Bài nổi bật

Đồ án tốt nghiệp

RadioVn.Com – Cái tin thầy Hòe đã nhận đủ mười sinh viên để hướng dẫn đồ án tốt nghiệp gây nên cơn xôn xao trong xưởng. Nghĩa là ba chục đứa còn lại phải đăng ký các thầy cô khác. Hạnh cũng nằm trong số trượt ra. Thầy Hòe đã là một tượng đài, một huyền thoại sống về công trình lẫn độ hắc xì dầu trong giảng dạy. Sự khó tính ghê gớm của thầy càng làm tăng thêm độ đắt hàng đối với đám sinh viên. Đứa nào cũng tin chắc sẽ được điểm cao nếu có bàn tay hướng dẫn của thầy. Chục năm nay, khóa nào cũng có sinh viên thầy hướng dẫn có điểm cao tốp đầu.
Làm sao để chen chân được vào số chục sinh viên ấy, khi không có mối quen biết nào để nhờ cậy. Mà quen biết khéo cũng vô ích, cũng đầy con ông cháu cha ở xưởng này không được chiếu cố, theo như những gì đám sinh viên bàn tán ở quán nước chè.
Nhưng Hạnh vẫn mong manh hy vọng. Hiện chưa có thông báo chính thức. Vẫn có cửa để nhờ. Gần như bố mẹ của khoảng chục đứa học trong xưởng là đồng nghiệp ở trường, ở các công ty tư vấn thiết kế hoặc học trò cũ của thầy Hòe. Riêng cái Mai đi cửa chính. Mai là đứa mồm năm miệng mười, đã bám lấy thầy Hòe từ khi còn ở những đồ án năm trước. Nó bạo mồm đến độ nói như đúng rồi khi ngồi trình đồ án tư cách, là đồ án áp chót trước khi đăng ký tốt nghiệp, ngay trước mặt thầy Hòe và các bạn cùng xưởng: “Em là em xí một suất thầy hướng dẫn rồi nhá”. Dù biết tính táo tợn của Mai nhưng cả xưởng cũng phải há hốc mồm vì sửng sốt. Thầy Hòe chỉ e hèm một cái rồi tiếp tục nhận xét đồ án như không có gì xảy ra.
Hạnh thì các vàng cũng không dám. Mỗi lần đến lượt Hạnh phải trình đồ án môn học với thầy là cô run bần bật. Lời thầy nói lúc nào cũng lùng bùng trong tai, họa hoằn cô mới hiểu. Kết quả năm năm học của Hạnh cũng chỉ gọi là kha khá. Vì thế được thầy Hòe hướng dẫn là một điều không tưởng. Cô đã định xin thầy Hùng hướng dẫn, một ông thầy nhạt nhẽo và quá ư lép vế tiếng tăm nếu so sánh với thầy Hòe như nhận xét của cái Mai. “Mày dốt thế, cả đời sinh viên có lần tốt nghiệp cho hoành tráng thì đầu tư hẳn thầy xịn. Không rồi tiếc cả đời. Yêu thì yêu lại được, chứ có tốt nghiệp lại được đâu?” Vừa nói, Mai vừa liếc xéo sang Tú, lúc này đang ngồi gác cả hai chân lên ban công quán cà phê nhìn xuống đường. Thái cười tủm, vẽ vẽ lên mặt bàn.
Bốn đứa ngồi khật khừ quanh cái bàn tre làm kiểu thô mộc cho hợp với cảnh quán có chất “kiến” kiểu “tông dật”. Mai nhón lấy điếu thuốc Marlboro từ bao thuốc của Thái, đánh diêm châm rồi vẩy vẩy que diêm vẻ chuyên nghiệp. Hạnh bật cười. Cái trò tạo dáng ngông ngạo này nhạt quá. Hết thời tóc dài thì lại cạo trọc. Kiến trúc sư xứ mình tiên phong trước hết từ hình thức bản ngã. Hạnh thích Thái có lẽ vì cậu không theo những trò đó, nhưng hay là vì Thái không chú tâm đến cái ngành học này. Đôi khi Hạnh muốn hỏi thẳng Thái là có định làm kiến trúc sư không. Thái như một cậu học trò khờ đi giữa mênh mông những dáng điệu kiểu hàn sĩ lê la quán cà phê, mắt lườm lườm đo lường “chất” của nhau. Đa số học hành thì nhăng cuội, đồ án làm hời hợt, có mỗi ý tưởng luôn đầy ắp sự vĩ cuồng, lại được mấy ông thầy trẻ bơm vá, nên càng hăng tợn. Nhưng Thái cũng không hẳn đã nhẹ nhõm việc học. Cậu cứ loay hoay, chăm chỉ một cách tội nghiệp. Mà lại hơi phớt đời. Có gì đó không ổn.
Có lần cả hội đi xem một triển lãm sắp đặt ở Gia Lâm. Cả đám đông láo nháo chen lấn nhau. Cả bọn đứng trên những cái móng gạch xây dở. Tú nhìn những diễn viên oằn oại trên sân khấu, chửi tục: “Về xem ấy nhau còn hơn”. Mai gào lên: “Phịch đê”. Một người đằng sau hét lên: “Trông trí thức mà ăn nói vô học thế à”. “Kiến trúc đấy”. “Gái kiến trúc bố cục người thiếu tỉ lệ, nội thất xập xệ vá lung tung…” “Đứa nào bảo của bà vá đấy?” Thế là suýt đánh nhau.
Mai và Tú sẽ thành một cặp hợp nhau vô cùng. Cả hai cùng làm cho công ty của một thầy, đã đánh quả kha khá. Đứa nào cũng ăn nói văng mạng, mồm bô bô chuyện trai gái. Hai nhà đã ăn hỏi rồi. “Tốt nghiệp cho có cái bằng thôi. Tao xác định rồi, sáu tháng nữa đẻ là ở nhà hầu chồng”.
“Bọn mày… rồi?” Hạnh ngỡ ngàng.
“Mày học kiến trúc mà cứ như học trường phụ nữ trung ương ấy. Thế mày với thằng Thái chưa làm gì à?”
Hạnh thở dài. “Tao chịu mày”.
Đấy là chuyện của tháng trước. Giờ bụng Mai hơi to nhưng cô khéo giấu bằng kiểu áo phồng, cộng thêm vốn dĩ phốp pháp nên chưa chắc đã ai nhận ra. Bốn đứa ngồi đăm chiêu quanh những cốc cà phê đã cạn. Hạnh quay đầu đi khi thấy cảnh Mai ngả đầu vào vai Tú, tay vần vò ngực cậu ta. Con gái con đứa.
***
Cái Mai hối hả chạy vào nhà, đôi giày cao gót văng ra mỗi cái một nơi. “Có cửa rồi”.
Hạnh đang ngồi vẽ giữa đống giấy đã cố gắng dọn mà vẫn như bãi thải. Nhìn vẻ mặt hớn hở của Mai, Hạnh vội bật dậy. Mai nằm phịch ra cái đệm ở góc phòng. “Mẹ thằng Tâm í. Mẹ nó từng đánh quả dự án với thầy Hòe hồi ở công ty tư vấn í. Mẹ nó, tức là cô Oanh í, bảo sẽ hỏi cho cả bọn. Thằng Tâm í, nó bảo không có gì là không thể, kể cả thầy Hòe. Thằng chó ấy nó bảo Hòe ăn hai, Bài ăn một chứ. Bá đạo”.
Mai liến thoắng nói, dồn trọng tâm vào những từ “í” nghe quái gở. Cô thở hổn hển.
“Mày uống nước đã. Thế là mày nhờ luôn rồi?”
“Thế mày bảo tao lại đợi tằm nhả ra tơ, tơ xe thành sợi, sợi dệt thành vải, vải may thành…”
Hạnh giơ tay ra hiệu đồng ý. Mai tiếp tục kể. “Mẹ thằng Tâm bảo thầy Hòe đồng ý về chủ trương là nhận mày rồi, còn việc duyệt hay không phải qua hôm họp xưởng nữa”.
Mai nhỏm dậy, suy tính. “Ba mươi chưa phải mồng một. Ông Hòe này tao biết, mày mà không cúng cú chót thì cũng chẳng nên chuyện đâu. Hồi năm kia đấy, tự nhiên ông ấy quay sang phang anh Ngọc K2, bắt phải đổi lại phương án trong vòng một tuần. Cứ gọi là phát rồ luôn”.
Ý kiến của Mai làm Hạnh lo lo. Thầy Hòe vốn là người bí hiểm và khó đoán trong trường và cả trong giới kiến trúc sư. Thầy có lẽ là trường hợp hiếm hoi khi chưa có học hàm, chỉ trần sì danh vị kiến trúc sư. Nghe nói thầy kiêu hãnh về điều đó. Hạnh không rõ lắm nhưng những bài giảng của thầy quả thực vẫn có sự quyến rũ về nghề, vẫn có những nét lấp lánh khiến cho Hạnh hay Thái khao khát.
Vấn đề còn lại, nếu có, là Thái.
Hạnh chơi với Thái từ năm thứ hai mà lắm lúc cô vẫn thấy cậu khó hiểu. Cái kiểu đến đâu thì đến của Thái làm Hạnh tức phát khóc. “Sống chết có số. Mình có cố cũng chẳng được loại giỏi. Đằng nào mà chẳng bằng khá. Mình nhường”. Thái vừa nói vừa thổi vào gáy Hạnh lúc hai đứa đi mua quà biếu thầy Hòe. Hạnh ức, nhưng không đôi co. Hạnh nhất định mua bằng được cái đĩa Rospotrovich mà cô đã hỏi qua Tâm, “thầy có cả bộ, chỉ còn thiếu đúng đĩa số 5”. Thái dúi vào cái đĩa Thúy Nga, Hạnh lườm: “Sao không lấy thêm tấu hài cho đủ bộ”. Mai nói Hạnh đừng biếu thầy một cục ngay, mà phải thăm dò. Nếu thấy thầy đổi thái độ thì phải lên level ngay. “Ít nhất là một lít mỗi lần nhé. Tao tham khảo các khóa trên rồi, đi năm lần”. Thái cười, “Đếm cua trong lỗ” càng làm Hạnh rối bời ruột gan. Hạnh bứt rứt nghĩ mình sắp thành con buôn mất.
… “Mấy đứa bọn mày mua quà biếu thế nào mà sôcôla Bỉ mốc hết, đấy là hộp nhà cô bị nhé. Con bé nhà cô ăn có một miếng mà đi ngoài tóe loe. Còn hộp biếu thầy Hòe sợ là cũng bị nốt. Cho khéo mà đĩa nhạc lại đĩa Tàu thì duyên. Đầu đọc xịn kén lắm”. Cô Oanh lắc đầu tỏ ra ngao ngán. Hạnh sượng mặt cắm mặt vào chén nước chè nguội.
Mai hộc tốc chạy đến chỗ mua quà. Chủ hàng cũng là chỗ người quen, vò đầu bứt tóc thề là hàng xịn có tem nhãn đàng hoàng. Tú nổi đóa: “Con mụ Oanh đấy chỉ giỏi bắt nạt trẻ con. Cậu hiền quá. Hay để tớ cho thằng Tâm một trận”. Hạnh lắc đầu: “Thôi, trách cô ấy làm gì. Mình làm phiền, làm cho họ mang tai mang tiếng. Tớ cũng chán vụ này lắm rồi”.
“Biếu thầy lọ bécbêrin là xong” Thái đùa nhưng chỉ nhận được cái lườm của Hạnh.
***
Hạnh rủ Thái đến nhà thầy Hòe. Nhà thầy ở trong một khu phố mới, nhìn xa đã thấy nhô lên một ngọn tháp hình cây bút. Sau một hồi chuông, cái cổng lạch xạch mở. Hạnh nín thở. Nghe nói thầy Hòe chỉ tiếp sinh viên mỗi lần có năm phút. Lần này là trình bản sơ phác đầu tiên, và lại đáng lo hơn vì sự cố sôcôla mốc chưa rõ hậu quả ra sao.
Thầy mặc một bộ quần áo pyjama, tay cầm chùm chìa khóa dễ đến chục cái chìa, quát con chó đang sủa rầm rĩ trong cũi ở góc sân. Ngôi nhà phong cách kiến trúc khá cầu kỳ với những góc cạnh và rất nhiều hiện vật trưng bày. Đây đó những cái hốc âm tường giấu đèn, những góc tiện ích chứa đồ mà giờ có lẽ mất tác dụng. Mất một lúc, Hạnh mới quen được cái mùi nặng nặng của đồ đạc lưu cữu, mùi lông chó váng vất.
“Đâu, tao xem nào?” Thầy có kiểu xưng hô mày tao bỗ bã. Hồi năm đầu học thầy, Hạnh khá sốc.
Hạnh vội vàng giở cuộn giấy ra.
Thầy Hòe khoát tay. “Phân bố giao thông gì mà rối thế hả. Đưa cái này ra sau, vẽ nhăng nhít cái gì ở đây”. Thầy lia cây bút chì roẹt roẹt làm Hạnh nóng bừng mặt.
“Thế thằng này đến làm gì?” Thầy quẳng bút xuống bàn sau khi chữa bài cho Hạnh, hất hàm hỏi Thái.
“Dạ, em đến học hỏi ạ…”
“Học hỏi cái gì. Về mà vẽ đi, trông chờ ai”.
Khi hai đứa líu ríu đứng dậy xin phép ra về, thầy Hòe bỗng nói: “Này hai đứa, thầy có cái đồ án này cần thể hiện gấp, bọn mày tối nay ở đây xử lý nốt được không? Sáng mai thầy phải đi xuống Quảng Ninh rồi”.
Hạnh và Thái ngỡ ngàng. Được thầy Hòe bảo thể hiện đồ án cho công ty riêng của thầy là điều sinh viên nào cũng mơ ước. Nghĩa là thầy đã đánh giá cao tay nghề vẽ của hai đứa. Nghĩa là Hạnh sẽ có cơ hội điểm cao nếu nhận việc này. Dĩ nhiên là hai đứa đồng ý liền.
Đồ án cần vẽ là một trụ sở ban quản lý dự án. Thầy đã vẽ phác một cái phối cảnh nháp. Hạnh sẽ ngồi dựng trên máy tính, còn Thái sẽ dàn phối cảnh và những chỗ bản in Hạnh không kịp làm. Chỉ có hai đứa làm trong đêm. Cả hai ngập trong niềm phấn khích.
Đến ba giờ sáng, mắt Hạnh cay xè. Thái bó gối ngồi xổm trên sàn, kỳ cạch tô màu vào phối cảnh đang bày trước mặt. Hạnh vừa đóng quyển, vừa lã chã nước mắt, nghĩ không biết có nghề nào khổ như nghề này không.
Sáng hôm sau, ngồi sau lưng Thái, Hạnh vẫn nhớ vẻ mặt ngái ngủ của chị Thủy, kiến trúc sư nhân viên của công ty thầy Hòe. “Vẽ đẹp đấy. Rồi thầy Hòe không quên các em đâu. Điểm tốt nghiệp kỳ này cao phải biết, nhẩy. Hôm nào lại cho bọn chị ăn sôcôla nữa nhỉ”. Rồi chị đưa tờ một trăm nghìn, bảo bồi dưỡng mỗi đứa bát phở.

Hóa ra cùng làm lính binh bài cho xưởng thầy Hòe có bốn đứa ở mấy khóa dưới. Đợt này thầy Hòe đang thi phương án nhà hát ở T., công trình dự kiến có vốn đầu tư gần nghìn tỷ đồng. Cả bọn tò mò muốn xem công trình bom tấn của thầy lần này ra sao. Nhưng như lời bọn sinh viên thực tập, thì chỉ có đám quân lâu năm của thầy mới được mó tay vào, mà chỉ được thể hiện bản vẽ thôi. Bằng cách nào đó, phối cảnh mấy phương án của thầy cũng lọt vào máy tính của một đứa tập sự. Cả lũ say sưa trong niềm vui lén lút. Nguyên tắc là phương án không được lọt ra ngoài.
Sau một hồi xin xỏ, cả bọn cũng được chị Thủy mách cho ngày thầy Hòe họp với ê kíp trước khi gửi hồ sơ đi dự thầu. Đám sinh viên lóc nhóc hồi hộp mà liều lĩnh xông đến nơi, trong bụng nghĩ biết đâu lại nghe được điều gì hay.
Cả bọn nhấp nhổm đứng ngồi ngoài cửa phòng họp, căn phòng nằm ở tầng trên của xưởng vẽ. Bên trong tiếng thầy Hòe quát tháo nghe rất căng thẳng. “Thằng chủ tịch ấy biết gì? Vừa muốn giống Nhà hát Lớn lại vừa giống chùa Bái Đính? Thế tao có đi bằng đầu”. Hạnh đưa mắt cho cả hội ra hiệu rút lui. Tuy nhiên, đứa sinh viên năm thứ ba cố đấm ăn xôi, vẫn ghé mắt vào khe cửa hòng nghe ra có chuyện gì.
Cánh cửa đột nhiên mở ra, cậu sinh viên không kịp phản ứng, vội ôm lấy mặt, một vệt máu chảy từ mũi. Thầy Hòe mặc áo may ô, quần soóc trợn tròn mắt đứng nhìn đám học trò đang sững sờ nhìn lại. Mặt thầy đỏ bừng bừng, có lẽ do cuộc cãi vã vừa rồi.
“Bọn mày… đến đây làm cái gì?”
Cả lũ ấp úng, đứng díu vào nhau. Mãi rồi Hạnh mới lí nhí. “Bọn em tưởng hôm nay phải đến vẽ ạ”. Rồi đứa nào lên tiếng. “Dạ, bọn em xin phép về ạ”. Có ai giật tay Hạnh, rồi bỗng nhiên cả bọn chạy biến. Ơ, sao lại phải chạy nhỉ. Cả lũ dừng lại trước cổng, xấu hổ nhìn nhau.
***
Mai cười phá lên khi nghe Hạnh kể chuyện rình xem đồ án của thầy Hòe. “Tưởng gì, xem thầy bảo vệ đồ án mới hay chứ”.
Kế hoạch bám càng thầy Hòe mỗi lúc một hấp dẫn lũ sinh viên hơn. Từ Hà Nội xuống T. cũng mất hơn trăm cây số. Tú móc nối được với một đứa quê ở đấy, nhờ người quen làm bảo vệ trụ sở ủy ban cho vào xem.
Cả bọn thống nhất đi xe máy “cho chủ động”, mà đứa nào cũng nghĩ có cớ đi chơi. Rút kinh nghiệm lần trước, mấy đứa đến thật sớm, nịnh nọt ông bảo vệ, lý do “bọn cháu đi để học”. “Đúng là bảo vệ ở tỉnh vẫn chân chất hơn Hà Nội nhỉ”, Hạnh nhận xét. “Không có đâu mày, ông ấy không là chú thằng Dương thì cũng còn lâu có cửa vào. Bảo vệ đâu cũng hách hết”, Tú rít lên qua kẽ răng.
May mắn cho cả lũ là ở cuối phòng họp có cái kho đồ cũ, bên cạnh cái toalét. Vừa cố gắng phe phẩy tay át đi mùi khai, cả bọn nấp sau những tấm panô cũ như nấp sau chiến hào. Một lúc sau, các anh chị của xưởng thầy Hòe hối hả vào treo các panô phương án. Một màn chiếu được thả xuống từ trần phòng họp. Thầy Hòe ngồi yên trên ghế, quay lưng lại nên đám rình trộm không biết thái độ thầy ra sao. Quan khách lục tục vào, những người phục vụ chạy tới chạy lui rót nước.
Chị Thủy mặc một bộ váy công sở cứng nhắc, thuyết minh các phương án. Giọng chị cố gắng sôi nổi nhưng có vẻ không mấy ấn tượng với những người duyệt. Ông chủ tịch ngồi nghe vẻ lơ đãng.
“Này, sao cái kia lạ nhỉ? Nhà hát Lớn có mái chùa. Tưởng thầy Hòe chửi bới hôm nọ rồi”. Một đứa thì thào bình luận.
“Tao thấy long lanh đấy chứ. Quả phối cảnh nuột nhỉ, không biết ai dựng”. Tú xuýt xoa.
“Tao thấy giống cái điện lên đồng”. Thái châm chọc.
Cả bọn rúc rích cười. Hạnh ra hiệu cả bọn trật tự. “Nghe thuyết minh kia kìa”.
Giọng chị Thủy vang vang. “… nhấn mạnh sự kết hợp của yếu tố bản địa dân tộc với cấu trúc của nhà hát cổ điển… sang trọng và vĩnh cửu…”
Lúc này Hạnh mới để ý Mai cầm cái điện thoại giơ lên. “Ghi âm rồi về cho tao tham khảo nhé”.
“Cái mái cong kia phải to hơn nữa. Tôi thấy mái của Nhật hay Hàn Quốc nó hùng vĩ, bay bổng lắm”. Một ông quan chức nêu ý kiến.
“Mấy cái cột mà các anh bảo cột Hy Lạp ấy, sao không làm như nhà hát ở Sài Gòn ấy, tượng người đỡ cột cũng Hy Lạp mà đẹp lắm”.
“Tượng người nhưng đừng vú vê thỗn thện là được”.
Thầy Hòe ngồi bất động như pho tượng. Lũ xem trộm ngỡ ngàng nghe các gợi ý, trong bụng hơi thất vọng vì không thấy phản ứng gì của ông thầy. “Thế thì nó thành cái gì hả bọn mày?” Thái lầu bầu.
Một vị quan chức đứng lên đọc nhận xét. “Hội đồng duyệt nhất trí với phương án kết hợp. Tuy nhiên, để tăng cường tính biểu tượng của thời đại cũng như công năng sử dụng, nên chăng tăng cường thành tổ hợp đa văn hóa…”

Cả bọn lang thang quanh thành phố T., nhìn những dãy nhà phố ốp gạch men bóng rờ rợ, nghĩ nhà hát của thầy Hòe sẽ hô ứng thế nào với những dãy nhà sặc sỡ này.
“Sao thầy lại vẽ cái phương án tởm thế”.
“Chuyện thường ngày ở huyện. Bọn mày phiên phiến đi. Không chiều người ta, lấy gì mà ăn. Rồi bọn mình cũng thế thôi”. Mai chẹp lưỡi như một bà già, xoa tay lên cái bụng. “Đi ăn thịt mèo đi. Ở đây món này oách nhất đấy”.
“Ăn mèo đen điểm cao đấy”. Tú láu táu tham gia ý kiến.
“Xì. Ai bảo thế?” Mai nguýt Tú. “Mà lên đĩa rồi, ai biết đen hay đốm”.
Hạnh lo lắng. “Mai có bầu, ăn thịt mèo có được không?”
“Ui chao, chả kiêng đâu. Hôm nay cuối tháng, mai hẵng hay”.
Rồi hồn nhiên như lúc đến, cả đám sau khi cơm no rượu say lại lên xe. Chuyện nhà hát tỉnh T. của thầy Hòe chỉ còn như hơi men chóng hả trên đường về.
***
Những ngày tháng cuối cùng của đời sinh viên trôi qua xao xác và nóng nực. Bạn bè chỉ còn gặp nhau chớp nhoáng. Mai ghé nhà Hạnh tán gẫu, cả hai đã xong xuôi panô, chờ ngày kia bảo vệ. Không có gì sung sướng bằng thảnh thơi, không lâm vào cảnh lụt đồ án như rất nhiều sinh viên khác. Có lẽ chiều nay Hạnh sẽ sang chống lụt giúp Thái. “Ê này, mày có tóc bạc rồi, sợ quá”. Mai vít đầu bạn xuống, hăm hở nhổ. Hạnh ấm ức. “Mình sợ cái nghề này thật, mắt rồi không biết có cận không, mà tóc đã toan về già rồi”.
Trước khi vác cái bụng lùm lùm về, Mai thờ ơ liếc qua đống sản phẩm của Hạnh trong sự tự hào của chủ nhân. Khác với các đồ án vẽ máy tính, Hạnh vẽ tay, mà như thế là số ít, dễ gây ấn tượng với các thầy. Thái độ của Mai làm Hạnh hơi bị cụt hứng. Chả lẽ cô vẽ xấu? Chợt Mai rú lên. “Chết mày rồi!” Hạnh giật bắn người, lao đến. “Mày thay ngay cái khung tên bản vẽ cho tao. Thầy Hòe vừa được phong hàm phó giáo sư rồi. Tiến sỹ nữa. Quyển thuyết minh nộp chưa? Chưa thì thay ngay bìa đi”.
Hạnh ngồi thừ ra. Bao công in rồi căng, bồi, chăm chút. Dán giấy gì đè lên cũng lộ, lại không thể in chữ vi tính được vì đã trót thể hiện bằng bút kim hết cả rồi. Sau một hồi bấn loạn, gọi điện tứ tung hỏi ý kiến, Hạnh mắm môi mắm lợi cầm lưỡi dao cạo râu gại gại dòng tên của thầy Hòe để chèn cho được cụm chức danh mới kia.
Đột nhiên Hạnh sinh nghi. “Ơ, mà cậu update thông tin thầy Hòe từ đâu nhỉ? Tưởng thầy nói là không thèm mấy cái danh hão?”
“Còn dám cãi đài hả. Đây, mở máy ra cho mà xem. Chuyện hơi bị hay”. Mai nói vẻ bí hiểm.
Lồng ngực Hạnh như đập thùng thùng khi cô xem đoạn phim trên mạng về buổi lễ trao chức danh cho các thầy. Hóa ra có rất nhiều đoạn phim cùng chủ đề, và tình cờ, đều có thầy Hòe. Thầy mặc áo chùng, đội mũ tiến sỹ, nước mắt lã chã rơi. Thầy đón giấy chứng nhận từ một vị lãnh đạo, tay bắt chặt, người cúi gập xuống, thân trên tạo với hai chân một góc vuông. Mặt thầy ngây ngất niềm vinh dự khó tả. Rõ ràng là thầy rất hạnh phúc khi thầy giơ cao tấm bằng khen gì đó lên quá đầu. Bức hình chụp lại cảnh thầy Hòe cúi gập người từ đoạn phim được lan truyền khắp nơi. Nó trở thành một hình ảnh đại diện trạng thái của sự hàm ơn, sự quỵ lụy. Những lời bình luận thóa mạ như cơn lũ làm Hạnh xây xẩm mặt mày. Cô đóng máy lại, bàng hoàng nắm lấy tay Mai. Nửa tháng không vào mạng, cả chuỗi thông tin ập vào cô như bể nước bị bục. Bây giờ cô hoang mang, nỗi hoang mang mà ngày mai cô phải dẹp yên.
Cuối cùng thì Hạnh cũng bảo vệ xong đồ án. Điểm 9 của cô chìm nghỉm trong cơn mưa điểm 9, 10 khác của cả trường. Mai cất lời khi loay hoay xếp những bó hoa đã mua sẵn để tặng nhau từ trước: “Bọn mình là kiến trúc sư rồi đấy. Hì hì. Thấy thế nào?”
Hạnh chỉ cười gượng gạo, nhìn những bông hoa đã hơi úa sau một ngày oi bức. Sân trường ngoài kia ngùn ngụt hơi nóng bốc lên làm những dãy nhà phía xa biến dạng như ảo ảnh.

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *