Người đọc, người nghe nhiều lúc phải bật cười trước câu chuyện của anh chàng Đặng Thành Thật. Trước khi lên đường thực hiện 18 tháng nghĩa vụ quân sự, Đỗ Thành Thật được nhiều kinh nghiệm quý khi ngủ với ông nội. Đỗ Thành Thật sinh ra trong một gia đình có truyền thống Cách mạng khi ông nội là lính chống thực dân Pháp và cha là lính đặc công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thế nhưng cũng như phần lớn các chàng trai sinh ra trong thời bình, việc nhập ngũ, trở thành người lính là công việc rất mới mẻ, lạ lẫm. Đời người lính xưa được ông nội của Thật kể lại rất sinh động, giàu cảm xúc. Đó là cuộc sống với những buồn vui, vất vả, hi sinh cùng nhiều kỉ niệm đặc biệt như việc ông nội bị ghẻ như thế nào rồi cha của Thật hi sinh khi phá bom mình của địch. Cuộc sống và chiến đấu của người lính xưa hiện lên trước mắt chúng ta như một bức tranh nhiều màu sắc. Câu chuyện ông nội kể khiến Đỗ Thành Thật háo hức, chờ đón quãng thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự sắp tới. Và khi trở thành anh lính trẻ, Thật không đối mặt với quân địch như cha, như ông mà phải thực hiện kỉ luật quân đội, rèn luyện sinh hoạt, kĩ năng người lính. Sau thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, Thật học được nhiều tính tốt như kỉ luật, tự giác, kiên trì. Chỉ 18 tháng thôi nhưng quân đội đã rèn rũa chàng thanh niên trẻ trưởng thành hơn nhiều. Truyện ngắn được kể với giọng lính trẻ tếu táo tự nhiên hóm hỉnh có nhiều chi tiết đời thường, giọng điệu kiểu “chuyện kể ở đại đội” hay “chuyện kể của lính” thể hiện cuộc sống người lính xưa và nay trong việc rèn luyện, chiến đấu. Cuộc sống của người lính hôm nay tuy có nhiều khác biệt so với cha ông nhưng những phẩm chất tốt đẹp vẫn được lưu giữ. Việc trở thành người lính bảo vệ quê hương vẫn luôn là trách nhiệm và niềm tự hào của thế hệ thanh nhiên hôm nay.
Vậy là tớ đã trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, mà hạng A1 hẳn hoi. Trước ngày lên đường, mẹ tớ lo lắm bởi thường ngày, tớ nổi tiếng lề mề và luộm thuộm. Hai tính ấy, như tớ đã tham khảo các anh qua quân ngũ thì “rất kị” với kỉ luật quân đội. Tất nhiên, tớ cũng cảm thấy lo lo. Hàng ngày đi học về, từ sách vở, quần áo, giày dép, tớ vứt mỗi chỗ một thứ. Đi ngủ mắc màn, rũ chăn, sắp gối…, tất cả đã có sẵn đấy, chưa bao giờ tớ phải động chân động tay. Ngay sáng ra tớ cũng không tự dậy được, mẹ gọi năm lần bảy lượt, rồi dỗ dành mãi tớ mới phụng phịu oằn èo ngồi dậy, vươn vai chán, mắt nhắm mắt mở loẹt xoẹt vào nhà vệ sinh ngáp ngắn ngáp dài. Mọi người phải thông cảm bởi bố tớ hi sinh trong một lần dò gỡ mìn làm sạch khu vực sân bay khi mẹ chuẩn bị sinh tớ. Bao năm nhà chỉ hai mẹ con nên tớ được chiều lắm. Mọi thứ mẹ làm thay hết. À quên, trong nhà còn một người nữa cũng rất chiều tớ, đó là ông nội. Nhưng ông nội già rồi nên thi thoảng mới vào nhà tớ. Cái tên Đỗ Thành Thật của tớ cũng do ông đặt cho và chuyện đi bộ đội cũng là do ông quyết định. Ngày mai tớ lên đường. Cái lo lo của tớ trước đây giờ thành lo thực sự. Buổi tối, sau khi chia tay bạn bè bà con xong, mẹ bảo tớ ra ngủ với ông một đêm, vì người già như chuối chín cây không biết thế nào. Và nữa, để ông “truyền đạt kinh nghiệm” trong quân ngũ cho bởi ông là một người lính hết đánh Pháp rồi đánh Mĩ cho đến khi về nghỉ hưu, chắc chắn sẽ có rất nhiều lời khuyên hữu ích. Ra nhà ông, vừa đặt lưng xuống giường, tớ đã sốt sột “phỏng vấn” ông luôn.
– Ông ơi, ông có kỉ niệm gì sâu sắc hồi bộ đội không ạ?
– Đầy. Vui, buồn, gian khổ ác liệt, buồn cười… Cháu thích nghe chuyện nào.
– Thế thì chuyện buồn cười đi ông.
– Ngày xưa bộ đội đói lắm, không như bây giờ. Trong trận Thượng Lào đầu năm 54, ông vơ được nắm rau rừng nhai ngấu nghiến rồi nuốt sạch. Không hiểu sao bụng sôi òng ọc. Đúng lúc đó quân Pháp xuất hiện, hai bên nổ súng bắn nhau. Đang chiến sự thì ông bị “Tào Tháo đuổi”, không thể nín được, thế là nó phụt một phát ra đầy quần. Lúc bọn Tây chạy rồi mới thấy mùi thối om. Trung đội trưởng ra lệnh điều tra. Chẳng thấy bè phân nào. Cái tay Lẫm người chợ Bưởi nó đi ngửi từng người. Khi tới ông nó hít một cái rồi kêu rõ to: Ôi thối quá! Mọi người hết sức ngỡ ngàng, rồi mắng ông, như thế là làm xấu đi hình ảnh anh bộ đội. Từ đấy cứ thấy ông là người ta lại “ái eo ơi, có anh bộ đội ỉa đùn”. Rồi từ chuyện của ông người ta thêu dệt thành truyện tiếu lâm: “Đại đội Ba có anh chiến sĩ, trong lúc giao tranh với giặc, đến khi hết đạn đã dùng phân làm vũ khí tấn công. Giặc thấy thối quá giẫm lên nhau chạy thục mạng. Phương pháp lấy phân đuổi giặc đã được phổ biến toàn quân”. Trung đội trưởng Khiên thì trêu: “Đồng chí Thành sợ giặc quá, đến vãi cứt ra quần”. Ông xấu hổ quá, lại mới mười bảy tuổi nên suy nghĩ nông cạn, liền đào ngũ. Nhưng đi được mấy cây số, ông cảm thấy như thế còn nhục nhã hơn nên quay lại. Sau đó, ông lên đại đội trình bày sự việc. Đích thân đại đội trưởng xuống sạc cho trung đội trưởng một trận: “Sao các đồng chí lại cho đây là một trò cười? Đó là một một hành động rất đáng biểu dương, vì dù lâm bệnh nặng nhưng chiến sĩ ta vẫn hăng say đánh giặc…”. Lúc ấy ông sướng lắm. Sau đó mọi người hiểu ra không cười cợt chế nhạo ông nữa. Riêng tay Lẫm thì tinh nghịch: “Lần sau mình cũng ỉa đùn để được biểu dương”.
Tớ cười ngặt nghẽo nhưng cũng rút ra bài học đầu tiên: Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được phép rời bỏ đội ngũ, mọi sự cứ “từ từ khoai sẽ nhừ” nếu như mình thực sự trong sạch.
– Buồn cười, mà cũng xúc động ông nhỉ. Thế còn chuyện gian khổ?
– Hồi đánh Quảng Trị, trong hầm chốt, nóng ơi là nóng, không thể kiếm đâu ra nước mà tắm, thế là lính ta tắm khô.
– Tắm khô là sao ạ?
– Miết các đầu ngón tay vào cơ thể cho ghét bung ra, rồi vê thành từng viên bi ném ra cửa hầm. Anh nào anh nấy cứ như con ngựa vằn. Sợ nhất là ghẻ lở hắc lào. Ối giời ơi, đúng như Nhật kí trong tù của Cụ Hồ “Sột soạt luôn tay tựa gảy đàn”. Càng gãi càng sướng. Gãi cho chảy máu chảy mủ, gãi cho chảy nước mắt nước mũi mà vẫn thích. Bộ da cứ như được triện những bông hoa hồng. Hôm nào lấy được chiến lợi phẩm của Mĩ mà có thuốc ghẻ hắc lào là tranh nhau. Trần truồng ra mà bôi. Xót ơi là xót. Rồi tất cả cứ như một lũ ếch bị lột da nhảy tưng tưng.
Ha ha… Tớ cười xong thầm rút ra bài học thứ hai: đã là lính phải gian khổ, khó khăn nhưng nhất quyết phải chấp nhận và vượt qua. Rút xong, tớ giục ông kể tiếp.
– Lần đánh trận Hòa Bình, ông và hai người nữa có nhiệm vụ ném lựu đạn vào lỗ châu mai ở một cái lô cốt. Ba người đang nằm trong bụi cây đợi đúng giờ G là tiến đánh. Nhiệm vụ của mỗi người đã được phân công. Trời tối đen như mực. Bất ngờ một luồng ánh sáng đèn pin chiếu thẳng vào chỗ các ông nằm. Tiếng bước chân cứ lớn dần. Một tên địch cao to. Đi rất nhẹ. Giống dò xét, tìm kiếm cái gì đó. Một con rắn trườn nhanh qua mặt ông. Ông nhắm chặt đôi mắt. Đến là kinh. Bỗng ánh đèn pin vụt tắt, khi đôi giày của thằng giặc chỉ còn cách mũi ông độ ba gang tay, thằng địch mở cúc quần tè trúng đầu ông. Nước đái của nó vừa khai vừa nhiều. Đái xong nó tháo thắt lưng, tụt quần, ngồi xuống. Mả cha cái thằng giặc, nó ị. Thối ơi là thối. Ông phán đoán, thằng này ị xong sẽ vơ lá để chùi và cái tay phải của nó chắc chắn sẽ quờ vào đúng chỗ ông ngụy trang. “Tiên phát chế nhân”, ông quyết định bật dậy tung một cú đấm trời giáng vào mặt thằng Tây rồi chẹn lấy cổ không cho nó kêu. Đồng thời chân phải ông giẫm lên hạ bộ nó. Hai đồng đội của ông lao tới cướp súng, rồi lôi nó vào rừng. Lần đánh lô cốt đó, ta không thực hiện được. Nhưng bù lại, bắt được thằng Tây, từ lời khai của nó mà ta đã đánh thắng nhiều trận sau này.
– Ông ơi, làm gì có chuyện thằng Tây cầm đèn pin soi như thế mà lại không phát hiện ra ông? Cách ông có vài gang tay à?
– Thế mới giỏi! Thế mới thành chuyện. Ngụy trang cho cùng màu với địa hình chứ, kiểu đặc công mà.
– À…đặc công con nghe rồi, bộ đội gian khổ nhưng cũng có những cái thích ông nhỉ?
– Đúng rồi, tự hào lắm chứ, có những người muốn có lịch sử như ông mà không được. Bố con ngày trước cũng thế, đã nói là làm, tìm mọi cách làm bằng được. Người ta kể, bố con là một sĩ quan công binh rất giỏi. Hôm dò mìn, vì gặp phải một kiểu gài rất khó, chưa từng gặp bao giờ, bố con xung phong nghiên cứu để chinh phục và đã tìm ra quy luật. Nhưng vì bọn Mĩ tinh quái nên đến khi dò gần hết, có một chỗ nó cố tình tạo nên một cái bẫy. Vì thế bố con mới hi sinh…
Tớ chìm vào giấc ngủ với nỗi nhớ bố cùng bài học cuối cùng: Đã là người lính phải mưu trí, phải quyết tâm để đạt được mục tiêu mà mình cần chinh phục.
Đến đơn vị, tớ được biên chế vào tiểu đội 4, trung đội 2, đại đội 5 và phải bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới lạ. Ba bài học rút ra sau đêm ngủ với ông, tớ luôn tâm niệm trong lòng. Nhưng quả thật, thực tế khác xa với những gì tớ nghĩ. Đầu tiên là thực hiện mười một chế độ trong ngày. Phải tập từ những động tác nhỏ nhất. Rồi lại còn tập đội ngũ nữa chứ. Nhìn tưởng dễ ăn, chỉ giống như đi bình thường nhưng vuông tay hơn, vậy mà không hề đơn giản chút nào. Tớ tập mấy ngày rồi mà cổ tay cứ bị bẻ cong quá và người cứng đơ, vung cùng chân cùng tay, sửa mãi vẫn không được. Thế là tiểu đội trưởng quát cho một trận. Tiểu đội trưởng trong quân đội đâu như tổ trưởng trong lớp học. Không có chuyện cãi nhau tay đôi.
– Đồng chí Thật!
– Dạ…dạ…
– Quân đội không có dạ với lòng gì cả nhé. Mang lòng dạ về nhà với mẹ. Tập cho hẳn hoi, nếu không sửa được sẽ bị phạt hít đất. Còn bây giờ, đồng chí sẽ phải tự giác tập riêng vào giờ nghỉ giải lao và nghỉ trưa.
Cả tiểu đội nhìn tớ rồi nhìn tiểu đội trưởng khiến tớ xấu hổ quá, chỉ muốn chui xuống đất. Liên tục mấy trưa liền tớ không được ngủ mà phải ra tự hô tự tập. Sau vụ ấy, mọi người đặt cho tớ biệt danh Thật Walkman. Rồi chuyện báo thức, gấp nội vụ. Ở đây, sau khi báo thức sẽ phải bật dậy chạy ra thể dục buổi sáng rồi vệ sinh cá nhân, chỉnh trang nội vụ, ăn sáng, kiểm tra, học tập chính trị hoặc ra thao trường… Mệt đến mấy thì 13 giờ 45 vẫn phải tiếp tục học tập, huấn luyện. Hết giờ thao trường, về doanh trại lau chùi vũ khí, trang bị, trồng rau, nuôi gia cầm, tắm giặt. Cơm xong, giải lao chút ít tiếp tục sinh hoạt tổ ba người, đọc sách báo, nghe tin tức qua làn sóng radio phát trên loa hoặc xem thời sự trên tivi. Sau đó lại sinh hoạt tiểu đội hoặc trung đội, đại đội… cũng vừa đến điểm danh quân số, phân công gác đêm. Đến 21 giờ 30 là phải tắt đèn đi ngủ. Thời gian sít sìn sịt, đặt lưng xuống giường, tớ như chết lâm sàng, vì thế không sáng nào tớ dậy được dù kèn kêu rất to. Mấy lần liền tớ bị tiểu đội trưởng đến quát, phát vào mông đồm độp mới tỉnh. Dậy muộn tất tác phong chậm. Tác phong chậm dẫn đến gấp nội vụ xấu, chấm thi đua tiểu đội luôn đội sổ vì tớ. Cả tiểu đội nhiều phen tức điên bởi phải sinh hoạt trưa để đấu tranh với tớ. Không ít lần tớ phải chui vào nhà vệ sinh rấm rứt khóc. Tớ cảm giác, mình đã cố hết sức rồi nhưng không thay đổi được. Vậy là tớ tính chuyện đào ngũ, muốn đến đâu thì đến. Nhưng rồi tớ lại nhớ đến bài học thứ nhất của ông. Vậy là tớ quyết tâm thay đổi. Trước khi đi ngủ, tớ dặn người gác cuối gọi tớ dậy trước báo thức nửa tiếng. Nếu không dậy cứ bịt mũi hoặc xịt nước vào mặt tớ. Từ hôm đó, tớ dậy trước gấp chăn màn, đi giày sẵn. Tớ thở phào nhẹ nhõm và khoái chí vì đã tìm ra cách khắc phục điểm yếu của mình. Nhưng rồi anh em nằm gần phàn nàn vì tội tớ phá giấc ngủ của mọi người. Và tớ lại bị tiểu đội trưởng “sờ gáy”:
– Tại sao đêm hôm mà đồng chí lại quấy phá không cho anh em ngủ?
– Dạ… em… tập ạ.
– Tập cái gì?
– Dạ… tập dậy đúng giờ và gấp chăn màn cho đẹp ạ.
Tiểu đội trưởng cười rũ rượi rồi bỗng nhiên đứng nghiêm hô to:
– Đồng chí Thật! Phạt hít đất hai mươi lần. Thực hiện ngay!
Lời thề thứ hai, mệnh lệnh của tiểu đội trưởng, sao dám chống lại. Tức thì tớ chống hai bàn tay trên mặt đất, hai chân duỗi thẳng, nâng hông, mắt nhìn thẳng, hạ thấp người, hít mạnh, nhấn cánh tay xuống đất, đẩy người lên… Vừa hít, tớ vừa nghĩ đến bài học thứ nhất của ông. Tớ sẽ báo cáo với trung đội trưởng để được giúp đỡ. Nhưng rất may, mới được một cái, tiểu đội trưởng bỗng nhoẻn cười hô tiếp: Thôi tập, đứng dậy! Biểu dương đồng chí Thật có tinh thần cố gắng rèn luyện ngoài giờ. Nhưng cũng phê bình vì đã rèn luyện không đúng thời điểm ảnh hưởng đến giấc ngủ của anh em. Từ giờ phải thực hiện đúng chế độ, không được lục sục sớm quá như thế. Cả tiểu đội sẽ để ý giúp đỡ đồng chí tiến bộ!
Vậy là tớ phải tập gấp chăn màn, sắp đặt quân tư trang làm sao phải vừa nhanh vừa đẹp. Quá trình ấy, tớ có cảm giác mình như một “nghi phạm” trong con mắt theo dõi của cả tiểu đội. Những tiếng nhắc liên tục vang lên: “Gấp lại! Gấp cho vuông vức, cho đẹp mắt”, “Phơi cái khăn phải kéo cho nó phẳng như thế này này”, “Đồ lề, mọi thứ phải để đúng quy định”, “Nói cho rõ ràng, sao cứ lắp ba lắp bắp như thế”, “Xếp hàng phải nhìn người nọ người kia mà chỉnh cho thẳng chứ”… Tự nhiên tớ thấy ân hận, giá như nghe lời mẹ ở nhà (vì tớ là con liệt sĩ nên được miễn) thì tớ đã không phải khổ sở thế này… Tiếp theo là chuyện báo động. Cả đơn vị đang ngon giấc, bỗng có tiếng hô đanh gọn vang lên: Báo động báo động! Mọi người liền bừng tỉnh, nhanh chân nhanh tay, quân phục đầy đủ, chạy ra bãi tập trung. Nhưng tớ vì thói quen lề mề, mãi mới đi được giày, mặc quần áo, tìm cái nọ cái kia mãi mới thấy, thế nên bao giờ cũng bị chậm. Có hôm chậm đến năm phút. Trung đội trưởng mím môi phóng ánh mắt vào tớ:
– Sao giờ mới có mặt?
– Dạ… em… em…
Trung đội trưởng “lệnh” cho tiểu đội trưởng:
– Lấy tập thể rèn cá nhân, yêu cầu A4 chạy bốn vòng quanh sân vì có đồng chí tác phong liên tục lề mề. Thế này nếu có chiến tranh, chắc chắn đồng chí này không hi sinh cũng bị địch bắt. Trưa mai A4 tiếp tục sinh hoạt đấu tranh.
– Rõ!
Trung đội giải tán về đi ngủ tiếp nhưng A4 vẫn phải ngồi lại tiếp tục sinh hoạt để “đấu tranh” với tác phong của tớ. Tớ bị bắt đứng lên trước hàng quân. Ánh mắt tức giận của tiểu đội trưởng khiến tớ run lên:
– Sao mà hết vi phạm này đến vi phạm khác hả? Bộ đội chứ không phải như ở nhà đâu mà thích sao cũng được nhá. Phạt vác tăm!
– Vác tăm là sao ạ?
– Giống như vác cây gỗ ấy, nhưng đây là que tăm.
– Tăm nhẹ thì làm gì phải vác ạ?
– Không cãi! Đứng vác tăm!
– Dạ rõ!
Tiểu đội trưởng lôi trong túi ra đưa cho tớ một que tăm. Rồi tớ cũng hiểu ra cái khó của việc vác tăm là thế nào. Vác cây tăm trên vai, nhưng nào tăm có chạm được vào vai? Mỏi nhừ tay, muốn ngã quỵ mà vẫn phải đứng. Thời gian sao mà chậm rì rì. Vác có mỗi que tăm nhẹ tênh mà thấy nặng như vác cái cột đình. Lúc ấy, tớ mới thật sự ngấm. Tớ nhớ tới bài học thứ hai và tự nhủ, dù gian khổ khó khăn thế nào cũng quyết vượt qua…
Và quả thật, tớ đã có cách để báo động có mặt sớm nhất. Tớ phổng hết mũi khi được trung đội trưởng biểu dương hết lời. Thế rồi một đêm, trung đội trưởng cầm đèn pin đi kiểm tra nội vụ các tiểu đội. Đêm hè oi bức, mọi người đều mặc quần đùi, áo thun, có người cởi trần, ngủ say sưa. Chợt trung đội trưởng phát hiện một chiến sĩ ở tầng trên, giường tầng số 10 nằm ngủ trong tư thế quân phục chỉnh tề sẵn sàng chiến đấu, ngáy khò khò. Kẻ “sẵn sàng chiến đấu” ấy chính là tớ. Tức thì tớ bị đánh thức.
– Ai cho phép đồng chí khi ngủ ăn mặc thế này?
– Dạ… để lỡ có báo động thì… cho đúng giờ ạ!
– Hóa ra những lần trước toàn như thế này đây? Làm giả ăn thật hả? Mai phạt nhảy cóc. Trở lại giường ngủ!
Nghe thế, tớ thầm kêu khổ trong đầu. Tớ bị ám ảnh nhất về cái phạt nhảy cóc này. Ngồi xổm, hai tay đặt trên đùi, hít sâu, dùng lực gót chân đẩy người lên, nén người xuống liên tục như thế… Sáng hôm sau, may là tớ không bị phạt bởi trung đội trưởng đã “thông cảm” vì lỗi của tớ cũng là để… hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng anh cấm không được láu cá vì “đây là rèn luyện để khi có tình huống xảy ra, có thể ứng phó ngay được, trong chiến tranh nó là sinh tử chứ chẳng phải chuyện chơi. Muốn khắc phục, chỉ cần rèn luyện tác phong, thói quen như đã được huấn luyện sẽ nhanh thôi”. Từ đó, tớ bắt đầu để ý hơn trong cách xắp xếp các vật dụng sao cho đúng nơi quy định, rồi tập xỏ giày buộc làm sao cho nhanh nhất, tập mặc áo, quần, khoác ba lô, lấy súng, tập sắp xếp chăn màn sao cho đưa vào ba lô thật gọn gàng…, mọi việc phải cố gắng để không có động tác thừa. Quả là “khổ luyện thành tài”, một thời gian sau, tớ luôn là người có mặt sớm nhất trong những lần báo động, được trung đội trưởng khen hết lời.
Nhiều đêm đứng gác, tớ là thằng nhát ma nên cứ thấy sột soạt hoặc cái gì lù lù là thần hồn nát thần tính, rúm hết người lại. Những lúc ấy, tớ lại nhớ ông nội kể chuyện gác đêm, biệt kích đột nhập căn cứ, nếu không phát hiện ra thì chắc chắn cả đơn vị không trước thì sau cũng sẽ hi sinh, thế là tớ lại “cằm nhô, ngực ưỡn, hít thở sâu” để tiến lại quan sát. Rồi tớ nhớ tới bố mình. Tớ tự hào vì là con của một sĩ quan công binh mưu trí dũng cảm, dám đấu với những mưu mô xảo quyệt của cả hệ thống nghiên cứu quân sự nước Mĩ ngày xưa… Thấy sống mũi cay cay, tớ tự hứa với mình, quyết tâm rèn luyện, không thể để người ta mặc định mình là ngốc nghếch, là vô kỉ luật, là chậm tiến. Ca gác đêm nay cũng vậy, nhiều ý nghĩ cứ lan man lan man, tớ hình dung khi nào về phép sẽ kể cho mẹ và ông nội nghe những bài tập về đội hình đội ngũ, lăn lê bò toài, ngắm bắn, hành quân dã ngoại, huấn luyện chiến thuật, với những khả năng cơ động, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu. Học về phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, phòng chống cháy nổ, băng bó, cứu thương, đào bếp Hoàng Cầm, tăng gia sản xuất và quan trọng nhất, tớ đã tiến bộ thế nào…
Bất ngờ xuất hiện nhạc hiệu báo giờ thể dục buổi sáng, tớ giật mình, hóa ra tớ đã gác quá giờ, gác luôn cho mấy ca liền.
Sau chín tháng rèn luyện gian khổ, những suy nghĩ nhỏ nhen trong tớ đã biến mất dần. Những nỗ lực phấn đấu đã được trả công. Tiểu đội trưởng A4 vỗ vai tớ cười vui:
– Em tiến bộ, anh thấy cũng mát mày mát mặt, đừng có giận hờn gì anh, nhiệm vụ được giao anh phải làm, không thể dễ dãi, bỏ qua cho nhau được. Nó rất hữu ích cho cuộc sống sau này của em… Anh còn biết bố em là liệt sĩ. Hãy cố lên để sao cho xứng đáng.
– Lúc đầu em ghét anh lắm, giờ em yêu anh rồi – Tớ ôm chầm tiểu đội trưởng.
Còn trung đội trưởng thì nhìn tớ âu yếm:
– Thấy chưa. Thép đã tôi thế đấy! Qua gian khổ mới nên người. Giờ thì hết vác tăm, nhảy cóc rồi nhá. Học tập giỏi lên, tao sẽ gả em gái cho. Ngon lắm nhá, hoa hậu còn phải gọi bằng cụ đó!
Tớ thấy mình đã hiểu thế nào là hạnh phúc…
Đồng đội nhìn tớ thi nhau kể lại những kỉ niệm “buồn cười”. Có người khẳng định: “Thằng Thật sau này không lên tướng tao bé bằng con kiến”.
Hóa ra, tất cả mọi người đều “hiền lành”. Trong công việc thì phải “hét ra lửa”. Tự nhiên, tớ nghĩ đến bố và ước mơ sẽ trở thành một sĩ quan quân đội…
*
* *
Sau 18 tháng nghĩa vụ, tớ được trở về gia đình. Mẹ tớ là người vui nhất, cứ tấm tắc khen tớ chững chạc, ra dáng người lớn, người đàn ông trụ cột của mẹ. Còn ông nội thì hả hê:
– Đấy, mẹ thằng Thật đã thấy chưa. Có còn trách ông đã đăng kí cho nó đi bộ đội nữa không. Nhìn nó bây giờ và ngày trước có khác nhau một trời một vực không.
Trong lòng vô cùng sung sướng, tớ ôm lấy ông nội:
– Con sẽ trở thành sĩ quan như bố con!
– Về rồi sao mà sĩ quan? – Mẹ tớ hỏi.
– Hì hì, con sẽ thi vào trường Sĩ quan Lục quân.
– Nếu mà thi được thì ông nội sẽ sống mãi trên đời này!
– Bắt ngoéo ông luôn!
– Thì bắt ngoéo!
Mẹ tớ vui đến độ khó lòng “đặt tên” cho nụ cười. Còn ông nội, như muốn rụng nốt mấy chiếc răng còn lại do biên độ lớn của tiếng cười.
*
* *
Tớ bắt tay ngay vào việc ôn thi đại học. Tớ ép mình phải coi việc ôn thi còn khó khăn, gian khổ gấp nhiều lần việc huấn luyện quân sự.
Quyết tâm của tớ, đối với gia đình như một chuyện không tưởng. Vì xưa kia, tớ học đâu có giỏi, lại hay dựa dẫm. Nhưng có ai hiểu được tớ vào đại học là vì một lẽ chiến thắng cái “ngốc”. Cái đầu tớ không phải đần độn, mà do ham chơi. Tại sao khi vào bộ đội, tớ lại trở thành một chiến sĩ giỏi trong huấn luyện? Có lẽ, ở môi trường kỉ luật nghiêm ngặt đã bắt con người ta phải làm việc hết công suất. Trước những tình huống khó, khi giữa cái sống và cái chết chỉ còn trong gang tấc, người ta phải tập trung hết mọi nguồn lực của trí tuệ để tìm ra giải pháp cứu lấy mình. Tớ coi việc vào đại học là sự sống còn, một sự “rửa nhục”. Lần cãi nhau với thằng Toán, lính của A3 trong giờ giải lao trên thao trường, nó chỉ vào mặt tớ nhiếc móc: “Mày chỉ là một con ba nhép, tao phăng teo cho mày một phát mày chết bây giờ!”. Tớ gầm lên như con sư tử bị trúng thương, lao thẳng vào nó. Nếu không có đồng đội ngăn cản, thì không biết sự việc sẽ đi đến đâu… Tớ sẽ phải thi bằng được để thằng Toán hiểu, tớ không hề tầm thường chút nào. Ba bài học của ông nội trước hôm lên đường tớ vẫn nhớ như in. Tại sao người ta thi được mà mình lại không? Người chiến sĩ đã trải qua tôi luyện không thể chịu bó tay trước những bài toán khó. Học tập cũng chính là một mặt trận, mà ở đó người chiến sĩ không được phép đầu hàng. Ông nội đã dạy “không được sống hèn”. Tớ không thể yếu mềm, ngốc nghếch mãi được. Đạt số điểm để vào trường Sĩ quan Lục quân lại khó đến thế hay sao? Những người lính ở chiến trường, để giành được chiến thắng, đâu chỉ riêng lòng dũng cảm, mà còn phải có cả trí tuệ để vạch ra cách đánh. Trí tuệ lấy ở đâu, nếu như không dám “bổ đầu” ra mà nghĩ, mà tính toán. Để làm nên chiến thắng, người chiến sĩ không những phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, mà thậm chí còn phải đổ cả máu… Tớ đăng kí vào trung tâm luyện thi đại học để ôn. Rồi nhờ mấy đứa bạn cũ học giỏi để hỏi bài. Tớ sưu tầm những bài toán hay, những đề thi trên mạng internet, với quyết tâm thực hiện bằng được cú nhảy vào đời. Tớ nhớ lại hồi tập điều lệnh đội ngũ, phải đứng ke chân, gồng mình ghìm mũi chân song song với mặt đất, sai kĩ thuật là bị phạt liền. Rồi những bài tập vượt khe sâu, sình lầy, vách đứng, đột nhập nhà cao tầng, leo dây, luồn qua hàng rào thép gai, khắc phục bom, mìn… Khổ thế mà còn vượt qua huống hồ ôn thi đại học.
Rồi tớ nhớ tới cái tên mà ông nội đặt cho: Đỗ Thành Thật: Đỗ đạt, Thành công, Thật thà. Tớ đã biết thế nào là sự hổ thẹn, nói ngàn câu không bằng một việc làm có hiệu quả…
Và tớ đã trúng tuyển với số điểm cao vượt chuẩn. Đúng là chuyện thật mà như bịa. Mẹ tớ ôm mặt khóc trước thành công của tớ, còn ông nội thì cười ha hả: “Giờ có chết ông cũng an lòng”. Nghe câu ấy, tớ cười nguýt ông một cái: “Này, ông ngoéo tay với cháu rồi đấy nhé!”
Đ.S.Q