Bài nổi bật

Gốc đề – Hoàng Anh Tuấn

Câu chuyện mang đến cho mỗi chúng ta cảm giác thân thuộc gần gũi bởi dường như mỗi làng quê Việt qua tầng tầng thế hệ luôn ẩn chứa vô vàn những câu chuyện (cổ xưa cũng có hiện tại cũng có) để người làng có thể truyền tụng, bàn tán, kể cho nhau nghe. Trong những câu chuyện đó dĩ nhiên không thể thiếu những nhân vật mang tính huyền thoại, đời sống riêng tư có phần khác lạ, không chỉ nhuốm màu sắc kỳ bí mà thậm chí còn mang tính ma mị, giật gân, gây tò mò…..Trong đó không biết có phải một phần cũng để dọa con trẻ hay không nữa? Nhân vật bà Miên trong truyện ngắn “Gốc đề” được nhà văn Hoàng Anh Tuấn kể cũng là một nhân vật như thế trong mắt của hai đứa trẻ Việt – Hưởng. Người như bà Miên được xây dựng nửa khôn nửa dại, nửa điên nửa tỉnh, nửa âm nửa dương, khác thường lập dị. Những người như bà đa phần sống cô độc, dễ bị người xung quanh hiểu sai, xa lánh, là đối tượng của đám trẻ con tò mò, vừa sợ hãi lại vừa thích trêu chọc. Sư thật về cuộc đời bà Miên chỉ được mở ra khi có lời kể của bà nội Hưởng. Vậy ra bà lại là một thân phận bé mọn, đáng thương, bị cuộc đời xô đẩy, sống lặng lẽ, chịu nhiều thiệt thòi. Một kiếp người không được chính danh, thực chất bà Miên là Mẹ Việt Nam Anh hùng có hai người con trai hy sinh vì tổ quốc. Câu chuyện trở nên có ý nghĩa khi tác giả chọn giọng kể, góc quan sát là những người trẻ, Việt – Hưởng . Vậy ra những đứa trẻ đâu thờ ơ với quá khứ. Họ cần phải được biết về gốc rễ, quá khứ để gắn bó hơn với quê hương, với những người xung quanh, với hiện tại. Một kết truyện đầy nhân văn…(Lời bình của BTV Tuyết Mai)

Nhà bà Miêu ở dưới gốc đề, bốn mùa lá reo như hát. Đã thế, ngay cạnh nhà bà Miêu là đình chợ Hoành Nha, đầu đao cong vút như nét mi cô đào lệch, tường vôi trát nắng mới, sân lát gạch hoa đào, cột lim, mái ngói trầm mặc, xưa cũ như tục ngữ, như ca dao của bà, của mẹ.
Năm Ất Dậu người ta chở xe bò gom xác người chết đói như ngả rạ nơi đầu chợ, cuối đồng về chất đống thành núi ở sân đình rồi mới bó chiếu đem đi chôn. Gió ngoài sông Sò chở mùi đốt đống rấm khét lẹt và tiếng hờ khóc não nề ở những nhà có người chết bay khắp xóm thôn. Mặt người xanh xám đi dật dờ lẫn với bóng ma chập chờn vô ảnh. Bầy quạ thèm thịt, khát máu lượn vòng trên ngọn cây đề kêu lên từng hồi thảm thiết, chỉ chực không có ai trông thấy xua đuổi là chúng sà xuống mở tiệc ăn mừng. Người làng bảo nhau vong hồn người chết đói về ngự trên cây đề nên lập miếu thờ cho họ khỏi quấy quả với lại đất ấy mặn lắm nên chẳng ai dám ở, ngoài bà Miêu ra. Bà Miêu sống một mình, không chồng, không con.
*
– Này, bà Miêu là con ma gốc đề đấy.Mỗi sớm mai, khi sương đêm còn treo trên ngọn cỏ mật, cỏ gừng và tiếng mõ trâu tãi ra khắp cánh đồng Diệc Mạ, Hoang Điền, Hưởng rủ Việt đi học. Bước chân thơ bé nhẩn nha, tíu tít của hai đứa trẻ ngang qua nhà bà Miêu, đã thấy bà Miêu ngồi chải đầu bên thềm. Tóc bà Miêu trắng xóa, xõa ra phủ kín hai bờ vai, hai đầu gối, như thác đổ, như mưa rơi. Thác đổ trên bờ vai áo nâu tàng và mưa rơi trên đầu gối quần sa tanh đen nhánh. Nghe thấy có tiếng bước chân, bà Miêu ngẩng đầu lên cười toe toét khoe vòm lợi đỏ lòe quết trầu khiến cho ai nhìn thấy cũng sợ kinh hồn, bạt vía mà bỏ chạy thừa sống, thiếu chết. Hưởng nắm tay Việt kéo đi, chẳng dám ngoái đầu lại. Một nỗi sợ mơ hồ ở phía sau lưng. Đi một đoạn rồi Hưởng vẫn thấy tim đập thình thịch như tiếng trống hội làng trong lồng ngực. Việt giật tay Hưởng đang nắm bảo:
– Tao đang sợ chết khiếp đây, mày còn nói thế à? – Hưởng thở hổn hển.
– Không tin à, để tao kể cho mà nghe.
Xốc lại cặp sách trên vai, Việt bắt đầu kể chuyện về con ma gốc đề mà có lần anh Hữu đã kể cho Việt nghe. Việt cũng sợ nhưng mà thích, nên hay vòi vĩnh anh Hữu kể chuyện ma. Mỗi chuyện Việt phải trả công anh Hữu một viên bi đất nhuộm phẩm xanh đỏ hoặc phải rửa bát, quét nhà thay phiên anh. Anh Hữu học giỏi môn văn nhất lớp ở trường huyện, lại còn đi thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh nên kể chuyện thì hay lắm. Hưởng định bịt mồm Việt ngăn lại vì vốn sợ ma nhưng nghe cái giọng diễn cảm của Việt thì Hưởng bị kích thích trí tò mò nên thấy háo hức lạ kì. Chuyện kể rằng có một người đàn bà trong làng Hoành Nha đi chợ sớm, chẳng hiểu do bà ta mơ ngủ hay gà trống gáy mớ mà tất tưởi quang gánh trên vai đi chợ lúc nửa đêm mờ đất, lúc ấy trăng hãy còn sáng lắm, vằng vặc khắp một vùng và sương vẫn chưa kịp tan, bồng bềnh tỏa ra như khói phủ. Đến chỗ gốc đề, thì thấy bà Miêu ngồi chải đầu. Ánh trăng chảy lênh láng, nhễ nhại trên mái tóc xõa xượi như khói tỏa, sương bay. Bà Miêu cất lời: “Giờ đi chợ vẫn còn sớm lắm, chưa có người đâu. Cháu vào đây bắt chấy hộ bà cái. Chấy cắn đầu bà ngứa quá!”. “Tối thế này, cháu có nhìn thấy chấy đâu mà bắt hở bà?” – Người đàn bà chột dạ. “Trăng mười sáu sáng như ban ngày cháu ạ!” – Bà Miêu vừa nói vừa chỉ tay lên vầng trăng vành vạnh mâm đồng rọi qua kẽ lá đề xào xạc gió khuya. Người đàn bà hạ quang gánh và ngồi xuống bắt chấy cho bà Miêu. Thân thể bà Miêu phả ra hơi sương lành lạnh. Người đàn bà nọ chợt rờn rợn nổi gai ốc. Chấy bắt được bò lổm ngổm dưới nền đất. Trứng chấy tuốt ra đưa lên miệng nhấm kêu tanh tách. Một lúc sau, mười đầu ngón tay của người đàn bà chạm vào da đầu bà Miêu thì thấy da đầu mềm nhũn như cua bấy, như tôm lột. Và những ngón tay người đàn bà bỗng dưng xuyên thủng qua da đầu bà Miêu mềm nhũn. Người đàn bà rút tay ra định thần nhìn lại thì thấy hai bàn tay bê bết toàn máu đỏ lòm như vừa nhúng vào chậu tiết lợn hàng thịt. Bà này sợ quá, vùng dậy bỏ chạy vứt cả quang gánh lẫn thúng mủng. Càng chạy gấp gáp bao nhiêu càng nghe thấy bước chân người đuổi theo sau hối hả bấy nhiêu, nhưng ngoảnh lại thì không thấy bóng người nào, chỉ có cơn gió hun hút thổi qua cánh đồng và màn đêm dầy đặc bao phủ đường làng. Hôm sau, người nhà bà ta ra nhặt đồ đạc về, cái vỉ buồm vẫn còn treo ngang phất phơ trên cành đề. Người đàn bà về nhà ốm ba ngày, ba đêm, trong cơn sốt mê sảng bà ta ú ớ  “ma… đề… ma… đề”. Chồng bà ta phải đi mời ông thầy Nghinh bên thôn Trung cúng phần âm và bốc thuốc ông lang Xiển bên thôn Chính chữa bệnh mới khỏi đấy.
– Mày không tin thì cứ hỏi ông thầy Nghinh, ông lang Xiển mà xem – Việt kết thúc câu chuyện vừa kể bằng một giọng kẻ cả với cái mặt vênh váo.
– Khiếp, tao rợn hết tóc gáy rồi đây này – Hưởng rùng mình.
– Còn nhiều chuyện ma hay lắm, hôm nào tao nhờ anh Hữu kể tiếp cho mà nghe – Việt nháy mắt tinh quái.
– Thôi, tao không dám nghe nữa đâu, sợ lắm, đêm đến lại không dám đi tè, nhỡ “dấm đài” thì mẹ tao đánh cho nát mông. Có đêm tao đang tè ngoài bụi khoai, bụi chuối mà tỉnh dậy mới biết đang mơ đấy – Hưởng vò đầu, bứt tai thổ lộ.
– Thế nên mày mới đái dầm chứ gì. Con trai gì mà nhát như cáy. Này, trưa nay tan học tao với mày vào nhà bà Miêu xem có phải bà Miêu là… con ma gốc đề không nhé. Sợ rồi à – Việt bạo mồm rủ rê, khiêu khích.
– Ừ, vào thì vào. Sợ gì – Bị Việt chê nhát nên Hưởng cố cứng giọng mà vẫn chưa hết run.
Mải chuyện nên suýt quên hôm nay đến lượt hai đứa trực nhật. Các bạn đã bắt đầu lác đác đến lớp rồi, muộn là bị cô giáo Sợi phê bình, rồi cả lớp bị tổ cờ đỏ ghi vào sổ, trừ điểm thi đua ngay. Phải nhanh tay mới kịp giờ truy bài. Hưởng tay đưa từng nhát chổi rơm loẹt xoẹt mà đầu vẫn nghĩ mông lung chẳng biết bà Miêu có phải là con ma gốc đề không, trong lúc Việt chạy đi giặt giẻ lau bảng. Có lần, Hưởng thắc mắc với bà nội là có ma không, cháu sợ ma lắm, bà đã gạt đi bảo, chỉ sợ người sống thôi chứ người chết rồi, còn biết gì nữa mà sợ. Bà nội Hưởng quy y tam bảo với tên hiệu là Diệu An. Bà hay lên chùa lễ Phật mỗi ngày rằm, mồng một nên bà bảo ma quỷ luôn sợ hãi mà tránh xa thần phật. Cứ làm người tử tế thì không ma quỷ nào dám bắt nạt, cháu ạ. Hưởng vẫn thấy bọn trẻ trâu thôn Thượng, thôn Chính, thôn Trung chơi đánh trận giả, đánh khăng, đánh đáo quanh các nấm mộ ngoài nghĩa trang. Chúng còn bạo gan ngồi lên các nấm mộ nữa. Nếu người ta cúng đĩa xôi, phẩm oản, nải chuối vào dịp thanh minh, giỗ tết, cứ chờ tàn hương là bọn chúng chia nhau đánh chén ngay, môi bóng nhờn. Bọn chúng chẳng biết sợ là gì. Dù sao bọn chúng đông người với lại đó là ban ngày, chứ nghe nói ma thường hiện hình lúc nửa đêm gà gáy để dọa người nhẹ vía. Nhưng mà Hưởng vẫn thấy sợ mỗi khi nghe thấy ai đó nói đến ma, như câu chuyện Việt đã kể sáng nay. Tính Hưởng vốn nhút nhát, đi tắm sông Sò không dám nhảy cống Nhất Đỗi như Việt, đi trộm táo, ổi vườn chùa Thượng cũng chỉ dám đứng dưới gốc trông chừng cho Việt hái trên ngọn cây. Một đứa nhút nhát, một đứa nghịch ngợm nhưng từ bé lại chơi rất thân với nhau, lúc nào cũng như hình với bóng, cứ thấy mặt thằng Việt là sẽ thấy mặt thằng Hưởng – mẹ Hưởng vẫn bảo thế.
*
Tan học, Việt khoác vai Hưởng thì thầm về kế hoạch đã bàn lúc sáng. Hưởng gật đầu mà lòng đầy thắc thỏm và lo âu.
Hai đứa đi tắt qua cánh đồng Diệc Mạ cho nhanh. Nhà bà Miêu đã hiện ra kia rồi, ngôi nhà gạch đỏ au chưa trát, lợp mái rạ dưới bóng đề xanh mát trông ra cánh đồng mênh mông trải ra tận chân trời. Không gian yên lặng quá, có tiếng người hú đuổi trâu ăn lúa, vọng lại càng làm cho không gian trở nên tĩnh mịch trong nắng trưa oi nồng. Chờ cho mấy bà đội thúng về chợ đi khuất, Việt đẩy cánh cổng khép hờ nhà bà Miêu vào trước, Hưởng rón rén theo sau. Bước chân hai đứa giẫm lên những chiếc lá đề khô trong sân vỡ giòn lách tách như mẹ bẻ đánh đa chia phần quà chợ. Hưởng nín thở, chỉ sợ bà Miêu phát hiện ra, trong khi Việt cứ khấp khởi mở cờ trong bụng vì sắp chính mắt trông thấy con ma gốc đề có da đầu mềm nhũn như cua bấy, như tôm lột cùng đàn chấy bò lổm ngổm như đàn rạm và đám trứng chấy to như trứng ếch nhấm kêu tanh tách.
Cái cửa sổ gỗ sơn xanh lét mở toang hai cánh đón gió từ ngoài đồng thổi vào. Việt nhón gót bám vào chấn song leo lên bậc thềm rồi kéo Hưởng cùng lên. Từ cửa sổ trông vào trong nhà tối om, không khí dịu đi trở nên mát mẻ khác hẳn ngoài trời. Mắt hai đứa hoa lên như có hàng trăm con đom đóm lập lòe, hàng nghìn đốm lân tinh bập bùng trước mặt, phải mất một lúc quen với bóng tối, bọn chúng mới nhìn rõ. Trong nhà đơn sơ quá, bộ tràng kỉ nâu xỉn và tủ chè khảm trai đã bong tróc, hoành phi, câu đối sơn son, thếp vàng đã lên nước thời gian bóng loáng, ban thờ phủ nhiễu đỏ kín mít nhưng không giấu được mùi hương bài ngan ngát nhón gót đi ra. Bà Miêu đang ngồi ăn cơm bên cái mẹt rách tuột cả cạp, trên mẹt có một đĩa rau muống luộc, một đĩa cá rô kho khế, một bát chiết yêu nước canh và hai cái bát con sứt mẻ, trên mỗi bát con đặt ngang đôi đũa tre. Bà Miêu gắp rau luộc, cá kho vào bát con này, chan nước canh vào bát con kia, miệng rì rầm câu gì nghe không rõ, như người ta khấn thần linh, tổ tiên mỗi ngày rằm, mồng một. Rồi bà cười, nhắc người này gắp, giục người kia ăn “Rau muống đầu mùa, xanh non phải biết chúng mày ạ”, “Nay tao đi chợ, mua được mớ cá rô kho khế, vừa dừ, vừa thơm, còn có cả trứng nữa đấy, đây này”. Rồi bà khóc, thống thiết, nỉ non đến nẫu ruột, thối gan. Tiếng khóc của bà Miêu quyện với mùi hương bài khiến cho Việt nghĩ đến tiếng hờ khóc năm Ất Dậu vọng về cùng với mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết thoảng ra. Chú mèo mun mắt xanh như ngọc bích nằm cuộn tròn nghe bà Miêu khóc cười trong hư thực, mê tỉnh. Bỗng Hưởng tuột tay khỏi cửa sổ rơi mông xuống sân đánh “rầm” một cái. Bà Miêu đưa ánh mắt mừng rỡ trông ra phía cửa sổ hỏi dồn: “Có phải thằng Kỷ, thằng Mão về đấy không? Vào đây với mẹ, các con ơi”. Tiếng dép loẹt quẹt rõ dần về phía cửa.
Việt sợ quá vội buông tay ra rồi đỡ Hưởng đang lồm cồm bò dậy, cả hai đứa bỏ chạy tán loạn, đúng là chạy như ma đuổi, đến tận đường rẽ vào ngõ nhà Hưởng, hai đứa mới dám dừng lại nghỉ, chân mỏi nhừ, mũi và mồm tranh nhau thở, ba hồn, bảy vía bay tít lên tận chín tầng mây. Hai đứa chắc chắn bà Miêu đúng là con ma gốc đề rồi, không còn nghi ngờ gì nữa. Bà Miêu còn nấu cơm cho ma ăn, còn nói chuyện với ma nữa, sợ thật đấy. Từ mai, chắc phải đi học qua đường vòng xóm Trại Bãi dù rằng xa hơn một tí, chứ đi đường này gặp bà Miêu chải đầu bên thềm chắc sợ vỡ mật mà chết, nhỡ bà Miêu trông thấy hai đứa lại gọi vào nhờ bắt chấy thì sao. Thì mày vào nhé – Việt lém lỉnh trêu Hưởng. Thôi, tao nhường mày vào, còn tao chạy đi gọi ông thầy Nghinh đến trừ ma – Hưởng cũng ranh mãnh không kém.
*
Chiều hôm sau, Việt đến nhà Hưởng học nhóm. Hai đứa học được một lúc thì ra chõng tre kê ngoài thềm nhà xem bà nội têm trầu. Những lá trầu mới hái mươn mướt như làn mây biếc. Mấy quả cau vừa bổ non nõn như mảnh trăng bạc. Vài miếng vỏ chay rực rỡ như sợi nắng hồng. Ông bình vôi cười toét miệng khoe hàm răng trắng. Bà đem nắng hồng, trăng bạc cuộn vào mây biếc, không quên quệt một vệt vôi trắng xóa như ngà. Hưởng giã trầu cho bà nội trong chiếc cối đồng lấp lánh mạ vàng, rồi đem chuyện hôm qua nhìn thấy ở nhà bà Miêu ra hỏi bà nội. Việc làng, việc họ mọi người trong nhà đều tham vấn ý kiến của bà nội. Bà nội già rồi, mắt đã kèm nhèm, tai đã nghễnh ngãng, lưng đã còng rạp nhưng bà biết nhiều chuyện lắm, nào chuyện nạn đói, chuyện vỡ đê, chuyện sưu thuế, chuyện phá kho thóc, chuyện bình dân học vụ, chuyện hợp tác xã tính công, chia điểm… từ ngày xửa, ngày xưa bà đều rành cả. Bà chưa vội kể ngay mà còn têm xong miếng trầu, giọng bà đận đà, hơi trầu nồng ấm lan tỏa khắp ba gian nhà, ngấm vào cột gỗ lim bóng nhẫy sừng trâu, nhuộm sang mái ngói trầm tư năm tháng. Miệng bà đỏ thắm như hoa gạo. Răng bà đen nhức như hạt na. Bà ngâm một câu bồng mạc, giọng như hạt ngọc lẫn hạt châu, như tiếng sắt chen tiếng đồng “Có phải duyên nhau thì thắm lại / Đừng xanh như lá, bạc như vôi” rồi mới bắt đầu câu chuyện. Câu chuyện của bà đưa Việt và Hưởng trở về làng Hoành Nha những ngày xa lơ, xa lắc.
Cô Miêu là con của người đàn bà lỡ dở nghèo khổ quét chợ Hoành Nha. Mẹ cô Miêu chửa hoang rồi sinh nở ra cô. Cô Miêu bé tẹo như con mèo hen nên mẹ cô đặt tên là Miêu. Chẳng biết bố cô Miêu là ai. Người thì bảo bố cô là gã thủ cống nát rượu bỏ làng đi biệt tích, người thì nói là lão cất vó bè đã chết từ đời tám hoánh. Mẹ cô Miêu đói ăn người gầy rạc như con nhái bén ao bèo nên không có sữa, phải bế cô đi khắp chợ để xin bú nhờ những người đang nuôi con mọn. Cô Miêu lớn lên nhờ giọt sữa bố thí của những người đàn bà thôn quê hiền lành nhón tay làm phúc. Khi cô Miêu sáu tuổi, mẹ cô mất sau một trận dịch bệnh thổ tả, thổ ra máu và tả ra nước, được ba hôm thì đi chẳng trăng trối điều gì. Người ta vuốt mắt, cho cỗ ván xấu rồi đem chôn thật sâu mãi tận cánh đồng Hoang Điền, rắc cả thúng vôi bột vì sợ lây lan dịch bệnh. Cô Miêu phải đi ở cho nhà Hào Văn là địa chủ giầu nứt đố, đổ vách trong làng.
Nhà Hào Văn năm gian, hai chái, có bếp, có kho, có nghề dệt chiếu cói nên người hầu, kẻ hạ ra vào nườm nượp như mắc cửi. Nhà địa chủ lại cấu kết với quan Tây nên độc quyền trồng đay, trồng cói lại có cả tủ búp – phê đựng rượu vang với đồng hồ quả lắc. Người ta đồn rằng, ruộng nhà Hào Văn rộng đến nỗi cò bay hết đất thì mỏi cánh rơi lả tả, còn chó nhà Hào Văn dữ đến mức sẵn sàng lôi gân, kéo mỡ chân người ta nếu đến nhà mà trót không gọi trước để đứa ở xích lại. Một con chuột sa vào chĩnh ăn đến nứt bụng mà chết vì ăn nhầm phải đồng trinh, cắc bạc mà cứ tưởng thóc gạo, khoai sắn. Nhưng mất một trinh, một cắc cũng không qua được mắt bà Hào Văn. Bà ta từng đánh nát ngón tay một đứa con sen vì dám cả gan bốc trộm một miếng giò kho ăn thừa từ bữa trước. Đứa con sen ấy làm sao mà ngờ được trong những nhà thừa thóc, thừa tiền ấy lại đi đếm từng miếng giò kho.
Mười sáu tuổi, cô Miêu xinh đẹp như bông hoa dành dành nở bên giếng làng, da thịt trắng ngần tỏa hương thiếu nữ. Một hôm, bà Hào Văn thấy cô Miêu sáng thì nôn ọe trong bếp, chiều lại dấm dúi ăn khế chua sau vườn, tối bà Hào Văn rình cô Miêu tắm thấy hai núm vú thâm đen như hai miếng thịt trâu chết rét, bà vội sinh nghi. Đúng là cô Miêu có bầu thật. Con gái chưa chồng mà có chửa, lại là kẻ hầu người hạ cho nhà địa chủ, quan trên trông xuống, người ta trông vào, biết ăn nói sao với thiên hạ. Đêm ấy, bà Hào Văn giả vờ kêu mệt, buông màn đi nằm từ sớm. Đến khuya, ông Hào Văn nghe tiếng vợ ngáy vang, tưởng vợ đã ngủ say, liền trườn nhẹ qua người bà, xỏ guốc mộc bước khéo sợ phát ra tiếng động, mắt nhìn trước, ngó sau đảo như rang lạc đi xuống phía nhà ngang nơi cô Miêu nằm ngủ. Ông Hào Văn đẩy cửa. Cửa nhà ngang không khóa bao giờ, nhưng thế quái nào hôm nay lại cài then, khóa trái cẩn thận bên ngoài. Ông Hào Văn gọi khẽ “Miêu ơi…” mấy câu mà không thấy cô Miêu trả lời. Chó thấy động sủa lên ăng ẳng như cắn ma. Ông Hào Văn sợ vợ phát hiện liền quay đầu định bước lên nhà, thì gặp ngay bà Hào Văn cầm đèn dầu vừa đi xuống đứng chắn lù lù trước mặt ông. Ông Hào Văn hốt hoảng rú lên như con thú trúng mũi tên độc nhưng vội trấn tĩnh lại ngay: “Mợ đi đâu, đêm hôm khuya khoắt thế này?”. “Tôi còn chưa hỏi cậu, thế đêm hôm khuya khoắt thế này, cậu đi đâu?” – Mắt bà Hào Văn bắt ánh đèn dầu sáng rực lên như mắt dơi, mắt cú trong đêm tối. “Tôi, tôi đi… đái…, đúng rồi đi đái” – Ông Hào Văn ấp úng như ngậm hột thị. “Có ống đái trong nhà sao cậu không đái, phải xuống tận nhà ngang để đái. Con Miêu nó có chửa mà cậu cũng không tha cho nó nữa. Rồi thì cậu biết tay tôi” – Bà Hào Văn rít lên như mèo cái vào mùa động đực trong lúc ông chồng cum cúp lên nhà như chó cụp đuôi vì bị chủ phát hiện ăn vụng.
Bà Hào Văn là người khôn khéo, lọc lõi cáo già, nên không làm to chuyện sợ xấu chàng hổ ai, liền cho người dựng một túp lều rạ dưới gốc đề cạnh đình chợ Hoành Nha, rồi đuổi cô Miêu bụng mang dạ chửa ra đấy ở. Chín tháng mười ngày thai nghén, cô Miêu đẻ được hai đứa bé trai sinh đôi kháu khỉnh, da đỏ tía như mậm riềng và tiếng khóc to như xé vải. Dân làng mỗi người giúp đỡ một tay, như trước kia đã từng cưu mang mẹ con cô, lúc thì tã lót, khăn xô khi thì bát gạo, mớ rau để nuôi hai đứa con thơ dại. “Con vua thì lại làm vua / Con sãi ở chùa thì quét lá đa”, Cô Miêu lại nối nghề của mẹ làm một người quét chợ để nuôi thằng Kỷ, thằng Mão đi qua tháng ba ngày tám mà khôn lớn thành người. Mười sáu năm là một cái chớp mắt, chúng lớn nhanh như thổi. Chiến tranh ngày càng ác liệt, hai thằng con trai cô Miêu cùng xung phong nhập ngũ một ngày, nhà hai đứa con trai nên thằng Mão phải viết đơn bằng máu mới được đi bộ đội. Nó bảo anh em như đôi đũa, đi đâu cũng phải có đôi. Mỗi đứa viết được về nhà cho mẹ một bức thư, những bức thư viết vào phút giải lao giữa hai trận đánh vương mùi khói đạn và thuốc súng. Thằng Kỷ bảo chiến thắng về sẽ xây cho mẹ một căn nhà tường gạch, lợp mái ngói, còn thằng Mão bảo mẹ nhớ hỏi cưới cho con cô Dệt ở thôn Trung nhé, cô ấy xinh mà lại hiền, con đã cầm tay ngỏ lời với cô ấy vào buổi tối sinh hoạt chi đoàn rồi đấy, đêm ấy trăng sáng lắm, cô ấy bảo sẽ chờ con mẹ ạ.
Tin sét đánh ngang tai, thằng Kỷ là anh hy sinh hôm trước, thì thằng Mão là em hy sinh hôm sau. Bà Miêu nhận giấy báo tử của hai con cùng một ngày như là định mệnh. Bà tưởng như đã chết đi, sống lại bao lần. Những bức thư hoen ố thời gian và nước mắt của bà Miêu. Nước mắt chảy tràn ra ngoài má rồi lặn ngược vào trong ruột. Đêm trắng như ngày, còn ngày đen như đêm tối. Chết đi sẽ hết một kiếp người đau khổ, nhưng phải sống để mà khói hương chờ đợi, biết đâu… Một ngọn đèn hạt đỗ thao thức, trằn trọc suốt đêm thâu. Mấy tiếng gọi mẹ ơi khiến bà bàng hoàng, thảng thốt chạy ra mở cửa. Vài đồng quà, tấm bánh để dành rồi cho mấy đứa trẻ trong xóm. Những bữa cơm luôn đầy đủ bát đũa vì bà sợ các con đi học về đói bụng.
*
Bà nội Hưởng giọng trở nên nghẹn ngào, rồi bà khóc giọt nước mắt mờ đục rớt xuống bàn tay đồi mồi đang têm dở miếng trầu cánh phượng. Giọt nước mắt vỡ ra thành từng mảnh thủy tinh, sáng lên lấp lánh. Miếng trầu cánh phượng trên tay bà cất cánh muốn bay. Hưởng thấy mắt cay xè còn Việt thấy lòng thắt lại, một nỗi thương cảm xót xa dâng lên trong tâm trí hai đứa trẻ. Hương hoa ngâu chơi trốn tìm với gió trong vườn bà. Vài chiếc lá ổi cõng nắng vẽ vòng sóng xuống mặt ao thu.
Hưởng mãi mới thốt nên lời:
– Chúng ta vô tâm quá, Việt nhỉ.
– Hai đứa mình sẽ đến thăm bà Miêu để bà đỡ buồn nhé – Việt ngượng nghịu vuốt mấy sợi tóc xòa trước trán sang một bên.
– Ừ, tao sẽ nói với cô giáo chủ nhiệm để lớp mình nhận chăm sóc, phụng dưỡng bà mẹ liệt sĩ – Hưởng nói mà nét hồ hởi lộ ra trên khuôn mặt măng tơ ửng hồng.
Bà nội Hưởng khẽ gật đầu, nhìn hai đứa âu yếm nở một nụ cười minh triết, an lạc như đóa sen thơm ngát, như Quan âm Bồ tát hiền từ. Nắng đã dâng đầy mùa thu trong đôi mắt trong veo của hai đứa trẻ. Niềm vui hóa cánh bướm nõn từ giấc mộng hồ điệp của chàng Trang Chu ùa ra đậu trên nhành cỏ biếc. Mây vẫy nón trắng gọi đò qua sông Sò. Tiếng chim gù khắc khoải vọng về từ cánh đồng Diệc Mạ. Bà nói từng tiếng chậm rãi: “Thôi, hai đứa học xong rồi thì đưa bà sang nhà bà Miêu chơi nào, bà biếu bà Miêu ít cau khô dự trữ, kẻo năm nay trời rét sớm, nhiều sương muối thì không có cau mà ăn đâu”. Hai đứa trẻ ríu rít đi bên cạnh bà cụ chống gậy trúc trên đường làng se se heo may.
Nhà bà Miêu dưới gốc đề sẽ chẳng còn là nỗi ám ảnh với Hưởng và Việt mỗi sớm mai đi học. Câu chuyện ma của anh Hữu đã trở thành cũ kĩ, như nỗi buồn của bà Miêu hôm qua…
HOÀNG ANH TUẤN

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *