Bài nổi bật

Hương rừng

RadioVn.Com – Hùng cho trồng cây ổi ấy ngay góc trước cửa nhà. Quả thật là một cái cây đẹp hiếm có. Thân to xù xì lồi lõm nhưng láng bóng một màu nâu pha vàng. Cành lá đã được uốn tỉa công phu, tạo thành một cái dáng cây cổ kính khá đẹp. Đang là mùa xuân, những búp lá trổ ra xanh mơ mát mắt. Hùng ngắt một chiếc lá non rồi vò nhẹ, đưa lên mũi ngửi. Một mùi thơm dịu dàng tỏa ra. Hùng chợt thấy mùi thơm ấy rất quen, như từ trong ký ức dội về.

Hùng về nhà mới, trong khu đô thị Hoàng Long.
Hưởng, phó của Hùng đến chơi, lăng xăng ngắm nghía một lượt, rồi nói: “Công nhận là ngôi nhà của sếp quá đẹp, hoàn hảo từ kiến trúc cho đến phong thủy. Nhưng mà còn thiếu một thứ, ngày mai em mang đến thì anh sẽ thấy hoàn chỉnh ngay”.
Thật ra thì Hùng cũng không quan tâm và có hiểu biết gì lắm về nhà cửa. Mọi việc là do ở Hằng, vợ Hùng lo liệu cả. Hồi mới cưới nhau, được cơ quan phân cho gian nhà tập thể hơn mười mét vuông, rồi lần lần xoay xở thế nào đấy, mua được mấy chục mét vuông đất trong ngõ, xây cái nhà hai tầng, tưởng như đã là đỉnh cao của sự thỏa mãn rồi. Thế mà mươi năm sau, Hằng lại bảo mua đất, xây nhà ở khu đô thị mới đẹp nhất tỉnh. Hùng lo lắng hỏi vợ: “Tiền ở đâu ra mà mua em?”. “Tiền ở cái ghế trưởng phòng sở của anh ra đấy”. Hùng biết vợ đùa. Nàng là con gái Kinh Bắc, nổi tiếng đảm đang, tháo vát, buôn bán giỏi. Cái ghế trưởng phòng sở của Hùng, chẳng qua chỉ để giải quyết khâu oai là chính, còn bổng lộc thì có đáng là bao để mà mua đất, làm nhà.
Sáng hôm sau, vừa mở cửa, Hùng đã thấy một cái xe tải có gắn theo cần cẩu đỗ trước nhà. Hưởng oang oang: “Nhân dịp anh chị về nhà mới, thằng em biếu một cái cây cảnh của quê mình để anh luôn nhớ đến quê hương: cây ổi. Anh ạ, em không biếu anh sanh, si hay lộc vừng để trong nhà là có ý. Cây mà không ra hoa kết trái rất vô vị. Trồng cây là mong đến ngày hái quả. Cái cây ổi này là giống ổi găng trên sườn núi Thiên Thai quê mình, em đặt mua và thuê thợ chăm sóc, uốn tỉa đã lâu, nay đem biếu anh”.
Hùng cho trồng cây ổi ấy ngay góc trước cửa nhà. Quả thật là một cái cây đẹp hiếm có. Thân to xù xì lồi lõm nhưng láng bóng một màu nâu pha vàng. Cành lá đã được uốn tỉa công phu, tạo thành một cái dáng cây cổ kính khá đẹp. Đang là mùa xuân, những búp lá trổ ra xanh mơ mát mắt. Hùng ngắt một chiếc lá non rồi vò nhẹ, đưa lên mũi ngửi. Một mùi thơm dịu dàng tỏa ra. Hùng chợt thấy mùi thơm ấy rất quen, như từ trong ký ức dội về.
*
Hùng nhập ngũ tháng 9/1982.
Lúc nhập ngũ, Hùng đã hơn hai mươi. Là vì ở nhà ôn thi đại học hai năm liền không đỗ. Huấn luyện xong, về đại đội hai mươi nhăm, trung đoàn năm mốt, trên mạn Tân Sơn. Mới ngoài hai mươi, nhưng khuôn mặt Hùng nhàu nhĩ, nom rất cũ. Chắc là do mấy năm ở nhà ngày đi cày, tối đọc sách, quyết tâm thi đỗ đại học để đổi đời. Thế rồi chả nên công quả gì. Suy nghĩ nhiều. Buồn. Già trước tuổi.
Đại đội của Hùng đóng quân độc lập ở một quả đồi nhỏ. Trên ấy có rất nhiều loài cây mọc lúp xúp. Nhiều nhất là ổi. Mọc thành cả một rừng. Rừng ổi. Giống ổi ở trên đồi ấy gần như giống ổi găng ở dưới quê, nhưng nó ít cùi hơn, và rất thơm. Mùa ổi chín, cả quả đồi trắng xóa những quả tròn to bằng quả bóng bàn, treo trên những cành cây chỉ cách mặt đồi tầm hai mét trở xuống. Đặc biệt, hương thơm của giống ổi đồi này thật nồng nàn. Nhiều đêm, khi ổi chín rộ, Hùng chỉ cần hít một hơi sâu, là như cả người đã tràn ngập mùi ổi chín đến tận chân tơ kẽ tóc. Thế nhưng, dù chín nẫu, vị của những quả ổi rừng ấy vẫn rất dở, chát xít. Có lẽ là do mọc ở trên đồi, thiếu nước, nên dù chín chất chát vẫn không chuyển được hết thành chất ngọt. Lúc đói quá lính tráng cũng chỉ dám bẻ đôi quả ổi, gặm lấy cái phần ruột ngọt ở giữa rồi thôi. Hồi mới chuyển quân lên vùng này, nhìn thấy đồi ổi chín trắng, lính tráng đang đói khát, nhảy lên đồi chén căng rốn. Vài hôm sau, bụng thằng nào thằng nấy căng như cái trống, đau quặn mà không sao xả ra được. Đau quá, nhiều thằng khóc rống lên ở nhà xí. Rốt cuộc, phải lôi nhau cả đám sang bên bệnh xá trung đoàn, tháo thụt mới giải quyết được. Từ đấy, lính đại đội Hùng rất sợ ăn ổi, chỉ ngửi.
 

Minh họa: Phạm Minh Hải.

 
Ở quả đồi bên cạnh là một đội công nhân lâm nghiệp chuyên trồng rừng. Đội này chắc đã ở đây lâu năm nên trông cơ ngơi khá chính quy. Có hẳn một tòa nhà khá to xây gạch, lợp ngói làm văn phòng trên đỉnh đồi. Dần xuống phía dưới là những dãy nhà gỗ, lợp cỏ tranh, nhưng khá chắc chắn, nơi ở của công nhân và gia đình. Dân địa phương nói, họ ở từ lúc xung quanh toàn rừng già. Chặt hết cây rồi, núi hóa đồi trọc thì họ lại được giao đi trồng rừng. Hùng cứ thấy luẩn quẩn sao đấy, không hiểu nổi. Phá rừng rồi lại đi trồng rừng. Sự đời, phá bao giờ cũng nhanh hơn xây. Thế cho nên chị em công nhân ở đội lâm nghiệp bao năm nay, ngày nào cũng cần mẫn vác cuốc vác thuổng vào rừng, nhưng mãi chả thấy cây mọc lại. Mà công việc lính tráng của bọn Hùng cũng vậy, luẩn quẩn sao đấy. Hàng ngày vác những thanh bê tông nặng hai mươi ki lô gam lên chốt, để xây dựng phòng tuyến. Mà Hùng đọc báo quân đội lại thấy viết, tên lửa siêu thanh, có thể bắn một phát trúng ngay tổ chấy, cách mấy trăm mấy nghìn cây số. Thế thì xây dựng chốt để làm gì. Nhưng mà nhiệm vụ thì cứ phải làm thôi. Nước sông công lính mà lại. Ai tính toán gì.
Giữa đơn vị bộ đội và đội công nhân lâm nghiệp cách nhau một cái đập nước ngắn, nối giữa hai quả đồi. Cái đập này chặn một nhánh nhỏ tách ra của dòng suối khá lớn chảy phía sau, tạo thành một cái hồ để lấy nước sinh hoạt. Còn tắm giặt thì cả công nhân và bộ đội đều ra con suối sau đồi. Một con suối khá rộng, nếu vào mùa lũ, gặp hôm mưa to, nước tràn lên hai bên, biến thành một con sông hung dữ. Chảy cuồn cuộn, sủi bọt, đục ngầu. Lúc ấy, đến cả voi xuống cũng bị cuốn phăng chứ đừng nói là người. Nhưng phần lớn thời gian, con suối không tên ấy là một thắng cảnh đẹp mê hồn mà Hùng chưa từng gặp ở đâu. Một đoạn lòng suối rộng cỡ như sân bóng đá trung đoàn, dài khoảng gần cây số lổm ngổm, la liệt những tảng đá gan gà khổng lồ, đủ mọi hình thù. Có tảng bị nước chảy lâu năm, bào mòn phẳng lì như cái phản. Rất nhiều hòn to như cái bồ thóc dưới xuôi nhưng mà lại tròn lông lốc. Nước chảy len dưới những tảng đá ấy thành rất nhiều dòng quấn quýt. Dưới dòng nước là vô số những sỏi cuội đủ màu, tròn xoe, sáng bóng. Thỉnh thoảng, lại có một vụng nước sâu như một cái ao làng, chắc là do con nước lũ thúc mạnh vào lòng suối tạo nên. Trên bờ, rồi lan ra cả những gò đất đá cao trong lòng suối, những cây doi dại mọc xen với những đám trúc đào hoa đỏ hoa vàng rực rỡ. Vô tình tạo nên những góc khuất, như là những bức bình phong thiên nhiên, để chị em công nhân lâm trường, sau một ngày lội rừng, tha hồ tắm táp thư giãn. Bên lâm trường có rất nhiều nữ. Hơn năm mươi người có đúng ba mống đàn ông là tay đội trưởng, tay thủ kho và một tay công nhân bị tai nạn cụt chân, làm bảo vệ.
Đội lâm nghiệp có đến hơn năm mươi phụ nữ, nhưng đều không có chồng. Có lẽ là do họ bị đặt ở một khu vực hết sức hoang vắng thời ấy. Muốn về xuôi, chỉ có mỗi cách đi bộ ba mươi cây số đường rừng ra ga Đồng Mỏ. Xung quanh cũng có dân ở lưa thưa, nhưng toàn người dân tộc. Tiếng nói, phong tục tập quán khác hẳn, nên cũng khó mà bén duyên. Thực ra, mới đầu cũng có khá đông nam công nhân trong đội. Nhưng rồi, lớp thì đi bộ đội, lớp thì chặt hết cây rồi chuyển đi nơi khác. Thế nên cuối cùng chỉ còn lại chị em nữ và vài tay đàn ông là cán bộ khung. Khi đại đội của Hùng đổ quân, lập doanh trại ở đồi bên này, chị em bên lâm trường chứa chan hy vọng. Quả thật là chỉ vài ngày sau, hai bên đã thắm thiết như cá với nước. Chiều đến, hết giờ tập luyện hay lao động, từng tốp bộ đội la cà sang đội lâm trường mua rượu mua thuốc. Bên ấy, nhiều chị em tranh thủ cất hàng ngoài chợ về bán thêm. Mỗi năm hai kỳ, vào dịp được phát quân trang thì lính tráng có anh lại sang đổi lấy gà chó để cải thiện. Một bộ quần áo dài, một con chó. Một cái chăn dạ, một con chó. Một đôi giày vải, một con gà… Mấy thằng lính trơn như Hùng thì cũng chả có gì nhiều mà đổi chác. Nhiều buổi tối cả bọn chỉ kéo nhau sang la cà các phòng tán gẫu, nhận đồng hương đồng khói vu vơ. Một lần đi chơi như thế, Hùng vào phòng mẹ con Lan chơi.
Năm ấy, Lan mới chỉ khoảng hăm hai hăm ba tuổi, tầm tuổi Hùng. Nhưng nàng đã có hai con trai. Nhìn hai đứa con, một đứa hai tuổi, một đứa bốn tuổi lăn lóc ôm nhau ngủ trên cái giường một, Hùng hỏi: “Bố chúng nó đi đâu?”. “Bố cháu đi bộ đội anh ạ”. Vừa nói, Lan vừa liếc mắt nhìn Hùng như có chút gì tinh nghịch. Lúc đó, Hùng cũng không nhận ra. Mấy hôm sau, lúc ngồi uống nước chè với tay đội trưởng, Hùng mới biết là Lan không có chồng. Đứa con đầu tiên, là con của tay công nhân đốn gỗ cùng quê. Chửa ba tháng, chưa kịp về báo cáo hai nhà dưới xuôi thì tay công nhân bị gỗ đè chết trên rừng. Lan phải nuôi con một mình. Nhưng chả hiểu ra làm sao mà mấy năm sau lại tòi ra đứa nữa. Ở đội lâm trường, có cả hàng mấy chục cô quá lứa nhỡ thì, tự kiếm đứa con để nuôi, lấy chỗ dựa dẫm lúc tuổi già. Nên việc Lan có thêm đứa con, mọi người chỉ bảo đẻ thêm làm gì cho khổ, một mình nuôi một đứa vẫn chưa đủ khốn nạn hay sao. Nhưng Lan bảo đã mang tiếng thì đẻ luôn hai đứa, sau này chúng nó có anh có em. Nhưng mà nuôi đôi trẻ ở cái thời ấy vất vả lắm. Chỉ chòng chọc mỗi đồng lương công nhân lâm nghiệp của mẹ và cái sổ gạo hai mươi mốt cân. Lan phải làm thêm đủ cách. Từ tranh thủ vào rừng bòn mót lâm sản, nấu rượu sắn bằng men lá của người dân tộc. Rồi buôn bán đổi chác linh tinh. Lan tìm mọi cách để con có cơm ăn. Hàng xóm nói, nhiều hôm nghe mẹ con nhà nó cạo nồi sồn sột mà xót hết ruột. Thân với Lan, Hùng cũng chẳng có gì nhiều để mà đỡ đần ba mẹ con. Phụ cấp hạ sĩ có đáng gì đâu. Lan biết thế. Nhiều đêm, nằm bên nhau trên mấy tấm gỗ kê làm giường, Lan rướn tấm thân gầy guộc sát vào người Hùng, thì thào: “Chỉ cần hàng đêm, anh vào ôm em một lát là em cũng thấy hạnh phúc rồi”. Đêm nào đến giờ ngủ, đại đội trưởng ra lệnh “trật tự, đi ngủ” là lính tráng buông màn, tắt đèn rồi leo lên sạp nằm. Mươi phút sau, tất cả đã yên lặng. Mấy chú lính trẻ đã bắt đầu ngáy. Hùng và mấy tay có chỗ đi lại bên đội lâm trường nhẹ nhàng hé vách liếp chui ra, chạy vào đêm. Hùng vẫn vào với Lan như thế. Cũng không hiểu sao Hùng lại thích Lan. Hùng là trai chưa vợ. Còn Lan, một nách hai con, gầy tong teo. Mỗi lúc xiết chặt thân thể Lan, tiếng xương trong người Lan lạo xạo, răng rắc, như muốn gẫy. Có lẽ, tại Hùng thích đôi mắt của Lan, to, tròn, đen và sâu thẳm, ướt át. Có đêm, Lan rúc đầu trong ngực Hùng, bảo: “Hay là em tháo vòng đẻ với anh một đứa con làm kỷ niệm”. Hùng tát nhẹ dịu dàng lên má Lan: “Thôi xin mình, nuôi hai đứa còn sắp teo hết cả rồi lại còn đòi đẻ thêm”. Mà quả thật, ôm Lan trong lòng, Hùng cũng vẫn thấy xót xa cho Lan. Vuốt ve mãi, cũng chỉ thấy ngực nhoi lên một tí, còn chỉ thấy xương sườn. Mà làm sao chả gầy, mấy hôm nay cuối tháng, hết gạo rồi. Trưa nay, rẽ qua cho gói bột canh xin được của thằng đồng hương làm quản lý tiểu đoàn hai, thấy ba mẹ con ngồi ăn cháo bí đỏ và khoai luộc. Đêm nằm vuốt ve thân thể gầy guộc của Lan, nghe rõ cả tiếng bụng nàng sôi lọc xọc vì đói, Hùng ứa nước mắt, nhìn chong chong vào đêm. Bàn tay đang ngó ngoáy trên bộ ngực lép kẹp của Lan tự nhiên bất động. Rồi đột nhiên, Hùng vùng ngồi dậy, ghé thầm vào tai Lan: “Đợi anh một lát”.
*
Kể từ hôm về nhà mới, buổi sáng, ra khoảng sân nhỏ trước nhà vặn vòi tưới cây ổi mới trồng, Hùng hay nghĩ về cái rừng ổi nơi đóng quân khi xưa. Kể từ khi ra quân, Hùng đã tự thề với lòng mình là sẽ đào sâu, chôn chặt cái quãng đời khốn khổ ấy. Thế mà thằng Hưởng, không hiểu sao lại đem biếu cây ổi núi ở quê. Hàng ngày nhìn cây ổi, Hùng cứ có cảm tưởng gai gai người sao đó. Nhưng mà Hằng, vợ Hùng lại rất thích, nàng líu lo, cây là phải đơm hoa kết trái, quả hái phải đem mật ngọt cho đời, còn không, chỉ là thứ vô dụng.
Quê Hùng gần ngay chân núi Thiên Thai, cũng là quê Hưởng, phó của Hùng. Ở vùng chân núi Thiên Thai, có ba loại quả rất thơm và ngọt: mít, thị và ổi. Ngày bé vào phiên chợ Núi, đúng mùa, thế nào mẹ Hùng khi tan chợ về, cũng mua cho anh em Hùng, khi thì miếng mít ngọt lừ, khi thì mấy quả thị vàng rộm, thơm nức. Nhưng Hùng thích nhất là những quả ổi găng, chín trắng, mềm sụn, thơm ngọt như thấm từng kẽ răng lúc cắn.
*
…Khoảng hai giờ sáng.
Hùng mò từ bên lâm trường về doanh trại. Hùng nhẹ nhàng lên nhà đại đội, dỡ liếp cửa chui vào phòng trực ban phía đầu hồi bên kia. Ở đấy, có một bao gạo ba mươi cân, tiêu chuẩn ăn sáng của cả đại đội. Đơn vị Hùng không bố trí nấu bếp chuyên nghiệp mà quay vòng ba thằng một tuần. Tốp nào đến lượt trực ban nấu ăn thì lên ngủ tại nhà đại đội. Nhận lương thực, thực phẩm từ kho của quản lý rồi nấu ăn. Hôm ấy là kíp trực của Luân, một thằng lính trẻ nổi tiếng ngoan nhất đại đội và hai thằng nữa. Tối, nhận gạo ăn sáng xong, hai thằng bạn thì thầm bảo Luân ngủ trông một mình rồi lẻn vào lâm trường. Sau đấy lại thành ra chứng cứ để chúng cãi bay trách nhiệm. Hùng vác bao gạo ba mươi cân, không đi lối đập nước mà vòng sau đồi vào phòng mẹ con Lan. Trút gạo vào thùng xong, Hùng gói chặt cái bao tải gai vào hòn đá to rồi ra ném xuống chỗ hõm sâu của con suối. Tắm qua cho sạch sẽ rồi quay lại phòng ôm Lan. Sáng sớm hôm sau trước lúc chạy về đơn vị, Hùng chỉ bảo Lan: “Chỗ gạo ấy, anh xin được của thằng bạn làm quản lý ở tiểu đoàn hai. Em nấu cho bọn trẻ ăn. Đừng nói gì với ai nhé”.
Chuyện mất gạo ồn ào cả lên, bên lâm trường cũng biết. Luân bị đại đội bắt làm kiểm điểm, phải nhận trách nhiệm đền bù, nếu không sẽ giải lên cảnh vệ trung đoàn xử lý. Lúc ấy gạo là một thứ tài sản quan trọng. Nhưng cũng chả tìm được chứng cớ rõ ràng, và từ xưa đến nay, Luân vẫn có tiếng là thằng ngoan nhất đơn vị. Thế nên, lính cả đại đội dự họp kiểm điểm Luân tối ấy, đều biểu quyết yêu cầu không báo cáo trung đoàn, mà cả đại đội sẽ góp dần vào trả với Luân. Đến đêm, Hùng vào, Lan cũng chả nói gì. Lan nằm gối đầu lên ngực Hùng, một dòng nước ấm nóng từ mắt nàng âm thầm chảy xuống lồng ngực Hùng. Tuyệt nhiên, Lan không bao giờ nhắc đến chuyện ấy, dù nàng thừa biết chỗ gạo ấy từ đâu ra. Nàng còn phải nuôi hai đứa con.
Thật sự thì Hùng cũng chẳng nhớ là mình đến với Lan thế nào. Có lẽ là cái hôm đầu tháng, có phụ cấp, Hùng và Luân rủ nhau vào phòng Lan mua rượu uống với lạc rang. Ở đơn vị, Hùng và Luân khá thân, vì lẽ Hùng là lính già, sắp ra quân. Còn Luân, là lính mới trẻ măng vừa về đơn vị. Đai đội trưởng bảo cho Luân về tiểu đội Hùng, giao cho lính cũ kèm cặp lính mới. Hôm ấy, rượu quá đà, Hùng say quá, lăn luôn ra phòng Lan ngủ, còn Luân cố lần về đến doanh trại. Đêm, lúc tỉnh rượu, thấy đã ôm Lan tự lúc nào, hay là Lan ôm Hùng trước thì cũng không rõ nữa. Nhưng mà, từ hôm ấy trở đi, Hùng mặc nhiên trở thành người thân của Lan. Họ âu yếm nhau tự nhiên như là một nhu cầu của những người cô đơn. Họ cũng chả nói với nhau những lời yêu đương hay hứa hẹn. Bởi cả hai đều hiểu rằng có một khoảng cách giữa họ thật khó san lấp. Lúc ấy thực ra họ cũng chả suy nghĩ nhiều. Cứ mặc kệ. Cứ ôm nhau. Cứ làm tình với nhau. Như là một niềm an ủi mà thôi.
Đến lúc Hùng nhận quyết định ra quân, Lan cũng chả nói gì. Nàng đón nhận cái tin ấy như là một điều tất nhiên. Số gạo thanh toán chế độ dở tháng, Hùng để lại góp trả đại đội với Luân. Tiền phụ cấp ra quân, rồi quần áo, tư trang, Hùng để lại hết chỗ Lan, bảo: “Cái gì em dùng được thì dùng để đi rừng. Cái gì không dùng thì đổi cho đồng bào dân tộc lấy gạo cho trẻ con. Anh về xuôi rồi sẽ tin lên cho em”. Hùng chỉ giữ lại số tiền đủ để mua vé tàu xuôi và một cái ba lô đựng giấy tờ. Đêm hôm ấy, Hùng ngủ ở chỗ Lan. Sáng hôm sau, Hùng đi bộ ra ga sớm. Đấy là đêm đầu tiên, họ được nằm ôm nhau thoải mái mà không lo sợ tiếng còi tiếng kẻng báo động bên đơn vị có thể vang lên bất cứ lúc nào. Nhưng đêm ấy, họ không làm tình. Chỉ nằm ôm nhau trong yên lặng. Thân thể gầy guộc của Lan cứ rung lên không dứt trong vòng tay của Hùng. Nước mắt nàng chảy cả đêm, ướt đẫm vai áo lính. Lúc ngồi trên tàu về xuôi, Hùng cứ úp mặt vào bên tay áo mà cả đêm qua Lan gối, hít hà, rồi có lúc bật khóc khe khẽ.
Về đến nhà, Hùng lao ngay vào ôn thi đại học. Hùng quyết quên hết để tập trung học hành. Bài học thi trượt ba lần và gần bốn năm quân ngũ gian lao, Hùng đã quá thấm. Thế rồi đỗ. Rồi đi học. Ra trường đi làm, lấy vợ, sinh con. Vợ Hùng là một cô gái xinh đẹp người thị xã, rất yêu và chiều Hùng. Câu chuyện tình thuở lính tráng tự nhiên lùi vào dĩ vãng xa xăm. Hùng hầu như không còn nhớ gì nữa.
*
Cây ổi mà tay phó của Hùng tặng trong khi đang phải ở trên sườn núi đá ong khô cằn, nên từ ngày trồng dưới này, hình như hợp đất, rất xanh tốt. Đã lâu, Hùng cũng chả tưới tắm gì nữa, cây to, khi đã bén rễ thì tự nó sẽ lên thôi, mỗi năm chỉ cần bổ sung chất dinh dưỡng NPK một hai lần là đủ. Cây ổi đã ra tán rợp bóng trước hiên nhà.
Một buổi sớm ngày nghỉ, Hùng dậy mở cửa, định đi bộ vài vòng quanh khu đô thị mới cho sảng khoái. Ra đến sân, bỗng một mùi thơm sực nức, ngọt ngào của ổi chín tràn ngập không gian quanh nhà. Trên cây, những quả ổi chín như phủ tràn trùm hết tán cây một màu trắng ngà mỡ màng. Không khí buổi sớm thật trong lành, Hùng hít một hơi thật sâu vào phổi. Cái mùi ổi chín dịu ngọt từ từ thấm sâu vào tận tim óc. Chợt Hùng như lại nhìn thấy đôi mắt to, tròn, đen, và buồn thăm thẳm kinh niên của Lan. Rồi khuôn mặt bầu bĩnh gục xuống đầy cam chịu của Luân, thằng bạn đồng ngũ năm xưa ở buổi họp kiểm điểm hiện ra. Cứ như là đang ở một buổi sáng Tân Sơn năm nào, khi Hùng chạy qua rừng ổi, từ bên phòng Lan về đơn vị. Và từ đó những hình ảnh xưa lại cứ thường trực quay về, phải chăng đây là những dấu hiệu báo trước của tuổi già đang sầm sập đến sau lưng?!

Tác giả: Trần Thanh Cảnh

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *