Bài nổi bật

Đồng đô la bất hạnh

RadioVn.Com – Tôi gọi điện cho Heisen Kin-chơ xem ông ta có phải định đi vào thành phố không.
– Có, sẽ đi! – Ông ta trả lời tôi với một giọng khô khan, lạnh lùng.
– Tôi có việc cần phải giải quyết ngoài ấy, – tôi trả lời và tỏ ý cho ông ta biết là tôi sẽ rất thích nếu được đi cùng xe với ông ta.
– Được, ta có thể đi cùng.
Tôi biết Heisen Kin-chơ sẽ chẳng bao giờ đồng ý đi với bất kỳ ai ở quanh đây và chịu chấp nhận một điều gì tương tự như thế.
    – Mười phút nữa tôi sẽ có mặt ở chỗ anh.
Tôi vội vàng mặc quần áo và chạy tới nhà ông ta. Mùa đông năm nay, ở chỗ chúng tôi lạnh khủng khiếp. Từ cửa sổ của nhà tôi có thể nhìn rõ cái vịnh lớn của con sông đóng băng trải dài mười ba dặm, từ phía Nam lên phía Bắc. Mọi người có thể đi xe trượt trên mặt sông đã đóng băng tới những đảo xa. Ô tô đuổi nhau trên con đường trước kia tàu thuỷ vẫn chạy. Tuyết trắng phủ kín hai bờ sông. Chỉ có màu sáng của cây cối nổi bật trên nền trắng của một miền tuyết phủ.
Như tôi đã nói, xung quanh đây có lẽ chẳng ai được Heisen cho đi nhờ xe bao giờ. Thậm chí trên thế giới này cũng chẳng có ai bao giờ được hưởng một cử chỉ thân thiện của ông ta. Đó là một người keo kiệt và cô độc hiếm có. Loại người như ông ta có lẽ chẳng bao giờ có chỗ đứng trong một xã hội công bằng.
Nhưng Heisen Kin-chơ không những sống đầy đủ, mà cũng có thể nói, ông ta chết đuối trong sự giàu có của mình. Cũng chính vì thế mà tôi muốn biết rõ hơn về ông ta. Ông ta có một sức hấp dẫn kỳ lạ, một sức mạnh đặc trưng cho những người dũng cảm đi trên dây qua sông Ni-a-ga-ra hay nhào lộn trên không. Những người mà ngắm nhìn họ, chúng ta thấy sợ hãi đến tim ngừng cả đập, chúng ta lo sợ cho cuộc sống của họ và không muốn nhìn thấy họ rơi xuống, chết. Đôi khi tôi có cảm tưởng là Heisen đoán biết được những ý nghĩ của tôi về ông ta. Chẳng rõ bằng cách nào, ông ta trông có vẻ chân thành một cách trơ tráo, có lẽ quan hệ của tôi với ông ta là đã làm ông phấn khởi chăng? Tôi cho rằng tôi là người duy nhất trên thế giới này được ông ta tin như thế.
***
Lúc tôi đến, đứa con trai nhở của ông ta ngồi trên sàn. Người vợ chuẩn bị nước giải khát bằng sữa, trứng và rượu Rum. Khi chúng tôi uống xong, Heisen quỳ xuống trước mặt đứa con. Trong mắt đứa bé toát lên cái gì đó có vẻ căm thù. Đó là một đứa bé tàn tật. Hàng xóm vẫn bàn tán thà rằng nó chết đi thì có lẽ đỡ khổ hơn. Nhưng Heisen yêu con một cách đặc biệt. Ông ta âu yếm bế con trên tay. Thằng bé chỉ trợn tròn đôi mắt, nhìn, rồi khóc ré lên khi người mẹ tiến đến gần.
– Cút đi! Cô đừng có quấy rầy chúng tôi…
Người vợ lùi lại và Heisen chỉ tay vào đứa con, nói một cách huênh hoang:
– Một thằng bé tuyệt diệu, phải không?
Chẳng có ai trả lời ông ta. Heisen gầm gừ cái gì nghe không rõ trong cổ họng và chơi với con một lúc nữa. Sau đó ông ta đặt con xuống sàn nhà và ra lệnh cho vợ:
– Cô trông lấy nó!
Người vợ gật đầu một cách sợ hãi, đôi mắt lộ rõ nỗi đau khổ và khuất phục. Chẳng thèm chia tay vợ, ông ta đi ra khỏi bếp. Tôi theo Heisen ra ngoài. Chúng tôi ngồi vào xe trượt và lấy chăn trùm lên người. Phía trước chúng tôi là chặng đường khá dài, những sáu dặm trên tuyết. Cơn bão tuyết lại gần. Heisen lập tức hiểu ngay tôi nghĩ gì khi thấy tôi nhìn ông ta.
– Bão tuyết tôi cũng không sợ! – Ônh ta nói khẽ và nhếch mép cười.
Tôi biết rõ rằng chả mấy chốc bão tuyết sẽ đuổi kịp chúng tôi. Tiếng rạn nứt lạo xạo của mặt tuyết đã đóng băng đổ dài theo vó ngựa. Xe trượt lướt trên mặt băng phát ra những âm thanh kỳ quặc. Chúng tôi đi vòng quanh hàng rào rồi hướng về phía phía thung lũng đằng xa. Chúng tôi dừng lại trước cửa ngôi nhà cũ của Rây-boóc cho ngựa nghỉ hơi. Ngôi nhà đã lâu không có người ở, cửa khoá chặt. Những cánh cửa sổ được giữ chặt bằng các thanh gỗ đóng đinh chắn ngang.
– Đó là một gia đình xấu xa, bỉ ổi và ngu ngốc, – Heisen nói gầm gừ, giơ roi ngựa chỉ vào ngôi nhà.
Con trai cả của gia đình Rây-boóc thì tôi biết. Đó là một con người tuyệt diệu. Một lần vào mùa thu, anh ta thu hoạch táo chẳng may bị ngã từ trên cây xuống chết. Vợ anh ta muốn làm ăn tiếp tục nhưng đã không cẩn thận vay tiền của Heisen. Nhờ thế mà ông ta chiếm được cả trang trại này. Tất nhiên đấy không phải là trường hợp tội lỗi duy nhất của Heisen.
Gió đã bắt đầu rít lên. Trên đường xuất hiện thêm nhiều đống tuyết bị đóng băng. Khi đi qua một đống tuyết to, lên đến đỉnh thì chiếc xe bị nghiêng và cả hai chúng tôi ngã xuống. Con ngựa sợ hãi hí lên, nhưng Heisen vẫn cầm chắc dây cương. Chúng tôi rũ tuyết, kéo xe trượt từ trong đống tuyết ra, thắng ngựa, rồi tiếp tục lên đường. Gió rét nổi lên mạnh hơn nữa. Mặt trời lúc nãy còn chiếu, giờ đã bị mây đen che kín.
Trước khi đi tiếp, Heisen tiến lại gần con ngựa. Thông thương khi giận dữ người ta đánh hay mắng con vật. Nhưng Heisen thì khác hẳn. Ông ta nắm chặt hai tai con ngựa xoáy mạnh làm cho con vật đáng thương oằn cả người và cúi đầu sát tận đất. Đặc biệt ông ta không hề nói một câu nào.
Con ngựa vùng vằng giận dữ. Lúc này Heisen mới lấy roi quất vào đầu gối con vật. Sau đó ông ta túm lấy tai ngựa vặn và nói:
– Bây giờ chắc mày sẽ không đi nhầm đường nữa chứ!
Nói xong ông ta lên ngồi cạnh tôi. Tôi im lặng. Tôi có thể can thiệp, nhưng có gì đấy nhắc tôi không nên dính vào. Con ngựa đi có vẻ khập khiễng, nhưng Heisen thúc nó đi không thương tiếc. Càng bị thúc, ngựa càng đi chậm, nên khi chúng tôi tới được văn phòng của Hay-sen thì tuyết đã rơi phủ kín mọi nơi.
Tôi chia tay với Heisen trên bậc thềm rồi đi vào phố giải quyết việc riêng. Đi một quãng xa tôi thấy Heisen nói to:
– Ba giờ quay lại đây nhé!
Tôi gật đầu, tuy biết rằng ngày hôm nay chúng tôi không thể quay trở về được. Giải quyết xong mọi việc, tôi đi đến chuồng ngựa của nhà trọ xem tình hình con ngựa. Má chảy ri rỉ từ chỗ sưng phồng ở đầu gối nó. Bên ngoài, bão tuyết nổi lên càng mạnh hơn. Chủ nhà trọ nhổ nước bọt và nói:
– Chân ngựa sưng to lắm. Ngày hôm nay chắc chắn các anh không về nổi đâu.
– Tôi biết thế, – tôi trả lời.
– Đồ man rợ, – chủ nhà trọ chửi đổng, nhưng tôi biết là ông ta ám chỉ Heisen.
Trước ba giờ, tôi đã có mặt ở văn phòng của Heisen. Đó là một căn phòng sát mái, tối tăm và lạnh lẽo. Ở vào địa vị như thế, Heisen thừa khả năng có một địa điểm xứng đáng hơn. Khói từ lò sưởi bốc lên mù mịt đến khó thở. Trong phòng chẳng có gì để thông gió. Đồ đạc trong phòng chỉ có một cái bàn, hai cái ghế tựa và một cái két sắt chắc chắn đứng ở góc nhà. Heisen tin rằng cất tiền ở đây là chắc chắn, còn tôi thì nghĩ chỉ cần tuốc-nơ-vít thông thường cũng mở được.
Tôi gặp Heisen ở bậc thềm. Nhận ra tôi, ông ta cau có vẻ khó chịu:
– Tôi đi gọi điện thoại một tý. Đường nghe đâu không thể đi nổi.
Heisen không có điện thoại trong phòng. Mỗi khi cần, ông ta lại xuống nhờ máy của cửa hiệu ở tầng mặt đất. Ông ta giữ thói quen đó và chẳng bao giờ chịu thay đổi.
– Tôi sẽ đợi trong văn phòng. – Tôi trả lời Heisen.
– Ừ.
Vừa bước vào phòng, tôi vội đến che miệng lò sưởi và tìm cách thông gió. Nhưng chiếc cửa sổ duy nhất đã được đóng chặt bằng đinh. Một lúc sau Heisen quay lại…
– Quỷ tha ma bắt những đống tuyết ấy đi! – Heisen nói với giọng bực tức. – Đường dây không liên lạc được.
– Đường dây nào?
– Điện thoại. Tới trại…
– Anh muốn báo tin rằng…
– Rằng ngày hôm nay tôi không trở về nhà được. Anh sẽ ngủ lại khách sạn.
– Còn anh thì không ư?
– Tôi ngủ ở đây. – Ông ta cắt ngang.
Tôi nhìn lại căn phòng một lần nữa. Giường thì không có, chỉ có hai chiếc ghế tựa. Heisen đoán được ý nghĩ của tôi.
– Tôi vẫn thường ngủ ở đây, tất nhiên là trên sàn!
Quan tâm đến suy nghĩ bên trong của Heisen, tôi hỏi:
– Anh định báo cho vợ anh biết là anh không về chứ gì?
– Ồ, đời nào! Tôi muốn hỏi xem sức khoẻ thằng bé ra sao…
Có tiếng chân bước thận trọng lên cầu thang. Heisen theo dõi và căng mắt nhìn ra cửa. Người đi lên dừng lại trong hành lang tối, chắc là đang tìm nắm đấm cửa.
Cánh cửa bỗng mở, và Đin Mác-say bước vào. Nhà của ông ta nằm bên cạnh trại của Heisen. Đin sống với vợ và năm đứa con trong một ngôi nhà nhỏ được ngăn cách với chuồng ngựa bằng một hàng rào gỗ. Gia đình ông ta nghèo và sống vô cùng vất vả, mặc dầu phải làm việc từ sáng đến tối. Đin gầy như cò hương, cổ dài ngoằng, hai gò má nhô cao, bộ ria phủ kín cả môi trên. Ông ta có đôi mắt chân thành, thật thà nhưng mệt mỏi.
Đin dừng lại trước cửa, hai mắt nhấp nháy, từ từ cởi chiếc khăn quàng cổ đã rách ra. Hai tay đi găng vẫn để nguyên.
– Vào nhanh lên! Anh nghĩ tôi có lò sưởi ở đây để sưởi ấm cho cả thành phố chăng?
Đin đập đập gót chân vào nhau và đóng cửa lại.
– Xin chào ông Kin-chơ, – ông ta cười gượng gạo và sợ hãi nhìn chủ trại.
– Anh muốn gì? – Heisen hỏi, không thèm chào lại. – Anh muốn trả tiền lãi hả?
– Vâng, thưa ông Kin-chơ. Nhưng bây giờ tôi không thể trả hết được.
– Lại vẫn bài hát quen thuộc! Thế thì bao nhiêu? – Heisen hỏi một cách giận dữ.
– Mười một đô la và năm mươi xu…
– Anh nợ hai mươi cơ mà!
– Tôi sẽ trả nốt khi nào gà nhà đẻ trứng.
Heisen phá lên cười mỉa mai:
– À, thế là quá kéo dài. Nếu như trang trại của anh đáng giá vài đồng tiền rách thì tôi đã tống cổ anh ra khỏi đó từ lâu rồi, thằng đểu cáng ạ.
– Xin ông rủ lòng thương, ông Kin-chơ. Tôi sẽ trả đến đồng xu cuối cùng.
Heisen đặt tay xuống mặt bàn:
– Đồ nói dối! Nào hãy đặt lên bàn xem có bao nhiêu. Cuối tháng này là anh phải trả hết nợ!
Mác-say tiếng lên gần bàn. Tôi ngồi cạnh lò sưởi. Đôi mắt cận thị của Mác-say nhìn Heisen rồi nhìn tôi. Dễ thấy là ông ta toàn thân lạnh cóng. Ông ta tháo găng tay, và lúc đó tôi nhìn thấy rõ đôi bàn tay sần sùi tím ngắt. Đặt găng lên bàn. Mác-say rút từ túi chiếc áo khoác rách ra cái túi nhỏ đựng thuốc lá. Lắc lắc trong túi, Mác-say móc tiền ra. Ông ta vừa đặt hai đồng năm mươi xu lên vàn là Heisen lập tức vồ ngay lấy.
Từ trong túi rơi ra một cái gì đấy. Chắc chắn là tờ giấy bạc. Tôi muốn nhắc cho Mác-say biết thì Heisen đã dùng lòng bàn tay che lại rồi từ từ kéo về phía mình. Khi Heisen nhấc tay lên thì tờ giấy bạc cũng không còn ở đấy nữa.
Mác-say móc những tờ giấy bạc cũ nát còn lại đưa cho Heisen. Heisen tính rất nhanh:
– Mười một đô la và năm mươi xu, đúng rồi. Đợi tý, tôi sẽ viết giấy chứng nhận cho anh. Đừng quên là anh phải trả hết nợ cuối tháng đấy nhé…
Mác-say thẫn thờ nhìn Heisen viết giấy chứng nhận. Cất túi thuốc lá vào túi áo khoác, Mác-say đứng chờ. Heisen xé đôi tờ giấy đưa cho con nợ một nửa.
– Cám ơn ông! – Mác-say khẽ nói.
Heisen gật đầu:
– Đừng có quên đấy nhé!
– Tôi sẽ cố gắng, thưa ông Kin-chơ.
Mác-say quay người đi ra.
– Anh ta đánh rơi cái gì trong túi ra vậy? – tôi hỏi.
– Một đô la. Thằng ngốc, nó mất một đô la…
– Anh có trả lại cho anh ta không?
Heisen cười ngất:
– Sao? Của cải của mình mà không biết giữ gìn, tôi phải trả lại cho nó ấy à? Nó sống khổ như vậy là vì thế…
– Nhưng đồng đô la ấy là của anh ta!
– Hắn nợ tôi nhiều hơn thế nhiều.
– Thế cũng được, nhưng anh sẽ ghi thêm một đô la vào số tiền trả rồi.
– Thế anh cho tôi là thằng ngu à?
– Anh ta có thể buộc anh vào tội ăn trộm, – tôi nói mặc dù biết sẽ chẳng làm cho Heisen nao núng. Tôi thấy rõ tôi đã đem lại niềm vui cho Heisen khi tôi tỏ ý kinh tởm về ông ta.
– Nếu như hắn không là thằng ngốc thì hắn đã không trả tám mươi đô la tiền lãi hàng năm vì nợ bốn trăm đô la. – Heisen trả lời với giọng kẻ chiến thắng.
Tôi tò mò không hiểu anh ta có quay lại không khi biết mất tiền.
– Ngoài ra, hắn còn nói dối tôi nữa. Hắn nói có mười một đô la và năm mươi xu thôi mà. – Hây sen tiếp tục.
Sau đó Heisen cúi xuống viết cái gì đó trên bàn. Tôi vẫn ngồi chăm chú theo dõi. Bỗng tôi nghe tiếng chân trên cầu thang.
Mác-say bước vội vào phòng với nét mặt hốt hoảng. Ông ta chăm chú nhìn lên sàn, nhìn tôi, nhìn lên bàn rồi nhìn Heisen.
– Tôi đánh mất một đô la, – ông ta nói – Chắc chắn là tôi đánh rơi nó trong phòng này.
Heisen cau mặt:
– Rõ ràng anh chỉ có mười đô la và năm mươi xu.
– Đó không phải là đồng đô la của tôi…
– Anh nghĩ là tôi tin anh à? Ai có thể đưa cho anh một đô la? Có nghĩa là lúc nãy anh lừa dối tôi?
– Không phải tiền của tôi, – Mác-say nhắc lại. – Tôi phải mua thuốc hộ người khác.
– Thế anh nghi cho tôi ăn cắp của anh phải không?
Mác-say buông thõng tay một cách bất lực.
– Không, không, làm sao tôi dám nghi như thế được. – Mác-say nhìn quanh phòng một lần nữa rồi lắp bắp: Có thể là tôi đánh mất ở chỗ khác…
Mác-say quay người và cúi đầu ủ rũ đi ra. Heisen nhìn tôi, nở nụ cười đắc thắng.
– Anh đã thấy chưa? – ông ta nói.
Tôi rời khỏi văn phòng đi về khách sạn. Dọc đường tôi ghé qua hiệu thuốc mua một ít thuốc ngủ. Mác-say đang đứng cạnh quầy nói chuyện với người bán thuốc.
Bỗng tôi nghe thấy tiếng người bán hàng trả lời:
– Tôi không thể giúp anh được đâu, Mác-say ạ. Bao nhiêu lần anh không trả tiền tôi rồi…
– Biết làm thế nào bây giờ khi anh không tin tôi, – Mác-say buồn rầu nói rồi bỏ đi.
Nằm mãi trong khách sạn, tôi không tài nào ngủ được. Tôi luôn nghĩ đến Heisen.
Sáng ngày thứ ba, bão tuyết đã tan. Tôi gặp Heisen ở bưu điện.
– Chúng ta đi chứ? – Ông ta nói.
– Có đi nổi không?
– Chắc chắn là có! – ông ta trả lời và cười vui vẻ.
– Tại sao anh lại vội vã như vậy?
– Chẳng saoi cả, tôi nhớ thằng bé quá!
Khi chúng tôi lên đường thì con ngựa vẫn còn khập khiễng. Nhưng đi được chừng hai ba dậm, nó bắt đầu phi nước đại. Như mọi lần, sau cơn bão tuyết, mặt trời chiếu sáng. Ánh nắng chiếu xuống nền tuyết trắng xoá phản chiếu lại chói chang. Cành cây, hàng rào, đường dây điện… Tất cả đều phủ một lớp tuyết mỏng. Rừng thông dưới thung lũng xanh thẳm…
Dọc đường, Heisen kể nhiều về đứa con. Còn tôi chỉ im lặng.
Khi dừng lại trước nhà, Heisen vui vẻ mời tôi:
– Nào, chúng ta hãy vào nhà làm miếng gì cho ấm người đã. Để xem chàng công tử của tôi đang làm gì.
Tôi theo Heisen vào nhà.
Mùa đông, bếp của Heisen cũng là nhà ăn và phòng ngủ, vì ông ta rất tiết kiệm củi đốt trong lò sưởi. Bước vào nhà, tôi thấy vợ Heisen từ giường nhỏm dậy. Tôi không thể nhận ra cô ấy nữa. Trông cô ta thiểu não, rõ rượi, đau khổ.
– Chúng ta đã ở nhà. Con đâu? – Heisen nói giọng oang oang.
Bà vợ nhìn chồng và bỗng đôi môi rung rung. Chị mở miệng nhấp nháy và không ra lời rồi lại mím môi lại. Cố gắng lắm, mãi sau chị mới nói được:
– Con… chết rồi…
Trong bếp, sự sống như ngừng lại. Tôi nhìn lên thân hình thấp lùn của Heisen, lúc này tôi có cảm giác là ông ta còn lùn thêm nữa. Mặt ông ta xám ngắt như người chết. Chỉ có các thớ thịt trên má khẽ động đậy.
– Con đâu? – Heisen hỏi với giọng người cúm.
Người vợ nhìn lên giường. Heisen nhìn theo vợ. Bước mấy bước loạng choạng, tới gần giường, chúng tôi nhìn thấy thân hình co quắp của đứa bé. Chắc cô ấy nằm ôm sưởi ấm cho thằng bé cho tới tận lúc chúng tôi về. Chiếc giường ngổn ngang chăn gối nhàu nát, chứng tỏ cô ấy đã trải qua một tấn thảm kịch lớn.
Heisen ngắm nhìn con nhưng không động vào người nó. Ông ta giận dữ nhìn vợ.
– Em đã làm tất cả những gì em có thể…
– Cô đã làm những gì? – Ông ta hỏi.
– Con bị ho, – người vợ lời. – Em biết là con bị sưng phổi. Anh còn nhớ… em đã bảo anh mua thuốc cho con, nhưng anh nói là không cần, rồi con sẽ khỏi…
Người vợ tiến tới cửa sổ.
– Em đã nhờ vợ Mác-say giúp đỡ. Cách đây không lâu con chị ấy cũng bị sưng phổi. Chồng chị ấy có việc phải đi vào thành phố. Chị ấy hứa là sẽ mua hộ thuốc. Em không dám nói là cho con chúng ta, vì như thế chắc họ sẽ mua hộ. Em có đưa cho chị ấy một đô la. Ngày hôm qua Mác-say trở về. Lúc đó tình hình của con đã rất nguy kịch. Em tới ngay nhà họ hỏi thuốc, Mác-say chỉ nhìn em rồi nói là không có.
Người vợ im lặng một chút rồi nói tiếp:
– Khi Mác-say trở về cũng còn chưa muộn lắm nhưng sau đó thì không còn kịp nữa rồi…
Trông Heisen như hoá đá. Ông ta đờ đẫn nhìn căn phòng, sau đó dần dần hồi tỉnh lại. Chắc là ông ta cảm thấy mối liên quan gì đó.
– Tại sao hắn không mang thuốc về? – Heisen hỏi thầm.
– Bác sỹ không muốn bán chịu cho anh ta.
Nét mặt của Heisen trở nên nhúm nhó, hai tay giơ lên, Heisen hét to:
– Còn tiền? Chuyện gì đã xảy ra đồng đô la?
– Mác-say nói rằng anh ta… đánh mất… trong phòng của anh…
Lão keo kiệt loạng choạng ngã dựa vào bức tường. Da ông ta trông như da ngỗng, và trên mặt ông ta in rõ những nét nhăn nhó kinh khủng. Ông ta mở to mồm và rú lên khủng khiếp.

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *