Bài nổi bật

Tâm hồn trẻ thơ

RadioVn.Com – Chúi đầu vào cuốn Lão Tử mà Quân lại khẽ ngâm nga một câu trong Thánh kinh: “May mắn thay những kẻ có lòng thanh khiết vì chúng thấy Thượng Đế”. Quân lại quay sang tôi, khẽ cất giọng du dương:
    – “Ta nói các ngươi biết sự thực nếu các ngươi không trở về lại như những đứa trẻ thơ thì các ngươi sẽ không vào được Thiên Đường. Kẻ nào tự nhỏ đi như những đứa trẻ thơ kia, chính là kẻ ấy sẽ lớn nhất ở Thiên Đường”. Thánh kinh nói vậy đấy. Còn Lão Tử nói gì? Chà, Đông hay Tây đều có chung quan niệm. Thu xem đây này, Lão Tử nói con người cần phải trở về trạng thái hồn nhiên mộc mạc trong trắng chưa bị vật dục khuấy động, tâm hồn của một đồng tử.
    – Bây giờ Quân mới biết điều đó, còn Thu đã biết từ lâu. Thu còn biết ngoài  Lão Tử, Mạnh Tử cũng có một quan niệm tương tự gọi là Xích tử chi tâm, tức tâm hồn trong trắng của một đứa trẻ sơ sinh. Đứa trẻ sơ sinh có tâm hồn trong trắng không có gì lạ. Nhưng một người trưởng thành mà không lấm bụi trần, vẫn mang tấm lòng của một đứa trẻ thì Thu đã thấy rồi. Chết, thầy xuống tới kìa!
    Tôi vừa dứt lời, thầy đã đứng trước mặt hai đứa, nhìn chăm chăm vào cuốn sách dưới gầm bàn rồi nhìn Quân. Quân không thể không chìa quyển sách ra.
    – Chàng trai trẻ. Tư tưởng của Lão Tử cũng đáng biết lắm, nhưng ngoài kia có một bệnh nhân đang chờ. Cấp cứu cho người ta xong rồi hãy trò chuyện cùng Lão Tử.
Tâm hồn trẻ thơ

    Cả đám quay mặt nhìn ra ngoài giảng đường rồi cười xoà. Thầy chỉ ẩn dụ thôi chứ có bệnh nhân nào ở chốn này. Nhưng cảnh bệnh nhân chờ khám bệnh ở bệnh viện thì sáng nào mà chúng tôi không nhìn thấy, đến nỗi có khi quá mệt mỏi tôi phải thầm kêu lên: “Sao, cả đời mình phải chứng kiến mãi cảnh này sao?”. Nhưng khi về nhà nhìn thấy Đông, tôi lại muốn trở lại bệnh viện, trở về giảng đường, về phòng thí nghiệm, về thư viện để học hỏi như điên, đọc như điên, khát khao được trả lời câu hỏi dày vò lòng tôi suốt bao năm qua: “ Vì sao em lại thế?”.
    Thầy trở lên bục giảng tiếp tục bài giảng của mình.
    – Khi mới ra đời, thuốc này được xem là thần dược. Mệt mệt một chút, dùng nó là khoẻ ngay. Gầy yếu quá, chích một liều là người trở nên to béo phương phi. Thậm chí người xấu cũng có thể biến thành đẹp với làn da căng bóng mịn màn như con gái mười sáu. Mãi đến bây giờ có bác sĩ vẫn xem nó là độc chiêu của riêng mình. Độc chiêu vì đã có rất nhiều người không dám dùng nhưng mình vẫn thừa can đảm và thiếu lương tâm để dùng. Nó từng cứu sống hàng triệu người trên thế giới, nhưng bây giờ chỉ được người ta nghĩ đến khi không còn cách lựa chọn nào khác, khi không còn thuốc nào khác. Nó không gây tác hại ngay mà từ từ một cách không ai hay biết cứ như nó không phải là thủ phạm mà là do bệnh tự nhiên nào khác. Có khi nó gây tác hại rất mạnh ngay ở liều đầu tiên, nhưng không phải ai cũng bị mà trong hàng triệu người mới có một. Các em có biết tác hại đó là gì không? Đó chính là làm ngừng phát triển ở những đứa trẻ vị thành niên. Như thầy nói khi nãy, tác dụng phụ chỉ xuất hiện ở một tỷ lệ rất thấp nhưng không phải vì thế mà ta tự cho phép mình sử dụng một cách tuỳ tiện với câu nói:  “ Ôi, cả triệu người mới có một, chắc gì nó xảy ra với bệnh nhân của mình”. Dù sao thì…
    Tôi đứng bật dậy, tim đập loạn xạ, đầu óc quay cuồng với bao câu hỏi chợt loé sáng trong đầu tôi.
    – Dạ, thầy có thể giảng lại kỹ một chút không ạ?
    – Chỗ nào?
    – Dạ, chỗ ngừng phát triển.
    – À, thuốc này nó tác động lên tuyến thượng thận, có khả năng ức chế hormon tăng trưởng làm những em bé vị thành niên bị ngừng phát triển, cứ bé hoài như thế. Kìa, sao mặt em xanh mét vậy.
    Tôi ngồi bệch xuống ghế. Mọi thứ trước mặt tôi nhoà đi, cả gương mặt phúc hậu của thầy, cả đám bạn lao nhao nhìn tôi, cả ánh mắt lo lắng của Quân. Tôi chỉ thấy đôi mắt tròn xoe ngây thơ của Đông nhìn tôi, nụ cười mãi mãi hồn nhiên.
Tan học, tôi vẫn ngồi lại giảng đường, miên man nhìn lên hình vẽ của thầy trên bảng mà thật sự không suy nghĩ được điều gì. Quân vẫn kiên nhẫn chờ tôi. Tôi lí nhí:
    – Quân có bao giờ biết mấy lần Quân đòi đến thăm nhà Thu mà Thu không đồng ý‎không?
    – Làm sao Quân biết được.
    – Bây giờ Quân có còn muốn đến không?
    Lẽ dĩ nhiên Quân lúc nào cũng muốn đến nhà tôi, bao giờ cũng muốn được công nhận là người đang chiếm giữ trái tim tôi, để cắt đứt những cái đuôi lẳng nhẳng theo tôi ở trường và cả ở bệnh viện, nơi ngay cả những bệnh nhân đang đau đớn cũng phải ngẩn người ra trước sắc đẹp của tôi. Nhưng Quân còn ngẩn người hơn trước một nhan sắc khuynh nước khuynh thành, theo cách nói của Quân, khi gặp Đông. Đông cao một mét bốn mươi centimet, mặt tựa thiên thần, chạy từ nhà ra bá lấy cổ tôi trước đôi mắt sững sờ của Quân.
    – Em chờ chị từ sáng đến giờ. Sao trưa nay không về? Dì ba lên mang trái cây nhiều vô kể. Hôm nay được một bữa ăn đã đời.
    Bữa ăn đã đời của Đông đã biến thành một bữa tiệc bàn đào mà Tề Thiên Đại Thánh chính là nó quậy phá lung tung. Nó ăn uống một cách tự nhiên như trẻ nhỏ, không, đúng hơn là như con khỉ nhỏ bóc trái này vứt trái kia, tương phản lạ lùng với gương mặt thiếu nữ đẹp tuyệt trần với đôi mắt long lanh, hàng mi cong vút.
    Nhiều ngày sau, tôi biết rõ chỉ cần tôi nhìn thẳng vào mắt Quân, sẽ đọc được sự bối rối với hàng nghìn câu hỏi.  Những câu hỏi đó biết bao người đã hỏi tôi mà bao giờ câu đầu tiên cũng là câu : « Nó bao nhiêu tuổi rồi ? ». Đông bao nhiêu tuồi rồi ? Với thân hình trẻ thơ, Đông đã cùng tôi đi qua hai mươi ba năm trên cõi đời này. Hai mươi ba  tuổi hay chín mươi ba tuổi thì nó vẫn cứ là đứa bé mười hai tuổi với gương mặt già nua theo năm tháng. Thế mới biết trường sinh bất tử cũng chỉ là hão huyền. Một người trí tuệ cứ mãi là trẻ con nhưng vẫn phải già đi, vẫn phải chết đi.
    Nhưng tôi không quan tâm đến Quân. Tôi chỉ bận tâm đến việc đi tìm bác sĩ Tuyên. Sao bây giờ tôi mới nghĩ đến vai trò của ông trong cuộc đời của Đông nhỉ ? Sao suốt mười năm qua ba mẹ tôi không bao giờ nghĩ đến ông ta mà cứ mãi đem Đông đến thầy này đến thầy khác để truy tìm căn bệnh lạ ? Tôi đã từng biết đến một thế giới những người lùn. Nơi đó có những người chỉ cao bằng một đứa trẻ nhưng gương mặt quắt queo vì tuổi tác. Đã có lúc tôi ngờ rằng tổ tiên tôi là một trong những người lùn đó và cái gen di truyền tai quái lặn từ đời kiếp nào đã trở thành gen trội ở em gái tôi. Cho đến khi những lời giảng của thầy lọt vào đầu óc lơ mơ bị phân tán vì những lời lải nhải của Quân về Lão Tử. Nhưng chỉ bao nhiêu đó thôi đủ làm trí nhớ tôi quay trở về với những ngày xa xưa, khi Đông được mệnh danh là « Khách quí của bác sĩ Tuyên » bởi hầu như nó bệnh triền miên mà chỉ có bác sĩ Tuyên là chữa khỏi. Lúc chúng  hai chúng tôi khoảng mười tuổi, có lần về quê chơi với ngoại và dì ba, nó bệnh suốt tuần lễ đi bác sĩ nào cũng không khỏi, phải mau mau trở về để « khám bác sĩ Tuyên ». Thậm chí trước khi dẫn nó đi đâu xa, mẹ tôi  cũng đến bác sĩ Tuyên lấy thuốc mang theo dù chưa biết nó sẽ bị bệnh gì ở dọc đường. Thế mà bác sĩ Tuyên thật tài. Nhưng tài năng « bách bệnh bách trúng » của ông cũng không giúp ông giải thích được vì sao khi cả nhà tôi phát hiện con bé Thu cao vọt lên, vóc dáng nở nang còn Đông vẫn cứ một mét bốn mươi, ngực lép kẹp, ngơ ngác khi mẹ hỏi « Đã thấy kinh chưa ? ».Mười năm sau con bé Thu  sắp trở thành bác sĩ chợt hiểu vì sao bác sĩ Tuyên năm xưa lại bối rối mỗi khi con bé Đông xuất hiện trước nhà ông rồi không bao lâu sau ông cũng dời nhà đi mất. Không thể giải thích gì hơn ông là người đầu tiên và duy nhất thời ấy phát hiện ra hậu quả của một chỉ định nào đó mà chỉ có một mình ông hiểu rõ. Ông chạy trốn ư ? Chạy trốn cái gì ? Luật pháp hay lương tâm ông ? Luật pháp không thể biết rõ ông đã dùng mũi thuốc tai hại ấy vào lúc nào trong suốt bao nhiêu năm trị bệnh cho con bé Đông mắc bệnh rề rề. Còn lương tâm ông ? Tôi đang tìm đây. Tìm xem nó có hiện diện trong cõi đời này không.
    Thì ra ông vẫn ở đây, ở một quận ngoại thành và thật ngạc nhiên, ông không giàu có như tôi tưởng. Ông ở sâu trong hẽm nhỏ, trong căn nhà nhỏ vắng lặng, ngược hẳn với căn nhà bề thế đông nghịt bệnh nhân còn lưu lại trong trí nhớ của tôi. Ông không nhận ra tôi nhưng lại bàng hoàng nếu không nói là hoảng hốt khi bắt gặp Đông thập thò đứng sau lưng tôi. Không ai có thể quên được Đông khi đã từng gặp nó trong đời, bởi sau mười năm, hai mươi năm, thậm chí cả trăm năm sau nếu nó còn sống, nó vẫn vóc dáng đấy, tuy gương mặt có già đi nhưng ánh mắt vẫn ngời sáng nét ngây thơ của một đứa trẻ con. Ông lắp bắp:
    – Là… là…
    – Sao ? Tôi nghênh mặt lên, nhìn thẳng vào ông không thương xót – Ông vẫn nhận ra nó sao ? Vậy ông có nhận ra tôi không ? Ông có còn nhớ hai cô bé sinh đôi đẹp nhất khu phố mình thuở ấy không ? Có người từng nói, hai chị em nó lớn lên đi thi hoa hậu chắc ban giám khảo bối rối không biết chọn ai. Ông đã giải cứu cho ban giám khảo  vì ông đã loại được một đứa ngay từ tuổi ấu thơ. Mãi mãi nó không bao giờ lớn lên để có thể tranh đua với tôi. Có cần tôi phải cám ơn ông không ?
    Người ông rũ xuống như tờ lá chuối và đột nhiên tôi thấy ông già sọm hẳn. Sao căn nhà chỉ có mình ông ? Vợ ông đâu rồi nhỉ, bà vợ to lớn có giọng nói oang oang từng là nỗi ám ảnh của tôi với bàn tay múp míp đeo đầy nhẫn. Bàn tay đó  trông có vẻ thô ráp vụng về nhưng thật sự lại hết sức nhanh nhẹn và khéo léo khi cho những viên thuốc bé tí tẹo vào những bọc ni lông. Những viên thuốc đó là thần dược của Đông và là thứ khơi gợi trí tò mò của tôi về thế giới những người mặc áo choàng trắng như thiên thần. Những vị thiên thần đó từng ngự trị trong lòng tôi suốt bao năm tháng tuổi thơ bỗng chốc sụp đổ  với hình ảnh vị bác sĩ già dường như sắp quỵ hẳn vì sức nặng của quá khứ. Con bé Đông không nhận ra vẻ mặt hằm hằm của tôi, càng không để ‎ý ông co rúm trên bộ sa lông cũ kỷ, sà xuống ngồi kế bên ông, reo vui, cứ như nó vừa chia tay với ông hôm qua :
    – A, bác Tuyên. Sao bác ở đây ? Sao bác già quá vậy?
    – Ai cũng già hết, chỉ có mình mày thôi. Nhưng không phải, mày cũng già đấy. Vài năm nữa mặt mày cũng chảy xệ như ông ta vậy dù trí óc mày vẫn cứ là đứa trẻ mười hai tuổi. Phải vậy không vị bác sĩ tài danh, bệnh nào cũng chữa khỏi? Ông hãy chữa cho nó căn bệnh do ông gây ra đi, chữa đi. Trả lại cho nó cuộc đời mà nó vốn phải có đi, một cuộc đời phơi phới như tôi vậy. Trả đi.
    Tôi gào thét lên và đột nhiên muốn quị hẳn trước cơn giận dữ của mình. Quân nắm lấy tôi lôi ra ngoài và Đông cuống quýnh chạy theo sau.
***
    “Tôi biết rõ dược tính của thuốc đó, nhưng tôi không bao giờ ngờ cái tác dụng phụ trong hàng triệu người mới có thể xảy ra cho một người lại rơi đúng vào con bé Đông mà thú thật với cậu tôi rất yêu mến cháu. Thu bảo tôi vì tiền mà bất chấp hậu quả dùng thuốc đó là không đúng. Nếu tôi cố tình,cuộc đời tôi không ra nông nỗi này. Tôi đã quen dùng thuốc với những liều mạnh, công hiệu đến nỗi nhiều khi tôi quên mất mặt trái của vấn đề. Vã lại những bệnh do thuốc gây ra, mình không kiểm chứng được. Điều đó khiến người ta nghi ngờ những khuyến cáo ghi trên tờ hướng dẫn. Thuốc này gây loét dạ dày ư? Người bị loét dạ dày do thuốc không thể biết và người bác sĩ có khi cũng không bao giờ hỏi trong quá khứ người ta dùng những loại thuốc gì. Một bác sĩ trị bệnh viêm khớp cho một người có bao giờ tự hỏi căn bệnh này do chính mình gây ra trong quá trình trị một bệnh khác cho người đó không? Hình như không. Tôi cũng vậy. Cậu học y chắc cũng rõ, có những trường hợp bất khả kháng, nếu mình không dùng thuốc đó người bệnh sẽ chết. Tôi đã từng dùng lí lẽ này để biện minh cho mình trong suốt thời gian qua, nhưng rồi tôi không thắng nổi một lí luận khác trỗi dậy từ nỗi ám ảnh dằn vặt của tôi là bệnh của con bé Đông ngày ấy không có gì nguy kịch và có thể thay bằng thuốc khác. Tôi quên phắt đi trong ngày định mệnh ấy là con bé Đông đang bước vào giai đoạn dậy thì, giai đoạn mà tác dụng phụ của thuốc ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Không còn chuyện trong triệu người mới có một nữa mà có khi cả triệu cô bé gái không bao giờ trở thành thiếu nữ. Một liều thuốc vô tâm của tôi đã cướp đi cả cuộc đời của một con người. Không phải đợi đến khi Thu nói điều đó tôi mới biết. Tôi đã bị nhấn chìm trong những dằn vặt đó suốt bao năm qua. Từ con bé Đông, tôi đã suy luận ra biết bao điều. Phòng mạch tấp nập bệnh nhân của mình ngày ấy mà người nào khi bước ra cũng thoả mãn vì bệnh hết một cách thần kỳ, có bao người phát bệnh loét dạ dày vì những viên thuốc kháng viêm của mình, có bao người sẽ bị viêm gan vì những viên Para hiền lành nhất, có bao cô bé như Đông…Riết rồi nhìn đâu tôi cũng chỉ thấy tác dụng phụ của thuốc. Tôi không dám cho bệnh nhân cả những viên thuốc bổ. Điều trị bệnh nào tôi cũng nhát tay. Tôi sa sút hẳn không chỉ ở phòng mạch mà cả ở bệnh viện. Một cuộc ly hôn. Một phòng mạch vắng teo. Những cái nhìn khó hiểu của đồng nghiệp. Một cuộc chạy trốn chính mình. Đó là cái giá tôi phải trả cho một lần sơ suất của tôi. Thu nói tôi không có lương tâm. Không có lương tâm ư? Nếu thế vì sao tôi phải bỏ ra đi để không nhìn thấy Thu lớn lên rỡ ràng xinh đẹp còn Đông cứ mãi là một người lùn bị đè nặng bởi tuổi tác? Không có lương tâm, sao từ đó đến nay tôi không thể nào thoát khỏi ánh mắt trong veo của Đông đến nỗi gần như bị bệnh trầm cảm? Không có lương tâm sao cuộc đời tôi trở nên cô độc thế này”.
    Tôi có nên tin điều ấy không khi nghe Quân kể lại những tâm sự của ông. Không hiểu sao Quân lại có vẻ cảm thông với ông, còn cùng ông đi uống cà phê, có khi ngủ hẳn ở nhà ông. Điều đó làm tôi nổi cơn tam bành cứ y như là Quân đã phản bội tôi. Ông ta đáng phải bị trừng phạt nặng hơn nữa, phải bị trả giá nhiều hơn nữa! Quân nói:
    – Thu quá tàn nhẫn!
    Câu nói khiến chúng tôi không nhìn mặt nhau đúng một tháng. Một tháng đó Quân vẫn đến nhà tôi ,vẫn bông đùa với mẹ tôi, vẫn cùng ba tôi bình luận bóng đá, vẫn chơi nhảy lò cò với Đông sau nhà, vẫn cười rạng rỡ khi bị nó bắt quả tang là đang ăn gian nó khi đánh bài cào. Sao vậy? Sao cuộc sống vẫn diễn ra như không có gì xảy ra khi tôi đã phát hiện ra nguyên nhân căn bệnh kỳ lạ của Đông, khi tôi đã tìm ra thủ phạm mà đáng lý‎ra cả nhà phải cùng tôi lục lại bằng chứng đưa hắn ra pháp luật? Tại sao với trí khôn dẫu chỉ là trí khôn của con bé mười hai tuổi, Đông cũng hiểu được vì sao nó mãi mãi là con vịt khi chị nó đã thành con thiên nga xinh đẹp. Thế mà nó vẫn lén mang đồ ăn đến nhà ông ta, còn chắc miệng bác ấy ăn uống đến là tệ, vì có ai nấu cho bác ấy ăn đâu. Có lần tôi sục sạo đi tìm nó, bắt gặp nó đang ngồi trên đùi ông ta, tay quàng sau lưng ôm lấy cổ, líu lo kể chuyện gì đó khiến ông cười ngất, nụ cười có lẽ đã biến mất trên môi ông hơn mười năm qua. Tôi lập tức lôi nó về nhà, gào thét inh ỏi khiến nó sợ hãi co rúm trong góc nhà, nước mắt đầm đìa trên má vì không hiểu mình vừa phạm tội gì. Nó không hiểu vì sao tôi gọi ông ta là con yêu râu xanh và bắt nó phải tin điều đó. Tôi còn điên tiết hơn nữa là nó cũng thường xuyên ngồi trong lòng Quân, có khi còn bắt Quân thắt bím tóc cho nó. Khi Quân về rồi, tôi đe nẹt:
    – Mày biết mày mấy tuổi không? Không bao giờ mày được ngồi như thế trong lòng bất kỳ người đàn ông nào, nghe không? Họ sẽ lợi dụng mày.
    – Lợi dụng là sao? – Đông tròn xoe mắt nhìn tôi.
    Tôi lúng túng. Một cô gái hai mươi ba tuổi sẽ không bao giờ hỏi câu hỏi đó. Nhưng một cô bé mười hai tuổi có quyền được hỏi. Tôi cáu gắt:
    – Người ta sẽ làm chuyện không tốt với mày, hiểu chưa.
    – Anh Quân sẽ là anh Hai em, sao lại không tốt với em. Sao có ai lại không tốt với em nhỉ?
    Trong mắt Đông, ai cũng là người tốt, kể cả con yêu râu xanh kia.
    Với Quân, tôi chấm dứt cuộc  chiến tranh lạnh bằng câu hỏi gắt gao:
    – Quân có biết nó bao nhiêu tuổi không?
   Quân vẫn điềm nhiên trước cơn giận dữ của tôi. Quân dẫn tôi vào nhà, ấn tôi ngồi xuống ghế. Mang cho tôi ly nước lạnh, Quân nhẹ nhàng nói:
    – Thu biết không, có một việc mà Thu không nhìn thấy. Bác sĩ Tuyên đã sắp vượt qua cơn khủng hoảng dày vò mình suốt bao năm qua, còn Thu thì sắp bước vào cơn khủng hoảng đó. Quá khứ là quá khứ, không bao giờ quay trở lại. Chỉ có hiện tại mới cứu chuộc những sai lầm trong quá khứ.
    – Quân đừng có lạc đề. Tôi không muốn nhắc đến ông ta nữa. Tôi muốn hỏi Quân có biết Đông bao nhiêu tuổi không? Nó không biết nhưng Quân phải biết,  hay Quân cũng cố tình quên để…
    – Thu có biết mình đang nói gì không? – Giọng Quân đanh lại – Thu không được xúc phạm đến người khác, càng không có quyền xúc phạm đến tôi. Thu hãy đặt vào trái tim mình tâm hồn của Đông. Tôi ngồi với Đông là đang ngồi với tuổi thơ hồn nhiên nhìn sự vật với lăng kính màu hồng của mình. Đông bao nhiêu tuổi tôi không cần biết, chỉ biết đó là đứa em gái nhỏ làm tâm hồn mình dịu bớt những căng thẳng của đời thường, làm mình thấy cuộc đời lúc nào cũng có màu xanh hy vọng, thấy đời đáng yêu hơn, đáng vị tha hơn. Nếu nó không bao giờ có thể thành người lớn, sao không cho nó mãi mãi hạnh phúc với tuổi thơ mình, tuổi thơ có mẹ yêu chiều, có anh trai cùng chơi đùa với mình, có chị gái thủ thỉ chuyện đời bằng chính tâm hồn của nó chứ không bao giờ bắt nó nhìn cuộc đời bằng những suy nghĩ khắc khe của người lớn. Nó không thành người lớn thì cũng đừng bao giờ cướp tuổi thơ của nó với hình ảnh những con yêu râu xanh, với sự xấu xa hiểm ác của người đời!
     – Nó là đứa trẻ còn người khác không phải. Cả Quân cũng không phải! –T ôi vẫn bướng bỉnh gào lên. Nghe tiếng cãi cọ của chúng tôi, mẹ Quân từ trong nhà đi ra. Trên mắt bà vẫn còn hoen nước mắt. Bà nhìn Quân :
    – Hai đứa làm gì vậy? Con cãi với mẹ cả buổi sáng này chưa đủ sao? Thu, con hay gì chưa?
    – Gì ạ? – Tôi ngơ ngác.
    – Cái thằng điên này lại sắp làm chuyện rồ dại đây. Thật uổng công bác  hy sinh cả đời cho nó- Nói xong bà lại sụt sịt khóc. Bà quay mặt về phía tôi, kể lể – Con cũng biết, ba thằng Quân mất sớm, một mình bác vất vả nuôi nó. Thế mà bây giờ sắp công thành danh toại, đùng một cái nó đòi bỏ nghề y sang học nghề khác, nói là không phù hợp. Phù hợp cái gì? Có mảnh bằng trong tay, chăm chỉ làm việc, sự nghiệp tất thành, đòi phù hợp là phù hợp cái gì? Bây giờ có cái nghề gì hơn nghề bác sĩ chứ?. Con xem lại coi có ai trên đời này phù phiếm như con không. Xem lại trên thế giới này có bà mẹ nào đau khổ như mẹ không? – Bà khóc nức nở.
     – Hôm nay con không làm thế, ngày mai mẹ càng đau khổ hơn và con cũng đau khổ hơn. Có bao giờ mẹ hỏi con muốn gì, cần gì. Thấy người ta nhao nhao học nghề y thì mẹ cũng bắt con học nghề y. Học cái gì mẹ cũng cho là phù phiếm. Có lẽ với số đông con người, cái gì ngoài danh vọng, ngoài tiền tài, đều phù phiếm cả. Thằng bé Đông Quân đã chọn nghề như thế và có lẽ mãi mãi không biết được nó muốn gì cho đến khi nó biết đến một sự kiện đau lòng khiến nó hiểu rằng, trong tay nó không chỉ là một tấm bằng, mà là con dao hai lưỡi, lật bề này nó sẽ cứu người, lật bề kia nó sẽ giết người. Và quan trọng hơn là nó còn biết được nó muốn gì, nó ước mơ gì?
    – Rốt cuộc Quân ước mơ gì? – Sốt ruột tôi chen vào – Tại sao bây giờ Thu mới biết? Quân có nghĩ đến cảm nhận của Thu không?
    – Vậy Thu có biết đến cảm nhận của Quân không? Từ ngày biết Đông, biết bác sĩ Tuyên, Quân cảm thấy hãi hùng khi nghĩ đến con đường mình sẽ đi trong suốt cuộc đời này. Từ ngày vào học đến giờ, Quân không bao giờ dám thừa nhận với mọi người về cảm giác buồn nôn mỗi khi nhìn thấy xác chết của bất cứ một sinh viên năm đầu nào cũng có. Cảm giác đó đã rời xa các bạn từ rất lâu, nhưng lại bám chặt trong đầu Quân. Quân sợ hãi khi nhìn thấy máu. Quân tởm lợm khi nhìn những vết thương hoại tử, tự cho rằng do mình không đủ tình thương với bệnh nhân. Nhưng rồi từ từ Quân nhìn thấy, Quân đủ tình thương với cả nhân loại này. Vấn đề ở chỗ Quân không yêu thích nghề bác sĩ mà thôi. Quân cũng có thể ra trường, cũng có thể đi hết cuộc đời với sự lựa chọn này mà không có gì xảy ra. Rồi Quân cũng trở thành một bác sĩ giỏi, sẽ công thành danh toại, nhưng trên đường Quân đi với trái tim vô cảm đó, Quân sẽ vứt lại bên đường những thứ gì, hay sẽ lại là những cô bé Đông mãi mãi không bao giờ thành người lớn? Nghĩ đến điều đó, Quân thực sự kinh hãi. Thầy từng dạy, làm bác sĩ nếu không cứu được bệnh nhân thì cũng đừng làm hại họ. Cái làm hại bệnh nhân nhất là sự thiếu kiến thức, sự ngu dốt. Không kể đến sự ngu dốt, sự thiếu lương tâm ở Quân nếu có, ngay cả sự hờ hững của mình cũng đủ giết chết biết bao người. Quân cứ nhớ mãi buổi sáng hôm ấy, khi Quân vùi đầu xem cuốn Lão Tử thì thầy nhắc, có một bệnh nhân chờ em kìa. Lúc nào trong đầu Quân cũng vang lên câu nói của chính mình “Có một bệnh nhân sắp chết kìa Quân, thế mà mày lãng đãng cùng Khổng Khâu, Hàn Phi Tử, có khi còn mơ màng tưởng mình đang cùng Tứ Bất Tử bay lượn khắp trời Nam đất Bắc”. Không, Quân đã sai rồi. Bây giờ nhận ra mình sai thì đã mất năm năm. Nhưng tiếc năm năm hữu hạn đó để đổi lấy một cuộc đời vô nghĩa dài vô hạn, đổi lấy những sai lầm tiếp theo, quả thật không đáng. Mẹ trách con, con xin chịu. Thu trách Quân, Quân xin chịu.
     – Làm sao Thu lại trách Quân.
     – Vì…vì..- Quân ngập ngừng rồi nhìn tôi với ánh mắt vừa buồn bã vừa như muốn kiếm tìm điều gì đó trong mắt tôi- vì…vì…- Quân khó nhọc nói – Vì phải để Thu chờ đợi lâu.
    Tôi nhìn sửng Quân. Cảm giác giận dữ bắt đầu len lỏi dần đến tận trái tim tôi. Tôi cảm thấy chua chát khi nhận ra tôi là người sau cùng biết quyết định động trời của Quân mà phải làm người duy nhất cảm thông và hy sinh trong chờ đợi. Tôi từng vẽ ra tương lai đẹp đẽ với đám cưới linh đình sau ngày hai đứa đăng khoa rồi chỉ một hai năm sau những đứa con sẽ lần lượt ra đời. Chúng tôi sẽ xây nhà, sẽ đi tu nghiệp, sẽ rỡ ràng là hai vị bác sĩ trẻ tài năng. Thế mà đùng một cái, đám cưới phải dừng lại, con người phù du kia lại trở thành một tân sinh viên mới toanh của một trường đại học nào đó chuyên nghiên cứu về văn hóa. Ấy vậy mà kẻ ấy còn dám tự so sánh mình với Lỗ Tấn, dám từ bỏ nghề y để trở thành nhà văn. Lỗ Tấn vì dân tộc mình, còn hắn vì cái gì? Chỉ vì sự ngông cuồng của mình và sự sợ hãi trên đời này sẽ có thêm những cô bé Đông?. Hắn nghĩ đến ai khác chứ có nghĩ gì đến tôi đâu, lại còn hết sức tự tin không hề hỏi xem tôi có định chờ hắn không, cứ như tôi không thể có sự chọn lựa nào khác, cứ như trên cõi đời này không có hắn thì tôi không thể nào sống nổi.Cuồn cuộn với ý nghĩ ấy, tôi hất mặt lên, nói rõ ràng rành mạch, cốt cho cả bà mẹ cùng nghe:
    – Căn cứ vào cái gì Quân nghĩ Thu sẽ chờ Quân?
    – Chẳng phải..chẳng phải…- Quân lắp bắp
    – Chẳng phải cái gì? Chẳng phải Thu từng ước hẹn với Quân rồi sao? Phải Quân muốn nói như thế đấy? Nhưng Thu đã ước hẹn với ai? Thu đã ước hẹn với một Quân cùng Thu bên nhau suốt bao năm ở giảng đường, ước hẹn với một Quân sẽ là một bác sĩ giỏi, có tiếng tăm, có địa vị, chứ chưa hề ước hẹn với một Quân lông bông với những ước mơ viễn vông không có thật.
    Sau phút giây sững sờ, Quân nhìn tôi thật lâu rồi chậm rãi nói:
    – Quân hiểu rồi. Vậy chính thức hôm nay chúng ta sẽ chia tay tại đây, có mẹ làm chứng.
Câu nói thật rành rọt khiến bà mẹ ngưng cả khóc, ngơ ngác nhìn. Tuy tôi nói vậy, nhưng tôi cũng hết sức bất ngờ trước lời tuyên bố đó. Điều tôi mong đợi sau lời nói của tôi là gì, là sự thay đổi của Quân, là sự hy sinh tất cả cho một tình yêu bất diệt. Quân sẽ từ bỏ hết mọi thứ chỉ để vì tôi, vì một hoa khôi mà Quân đã theo đuổi bao năm dài. Trước đây, Quân luôn chìu theo mọi ước muốn của tôi. Chỉ cần nghĩ đến đám cưới ắt hẳn Quân sẽ không đành lòng làm thế. Từ ngày quen Quân, tôi bao giờ cũng nghĩ, nếu phải nói lời chia tay thì phải là tôi nói chứ không phải là Quân.
    Bà mẹ bụm lấy miệng con trai:
    – Con nói điên khùng gì thế? Chuyện này có thể tính lại.
    – Con nghĩ là không cần tính lại – Tôi mím môi, cố ngăn dòng nước mắt sắp chực trào ra – Con chấp nhận lời đề nghị ấy.
    Tôi chạy ra đường. Tôi về nhà vùi đầu vào gối nhưng nhất định vẫn không để rơi ra một giọt nước mắt nào. Việc gì tôi phải khóc. Còn biết bao con người sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời cho tôi, sẵn sàng từ bỏ tất cả cho tôi. Một cô gái vừa có trí tuệ vừa có sắc đẹp không phải là nhiều trên đời này. Đông thấy tôi về từ dưới nhà, chạy theo và nằm dài xuống kế bên tôi, cố nhìn vào mắt tôi.
    – Có chuyện gì vậy? Ai làm chị giận vậy? Anh Hai hả?
    – Anh Hai cái gì, đừng có gọi hắn là anh Hai nữa. Mày đi chỗ khác để tao yên.
    Nó đi thiệt và tôi nằm cả đêm với tư thế đó với bao mâu thuẫn lạ lùng diễn ra trong lòng tôi. Tôi nhớ ánh quyết liệt của Quân khi chống đối cả mẹ và tôi. Tôi nghĩ đến những ngày sắp tới không có Quân. Không có Quân trong thời gian nào đó là một chuyện, không có Quân vĩnh viễn trong đời là một chuyện khác. “ Chúng ta sẽ chia tay nhau”. Thế nghĩa là gì? Nghĩa là  vĩnh viễn chúng tôi không còn là của nhau. Đột nhiên trái tim tôi thắt lại với ý nghĩ ấy, tôi ao ước được nhìn thấy nụ cười hiền dịu, lơ đãng của Quân.
    Một bàn tay vuốt tóc tôi, xoa nhẹ nhẹ trên lưng tôi. Tôi nằm nghiêng lại  thấy Đông đang ôm tôi, hết sức nhẹ nhàng, hết sức cảm thông. Nó áp má nó vào má tôi, dịu dàng hỏi:
    – Sao chị không ăn cơm, nằm hoài vậy. Chị buồn hả? Chị có tâm sự hả? Trên phim người ta hay nói vậy. Trên phim khi người ta buồn người ta sẽ tâm sự với người khác cho hết buồn. Chị tâm sự với em đi. Buồn nhiều lắm không? Có muốn khóc không? Sao chị không khóc đi. Trên phim nói, có chuyện buồn mà khóc một cái là hết buồn liền. Chị khóc đi…chị khóc đi – Đông động viên tôi. Tôi ngạc nhiên thấy nước mắt mình rơi ra thật. Tôi khóc, ban đầu là khóc không có tiếng sau cứ nức nở dần. Đông liên tục vuốt tóc và vỗ nhẹ vào lưng tôi. Qua làn nước mắt, tôi nói:
    – Phải chi chị là em. Phải chi chị cứ bé mãi như vậy, để không bao giờ biết yêu thương hay ghét giận ai. Tình yêu và nỗi căm hận làm người ta đau đớn biết bao nhiêu.
    – Sao vậy? Sao tình yêu lại làm cho người ta đau đớn. Tình yêu làm người ta vui mới đúng chứ. Chị có yêu anh Hai không ?
    Nếu bình thường, tôi sẽ đáp là không. Nếu trước mặt Quân tôi sẽ đáp là không. Nhưng không hiểu sao trước ánh mắt ngây thơ của Đông, tôi lại đáp:
    – Có, chị yêu anh ấy và bây giờ sắp mất anh ấy rồi. Anh chị đã chia tay nhau, vĩnh viễn không bao giờ gặp lại.
    – Sao chị không nói với ảnh là chị yêu ảnh, chị cần có ảnh và không muốn rời xa ảnh ?
    Tại sao nhỉ ? Tại sao người ta không thể bộc lộ thẳng tình cảm của mình mà không sợ bị tổn thương ?. Tại sao người ta luôn phải đề phòng trước thế giới xung quanh mình, ngay cả trong tình yêu ?. Tôi không biết nữa. Tôi chỉ biết con bé Thu vốn rất mạnh mẽ can trường đêm nay lại khóc như mưa trong vòng tay đứa em sinh đôi nhỏ bé mà cố dang tay như cánh chim che chở cho chị mình. Con bé Đông suốt ngày ngồi xem phim, chứng kiến mọi hỉ nộ ái ố của con người còn nghĩ ra việc phải đi giành lại tình yêu cho chị mình. Bắt chước những cảnh trong phim, nó đến cửa nhà Quân, đứng dầm mưa với hy vọng mình sẽ là sợi dây nối lại tình cảm của hai người. Tôi chạy đến định lôi nó về cũng đúng lúc Quân cầm dù chạy ra che cho cả hai chị em. Trong cơn mưa xối xả và mặc  những người trú mưa bên hai dãy nhà tò mò nhìn, Đông gào lên thảm thiết :
    – Chị em yêu anh nhiều lắm, anh đừng chia tay.
    Chúng tôi nhìn nhau trong làn nước mưa. Cây dù đã ngã lệch sang bên mà không ai dựng nó dậy nên mưa mặc sức xối xả lên ba chúng tôi. Cái nhìn của Quân không hề thay đổi trong suốt bao năm qua, vẫn đầy vẻ chờ đợi, đầy vẻ yêu thương trìu mến. Chỉ có cái nhìn của tôi là lần đầu tiên phản ánh tình cảm thật trong lòng tôi. Những giọt nước mưa ướt đẫm trên mặt chúng tôi. Có đôi khi mưa cũng có vị mặn. Rớt bỏ lớp vỏ bọc kiêu kỳ, tôi choàng tay qua cổ Quân, nghẹn ngào:
    – Quân cứ việc thực hiện ước mơ của mình. Thu sẽ chờ, chờ đến bao giờ cũng được.
    Đông vỗ tay reo vui y hệt như một đứa bé. Nhưng nó là một đứa bé mà. Sao người ta không thể cười khi vui, không thể khóc khi buồn như một đứa bé?
Tác giả: Trương Thị Thanh Hiền

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *