Bài nổi bật

Vườn Trinh Nữ

Đôi khi Đan tự hỏi lòng: Nếu tìm lại thời gian đã mất liệu mình có nên sửa lại những điều sai hay hoàn thành nốt những ước mơ dang dở? Nếu tìm lại được thời gian đã mất liệu mình đang đứng ở đâu, hay vẫn ở chốn này?
***
Đan đã tự hỏi điều đó nhiều nhất mỗi khi đứng ở bên này con suối… Khi mọi thứ đã trôi qua như một giấc mơ buồn. Con suối nước trong veo, vô tư cuộn chảy. Bên kia suối: Vườn xanh mát. Mỗi mùa xuân, hoa Mai, hoa Mận nở trắng. Hoa trắng rụng, nước trong veo cuốn theo dòng.
Chị Nhiên đã đôi lần sửa lại cây cầu bắc bằng thân tre để từ nhà dễ dàng sang vườn nhưng Đan lại thường sang vườn mà không bước qua cầu. Đan luôn muốn sang vườn đó, bên bờ suối xinh đẹp kia, nhưng không dễ dàng qua suối nếu không có bàn tay Quân nắm chắc.
Đặt bàn tay mình trong tay Quân mỗi khi qua suối. Đan đã có cảm giác như bàn tay đó sẽ dắt cô đi suốt cuộc đời.
Vườn do một tay chị Nhiên chăm sóc, vun trồng. Nhưng một mình chị cáng đáng không xuể cả việc nhà và việc vườn nên nhiều khi vườn mọc nhiều cỏ dại.
Chị Nhiên yêu vườn lắm. Yêu đến tưởng chừng chị thuộc làu từng tán lá. Ngày còn bé Đan thường cùng em trai theo chị Nhiên mang trái cây ra chợ bán.
Nhiều người tưởng em trai Đan là con trai chị. Họ nhìn chị bằng ánh mắt tiếc rẻ: “Trời! Trẻ thế mà đã có con lớn như vầy sao?”. Chị chỉ cười, ngắm chị em Đan như ngắm món quà của người yêu trao tặng.
Đan đã từng ngỡ ngàng: Không biết vì sao khi ba Đan ra đi thì chị Nhiên lại đến. Đan yêu chị Nhiên – người chị cả trong nhà – như một người mẹ. Một người mẹ như một món quà.
Mà quà ấy, thượng đế hay ai trao cũng không quan trọng. Một đứa trẻ thì thường rất ngây thơ để không toan tính rằng: Có đôi khi, để có được món quà này ta phải chấp nhận bị tước đi một hay nhiều món quà khác. Có khi là còn giá trị hơn rất nhiều lần.
Chị Nhiên là một món quà mà nếu được chọn thì có lẽ anh em Đan sẽ không chọn. Nhưng mà thế đấy, chị bước vào gia đình Đan, lật cỏ, vun gốc ở vườn kia bằng trái tim và sức trẻ của tuổi thanh xuân đang mỗi ngày một thêm mọng chín.
… Quân sống với bà Mộc từ bé trong ngôi nhà cũ mái ngói thâm nâu. Bà Mộc không có gia đình riêng, không con cái, Quân là cháu gọi bà Mộc là bác ruột.
Bà Mộc thì vẫn than phiền rằng: Em trai bà đông con, nhờ bà nuôi Quân giúp. Nhưng em dâu thì chỉ nhăm nhe mong bà mau chết đi để Quân được hưởng thừa kế ngôi nhà ven thị xã, mà có thể trong tương lai sẽ tấc đất, tấc vàng.
Khi tay trong tay Quân, Đan đã tự hỏi lòng: Có đủ sức nếu giữ trái tim nhiều khát vọng của Quân không. Cả Đan và ngôi nhà bé nhỏ?
…Bà Mộc thương chị Nhiên lắm. Bà bán hàng rau ở chợ trong những phiên chợ. Bà thường quảng cáo cho chị Nhiên miễn phí. Nào là Nhiên xinh, Nhiên ngoan, Nhiên tốt bụng… Bà quảng cáo trước những bà có con trai chưa vợ. Mà con trai các bà kia có già hay trẻ, xấu hay đẹp không quan trọng.
Nhưng dù bà Mộc không quảng cáo thì chị Nhiên cũng đã được nhiều người biết đến lắm rồi. Chị là thiếu nữ có nhiều chàng trai thương mến. Nhưng chị chẳng để ý ai. Chẳng nhận lời yêu thương với ai.
Ai cũng biết chị Nhiên là người con gái tốt, muốn có chị ở bên mình. Chỉ có anh Biền – anh trai ruột của Đan – là không công nhận. Với anh chị Nhiên như cái gai trong mắt chỉ muốn sớm nhổ đi.
Hồi chị Nhiên chưa đến, anh Biền nửa ngày đi học, nửa ngày theo ba vào một trường công an. Ba Đan làm thợ mộc và trường ấy thì luôn cần đến bàn ghế, cửa giả, sửa cũ, đóng mới. Anh Biền nuôi dưỡng ước mơ: Một ngày khôn lớn sẽ trở thành chiến sỹ công an.
Xóm quê bên này sông. Trường đó lại bên kia sông. Hai ba con qua lại đôi bờ cả những mùa hồng thủy. Chị Nhiên như món quà bất ngờ của Thủy thần, một ngày trao tay ba Đan khi ông qua dòng.
Ông dang tay đón chị từ bàn tay Thủy thần. Nhưng ông lại không thể giữ cho mình phần đời còn lại. Thủy thần hung dữ xảo quyệt, đã bất ngờ đổi chị Nhiên lấy ông lão thợ mộc nghèo. Trong đám tang của ba Đan, chị Nhiên mặc trang phục như con, và khóc như thể người đã mất kia là người thân duy nhất trên đời.
Ba mẹ mất sớm – anh Biền phải thôi học giữa chừng. Ước mơ của anh mãi mãi tan trong sương mù. Và anh không bao giờ tha thứ cho chị Nhiên, như thể chính chị đã bóp chết ước mơ ấy. Cho dù chị Nhiên có hết lòng vun vén cho mấy anh em như một người mẹ.
Vườn Trinh Nữ – Tác giả: Phạm Thanh Thúy
… Quân thích lội qua suối để sang vườn. Quân thích có được mọi thứ từ thử thách. Quân cũng thích dắt tay Đan lội qua suối ở những chỗ nước siết, nguy hiểm. Chị Nhiên nhiều lần khóc vì sợ. Nó gợi chị nhớ mùa hồng thủy kinh hoàng ngày trước. Nhưng chị càng sợ hãi, càng ngăn cản, thì Quân càng trêu tức chị.
… Mười sáu tuổi, anh Biền rủ Quân cùng tham gia một lò luyện võ do một tay anh chị mở trong thị xã. Ngày nào anh cũng trở về với những vết bầm tím. Chị Nhiên mỗi khi xoa thuốc cho anh đều rơi lệ. Nhưng chị càng rơi lệ, anh càng lao vào luyện tập. Mười bảy tuổi, một hôm anh tuyên bố với chị:
– Chị không phải mẹ chúng tôi, không phải chị chúng tôi sao chị không đi đi, còn ở đây làm gì?
– Nhưng chị có thể lấy em. Chị muốn…
– Lấy tôi ấy à? Điên! Tôi có điên mấy cũng không bao giờ chấp nhận chị.
Ngoài sân, Quân bóp tay Đan mạnh đến nỗi Đan không kêu được. Đan thảng thốt nhìn Quân, thấy Quân đang trừng trừng nhìn vào khoảng lặng trong nhà. Mắt Quân như hai đốm lửa, sẵn sàng thiêu cháy tất cả.
Đan chưa đủ lớn để hiểu chuyện gì đã xảy ra, chuyện gì đang tới. Đan chỉ biết chị Nhiên là người thân yêu, gần gũi nhất nên nếu chị Nhiên đi, thì với Đan đó là điều kinh khủng.
Và mỗi khi anh Biền về nhà không chỉ với những vết thương bầm tím mà còn là những vết xước dài rỉ máu ở lưng và cánh tay, thì nỗi lo sợ trong Đan càng lớn mạnh. Đan co người lại bên Quân tìm sự chở che, an ủi.
Bà Mộc và chòm xóm ai cũng khuyên chị Nhiên lấy chồng đi. Tuổi hai mươi, chị Nhiên càng ngày càng xinh xắn. Nhưng chị Nhiên chẳng chịu nhận lời yêu ai.
Bà Mộc ngồi bên Đan têm trầu, nhắc đến chị Nhiên cứ lắc đầu, lắc đầu: “Chị mày bảo sống ở nhà mày, chết cũng ở nhà mày. Chả biết nó yêu gì thằng anh mày, hay muốn lấy đời nó trả nghĩa”.
Hai mươi tuổi, anh Biền đưa người yêu về nhà. Những đêm cô gái đó đến, thì ngôi nhà như của riêng bọn họ. Chị Nhiên và Đan lại sang nhà bà Mộc ngủ nhờ. Ở đó, Đan thấy chị Nhiên đã khóc. Bà Mộc thở dài: “Có ai bắt mày lấy thằng Biền đâu mà mày làm mình khổ”.
Phụ nữ ai cũng khóc cho những điều tan vỡ. Dẫu có thể tan vỡ ấy là điều cần thiết.
Nhà chật. Nếu anh Biền cưới vợ thì sẽ càng chật chội. Bà Mộc phán như nhà quân sự có cái nhìn xa rộng: “Này nhé! Nay mai con Đan đi lấy chồng, thằng Các lớn lên thì tính sau. Nhưng còn con Nhiên… Thằng anh mày vốn không ưa nó. Lấy vợ về, thì càng nhìn con bé càng chướng mắt. Nên Nhiên à, cháu lấy chồng đi! Dưới trời này có thiếu gì người muốn lấy cháu”.
…Vườn là nơi chứng kiến mối tình của Quân và Đan lớn dần theo năm tháng. Hai đứa cầm tay nhau đi trong vườn hết những mùa hoa thơm lại sang những mùa trái ngọt.
Những đêm ngồi bên Quân, Đan suy tính cho vận mệnh của gia đình. Điều Đan mơ ước là: Anh Biền và chị Nhiên sẽ yêu và lấy nhau. Để chẳng ai phải ra đi, chẳng ai phải thế chỗ.
Đan nói nhiều về tương lai của hai người đó. Nhưng Quân chỉ im lặng.
Thật may, anh Biền không cưới cô gái kia. Nhưng lại đưa về những cô gái khác. Đúng ra là: Khi thì anh đưa về, khi thì họ tự đến. Và chị Nhiên, cứ đi qua hết tuổi 23, 24 rồi 25, vẫn chẳng nhận lời yêu ai cả.
* * *
Anh Biền và Quân thôi hẳn việc đi làm thuê vặt, mà đầu quân cho một công ty mới mẻ chuyên đào tạo nhân lực bảo vệ, vệ sĩ. Ngày anh mặc đồng phục của công ty về nhà, Đan và em trai vô cùng ngưỡng mộ.
– Vệ sĩ đấy!-Anh hãnh diện.
– Vệ sĩ như trong phim: Quần đen, áo đen, kính đen. Đứng khoanh tay, dạng chân và võ công siêu đẳng…
– Không đến nỗi thế, nhưng cũng gần như thế. Không làm công an được, thì làm bảo vệ vậy.
Ánh mắt anh lướt sang chị Nhiên. Chị Nhiên không nhìn anh. Chắc rằng từ lâu lắm chị không nhìn vào mắt anh nữa. Mà anh thì hẳn lúc nào cũng muốn chị nhìn vào mắt anh để giữa hai người bọn họ bùng nổ cái gì đó. Đôi mắt anh Biền lúc nào cũng đầy thách thức.
…Thị xã vào mùa mưa, những con đường, những mái nhà, những hàng cây ướt nhẹp. Mái ngói cũ xỉn của bà Mộc đã dột lên dột xuống.
Anh Biền trêu: “Bác ơi, thằng cháu bác sắp được hưởng thừa kế rồi đấy”. Bà Mộc lườm rồi mắng yêu: “Tiên sư mày. Cố mà tích đức đi nhé!”. Quân không nói gì, đứng dưới sân nhìn lên mái nhà mãi như nhìn thấy ở đó một cái gì xa vời vợi.
Anh Biền và Quân hì hụi cả buổi sáng mới tạm thời cứu vãn được những chỗ dột nát. Quân hứa hẹn: “Một hai năm nữa cháu sẽ xây nhà mới cho bác”.
Vườn Trinh Nữ – Tác giả: Phạm Thanh Thúy
Bà Mộc nhìn cháu trai, mắt ầng ậng nước. Nhưng bà đã kịp ngồi xuống cạnh chị Nhiên đang lựa vải chín trong thúng. “Nhiên à! Nếu thằng Biền không lấy cháu, bác sẽ cho cháu ngôi nhà này, không cho thằng Quân nữa”. Chị Nhiên ngước nhìn anh Biền và Quân, nhoẻn cười: “Có đánh chết cháu, cháu cũng không lấy nhà của bác đâu. Cháu sẽ về với bố mẹ cháu”.
Quân nghe câu trả lời của chị, lẳng lặng cởi áo ngoài, lẳng lặng ra bờ suối, thả mình vào trong đó. Đan nhìn theo Quân, lại nhìn anh mình. Thấy anh đã ngồi thu lu, lập bập điếu thuốc lập lòe cháy.
…Vào cuối mùa mưa ấy, có một mỹ nhân mặc đồng phục công ty anh Biền và Quân, đến chơi nhà. Mỹ nhân mua quà cho tất cả mọi người. Tặng riêng chị Nhiên một bộ mỹ phẩm “Sản xuất từ công ty mỹ phẩm hàng đầu Hàn Quốc đấy chị ạ”.
Chị Nhiên ngắm nghía, nhưng không nhận quà: “Em còn trẻ giữ lấy mà dùng”. Mỹ nhân hồn nhiên đáp: “Em không dùng loại này, vì không hợp mà chị”. Chị Nhiên chăm chú nhìn mỹ nhân rồi thở dài: “Chị cũng không hợp đâu em ạ”.
Mỹ nhân ở lại cùng anh Biền và bạn bè anh tới khuya vẫn chưa tàn cuộc. Chị Nhiên cầm tay Đan dắt đi trong vườn. Cứ vòng vèo hết lượt này sang lượt khác như là chị đang cố nhấn chìm đi ngọn lửa trong lòng.
Khi chị dắt Đan ra khỏi vườn, dừng lại bên bờ suối, nhìn đá mấp mô trong làn nước dưới ánh trăng cứ như chị mới trông thấy chúng lần đầu. Chị buông tay Đan.
– Chị sắp đi rồi Đan ạ.
– Chị đi đâu?
– Đi lấy chồng. Em không muốn chị đi lấy chồng à?
Và chị bước trên cầu tre. Đan đứng bên bờ suối, dưới bóng trăng, nước lung linh và mải mê tuôn chảy.
Anh Biền nói sẽ lấy vợ. Anh bắt đầu bằng việc gọi thợ đến sửa lại ngôi nhà đã rất cũ. Mỹ nhân của anh lại đến, lại xăng xái kêu thợ làm cái này, cái nọ, như nữ chủ nhân thực sự. Chị Nhiên cả ngày ở trong vườn. Đan thắt lòng hiểu ra: Giấc mơ của mình chẳng thể nào trở thành hiện thực.
Chị Nhiên đi vào một chiều hoe nắng, chỉ để lại cho Đan và em trai một dòng nhắn nhỏ: “Chị đi đây. Chị đến từ đâu thì sẽ đi về đó”.
Đan cầm tờ giấy ghi lời nhắn của chị và phóng xe vào thị xã. Trong đầu Đan hình dung: Khi gặp anh trai mình Đan sẽ gào lên: “Chị Nhiên đã bỏ đi rồi đấy, anh đã thỏa mãn chưa? Đã hài lòng chưa?”. Và anh Biền sẽ reo to: “Hay quá! Cuối cùng thì chị ta cũng bỏ đi rồi”…
Nhưng khi đứng trước anh và Quân thì Đan đã không sao nói được, chỉ chìa cho anh tờ giấy đã bị vò nhàu trong lòng bàn tay mình. Anh Biền nhận tờ giấy, không hỏi gì mà kiên nhẫn mở nó ra.
Khi lướt qua dòng chữ ngắn ngủi đó, mặt anh bỗng thần ra, ngây dại. Môi anh mấp máy, rồi buông một câu hỏi ngớ ngẩn: “Sao… Sao chị ấy lại đi?”. Rồi anh vụt bước nhanh ra xe. “Đi thôi!”. Quân và Đan cũng vội đi theo anh.
Anh Biền chạy xe về phía bờ sông, nơi mười mùa hồng thủy trước, chị Nhiên đã từ đó đến. Nhưng dòng sông đã qua mùa hồng thủy. Đã phẳng lặng, êm trôi. Không có dấu vết nào của chị Nhiên ở đó.
Cả ba người, không ai gọi tên chị, nhưng mắt xoáy sâu vào dòng nước. Như thể chị Nhiên đã trôi vào đó, và cả ba anh em đều muốn đòi chị lại. Bóng tịch dương le lói. Đan thấy trên gương mặt hai người đàn ông đều loang loáng ướt.
Đêm chị Nhiên đi. Đan ra bờ suối tìm Quân. Đan lại đặt tay mình trong tay Quân. Nhưng Quân không dắt Đan lội qua suối, mà đi trên cầu tre chị Nhiên bắc sang vườn.
Trăng cuối tháng dịu dàng, Quân kéo tay Đan, băng băng bước trong vườn. Tiếng động làm bầy chim ngủ trong tán lá giật mình bay xao xác. Quân bất ngờ đẩy Đan ngã trên thảm cỏ mềm ánh trăng.
Trăng khuya, vườn lạnh hơi sương. Khuôn mặt Quân nhòa ướt. “Vì sao anh khóc?”. Quân vùi mặt lên ngực Đan. “Anh không khóc, anh đâu có khóc…”.
… Nhà vắng chị Nhiên, tất cả đều trống trải. Anh Biền cũng trở thành người lạ. Ra ngẩn vào ngơ. Trong một cơn say, anh gọi tên chị, không biết vì thói quen, hay nỗi niềm gì khác?
Tại sao người ta thường muộn màng nhận ra rằng ta đã nhớ thương ai đó rất nhiều, khi người ấy bằng cách này hay cách khác, không còn ở bên ta nữa?
Vườn Trinh Nữ – Tác giả: Phạm Thanh Thúy
* * *
Quân không nói với Đan một lời từ giã, lẳng lặng ra khỏi xóm quê. Mùa xuân năm sau nữa, bà Mộc ốm nặng rồi qua đời, cũng không thấy Quân về chịu tang và hưởng thừa kế. Xóm quê nghèo ấy chẳng thể nào níu giữ được trái tim nhiều khát vọng của Quân.
Đan dành nhiều năm tháng đợi Quân về. Nhưng rồi Đan không đợi được. Từ lâu lắm Đan cũng đã ngờ rằng: Một ngày nào đó, có thể vườn cũng sẽ không còn.
Đan từ Hải Phòng về theo lời em trai nhắn: “Chị về đi! Nhà sắp mất rồi”.
Ngôi nhà anh Biền cho sửa lại trước kia giờ chỉ còn vợ chồng em trai Đan qua lại. Anh ở hẳn trong công ty, và cũng chẳng cưới mỹ nhân ngày nào. “Gần bốn mươi tuổi đời – anh nói – ngoảnh đầu nhìn lại, chỉ thấy sau lưng mình những cuộc tình tan vỡ”.
Dòng suối vẫn còn, vườn vẫn còn đó…
“Khu này đã được quy hoạch rồi. Một khu sinh thái gì đấy chị ạ”.
Đan vẫn như không hề chú ý đến lời em trai mình. Chỉ đứng bên này suối nhìn sang vườn với rất nhiều hoài niệm. Những mùa hoa mai, hoa mận nở trắng, xác hoa rụng, nước cuốn trôi theo dòng. Tiếng chị Nhiên cười khi hái trái. Đêm chị Nhiên đi, Đan đã thuộc về Quân một đời thiếu nữ.
Chị Nhiên về với bố mẹ chị, và chị cũng đã đi lấy chồng. Hằng năm, vào ngày gỗ ba Đan, chị có trở lại vườn xưa.
“Hay thật. Có những người đã đi là chẳng thèm nhìn lại”. Đan thầm nghĩ khi đặt chân xuống suối để sang vườn.
Vườn hiện ra trước mắt Đan. Những gốc cây cũ già và cỏ ken dày. Cả khu vườn phủ một thứ cỏ có những bông hoa tim tím, gọi tên là Trinh nữ.
7/2008
Tác giả: Phạm Thanh Thuý – Người thực hiện: Hùng Sơn

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *