón tay như quả chuối mắn. Đầu to lô lố, chắc óc cũng to nên thông minh. Có lẽ không phải con ông vụ trưởng; đã là vụ trưởng dứt khoát phải lấy vợ đẹp; vợ đẹp sẽ đẻ con đẹp. Chắc là con cái nhà ai đó. Trời cho cái sáng dạ chăm chỉ thì lấy đi cái nhan sắc. Rõ khổ! Ông vụ trưởng kéo tôi ra góc nhà hỏi nhỏ:
– Em nó đấy. Anh có ưng không thì bảo?
– Cháu chả dám đâu. Cô ấy lá ngọc cành vàng, bác thì cỡ quan ngũ phẩm triều đình. Cháu tay trắng học trò. Bố mẹ nông dân, nghèo. Không môn đăng hộ đối. Thôi cứ để cháu vác cát đánh hồ khuân gạch.
***
Cánh thợ xây, phu hồ, cửu vạn ăn ở tạm bợ. Tóc cợp. Quần áo thay ra ba ngày không chịu giặt, ngày nóng mặc độc cái quần lót, mình ở trần. Chăn cuộn đống. Màn không gấp. Tôi không đến mức sống bản năng tự nhiên như họ, tôi vốn là sinh viên. Lúc nào làm là đánh trần, lăn ra như trâu cày. Lúc đi học, nghỉ ngơi vẫn chải chuốt ra dáng học trò, trí thức. Tôi mang theo cuốn tiểu thuyết Số đỏ, quyển sách tiếng Anh; nhất cử lưỡng tiện, ban đêm vừa coi vật liệu vừa học ngoại ngữ, tính chuyện thi cao học. Gã chủ thầu ngứa mắt, khinh khỉnh giễu cợt, giọng lè nhè hơi rượu:
– Mơ mộng hão huyền. Đã giáo trình ngoại ngữ lại còn tiểu thuyết nữa, giời ạ.
– Thì đang lúc lập thân, cháu chẳng biết làm gì khi chiều mưa. Ban đêm, chẳng lẽ chỉ cứ giương mắt nhìn đống cát, gạch…
– Cấm thức đêm. Hôm sau ngủ gật, còn đâu sức mà khuân vác. Mày không sợ tao chiết lương à?
Gã vẫn không tha tôi, giọng cay cú như bị người tình bỏ rơi:
– “Văn hay chữ tốt không bằng thằng dốt lắm tiền”. Bọn trí thức chúng mày trên răng dưới các tút, đói ăn cả lũ mà lúc nào cũng ra vẻ sạch sẽ thơm tho. Sách vở quá, chẳng hiểu đếch gì đời.
Tôi lặng thinh. Chân lý thuộc về kẻ mạnh. Gã có nhiều tiền. Tôi đang thân phận làm thuê.
Tôi bất ngờ gặp lại nàng.
Hôm ấy, cuối tháng. Mưa suốt ngày rồi tạnh. Ánh nắng sót lại lúc cuối chiều bừng lên. Những hòn cuội trắng chòi lên mặt cát lóng lánh. Tôi bỗng thấy chiếc Mercedes màu đen dừng ngoài cổng căn biệt thự đang xây dở. Một mỹ nhân như tiên giáng thế bất ngờ hiện ra sau cánh cửa ô tô. Trời đất! Lung linh vô cùng. Nàng vén váy lựa bước lội qua cái sân đầy gạch đá, vôi vữa chìm dưới nước để vào căn nhà đang xây dở. Gương mặt xinh xắn, mũi cao dọc dừa, mắt to tròn và lông mi đen dày cong. Dáng thanh thoát, cặp giò thẳng dài thấp thoáng trong bộ váy mỏng trắng tinh…
Người xưa, vẻ đẹp xưa. Tôi lặng người, mê mẩn.
Anh thợ cả hét toáng lên:
– Hôm nay bà chủ đến phát lương. Có màu rồi! Chúng mày ơi.
Cánh thợ xây ngửi thấy mùi tiền nhốn nháo, hỉ hả. Đời lên tiên trong chốc lát. Có tiền gửi về quê đóng học cho con, mua áo mới cho vợ. Niềm vui nhỏ bé, mong manh. Còn tôi, vô vàn tia nắng lung linh, nhảy nhót trong mắt. Vui. Buồn. Đau thắt lòng.
Gã chủ thầu nhìn tôi, đôi mắt lươn chiếu tia rất sắc; có cảm giác gã nhìn thấy óc tôi đang nghĩ gì và trái tim tôi đang đập loạn nhịp. Tao biết thừa cái con mắt mày rồi. Đúng là cái đồ… Mắt la mày lét như quạ vào chuồng lợn.
Hôm nay, trời xui đất khiến, bỗng chốc nàng lộng lẫy như thiên thần hiện ra. Nàng thanh sạch, thơm tho, kiêu sa. Tôi lấm láp, thô mộc. Nghẹn ngào. Giận hờn. Tủi thân. Tôi cảm thấy mình nhỏ bé giữa cõi đời mênh mông. Nàng nhìn tôi. Tôi nhìn nàng.
Nàng vẫn bình thản, tự tin, coi như không có chuyện gì xảy ra. Coi như chúng tôi không hề quen biết, chưa hề gặp nhau. Cái gì đã khiến nàng dạn dày, bản lĩnh? Nàng giả vờ đi lại nghiêng ngó, ra dáng như bà chủ, nàng nhắc nhở, đôn đốc thợ; hay nàng đang cố lấp liếm tình cảm mình trong hoàn cảnh trớ trêu này. Thỉnh thoảng, nàng liếc xéo về phía tôi. Tôi nhận ra có một nét sầu muộn chợt đến chợt đi phảng phất trên gương mặt thanh tú của nàng. Nàng có nhớ gốc cây lim trắng ở nơi điền dã? Nàng có nhớ lúc nàng dịu dàng đặt cái quần sịp mới mua vào bàn tay run rẩy của thằng trai quê? Nàng có nhớ đêm định hái sao trời ở khách sạn Hà Nội?
Tự tay nàng thu dọn cái “ổ lợn” của cánh thợ. Sao mà tốt thế, nhân ái thế? Cảm giác tự ti, ái ngại, mặc cảm vẫn đeo bám tôi. Cái màn cũ màu cháo lòng không xứng để hai bàn tay ngón búp măng móng sơn nhũ hồng gấp. Những bộ quần áo thợ ngấm mồ hôi mấy ngày chưa giặt bốc mùi ra không đáng để cái mũi dọc dừa xinh xắn kia ngửi. Nàng đừng nhọc lòng, nhọc công như vậy.
Hóa ra, những ngày ấy, tháng ấy, nàng sống bằng hai con người. Nàng yêu tôi và cặp bồ với gã chủ thầu? Nàng lấy tiền của thằng già nuôi thằng trẻ? Ôi trời! Những tháng năm xa?
Rồi một thoáng hả hê chợt đến, rất đàn ông, rất nông nổi của người chưa từng trải; chỉ thiếu nước tôi cười vào mũi gã chủ thầu. Gã chủ thầu béo chảy mỡ, bụng phệ, ngực nhão, trán hói; hơn sáu mươi tuổi. Nàng đẹp, thanh thoát, trẻ trung, thơm tho. Nàng là bông hoa nhài. Gã chủ thầu là bãi cứt trâu.
6. Bã bời. Chán nản. Nhưng tôi không bỏ đi, vì chưa đến giới hạn bỏ đi. Đêm, tôi thường leo lên sân thượng ngôi nhà đang xây dở đứng một mình trông trăng suông. Trăng suông, cái thứ màu nhạt thếch dễ làm cho lòng người cô đơn, héo úa.
Trăng suông vãi xuống nền xi măng trơ cứng vô hồn, khô xác.
Thành phố vào đêm, im lìm chìm vào giấc ngủ say sau một ngày lam lũ kiếm ăn bơ phờ, mệt mỏi. Những khối nhà bê tông cốt sắt lô nhô cao thấp đứng lặng như trời trồng, như các tiểu vũ trụ chết trong hoang lạnh. Con người nào đang trú ngụ ở trong các căn phòng khuôn thước vuông vắn đó? Tôi thường tưởng tượng trong đầu những khổ đau, hạnh phúc của các gia đình đang trú ngụ ở quanh tôi. Ví dụ:
Cái căn hộ đêm khuya thường sáng nhoằng lên một lát rồi lại tắt rất có thể là tổ ấm của cặp vợ chồng già tha hương bằn bặt, rất hiếm khi về chốn cũ. Ông già khó tính, thường đi đái đêm; bà già thì lẩm cẩm hay rên rỉ kêu con cháu ít về thăm.
Cái cửa sổ sáng đèn ngủ màu hồng đêm đêm kia đích thị là của đôi vợ chồng trẻ mới cưới. Họ đang chìm vào hoan lạc, mãn nguyện với hạnh phúc tràn trề thoát khỏi đồng quê lấm láp. Sau một thời gian bươn chải, tằn tiện tiết kiệm cộng với số tiền bà mẹ già cho mới mua được căn hộ lắp ghép cũ kỹ tít tận tầng năm?
Cái gầm cầu thang tối mò kia là nơi trú ngụ của mấy đứa trẻ đánh giày. Xuất xứ nhà quê, thất học.
Ơi trời! Bao nhiêu thân phận hạnh phúc, khổ đau, lam lũ dưới gầm trời này?
7. Nàng quay lại tìm tôi.
Tôi bảo:
– Sự thể đã như thế. Cố mà sống với nhau cho vuông tròn.
Nàng khóc ngằn ngặt:
– Em biết anh còn rất yêu em. Anh cố chờ năm năm. Em khổ lắm.
Nàng dừng nói, bấm đốt ngón tay, lẩm bẩm:
– Không, anh ấy ngoài sáu mươi tuổi. Có lẽ anh phải chờ em lâu hơn nữa. Mười năm, hoặc mười một mười hai năm gì đó. Em sẽ nuôi anh ăn học thạc sĩ, tiến sĩ…
Bất nhẫn quá. Cái mặt đàn ông là tôi sao hèn thế! Tôi bảo, thôi em về đi.
Nàng về, vẫn cái dáng thanh cao, đài các mà cô đơn, buồn bã. Hóa ra, chẳng sung sướng gì. Tôi thương nàng quá. Tôi thương cả gã chủ thầu. Nhưng mà tôi không thương tôi.
Hôm sau, tôi viết cho cha tôi một lá thư. Tôi vận câu cha dặn năm xưa: đi tìm nơi khác làm ăn sinh sống, đất trời rộng lắm không sợ thiếu chỗ dung thân. Đại khái tôi sẽ đi xa.
Tôi gói quần áo và quyển tiểu thuyết Số đỏ, cuốn sách tự học tiếng Anh vào ba lô bụi. Tôi quyết định nhảy tàu vào Sài Gòn lập thân. Cứ đi là… đến!
Tác giả: Sương Nguyệt Minh – Thực hiện: Hồng Huệ
Sản Xuất & Biên Tập: VOV
Từ khóaHồng Huệ Sương Nguyệt Minh truyện đêm khuya
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …