Bài nổi bật

Một Lần Ra Phố – Trần Văn Thước

RadioVn.Com – 1.Chiếc thước nhôm nhô lên khỏi miệng túi đồ hóa ra đắc dụng. Buổi đầu tiên đến chợ lao động tôi vừa tìm được chỗ đứng đã có người đến nhìn mặt, chỉ chiếc thước: “Thợ xây hả”. “Vâng, thợ xây” – tôi đáp liền: “Ra đây. Mau”. Tôi đi theo người đàn ông lùn béo bệ vệ cả từ bước chân đến chiếc mũ trên đầu. Người “mua” tôi dừng lại bên chiếc xe máy đen kịt đầu to yên dài. “Xe cậu đâu? Đi ngay! Tôi có việc gấp trên bộ”. Rõ là chủ sang trọng không muốn “hàng” lem luốc ngồi lên yên xe hàng hiệu. Vạn sự khởi đầu nan. Tôi vẫy bác xe ôm bên kia đường.
Có lẽ anh “trên  bộ” có việc gấp thật. Tôi vào trong sân chưa kịp chào chị chủ đứng trên hiên tô son môi anh đã kéo tôi đến trước gian nhà lợp ngói âm dương khuất sau ngôi biệt thự hai tầng. Anh “trên bộ” đẩy cánh cửa mở toang, chỉ vào trong:
– Cậu vít cho tôi ô cửa sổ. Giữ nguyên song. Vít thật chắc.
Trong nhà sáng đèn. Tấm ri đô hoa phân ô gian, phía trong có giường buông màn. Không muốn làm động giấc người đang ngủ tôi đứng ngoài trù liệu công việc. Xây trát diện tích vài mét vuông, hơn trăm viên  gạch, hơn chục xô vữa. Có điều bộ song gỗ lim rất đẹp.
– Nên gỡ lấy bộ song anh ạ. – Tôi tham gia.
– Không cần. Vật liệu tôi đã tính đủ. Cậu cứ vít thật chắc.
Trở lại mảnh vườn trước cửa, ảnh “trên bộ” đưa cho tôi tờ giấy, chỉ cặp cây si.
– Cậu bao gốc như bản vẽ. Đọc kỹ đi chỗ nào chưa hiểu tôi giải thích.
Tôi thực sự khâm phục anh “trên bộ” bản vẽ chi tiết từ độ nghiêng gạch bao đến khe hở mạch vữa. Tôi bỏ túi bản vẽ, tự tin:
– Bao gốc hình trái tim lồng giống như  hình in trong thiếp cưới. Gạch men cài một tím một vàng. Tâm tim  nằm ở gốc cây…
“Trên  bộ” gật đầu.
– Hiểu được thế là khá, làm trước bao gốc để chủ nhật tới chúng tôi bày tiệc kỷ niệm ngày cưới. Đến giờ đi làm phải khóa cổng. Trưa tôi tạt về.
Tôi xem lại bản vẽ rồi triển khai dấu mốc mặt bằng. Càng thêm kính nể anh “trên bộ”. Trong công viên, ngoài đường, vườn công tư… bao gốc đủ kiểu hình vuông tròn ê líp… vợ chồng anh “trên bộ” chơi hình trái tim lồng quả là kiểu độc xưa nay hiếm. Nhìn vào dấu mốc càng rõ trái tim bên trái nhỏ và dài đuôi  hơn tim bên phải. Có lẽ là trái tim vợ. Dù nhỏ hơn trái tim vợ cũng dư kê hai bàn tiệc. Ôi phố phường. Tiệc tùng bày ra trong “trái tim” gốc cây.
… Bà cụ tầm tuổi bà ngoại tôi đứng ngoài bờ dậu. Hình như bà đứng đó đã lâu tôi mải việc không để ý.
– Cháu đến nhận việc từ sớm bà ạ.
– Cậu đến tôi có biết. Tuổi già khó ngủ mất giấc từ nửa đêm. Giờ ấy còn trên giường là buộc phải nằm thôi.
– Ở quê thổ cư nhà cháu không được rộng như nhà ta đâu.
– Rộng đẹp như thế này nhưng may còn gian nhà trú già…
– Sao thế ạ? Tôi chen lời bà cụ đang ngập ngừng như đã trót nói ra chuyện không nên nói.
– Chẳng dám giấu cậu. Cữ này năm kia vườn đất còn rộng hơn, còn cả ngôi nhà cổ năm gian toàn gỗ lim. Vợ chồng nó cần tiền chạy việc trên sở trên bộ, tôi đành cho bán một suất đất. Đầu năm ngoái tôi vào Đà Nẵng với con gái, chẳng may phải nằm viện hai tháng, ở nhà chúng nó xẻ nhà ra bán. Năm gian nhà còn lại một gian bảo để làm nơi chứa đồ. Nói cho có lời chứ nhà mới đã xây đủ phòng chứa đồ, chứa xe. Thôi thì… bà cụ ngập ngừng, bàn tay buông rồi lại bám vào bờ dậu.
– Tuổi già xấu người xấu cả bước chân đến cầm đôi đũa cũng xấu. Rảnh riêng ra cho con cháu đỡ phải xấu hổ. Phiền cậu vào nhà  tôi có câu chuyện.
Gian nhà cổ còn lại rộng hơn chục mét vuông. Ngoài trời sáng nhưng trong nhà vẫn phải bật đèn điện. Nhờ ánh điện tôi nhìn rõ chiếc giường một tủ gỗ nhỏ, chạn nhựa đựng bát đĩa, nồi cơm… Đồ ăn thức dùng của bà cụ thành phố cũng na ná như các bà các cô nhà quê sống một mình.
Bà cụ mở rộng cánh cửa sổ. Bên ngoài là ngõ phố rộng rãi sạch sẽ.
– Từ thời các cụ cổng nhà mở ra ngõ chung này. Nhà tôi sớm tối đông vui như nhà quê. Xây xong nhà mới vợ chồng nó vít cổng cũ mở rộng ra đường to. Vợ chồng nó đi làm khóa cổng cầm chìa. Từ ngày có nhà to cổng lớn năm thì mười họa mới có người ra vào. Tôi có gặp gỡ, chuyện trò với ai, có gửi mua bán gì đều qua ô cửa này. Cậu giúp tôi nhé.
Bà cụ bám bàn tay vào song cửa. Hai bàn tay gầy nổi những đường gân xanh. Bà vịn song cửa để khỏi sục xuống? Để nén cơn giận? Hay đấy là biểu thị quyết tâm không – cho – vít – cửa? Cùng lúc tôi nhận ra mùi hương bài ngan ngát. Tôi dễ dàng nhìn thấy nơi thăng lên mùi thơm thanh khiết. Phía trong tấm ri đô, trên cao giữa bức tường chái có bàn thờ trang nghiêm. Nén hương trên bàn thờ đã cháy quá nửa. Ở làng trước mỗi việc hệ trọng người ta thắp hương kính cáo tổ tiên phù hộ cho thông đồng bén giọt. Bà cụ thành phố vẫn giữ lệ xưa. Bà thắp hương thưa trình việc trọng rồi mới ra nói chuyện với người làm thuê. Tôi bước lên ngước nhìn tấm ảnh người đàn ông trên bàn thờ. Có lẽ ông cụ đã đi lâu lắm. Bà cụ một mình nuôi các con khôn lớn, học hành. Giờ con cái phương trưởng, chức tước quan trường, nhà cao cửa rộng. Nhưng bàn thờ người cha rảnh riêng nơi sót lại của ngôi nhà gia bảo. Ông cụ linh thiêng muốn được đi về với mái nhà xưa. Hay bà cụ cô đơn ngay trên mảnh đất nhà mình, đặt riêng bàn thờ cho tiện nhang đăng tuần tiết.
Xế trưa “trên bộ” về, đẩy cổng ra vườn, ánh mắt dòm dòm về phía gian nhà cổ, vầng trán thấp tè nhăn lại như không có trán “Trên bộ” chắp tay sau lưng đi vòng quanh trái tim lồng hỗn hợp gạch đất. Cái đầu múp gật gật. Những nếp nhăn dãn ra. Tôi chớp cơ hội ngàn vàng.
– Anh ạ. Em đã vào nhà của cụ. Gian nhà cổ rất đẹp nhưng hơi bị tối, bí gió. Bà không muốn vít cửa sổ.
– Sao không? – “Trên bộ” trừng mắt – Phố xá bây giờ cưa song xịt thuốc mê công khai. Cửa sổ mở tối ngày, ai đi qua cũng nhìn vào, chuyện trò gửi gắm. Có trời biết tai họa ập đến lúc nào. Việc đã thỏa thuận không làm nữa thì thôi. Tiền công phải khấu vì vi phạm thỏa thuận.
Với con người này có nói gì thêm cũng vô ích. Tôi định vào nói lời xin lỗi bà cụ nhưng “trên bộ” đã giơ chùm chìa khóa lắc lắc. Tôi nhanh chóng thu đồ, để riêng con dao xây cầm tay đến trước mặt “trên bộ”.
– Tiền công cho thế nào trừ bao nhiêu tùy anh. Còn lại bao nhiêu phiền anh gửi biếu bà mua trầu cau.
Một Lần Ra Phố – Trần Văn Thước
2.Sáng hôm sau tôi đến nhà “hai tám” phố “víp”. Cánh cổng nhũ bạc mở rộng. Từ sau cột đá chị chủ bước ra dẫn theo mùi thơm mát dễ cảm
– Em cùng quê với cậu nhôm kính phải không?
– Vâng ạ. Tôi đáp – Bạn em nói chị có việc cần thợ xây.
– Chị cần mới nhờ tìm chứ. Giúp chị nhé.
Tôi kiểm tra đá ốp bàn bếp ga. Tiếp đến bồn rửa bát, gạch ốp tường. Khắp gian bếp không viên gạch viên đá nào bị xây xước, bỏ vữa.
– Không có chỗ nào phải sửa chữa chị ạ. Tôi nói và chỉ cái hộp i-nốc to cỡ thùng gánh nước sáng xanh con mắt thần đặt trên bàn bếp – Cái ấy còn mới. Giả sử có hỏng hóc gì em cũng chào thua.
– Đấy là lò nướng đa năng bạn chị gửi tặng, lên nhà uống nước rồi chị em mình kiểm tra trên tầng. Đi nào.
Chị chủ bước lại cầm lên tay tôi, ra khỏi nhà bếp chị vẫn không buông. Hành lang lợp ngói Thái. Lối đi lát đá xẻ. Bậc tam cấp ba màu hài hòa… Tôi như đứa em được chị gái dắt đi xem nhà mới. Nhưng dắt mà như lôi kéo, như có gì thúc bách, như hạn hẹp thì giờ.
Chiếc đi văng đệm nhung cũng ngát lên mùi thơm dễ cảm, níu giữ. Chị chủ mở tủ kính lấy ra bốn chai rượu bốn màu. Tiếp đến là hai chiếc ly pha lê.
– Chị… Tôi vội vàng đến líu cả lưỡi – Em không bao giờ uống rượu trong buổi làm.
– Chị biết em là chàng trai nề nếp. Cứ coi như hôm nay không làm việc thì đã sao nào. Chị có bí quyết pha rượu chỉ pha mời những người chị mến trọng. Hôm nay chị pha công thức “tình hữu nghị”.
Trăng trắng nước ta, hồng hồng Pháp, vàng vàng Ý, nâu nâu Nga. Quý tửu bốn quốc gia chảy vào một cốc. Tôi đón ly rượu nhấp một ngụm. “Tình hữu nghị” thơm thơm cay cay. Nhưng thơm cay tình hữu nghị không làm nhạt đi mùi thơm dễ cảm như biết níu giữ thoảng ra từ con người chị chủ. Từ ghế đệm. Mùi thơm đằm thêm, như trùm kín tôi khi chị chủ cầm ly sang ngồi cùng ghế. Bờ vai chị kề sát bờ vai tôi. Đột ngột tiếng đế ly cạch xuống mặt bàn. Mái đầu chị chủ lả xuống bờ vai tôi. Tôi sực nhớ ai đó kể chuyện phố phường các bà các cô dư dả tiền của, ngon lành công việc nhưng đói khát tình cảm. Chuyện ấy đang là thực với gã trai quê lên phố. Vùng chạy thật dễ dàng.  Nhưng tôi còn đủ tỉnh táo để nghĩ rằng đừng làm thế, không đành thế. Tôi nhìn khắp nhà tìm lối thoát cho tình cảnh. Lối thoát ở ngay bức tường trước mặt. Tôi gỡ bàn tay chị chủ đứng lên bước lại với dãy khung ảnh treo tường. Những tấm ảnh của một gia đình hạnh phúc, thành đạt.
– Bức tường hư chỗ nào, em?
– Không… ảnh đẹp quá.
Chị chủ đứng sát bên bàn tay ấp lên bờ vai tôi, những ngón búp mềm mại vấn vít.
– Tấm ảnh anh chị chụp ở Đồ Sơn. Buồn cười lắm nhé. Anh tốt nghiệp thủ khoa trước chị một khóa. Chị ra trường là anh đòi cưới ngay. Sợ mất hoa khôi mà.
– Ảnh kia là các em…
– Em ư… Chị chủ tựa cằm lên bờ vai tôi. Đấy là cậu cả, cô út của anh chị. Đứa làm việc đứa du học ở nước ngoài. Chị đây mà…
Tôi nóng mặt vì xấu hổ với lời đoán chắc. Phụ nữ phố phường thật khó đoán tuổi. Nhìn mặt cứ tưởng họ là em ta, bạn ta. Tình thật họ đáng tuổi chị ta, dì ta.
Chị chủ thôi thuyết minh ảnh. Cánh tay choàng vai trượt xuống ôm lưng tôi.
– Người ta vẫn trẻ đẹp nhưng người ta phải bùa sinh bệnh lãng quên. Quên từ những ngày xưa đến ngôi nhà này. Sắp quên cả… Nhưng thôi… Em hiểu chứ.
– Chị. Em hiểu chị. Nhưng không thể khác được. Tha lỗi cho em.
– Cảm ơn em. Em ngồi kia chờ chị một lát.
– Không phải thế. Em  có làm gì đâu mà chị trả công. Em về đây.
Trên đường về nhà trọ tôi mua luôn bữa trưa. Chai vốt-ka và hai ổ bánh mỳ. Tôi chốt chặt cửa phòng trọ ngồi với rượu trắng bánh khô. Cái chai rỗng dần hóa ra thằng bạn nhôm kính. Bạn tôi cao to, đẹp như diễn viên sao hô li út, đàn ông nhìn thấy cũng mê nói gì phụ nữ. Tôi nhảy bổ lên, may kìm được cú đá tung cánh cửa. Nhôm kính ơi là nhôm kính. Đích thị mày được người phố mua dùng đến no xôi chán chè rồi mày động lòng nghĩ ra mẹo “sang hàng” cho gã thợ xây đang đói việc.
Tôi đổ vật xuống giường. Cơn say tan đã lâu mà tâm trạng tôi vẫn rối bời. Cảm giác nuối tiếc trai tráng. Người ta đẹp thế, khao khát thế, chân thành thế… Cảm giác bị coi thường… Gã trai quê lên phố. Người nhà quê trong con mắt phố phường… Tôi bật khóc.
3.Khi tôi thức dậy cả khu nhà trọ đã kín cửa vắng tanh. Cảm giác con người bải hoải, hơi thở nong nóng.
Chợ lao động chỉ còn loáng thoáng mấy chị sồn sồn. Tôi đứng nghe các chị tán gẫu chuyện “bán mình”, giá cả… Rồi cũng có người đến chọn hàng. Mua tôi là cô gái tầm tuổi em gái tôi. Chủ đon đả mời “hàng” cầm lái xe máy. Còn líu ríu, nhà ở cuối phố, sáng mai vui chuyện với anh bánh rán suýt quên đi chợ.
Cổng lưới thép mở ra khép vào ngay. Cô gái chỉ bức tường ngăn vườn nhà với vườn hàng xóm.
– Anh xây cho em bức tường cao dầy hơn bức tường kia. Vật liệu thế nào anh tính toán, em gọi cửa hàng chở đến.
Nhà quê khoảng giáp ranh thế kia sẽ là hàng dậu cây hoặc ngả cành rào tượng trưng, phố phường đến lạ. Đã có tường cao dày còn muốn ốp cao dày hơn. Cô gái này “chập mạch” hay bày trò bẫy bả trai quê? Tôi rút thước nhôm chỉ bức tường.
– Bức tường vững thế kia sao còn phải  xây ốp? Cô nghĩ lại đi, khỏi lãng phí.
Cô gái vào vườn vén mảnh nhựa xám che chân tường, Phát lộ miệng lỗ rộng nham nhở vết đục phá. Nước đen rỉ giọt. Lòi ra cả mớ bao cao su.
– Ức lắm anh ạ. Ba lần thuê thợ vít vào rồi nó lại chọc ra. Nước thải, rác rưởi tràn cả sân. Mảnh vườn cây cảnh đến cỏ dại cũng không mọc nổi. Anh cứ xây như ý, tiền công vô tư.
Tôi nhẩm tính tầm cao 2 mét dài chừng 3 mét. Ba trăm viên gạch, nửa khối cát xi là vững như thành. Một thoáng đắn đo, tôi bàn việc như với người nhà quê.
Chung dậu với kẻ xấu có xây tường ngăn vững như đập thủy điện họ cũng nghĩ ra cách đục phá. Cô nên gặp hàng xóm bàn cách giải quyết ổn thỏa đôi bên.
Thoắt biến đâu chân dài phố xinh tươi. Trước mắt tôi là cô gái quê đáo để. Mặt cô đỏ bừng, mắt cô long lên. Cô đạp gót giầy mốt vào bức tường. Rằng trước khi bên kia xây nhà bên này đã cho người sang nhắc chú ý đường thoát nước. Thuê cán bộ phường sang chứ nửa bước cũng không thèm. Chúng nó bảo không cần, nước rác đã có người lo. Được vài tháng hàng phố bên ấy không cho đi chung lối. Thế là chúng nó đục…
Trong lúc cô gái thôi hồi tôi đi quanh mảnh vườn hẹp phát hiện ra sát chân tường có rãnh nước bị bùn rác vùi lấp. Lối thoát cho hai nhà ở trong tầm tay. Việc đại loại thế này nhà quê chỉ ới nhau một tiếng cùng xắn tay vài giờ đồng hồ là xong. Tôi cứ liều bàn kiểu nhà quê “chín bỏ làm mười”.
– Đường thoát nước bị bùn rác vùi lấp. Nếu cô đồng ý tôi sẽ khơi thông xây hố ga. Việc sẽ gọn trong ngày. Hàng xóm xấu bụng, ta cứ chơi đẹp. Chịu nhún nhường một chút nhưng sân, ngõ sạch sẽ, vườn cây cảnh đẹp.
Việc xong sớm tôi nán lại giúp cô gái dọn vườn. Đào hố chôn rác. Gạt bùn, vun dựng lại mấy gốc cây còn ngoi ngóp hy vọng. Việc nọ… việc kia… “Chân dài phố” thoắt như cô gái làng đảm đang. Có điều cô “quê” này đóng quần xoóc, áo dây mốt.
Trước lúc ra về tôi nói với cô gái:
– Việc nhỏ, chi phí không lớn nhưng lợi ích chung. Cô đưa giấy bút tôi viết tờ biên nhận, đưa cho hàng xóm biết chịu chung chi phí. Cũng để họ biết từ nay phải có ý thức trách nhiệm chung.
– Anh chu đáo quá. Dù có tốn bạc tỷ em cũng không thèm chia. Thằng hàng xóm trước là chồng em.
– Chồng cô? – Tôi thốt lên.
– Vâng. Nó phải bả tiền con mụ “thùng phi” ngân hàng. Ly hôn, tòa xử đất chia đôi, nhà hóa giá ưu tiên phụ nữ. Cô gái nghiêng đầu nhìn ảnh người đàn ông đặt trên chùm san hô trong tủ kính.
Người yêu cũ của em cũng sắp ly hôn. Anh ấy đang ở trại sáng tác để hoàn thành tập trường ca mới. Xong trường ca là ra tòa. Trước khi cưới chúng em sẽ dựng lại cái tum mươi mét vuông ốp kính bốn mặt. Chúng em sẽ vui chơi, đọc sách… trên tum kính. Bên kia chúng nó không muốn nổ con ngươi thì phải đóng cửa tối ngày.
Phố phường ơi! Trên đường về lòng tôi nặng trĩu.
Một Lần Ra Phố – Trần Văn Thước
4.Ít hôm sau, nể lời bác chủ nhà trọ tôi nán lại ngày về quê. Người bà con của bác có việc cần đến thợ xây. Sáng sớm, đến đón tôi là cô gái tay phải bó bột đeo lên cổ bằng dải băng xanh. Bác chủ nhìn tôi quay sang cháu gái: “Cơ man thợ nhưng bác kén mãi mới được cậu này giao cho cái việc bực mình”… Bác cầm tay cô gái, quay lại với tôi: “Cháu gái bác tốt nghiệp đại học bằng đỏ. Cậu liệu đấy mà trộn vôi xếp gạch”.
Hôm trước, qua lời bác chủ tôi biết nhà cô gái cách ba ngõ phố, lô hai. Sang đường, tôi khoác túi đồ lên vai rảo bước. Một mình một quãng rồi cô gái lên kịp. Cô và tôi song song bên nhau, có lúc bờ vai cô chạm sát vai tôi. Kẻ đeo túi đồ thợ xây người đeo tay bó bột hút bao nhiêu con mắt phố phường. Một lần chạm vai, tôi vượt lên.
– Sao anh vội vậy?
– Vội đi cho chóng đến. Tôi “hàng” mà.
– Nói hay lắm. Thế thì em là chủ. Chủ để hàng xa dễ mất lắm. Hàng- này- hàng hiệu càng dễ “bay” anh nhỉ.
Đang chăm chú bước suýt nữa tôi gật đầu.
Hình như người phố phường không hề biết cổ nhân có lời: “láng giềng tắt lửa tối đèn…” nhưng rất triệt để thuộc câu phương châm  “đất căng dây cây dựng sào”. Bên ấy xây nhà coi như không có bên này. Đào móng làm nứt tường. Xây tường bít cửa sổ. Đổ rác lấp rãnh… Đúng là phố phường lắm chuyện còn hơn cả bực mình.
Cô gái tóc dài óng ả, má lúm đồng tiền, da trắng môi hồng bà cho mẹ tặng, thật là của hiếm phố phường. Tôi đang nạo vữa vết nứt thì “của hiếm” xách xô đến bên cạnh. Vữa rơi bụi mù. Tôi lấy thước nhôm gõ nhẹ vào thành xô.
– Cảm ơn. Mời đi chỗ khác chơi.
“Của hiếm” thản nhiên:
– Anh có thuộc Truyện Kiều không?
– Có. Nhưng chưa tới mức thuộc lòng.
– Câu này chắc anh nhớ – “Của hiếm” giơ cao cánh tay lành – Anh Từ Hải “một tay gây dựng cơ đồ”. Em sao không làm được việc xúc vữa vào xô.
Cô gái đáo để đây. Hãy đợi đấy.
Buổi chiều tháo khung cửa sổ tôi cảm giác như chính ngôi nhà mình bị hàng xóm chơi xấu. Vữa tường nhà bên chèn sát cửa sổ, may gỗ tốt nên chưa bị mục. “Của hiếm” xách xô vào đứng ngây nhìn. Đang cơn bực tôi chọc dao xây vào bức tường nhà bên.
– Lúc bên kia xây tường sao nhà ta không gỡ lấy  khung cửa.
– Hôm nọ đào móng bố em có sang thưa chuyện. Hôm sau em bị ngã xe máy. Mẹ đi công tác xa. Bố ở trong bệnh viện với em hôm về họ đã đổ mái xong.
– Đi đứng thế nào mà bị ngã? – Tôi gắt hỏi như với đứa em, với cô bạn ở quê. Dứt lời mới biết mình gắt đại. Người ta phố thế mình quê thế này.
“Của hiếm” nhìn xuống bàn tay lành nắm chặt quai xô. Hình như mỗi khi chợt buồn những người đẹp càng đẹp hơn.
– Anh ấy đi du lịch về đến sân bay hẹn em ra đón. Trên đường xe sau bị cướp số xô vào em. Người ta đưa em vào bệnh viện ở lại cùng bố em. Hắn kia năm hôm sau mới ghé qua một lúc. Từ hôm ấy mất mặt. Bạn em gặp nó cặp kè với đứa họ nhà nấm.
Không cần lục vấn gã nhà quê này cũng hiểu rõ nguồn cơn những lời ấp úng và từ “anh chuyển sang “nó, hắn”. Một cảm giác khó tả ùa lên, tôi buột miệng:
– Phố phường lắm chuyện hay ho cực.
Hay sao?
– Xây tường bịt cửa sổ là một trò rất hay ho. Yêu nhau, thề non hẹn biển, chẳng may người yêu lâm nạn lập tức “co cẳng… là một trò hay nữa. Nhà quê thì khác.
– Khác sao?
– Ví dụ nhé!  Có cành cây lả sang muốn chặt cũng phải ngó trước ngó sau. Làm gian nhà trên đất nhà mình cũng phải vấn ý láng giềng, lựa chỗ giọt gianh. Làng tôi có hai người yêu nhau. Không may anh bị bệnh trọng, sự sống tính từng ngày. Đón anh về, chị ra ủy ban làm thủ tục kết hôn, đám cưới đàng hoàng. Đêm tân hôn, chị phục bên giường bệnh. Gần sáng anh đi.
Buổi chiều ngày thứ hai, chỉ còn việc lắp khung cửa sổ vào vị trí mới. Vẫn như buổi sáng “của hiếm” ngồi gian trong đọc sách. Rất chăm chú. Như trêu ngươi. Như thế giới này không có gì ngoài cuốn sách. Một lần tôi giả vờ đánh rơi thước nhôm. Vẫn không thèm ngẩng lên. Phố không chịu nhún thì làng phải nhường thôi. Tôi gõ nhẹ dao xây vào xô vữa:
– Xin ra nhìn giúp xem có lệch bên nào không. Rồi công nhìn trừ vào công xây. Vô tư đi.
“Của hiếm” ra đứng giữa nhà. Cũng nheo nheo mắt. Cũng nghiêng nghiêng đầu.
– Có lệch thì kê cho bằng. Thợ giỏi cơ mà. Chứ đây còn chờ tổng đài “một… ba…bốn” không”. Vô tư chưa.
Bọn tôi cười vang.
“Của hiếm” kéo tay tôi ấn ngồi xuống ghế. Tôi bắt gặp ánh mặt chợt khác của cô gái phố. Thêm chợt khác nữa từ trong lặng im. Có gì như nỗi lo chân thành bè bạn. Có gì như câu hỏi – không – lời. Như thôi miên. Có thể tôi lầm lẫn những suy ra ấy. Mặc dầu, tôi cứ kể với “của hiếm” chuyện của tôi ở làng. Ngày này tháng này năm trước thôn tôi họp bầu trưởng thôn. Tôi trúng cử với số phiếu nhiều hơn phiếu hai người chi bộ giới thiệu. Tôi nhận chức trưởng thôn đúng dịp triển khai phương án thu chi. Bà con phát hiện bốn khoản thu vượt mức, năm khoản thu mờ ám. Tôi trình đơn khiếu nại tập thể lên chính quyền. Việc một thôn làm gương cho cả làng. Dư luận xôn xao vì tôi mà ông này bà kia mất mấy suất đất, không mua được xe máy… Đến việc thống kê hộ nghèo ban lãnh đạo thôn đồng “sáng kiến” khuyến học. Trong thôn gia đình nào có con học cao đẳng, đại học là chúng tôi đưa vào danh sách hộ nghèo. Các em được hưởng chế độ ưu đãi, gia đình đỡ chật vật. Nửa tháng sau tôi có giấy triệu tập ra ủy ban ông chủ tịch lạnh lùng: “Anh chủ tâm phá thành tích mười năm xóa đói giảm nghèo”. Trưởng ban thanh tra  huyện vỗ cặp da “Sai nghiêm trọng. Toàn quốc chưa có ai dám làm như cậu…”. Ba hôm sau tôi nhận được quyết định bãi chức trưởng thôn. Tôi trụ ghế dân bầu được bảy tháng chín ngày.
Tôi giúp “của hiếm” sửa ngay ngắn tờ lịch. Cô đứng bên cạnh, bàn tay run run gỡ tờ lịch mỏng mạnh.
– Em sẽ giữ tờ lịch này. Để nhớ hai ngày qua, nhớ chuyện anh kể.
Tiễn tôi ra cổng, “của hiếm” đặt vào tay tôi gói nhỏ vuông vắn.
– Em tặng anh món quà nhỏ. Ngày mai về nhà đúng mười giờ đêm mới được mở ra. Gật đầu đi.
Tôi gật liền ba cái.
5 Buổi tối ở nhà, đúng giờ hẹn tôi cầm gói quà  ra ngồi trên phiến đá cầu ao. Những phỏng đoán của tôi sai hết. Món quà là chiếc điện thoại di động. Tất cả chức năng đã được cài đặt. Chỉ không có số “của hiếm” để gọi. Cửa báo giờ trong máy nhảy từng giây. Thời gian bỗng nhiên kỳ lạ quá. Hôm qua trong nhà người phố một giờ như chỉ vài ba chục phút. Về làng, ngồi trên bờ ao nhà, một phút dài đến cả vạn giây. Mười giờ lẻ “Con dế” nổi nhạc báo tin nhắn. “Đường dài trời nắng, xe đông. Anh mệt đấy. Lưu số đẹp này nhé. Chúc anh ngủ ngon ngô – sắc ạ”.
Bẵng đi cả tháng tôi bặt tin “của hiếm”. Có ngày cả chục cuộc gọi đi cả chục lần dội vào tai điệp khúc: “Số máy… không…”. Tin nhắn gửi đi tức thì màn hình nổi ba chữ: “Không gửi được”. Bao nhiêu đoán già đoán non, bao nhiêu buồn bực trai tráng vo gọn lại thế này. Người ta phố phường học vấn thủ khoa. Ta – gã trai làng “đắc nạn” dân bầu đi làm thuê đợi mùa. Xong việc trả tiền… Bai bai nhé. Thôi đành nhẽ quên đi cho khỏe lũy tre làng. Sắp mùa gặt rồi.
Nhưng có một chuyện dẫu có là đùa giỡn tôi vẫn cứ muốn tin là không – đùa, muốn lưu giữ mãi. Đó là một đêm trăng sáng “Con dế” ngân khúc dân ca Bắc Bộ. Của hiếm “líu ríu”. Anh đang ở đâu”. Anh ở bờ sông giúp bạn hạ thủy nhà lồng cá..”. “Em ở đâu ạ? Tôi cầm máy ngồi dựa bờ tre chắn sóng. Bờ tre rì rào gió. Bờ sông xôn xao sóng.
Cho đến một buổi tối. Tôi với lên nóc tủ lấy tờ báo, bàn tay chạm phải bao điện thoại. Tiện tay tôi mở máy. Liền hai ngày cả chục cuộc gọi nhỡ từ số đẹp. Tôi chạy ra bờ ao nhấn số gọi lên. Tức thì “của hiếm” nghèn nghẹn: “Mấy hôm rồi anh đi đâu?”. Tôi thú thật: “Anh để máy trên nóc tủ…”. Thế cơ đấy. Nghe cho rõ này. Em thôi việc ở chỗ làm trái ngành học. Vì sao ư? Về sau mỗi lần về quê trở lên em lại tự lục vấn mình. Sao lại như thế, học một đằng làm một nẻo. Anh này, năm tuần liền em chưa được về quê. Nhớ quá “Tôi cắt lời” của hiếm: “Chờ anh gọi lại. Nhanh thôi”.
Tôi chạy ra cánh đồng. Tôi vào ruộng ngô trời nhẹ gió. Tôi rung cây cho lá xao mạnh hơn.
– Em có nghe tiếng gì không?
– Tiếng lá. Hình như tiếng lá dài.
Tôi chạy tắt bờ đạc lên đê, ào xuống bãi sát mép nước. Khuya vắng, thật rõ tiếng sóng vỗ bờ.
– Em có nghe thấy tiếng gì không? – Tôi đặt máy trên ngọn sóng.
– Quá rõ. Tiếng sóng vỗ bờ. Anh lội bãi quên xắn quần. Chịu tài em chưa.
Thật mười mươi mà tôi không dám tin là thật. Ở xa thế mà “của hiếm” vẫn nhận ra tiếng sóng tiếng gió, cả tiếng bước chân tôi chạy trên bãi cỏ. Chỉ những ai gắn bó với làng, thật tâm yêu làng mới cảm nhận được những âm thanh chỉ ở làng mới có.
Vĩ Thanh.
Chiều hôm qua “của hiếm” điện thoại về xin lỗi hẹn với mẹ và tôi “Của hiếm” đang làm thủ tục chuyển công tác về một nơi xa thành phố. Nơi đấy là đâu “của hiếm” còn giữ bí mật. Khi nào “của hiếm” bật mí tôi sẽ thưa cùng các bạn. Nhưng có một điều xin thưa ngay. Nửa giờ sau cú điện là tin nhắn “Để giành thửa lúa nhá. Đây thủ khoa trường nông nghiệp đấy”. Tin nháy những ba lần.
Lúa mùa này tốt lắm bạn ạ.
Truyện ngắn của Trần Văn Thước – Thực hiện: Minh Nguyệt

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *