Bài nổi bật

Hai ông cháu và người chủ xưa

RadioVn.Com – Hai người dừng lại trước cổng một ngôi biệt thự. Ông già bảy mươi, người nhỏ thó, xương xẩu, quần áo bà ba đen lầm lụi, chiếc túi xách nhỏ cặp sát nách, dáng vẻ sốt sắng hăm hở. Đứa con trai chừng mười lăm, cao lêu nghêu, mặt mày cau có quàu quạu.
Buổi sáng, trời khô ráo, mát mẻ, nắng chiếu lấp lánh vui tươi trên ngôi biệt thự trắng tinh sáng rỡ. Ông già coi lại miếng giấy bao thuốc có vẽ chữ số gì đó, rồi bảo đứa con trai:
 
– Đây rồi, đúng nhà này. Nhấn chuông đi con. Chuông kia kìa! Nhẹ tay thôi nhé!
Không thể nhẹ tay. Đứa nhỏ vừa chạm tay vào chuông đã reo vang. Nó hoảng sợ bấm riết, thế là chuông tiếp tục reo inh ỏi. Có tiếng chó sủa, một con, rồi hai con. Tiếng người nạt chó, rồi im lặng trở lại, nghe cả tiếng gió lùa trên ngọn cây. Hai người nhìn nhau, ông già vẫn giữ nụ cười trên môi, đứa nhỏ càng thêm rầu rĩ, cau có. Đành phải đợi thôi!
Lâu lắm, cánh cổng từ từ hé mở. Cô gái có vẻ là người giúp việc lò đầu ra đưa mắt dò hỏi. Ông già vội bước tới, chắp tay nói lập bập. Cô gái khép cánh cổng đi vào, hai người lại đứng đợi.
Rồi cổng lại mở, cô gái dẫn hai người vào nhà, đặt ngồi ở phòng khách mênh mông, lạnh ngắt. Chiếc ghế lún sâu, không thể ngồi vào trong cứ phải ghé đít bên ngoài. Lặng thinh, lạnh ngắt như nhà không có người.
Trên lầu có người đi xuống, một người đàn ông mập mạp, trắng trẻo, trạc ba lăm, quần áo chỉnh tề, dừng lại giữa cầu thang ngạc nhiên nhìn hai người. Ông già vội đứng dậy kéo đứa nhỏ đứng dậy theo và vui vẻ nói vọng lên cầu thang:
– Cậu chủ phải không ạ? Ôi trời đất ơi, giống quá thôi là giống, y như ông chủ hồi xưa. Tôi đây! Tôi là Tư Cúi, thằng nhỏ ở đợ nhà ta ngày xưa đây. Lâu lắm rồi, hơn năm mươi năm rồi. Tôi hỏi thăm hoài, vừa rồi nghe tin cậu chủ về liền lên đây tìm gặp. Xin được hỏi ông chủ tôi bên kia có được mạnh khỏe không?
Chủ nhà đi xuống ngồi vào salon, khoác tay mời khách rồi nói:
– Dạ, ba má tôi mất rồi.
– Ôi, thương quá! Cầu trời cho vong hồn ông bà chủ được quy tiên. Thế còn ông bà cụ?
– Ông bà tôi cũng đã mất.
– Thương lắm! Thật là những người phước đức! Thương biết chừng nào!
Ngưng một chút rồi chủ nhà hỏi:
– Chú là người quen trong gia đình tôi?
– Ở đợ, thằng nhỏ chăn trâu ngày xưa ấy mà. Cậu chủ sinh ra bên đó không biết chuyện tôi xin thưa như vậy. Tôi là thằng ở chăn trâu trong nhà. Sau khi ông bà ra đi rồi, ông chủ cũng đi, giao tôi giữ miếng đất, đã hơn năm mươi năm. Giờ cậu chủ về, tôi bán đất, đem tiền lên cho cậu chủ.
– Tôi ở nước ngoài không biết đất đai gì đâu.
– Đúng rồi, cậu chủ không biết, nhưng tôi biết. Tôi là người giữ đất. Nhà ta trước kia đất đai nhiều lắm, ruộng cò bay thẳng cánh. Ông bà bán một nửa lên thành phố mần ăn, rồi đi nước ngoài. Ông chủ ở lại làm ruộng một dạo cũng bán đất lên thành phố. Một bữa ông chủ trở về, ngồi ở bờ ruộng nói với tôi: “Tao cũng đi thôi. Tao mần ăn cũng không ra sao. Bán đất hết rồi, còn rẻo đất ngoài nghĩa địa kia không ai mua, tao cho mày đó”. Tôi đáp: “Tôi không dám nhận đâu, phận người ở phải giữ đất cho chủ. Ông chủ đi đi, tôi ở lại đây cày cấy bán lúa lấy tiền cất để dành. Chừng ông chủ về tôi đưa lại cho ông chủ”. Nhưng tôi không làm gì được hết cậu chủ ơi. Hơn năm mươi năm tôi ra sức cày cấy rẻo đất sình lầy đầy sỏi đá, lại gặp đủ chuyện tai ương. Hết giông bão đến lụt lội, rồi lại giặc giã liên miên.
Hai ông cháu và người chủ xưa
Chủ nhà lại nói:
– Tôi ở nước ngoài, sanh đẻ bên đó, biết đất đai gì đâu.
– Tôi biết vậy rồi. Tay cò đất cũng nói vậy, rồi nói thêm “người ta là Việt Kiều, giàu lắm, không thèm đất đai gì đâu. Nhưng mình là người giữ đất có bổn phận phải hoàn trả. Tốt nhất ông bán đất đem tiền trả người ta”.
Chủ nhà hỏi:
– Chú bán đất rồi hả?
– Bán rồi. Tiền đây nè!
– Rồi chú ở đâu?
– Ai biết ở đâu. Tôi đâu tính chuyện đó, chỉ tính chuyện trả đất cho cậu chủ thôi. Tay cò đất có lòng chỉ bảo nói: “Người ta mua đất làm khu du lịch sinh thái được giá lắm”. Tôi bèn nói: “Được thôi. Ông trả bao nhiêu cũng được, làm giấy tờ đàng hoàng, tôi trình cậu chủ”. Tay cò đất nói: “Làm mười tờ giấy cũng được”. Vậy là xong cả. Tiền trao xong, hai ông cháu tôi khăn gói ôm tiền lên đây. Tôi đếm tiền cho cậu chủ nhé!
– Thôi khỏi. Chú để đó đi. Rồi chú tính nay mai sống làm sao?
Ông già cười toét miệng:
– Thì cứ sống thôi. Tôi sống được đến chừng tuổi này chẳng lẽ không sống được nữa. Tôi bán đất đem tiền trả cậu chủ luôn tiện dẫn thằng cháu lên đây, coi nó tìm được chân phụ hồ hoặc đào cống rãnh gì không. Rồi chuyện gì sẽ tính sau, đâu mọi chuyện tính cùng một lúc được.
– Chú với cháu ở tạm đây đã đi.
– Không. Tôi mang ơn nhiều quá rồi, đâu thể mang ơn thêm nữa. Tôi nói với thằng cháu, tao nhờ miếng đất ông chủ làm lụng nuôi thân tao, nuôi thằng cha mày với mấy chú mày với đám tụi mày. Giờ tao trả đất cho cậu chủ, mày làm phụ hồ nuôi tao hoặc tao đạp xích lô nuôi mày. Không ai đủ tay chân chết đói cả. Có đúng tao nói như vậy không? Ủa, nó đi đâu rồi, thằng nhỏ tôi nó bỏ đi đâu rồi?
Phan Long, tên người chủ nhà, là kỹ sư ngành hóa thực phẩm, Việt kiều định cư tại Canada, gần năm nay cùng vợ và hai con về làm việc tại nước nhà theo chương trình đầu tư dài hạn của Công ty bên ấy, chế độ ưu đãi, tăng lương, cấp nhà – ngôi nhà này đây, xe hơi, vé máy bay hàng năm về thăm nhà bên đó. Công việc không có gì khó khăn, nhân viên phần lớn người Canada hoặc Việt kiều, chuyện vãn nhau bằng tiếng nước ngoài, nội dung gói gọn trong chuyên môn ngành nghề. Thật ra vốn tiếng Việt anh không thiếu, vợ anh cũng thế, gia đình bên đó ở trong khu người Việt, hai đứa con trên dưới mười tuổi nói còn hơi ngọng nghịu nhưng gần đây có phần hơn cha mẹ trong vốn tiếng lóng và tiếng địa phương. Nhưng chỉ có vậy thôi! Ngày hai buổi đi làm về nhà, bà con họ hàng không có, không biết đi đâu, thành phố chỉ biết ít đường đi, phần còn lại hình dung trên bản đồ. Có vài lần đi về mấy tỉnh lân cận cũng chỉ đi thẳng và làm việc với ban giám đốc rồi ra về. Vậy thì cái rẻo đất ông Tư Cúi nói là của nhà anh ở một vùng quê xa lắc nào đó, anh càng mù tịt.
Hai ông cháu và người chủ xưa
Ông Tư Cúi la hoảng lên, chạy tìm thấy đứa con trai. Nhưng nó không đi đâu cả, đang ngồi ở bậc thềm nhà phía trước. Hai đứa con gái, con chủ nhà, đến gạ chuyện, nó không ừ hử cũng không động đậy, sờ vào tay nó cũng để yên.
Ông già ngồi yên ở phòng khách, gói tiền được bọc cẩn thận trong năm bảy tờ giấy báo, tờ nào cũng rách, tiền chẵn, tiền lẻ cột thành một bó cứng ngắc đặt dưới gầm bàn.
Phan Long vào trong bàn với vợ:
– Anh không biết tính sao. Ông già không thể ở lại đây và chắc cũng không muốn ở. Ông là người làm công gia đình anh ngày xưa, giờ còn chủ tớ gì nữa, coi như lần đầu tiên mình gặp được người quen trong gia đình. Miếng đất nào đó anh có biết gì đâu, tiền bán đất ông đem lên cho mình để ngoài kia. Tiền lẻ kiểu đó chắc chỉ đổi được vài tờ giấy đô. Sao lại bán đất nhỉ? Già bảy mươi tuổi lên thành phố làm được gì? Đạp xích lô nổi không? Thằng nhỏ mười lăm tuổi tìm chân phụ hồ ở đâu? Trời ơi, sao lại bán đất, giờ ông muốn về cũng không về được nữa!
Chị vợ nói:
– Người ta hiền lành chất phác mà anh!
– Mình không thể cho tiền, em thấy không? Ông già bán đất đem tiền lên cho mình mà. Anh sẽ cố nói hai ông cháu ở lại đây vài ngày, và chắc cũng vậy thôi. Sau đó coi như thằng nhỏ tìm được chân phụ hồ, ông già đạp xích lô, rồi sao nữa? Mình đi làm, thỉnh thoảng gặp họ chào hỏi như người qua đường hay sao?
Ông già chịu ở lại vài ngày theo lời nài nỉ của Phan Long. Nhưng hôm đó trong phòng riêng hai ông cháu có cuộc trao đổi.
Ông già nói dài dòng chuyện ơn nghĩa, chuyện họ đã ở trên rẻo đất ấy trên năm mươi năm, rẻo đất sình lầy đầy sỏi đá, lúc nào cũng có giông bão lụt lội, nhưng đất vẫn là đất. Chủ đất là người giàu có, nhưng biết thương, đã cho ông ở lại giữ đất. Ông lấy vợ, sinh con đẻ cái, đẻ ra cha nó, rồi cha nó đẻ nó. Giờ nó cao lớn tồng ngồng như thế này.
Nhưng thằng nhỏ vẫn cứ quạu quọ:
– Con không về quê, con ở đây làm phụ hồ.
Sáng hôm sau nó ra đi ngay, bọc quần áo đeo tòn teng trên vai như chiếc tổ chim. Ông già ở lại thêm vài ngày.
Phan Long chỉ gặp trò chuyện với ông già sau giờ đi làm về. Trong lúc đợi cơm, hai người ngồi ở bậc thềm, có hai con chó ngồi hai bên. Ông già kể chuyện xưa ở dưới quê, không biết năm nào, ở đâu, anh không thể hình dung được gì. Ông già vừa nói vừa ra điệu bộ, lời lẽ, hai tay chẳng ăn nhập gì với nhau:
– Rẻo đất ông chủ giao tôi giữ đầy mồ mả. Đúng ra là một bãi đất hoang chưa từng cày cấy bao giờ. Nhưng đất nào cũng là đất. Phần mồ mả vẫn để yên các hào rãnh, vẫn giữ cây đa với chiếc miếu thờ cũng để nguyên. Phần còn lại tôi ra sức đào bới, hốt đá sỏi liệng đi, dọn sạch các bụi gờ gai góc, gốc cây lớn nhỏ bứng hết. Phần đất còn lại thì cày cấy không được bao nhiêu nhưng coi cũng sạch sẽ, tinh tươm. Vậy rồi một hôm, trúng một trái bom, tan hoang cả.
– Năm nào vậy?
– Không nhớ năm nào, bom đạn dữ lắm. Nhưng ăn thua gì! Một trái bom hay mười trái bom cũng vậy thôi. Bom nổ thì lấp lại, tôi có đủ cuốc xẻng. Nhưng liền sau đó mưa như trút nước, hố bom biến thành cái ao. Sáng hôm sau thấy có hai con vịt lội nhởn nhơ.
– Hai con vịt?
– Phải, hai con vịt, nửa trắng nửa đen, không biết của ai. Đi đầu xóm cuối xóm hỏi không ai nhận cả. Chúng cứ lội tung tăng, rỉa lông rỉa cánh, té nước vào nhau, không thiết gì ăn uống, cũng không định bỏ đi. Lúc đó tôi đã lấy được vợ, có được đứa con là cha thằng hôm rồi đó. Thằng con định đuổi hai con vịt đi, tôi liền ngăn lại. “Không được đuổi, chúng không của ai vậy là của trời. Vịt lội nước là chuyện của chúng, làm sao con vịt biết được cái ao hay cái hố bom. Cứ cho chúng lội chơi ít lâu, ta bỏ một mùa, đi mót lúa ăn cũng được”.
– Thế rồi chúng đi không?
– Không. Hai con vịt như hai đứa con nít, thích chơi giỡn hơn mọi sự trên đời. Tôi đành để yên qua một mùa lúa, rồi một mùa nữa, cho tới lúc miếng đất trúng thêm mấy trái bom, thêm mấy cái ao, và lại thêm chuyện.
– Lại mấy con vịt?
– Không, một con trâu điên. Con trâu cũng không biết của ai, sáng ra thấy đứng trong rẻo đất tôi, lông dựng đứng, còn đôi mắt long sòng sọc, xoạc chân, sừng chỉa thẳng, không xê đi một bước. Lại chuyện tai họa trâu điên nữa hay sao. Tôi đến trước mặt nó nói: “Tính sao đây? Mày đâm lủng bụng tao hay tao bẻ cổ mày? Một trong hai ta phải chết thôi. Nhưng đây là đất của tao, chỗ tao cày cấy, vậy là tới số mày rồi”. Tôi nói vậy nó vẫn chỉa thẳng cặp sừng, hai bên chiếu tướng nhau từ sáng tới chiều. Rồi suốt đêm, tôi vẫn đứng, chân thọc sâu xuống bùn. Đến gần sáng chợp mắt một chút, tỉnh dậy con trâu đã bỏ đi. Sau đó lâu lắm không có chuyện gì nữa, tôi rảnh rang cày cấy. Cho đến một hôm thấy mặt đất sủi bọt lên. Chuyện gì nữa đây? Ban ngày đất sủi bọt lục bục, ban đêm lửa xanh cháy lập lòe. Ma quỷ hiện hình hay sao? Hay có vàng bạc gì ở dưới? Thằng nhỏ con tôi chạy đi hỏi thăm hàng xóm rồi chạy về nói: “Dầu lửa ba ơi, đất mình có mỏ dầu dưới đó, mình giàu rồi!”. Tôi nói: “Khoan đã, khoan đã, đây không phải đất mình mà là đất của ông chủ. Mình bán được dầu phải gửi tiền cho ông chủ. Một đồng cũng không được lấy”. Nhưng mà bán dầu bằng cách nào? Vợ tôi dốt nát không biết gì, thằng con còn nhỏ cũng không biết, tự tôi phải ra tay. Tôi đi dò hỏi khắp, mỏ dầu bán cho ai, giá cả ra sao, tiền bán được cất ở đâu, làm sao chuyển ra nước ngoài. Suốt mấy tháng trời tôi không dò hỏi được gì, không ai biết một chút gì. Tôi bỏ cả hai mùa lúa, ngồi nhà châm bình trà đợi sẵn, bọn lái buôn đi ngang qua ghé uống trà nói: “Không mua dầu lửa, chỉ mua trâu, mua heo”.
– Chuyện lâu lắm rồi phải không ạ?
– Lâu lắm rồi, đâu có nhớ năm nào. Hơn năm mươi năm rồi, nhiều chuyện lắm, không sao nhớ hết, chỉ biết cực khổ trăm bề, bom đạn nổ trời đất, rồi lại giông bão, lụt lội liên miên. Năm trước mưa gió ầm ầm, năm sau nước dâng đồng ruộng trắng xóa, sóng nổi như biển. Nhưng miếng đất tôi vẫn ráng giữ, đào hầm tránh bom, làm bè chống lụt. Giông bão, tôi ôm lấy gốc cây đa hơn năm mươi năm không rời một bước.
Ba ngày dài đằng đẵng, ông già ở lại nhà suốt từ sáng đến chiều, đi dạo quanh khu vườn kiểng, ngắm nhìn cây cối, không biết cây gì, không moi được một lời ở người làm vườn, không làm quen được với hai con chó. Sáng ngày thứ tư, Phan Long thức dậy thấy ông già đã ngồi sẵn ở phòng khách, chiếc túi xách lép kẹp cặp sát bên hông, gói tiền vẫn còn dưới gầm bàn. Anh ngồi xuống với ông một chút, lấy cớ chiếc túi xách đã rách, anh lấy thay chiếc khác, nhét thêm ít quần áo, xà bông, khăn lau mặt. Thừa cơ ông già ngó lơ liền tuồn luôn gói tiền vào đó. Hai người đi thong thả ra cổng, có hai con chó cùng đi, lại nấn ná một lúc trước cửa.
Nhiều đêm không ngủ được anh lay vợ dậy:
– Em có nhớ ông Tư Cúi không? Ông già hôm nào ghé nhà mình, người ngày xưa làm công cho nhà anh đó?
– Nhớ … – Chị vợ nói lơ mơ trong cơn say ngủ – Nhưng em biết gì đâu.
– Anh cũng vậy. Chúng mình sanh đẻ bên ấy đâu thể biết được gì, nhưng nếu cố gắng cũng có thể biết được chút ít. Như hai con vịt, anh có thể hình dung được, ngộ lắm, em thấy không? Thương biết chừng nào! Anh cũng sẽ để cho chúng bơi lội, đuổi chúng đi đâu? Hai đứa nhỏ mình chắc thích mê. Còn chuyện đốm lửa lập lòe trên đầm lầy em thấy sao? Đó là cái gì vậy?
– Anh chưa học phổ thông hả?
– Biết rồi! Nhưng đó là chuyện trong sách, sách vở thì thấy được cái gì. Có lần ba anh kể, ông ngủ ngoài nghĩa địa trên một gò mả, ma trơi cháy lập lòe chung quanh. Lúc đó ông mới mười mấy tuổi, thất tình bỏ nhà đi. Má anh lúc đó mới mười mấy tuổi thương tình đi theo. Hai người ngủ trên gò mả giữa những con ma trơi. Đúng ra không phải chuyện ma trơi mà là chuyện tình của hai ông bà. Hồi nhỏ anh thường nghe hai ông bà nhắc đến chuyện ấy, lâu rồi. Về sau này ở nhà cao tầng, đi xe điện ngầm, bận rộn, không thấy nhắc đến nữa.
Phan Long bỗng nói sang chuyện khác:
– Mai anh đi tìm ông cháu ông Tư Cúi.
– Đi đi anh – Chị vợ nói – Tìm trong giới xích lô, các chỗ xây nhà sẽ gặp thôi.
Nhưng không dễ như họ tưởng. Tìm đâu, hỏi ai, chạy ra ngoài đường, đón ngã tư đường nhìn mặt từng người sao? Nhưng Phan Long không nản chí, kiên trì bắt đầu lại một cách có phương pháp. Nhờ văn phòng công ty liên hệ với chính quyền địa phương tìm người tên tuổi, dáng dấp như thế. Bản thân anh cũng chạy đi cho đăng tin trên các báo, cho tìm trẻ bán vé số, tìm trong giới xích lô hoặc phụ hồ. Phan Long cũng nhờ đám bạn bè người Việt trong Công ty, nói với chị vợ nhờ cánh bạn gái của mình, phụ nữ nói nhiều, quan hệ rộng, có sáng kiến riêng của họ. Hai đứa nhỏ đi học tốt nhất nên đi xe đạp cho chan hòa với trẻ em thành phố, nhân tiện ngó hai bên đường, thấy xích lô hoặc nhà đang xây ghé vào hỏi thăm. Vợ chồng anh cũng vậy, có lẽ nên dẹp chiếc xe hơi, mua xe gắn máy đèo nhau đi làm, ngồi trong xe hơi bít bùng không thấy gì cả. “Phải tập cho quen, có khi ở luôn đây đó”, anh nói thêm với ba mẹ con.
Năm tháng lại trôi qua. Cho đến một hôm chính ông già, thằng nhỏ trở lại thăm nhà. Lúc đó hai vợ chồng đi làm, hai đứa nhỏ đi học, nhà khóa cửa, chỉ có người làm vườn bên ngoài. Ông già và thằng nhỏ trông hớn hở vui tươi lắm, người làm vườn kể lại như vậy, ra vẻ người ăn nên làm ra. Ông già quần tây, áo dài sơ mi trắng bỏ ngoài, đội nón nỉ. Thằng nhỏ quần jean, áo pull có in hình ca sĩ nhạc rock nước ngoài. Họ đến không có chủ nhà, ra ngoài đường bàn với nhau một chút, rồi ông già trở vào nói gửi cho chủ nhà gói này.
Gói gì? Đó là chiếc túi xách của Phan Long có gói tiền trong đó kèm theo tờ giấy có ghi mấy chữ xiên xẹo với những hình vẽ ngoằn nghèo như bản đồ con nít đi tìm kho báu. Thư viết: “Đây là ông Tư Cúi với thằng nhỏ không biết chữ, nhờ tôi là người vá xe đạp ngoài ngã tư viết giùm. Nó đến thăm cậu mợ chủ không gặp, hẹn khi khác. Làm ăn khá rồi mới dám đến thăm. Nói thật vậy, cậu chủ cho quần áo, xà bông, rồi còn lấy thêm gói tiền, ở đất cậu chủ hơn năm mươi năm không đóng cho cậu chủ hột lúa còn lấy tiền nữa hay sao. Mấy lời như vậy, hôm nào cậu mợ chủ tiện đường ghé chơi, không phải nhà cao cửa rộng gì nhưng cũng không phải đầu đường xó chợ …”.
Phan Long kêu vợ đi ngay theo “bản đồ kho báu” ấy. Qua vô số những con đường ngã ba, ngã tư, hỏi thăm những ông A, bà B rồi cũng đến nơi. Một bãi rác khổng lồ sau cánh đồng. Xe gắn máy gửi ngoài xa, nối chân, leo dần lên như leo núi. Một đỗi ngó thấy chiếc chòi rách nát, lụp xụp trên đỉnh, bên trong có ghế phô tơi, chiếc bàn đặt bình trà, chai bia. Ông Tư Cúi ngồi trên chiếc phô tơi đội nón nỉ, gác chéo chân, hút thuốc thơm, bật dậy đón khách:
– Ôi, cậu mợ chủ kìa! Vui quá đi! Tụi nhỏ đâu, kiếm ghế cho khách ngồi coi. Đâu ngờ cậu mợ chủ đến liền như vầy.
Đám trẻ lom khom moi rác chung quanh nghe ông già la chạy túa lên. Ông già lại tiếp tục cười vui:
– Oai không cậu chủ? Tôi bây giờ cũng là ông chủ ở đây.
Phút chốc ai nấy đều yên vị. Bãi rác cái gì cũng có. Chị vợ được mời ngồi trên phô tơi, Phan Long ngồi trên chiếc ghế đẩu ba chân, ông già ngồi chồm hổm. Ông đã từng ngồi bờ ruộng như thế hơn năm mươi năm rồi. Trời nắng lớn nhưng gió thổi mát, hơi có mùi một chút, bãi rác đâu phải phòng ngủ khách sạn.
Phan Long vui theo với ông già:
– Vậy là chú sống ở đây?
Ông già nói:
– Ở đây. Ăn ngủ luôn ở đây. Bãi rác có đủ thứ. Người ta chế biến gì không biết, mình chỉ có lựa ra, đem rao lấy tiền. Cơ sở mần ăn bỏ đi đâu được.
– Thế đứa cháu đâu?
– Nó kia kìa, đang coi một đám nhỏ lựa rác. Nó chỉ huy một nhóm, tôi là người chỉ huy tất cả.
– Coi chú khỏe ra đó. Chuyện thế nào?
– Chuyện vậy thôi. Hôm đó thằng cháu ra ngoài ngã tư, ở với người vá xe đạp chờ tôi. Mấy ngày sau tôi ra, hai ông cháu chỉ đến đây nhào vô moi rác. Có một thằng mặt nô chỉ huy tất cả, một thằng ác ôn đáng tội chết. Giấy vụn, hộp nhựa, lon bia, tự nó cân bán lấy tiền, chiều tới phát cho mỗi đứa một ít. Đưa bao nhiêu lấy bấy nhiêu, có khi không đưa tiền, chỉ có nắm xôi, củ khoai, đưa xong còn đá đít một cái. Thằng cháu tôi bị nó đá đít mấy cái, còn tôi nó đòi nhổ râu. Đành chịu thôi, xứ của người ta mà. Tôi nói với thằng cháu chịu khó nhẫn nhục, thời nào ở đâu cũng có vua, bãi rác cũng có vua, phận mình người nhà quê, ở xa mới tới, có nắm xôi, củ khoai là được rồi. Chịu đựng như vậy cả năm, rồi trời cũng có mắt. Một hôm có người công an khu vực tới hỏi: “Ở đây có thằng mặt nô đánh người dữ lắm phải không? Tội ức hiếp quần chúng là một trọng tội, rồi tôi sẽ trị nó. Nhưng ông già phải thay nó chỉ huy bãi rác này, quần chúng lao động phải có tổ chức, lượm rác cũng phải có tổ chức. Ông là người tốt, tôi có nghe nói. Nhưng tôi hợp đồng với ông một năm rồi xét lại, không phải ai cũng tốt hoài”. Vậy là từ hôm đó tôi thành người chỉ huy.
– Một năm thôi hả?
– Đúng. Tôi làm mấy tờ hợp đồng rồi. Mỗi năm một cái, có đề chữ “tốt” trong đó, có chữ ký người công an khu vực, chỉ không có dấu thôi. Tôi nói với người công an khu vực: “Đồng chí à! Tôi nhịn nhục do tôi nghĩ mình người nhà quê, ở xa mới tới. Giờ đồng chí giao tôi làm người chỉ huy coi như tôi đã thành người thành phố, mười thằng mặt nô tôi cũng trị được. Nó bằng trâu điên không? Tôi bẻ cổ nó được không?”.
– Thế chú tính sống ở đây hoài sao?
– Thì tôi đi đâu? Tôi ở dưới quê hơn năm mươi năm, nhờ ông chủ cho ở giữ đất, giờ tôi lên đây may có được bãi rác như trời luôn cho tôi có được chỗ ở. Mà cái chính là tôi được tin cậy, chưa chi tôi đã được làm người chỉ huy. Người công an khu vực nói “tốt” với tôi. Rồi thằng cháu tôi cũng chỉ huy được một nhóm, nó còn nhỏ tuổi, còn tiến xa, còn mong gì nữa. Cậu chủ uống với tôi chai bia nha! Mợ chủ uống chai nước ngọt nha! Ở đây hơi có mùi một chút, nhưng nín hơi uống cũng ngon thôi!
Tác giả: Lê Văn Thảo – Người thực hiện: Hoàng Yến

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *