Bài nổi bật

Địch Công Kỳ Án – Tập 6: Ngự Châu Án

Năm 669…
Huyện Phổ Dương…
Ngày hội đua thuyền rồng…
Hai cái chết bí ẩn xảy ra trong cùng một ngày, những lời đồn đại được dấy lên: truyền thuyết về Nữ thủy thần đoạt mạng nam nhân, sự tái xuất của viên ngự châu thất lạc từng khuynh đảo Hoàng cung trăm năm trước…
Nhìn chung, “Ngự châu án” cũng không khác nhiều so với các tác phẩm cùng series “Địch Công kỳ án” mình đã đọc: mở đầu bằng vụ án phức tạp với những tình tiết rối rắm nhuốm màu tâm linh, huyền bí, qua từng trang sách, sự việc dần được khai mở, bức màn bí ẩn từng bước, từng bước được vén lên một cách logic, mọi dữ kiện được xâu chuỗi hợp lý, hé lộ đằng sau một âm mưu hiểm độc. Độ am hiểu văn hóa Trung Hoa thời phong kiến cùng những kiến thức uyên thâm về khoa học, tâm lý một lần nữa được tác giả thể hiện tài tình thông qua việc phục dựng bối cảnh và xây dựng hình tượng các nhân vật trong tác phẩm.
Trong vụ án lần này, vì sự vắng mặt của hai trợ thủ đắc lực là Mã Vinh và Kiều Thái, Địch Công phải đích thân thực hiện phần lớn công việc điều tra. Với đầu óc sắc sảo, nhạy bén, khả năng thấu hiểu tâm lý con người cùng tấm lòng thương dân của một vị quan phụ mẫu, Địch đại nhân đã không quản khó khăn, từ bỏ địa vị mệnh quan triều đình cao quý để thực hiện các công việc thấp kém vốn dành cho bọn nha sai, lính lác. Ông cũng không ngại thi triển các ngón nghề đặc biệt, các biện pháp “phi nghiệp vụ”, thậm chí hóa thân thành bọn phàm phu tục tử để thâm nhập thực tế và thu thập thông tin bất chấp hiểm nguy rình rập. Dưới ngòi bút của Robert Van Gulik, Địch Nhân Kiệt là hiện thân của một vị thần thám hoàn hảo đúng nghĩa, với một bộ óc logic đáng nể, khả năng suy luận sắc sảo và quan sát thời cuộc tài tình, đồng thời, ông còn thuộc típ người hành động, luôn biết cách ứng biến, xử lý tình huống một cách khéo léo, nhanh nhẹn và thấu đáo.
So với “Hoàng kim án” và “Tứ bình phong”, cốt truyện lần này kém phần lắt léo và thủ pháp cũng không thú vị bằng, tuy nhiên, nhìn chung tác phẩm vẫn đáp ứng đầy đủ yêu cầu của một tiểu thuyết trinh thám cổ điển: mỗi tình tiết mang một ý nghĩa nhất định, tất cả khúc mắc đều được giải đáp vào phút cuối, không chi tiết thừa, không yếu tố nào bị bỏ qua, mọi thứ gắn kết với nhau thành một chỉnh thể thống nhất. Về phương pháp suy luận, trong phần này, do nhiều yếu tố tác động (được giải thích trong tác phẩm), Địch công đã chọn cách thức đặt ra nhiều giả thuyết khác nhau rồi loại bỏ dần dần. Phương pháp này được sử dụng khi có quá ít chứng cứ, do đó thường mang tính suy diễn, khó lòng đem đến sự thỏa mãn cho độc giả trinh thám. Tuy nhiên, xét theo bối cảnh tác phẩm và hoàn cảnh đặc biệt của vụ án mà Địch công đang đối mặt: quá ít bằng chứng vật chất, không có nhân chứng (một trong những loại chứng cứ quan trọng nhất thời bấy giờ, khi mà khoa học hình sự chưa phát triển), áp lực về thời gian, thiếu sự hỗ trợ của Mã Vinh và Kiều Thái,…. thì phương pháp này gần như là lựa chọn duy nhất. Mặc dù những giả thuyết đặt ra ban đầu khá lỏng lẻo, việc dựa vào đó để buộc tội thủ phạm là điều bất khả (chính Địch Công cũng nhận thức được điều này), tuy nhiên, nhờ tài trí của bản thân cùng một chút trợ giúp từ “thiên thời địa lợi” (là ông tác giả), câu chuyện đã kết thúc theo đúng cái cách mà mà một tác phẩm trinh thám cổ điển nên kết thúc.
Dù không phải là một tiểu thuyết trinh thám thật sự xuất sắc, “Ngự châu án” vẫn có những điểm sáng đủ để biến tác phẩm thành một viên minh châu quý giá: cốt truyện được xây dựng gọn gàng, cấu tứ chặt chẽ, không một tình tiết thừa; hình tượng nhân vật đa dạng, đặc sắc, nổi bật trong đó không ai khác chính là Địch Nhân Kiệt: một thần thám tài hoa, một vị quan thanh liêm và một con người giàu lòng nhân ái.

Xem thêm đề xuất

Mật Mã Tây Tạng – Quyển 3

RadioVn.Com – Giáo sư Phương Tân hét lên mấy tiếng vào miệng hố, không nghe thấy …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *