Bài nổi bật

Nhớ Thương Tu Hú – Tước Hiệu Đàn Ông

1: Nhớ Thương Tu Hú
Tiếng chim tu hú nghe thật khác thường. Nó như đã thành tinh, biết trước được những gì gắp xảy ra với bản thân nó, với ngôi nhà của nó. Chỉ mấy người lớn tuổi phần nhiều là đàn ông ở trong khu tập thể xế sau mảnh vườn, kề con sông Lấp là hiểu được điều đó. Cụ thể là ba người đàn ông ít ngủ:
Anh Đặng, anh Hiến và tôi.
Số là con chim tu hú này từng lang thang trong lùm cây dại dọc bờ con sông Lấp. Những năm ấy dọc con sông còn vắng, nước đầy và nhiều mảng rau muống xanh um. Sau chẳng hiểu sao nó chuyển nhà vào khu vườn thuốc. Bấy giờ vườn thuốc còn nguyên sơ, mấy luống đất gầy guộc giữa những loài cây dại um tùm. Sau đó mảnh vườn cũng đẩy số phận như người, thay đổi theo phong trào. Phong trào trồng thuốc nam lên thì người ta hùng hổ tay dao tay rựa xông vào chặt, lấy đất trồng cây thuốc. Xong đâu đấy lại để hoang phế, chậu cây nghiêng ngả, cây dại trùm lên khắp. Phong trào lên lại hùng hổ xông ra. Nó ở không yên chỗ, tính ra nó đến ba, bốn lần chuyển nhà cả thảy.
Mỗi lần như vậy, như nó đều biết trước. Không chỉ phút chốc ngôi nhà của nó tan nát đã đành, mà rất có thể một lưỡi dao bất chợt phạt đứt thân nó. Những lần biến thiên như thế dường như chỉ có mấy người già trong khu tập thể phía sau vườn là biết. Cụ thể là anh Đặng, anh Hiền và tôi.
Anh Hiền vốn hiền lành:
Nó như chúng mình ở trong thành phố. Nên nghe tiếng nó khác xa vùng thôn quê, ở những bờ cây hoặc vườn vải, vườn nhãn…
Tôi xen vào:
– Thành tinh rồi. Sắp có chuyện gì là nó kêu lạ lắm, như dự báo…
Anh Đặng (ngày ấy còn khỏe), thì nói rất sâu:
– Đúng, nó như đọc được tâm trạng con người. Các ông thấy không, nó phục kích khi con người ta ở vào trạng thái có vấn đề nhất là nó kêu. Như hôm trời nóng nhất hết chịu nổi, hoặc sau một trận mưa đêm mát mẻ. Vâng, nhất là sau trận mưa đêm như lọc đi tất cả. Nó kêu, nó gọi, nó hát, nó khóc. Như có cả tầng tầng áp thấp vần vụ đọng vào tiếng kêu của nó. Như nó biết tất cả!…
Sau đó ba người đàn ông lặng lẽ lùi vào bóng tối, ai về hộp gia đình của người ấy.
Anh Đặng ngày ấy dù khuya mấy cũng có thòi quen tìm ra đầu hồi nhà, ngắm sao trời, ngóng về góc vườn nơi con chim tu hú ở, nghe cho được tiếng kêu dài của nó… rồi mới lên giường như một kẻ mộng du. Vào màn còn lẩm bẩm một mình: “Hệt như phận người ấy nhỉ”. Bà vợ hỏi: “Ông lại lẩm bẩm gì thế?”. Mãi sau mới lên tiếng quát: “Quên đi!” Đặng nằm tủi thân ôm lấy cái bụng đau quặn về đêm, nghe tiếng chim tu hú não ruột.
Bấy giờ cơ quan mới thành lập ở chiến khu Việt Bắc, Đặng là chàng trai có mặt đợt đầu, đầy mơ mộng. Tổ chức nhận xét:
– Đồng chí Đặng hăng hái!
Có học, anh làm chân văn thư, chuyên chạy công văn dọc các cánh rừng. Hồi ấy đêm đêm anh cũng nghe tiếng một loài chim, nhưng tuổi trẻ không để ý. Ngoài mơ mộng, anh còn tinh ý, chạy công văn nhanh, điều gì cũng biết, cũng phân tích được.
Tổ chức, nhất là ngài thủ trưởng ranh ma sợ anh đi nhiều thế thì biết mọi chuyện về lai lịch, quan hệ của mình… Bèn quyết định:
– Đồng chí Đặng có trình độ, viết được, lại có khiếu trình bày. Tăng cường cho tổ viết…
Tổ viết chưa ấm chỗ, lặn lội qua mấy chiến dịch, tay viết có lên được chút đỉnh, được xếp vào tổ phó… Đặng không biết tay T. tổ chức có đứa con vừa đi học xong ở quê, định dấm vào cơ quan bố, lại sợ có Đặng, kẹt vào con đường thăng tiến tổ phó tổ trường của con mình. Bèn bày trò quyết định:
– Đồng chí Đặng có năng khiếu hội họa. Điều đồng chí sang tổ trình bày…
Tổ trình bày chưa ấm chỗ. Chàng thanh niên Đặng không biết được nguy cơ đến sau lưng mình. Tay thủ trưởng giăng hoa H, trước Đặng ở chân liên lạc, sợ chàng tinh ý biết hết mọi chuyện, kìm chân lại, giam vào tổ viết. May ở đây tay này lại dan díu với cô họa sĩ trẻ. Vậy là Đặng lại thành quả bóng, thành vật tế thần. Lợi dụng sức khỏe chàng Đặng kém sút, cộng thêm một vài lỗi trong chuyên môn. Khi đã ở tuổi xế bóng, Đặng nhận được quyết định:
– Đồng chí Đặng sang tổ đời sống!
Bấy giờ thì Đặng bừng tỉnh, nhớ đến tiếng chim tu hú không bao giờ ấm chỗ, cất lên tiếng kêu dằng dặc dọc những cánh rừng, anh gào lên:
– Tôi chẳng khác con chim tu hú. Chẳng bao giờ người ta để cho yên chỗ!
Năm trước anh bị ung thư. Đêm đêm đau đớn anh lại ra trước hiên nhà, ngắm lên trời sao như những giọt lệ, nghe tiếng chim khảm khắc rồi mới yên tâm lên giường nằm. Đêm cuối cùng trước lúc ra đi, anh linh tính ngồi dậy hét lớn:
– Từ mai là tôi được yên chỗ rồi!
Đêm ấy anh mất, trong tiếng chim tu hú khản đặc.
Từ đó tu hú ngừng kêu mấy ngày, như có ý để tang cho người, sau đó kêu lại nhưng tiếng cứ rớt xuống như những giọt nước mát. Thực ra dạo trước đó nó đã kêu khác đi, như một dự báo. Đàn bà và đa phần đàn ông chỉ biết có nốc là duy vật biện chứng cười cợt ác độc: “Rõ tu hú hóa tinh. Nó biết trước việc lão Đặng dở người sắp ngoẻo là kêu báo trước. Hay nó chính là con chim lợn trá hình cũng chưa biết chừng”.
Chỉ có nhóm bạn số phận trong đó sót lại anh Hiền và tôi là không nghĩ như vậy. Thương nhớ anh Đặng và hiểu tiếng chim tu hú.
Anh Hiền có nét khác anh Đặng và sau ngày anh Đặng mất lại càng lộ nét khác hơn. Số là anh Đặng thường lén nghe tiếng chim tu hú vào lúc thật khuya rồi mới lên giường nằm, thì anh Hiền lại có thói quen dậy sớm từ ba, bốn giờ sáng chỉ mong được nghe tu hú kêu vào khoảnh khắc lạ lùng đó. Vốn sau khi đi bước nữa ở cái tuổi quá lục tuần, tinh lực đã cạn, cô vợ trẻ cường lực sinh con nhỏ, anh toàn được phân công trực phiên sáng. Đủ thứ việc, giặt giũ, chuẩn bị hàng vặt cho cô vợ dậy bán, khi làm nấm, khi làm bánh… Chứng bệnh tim từ xưa và cơn đau cột sống lúc trở trời khiến anh nhức nhối, bước vẹo đi. Tu hú cũng vậy, lúc thật trở trời thì nó nhức mỏi và cất tiếng kêu lạc nhịp vào tảng sáng. Cô vợ thấy vậy nằm trong mùng nói vọng ra: “Vô tư đi! Làm nhiều thì mới sống lâu bố ạ!”.
Thực ra anh Hiền ở bậc tuổi bố của người đàn bà quá lứa này. Người vợ trước bỏ anh thuộc thế hệ “vợ bao cấp” từ trong ra ngoài, cô vợ nay thuộc thế hệ “vợ kinh tế thị trường”. Nhó cái thuở trai tráng xây cái “tổ chim tu hú” đầu tiên ấy, chẳng ngờ về sau nó hóa thành tổ chim bìm bịp”, anh Hiền cùng lứa bạn dù mơ mộng nhưng cũng có nhiều cái khôn láu khôn vặt hơn thanh niên thời nay. Mình trai trẻ, có chữ, chẳng tội gì lao vào cảnh “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” cho khổ. Có điều kiện bay nhảy đây đó, cầm cây bút phỏng vấn này nọ, chẳng dại gì không nhìn vào nơi “chuột sa chĩnh gạo” nhằm vào con gái các ông cốp, ông làm to. Một buổi tìm đến một câu lạc bộ nhảy múa đâu đó, anh chàng Hiền để ý một em đẫy đà, mắt liếc môi cười, đầy hấp dẫn. Xì xầm: “Con gái ông bộ, thứ trưởng nào đấy”. Chàng Hiền cũng là trí thức, cao to đẹp trai kém gì. Một hôm nàng bảo:
– Điện thoại nhà em. Có dịp anh đến chơi!
Ghê thật, hồi ấy đã mấy ai có điện thoại. Anh Hiền lao vào như con thiêu thân. Và cuộc tình duyên chóng vánh. Chàng Hiền mãn nguyện, tự tin, làm rể được ông to đã đành, cái chính là nhận lấy bộ “den” di truyền con nhà tử tế thời thượng cho con cái nó ấm cái thân. Thực ra bố nàng chỉ là Cục phó Cục thực phẩm lương thực. Nàng lại không phải là con đẻ. Thời trước mấy ông bà làm to hoạt động vùng rừng rũ vẫn có cách nhận con nuôi. Vợ Hiền chẳng có “den” thông minh thời thượng gì, về sau chỉ lộ tính hưởng thụ, hoang dại. Hiền ta bị lừa. Tổ ấm của chàng chỉ là cái tổ chim bìm bịp. Và chàng ở phận chim tu hú. Vợ chơi bời, mấy đứa con tuổi ăn, tuổi học. Hiền làm việc đến kiết xác, không từ việc gì. Thậm chí buôn bán vặt, từ mấy bao thuốc lá phân phối đến mấy gói kẹo… Một lần xe đạp đèo mấy cái túi trên đường sơ tán. Người chức trách từ đâu ập ra:
– Anh đã bị bắt!
Khám xét chỉ vì mấy bao thuốc lá. Thuở ấy thuốc lá thuộc loại phân phối, đem đi bán là phạm pháp như thuốc phiện ma túy bây giờ. Hiền phải vào tù, lần đầu tiên nghe tiếng chim tu hú kêu đến cháy lòng ở trong một cánh rừng, nơi trại giam sơ tán.
Ra tù, Hiền chỉ còn tay trắng. Vợ bỏ. Đàn con nhếch nhác. Hiền đổ bệnh, trái tim đau dấm dứt như bị nghiền nát…
Nhưng số phận còn đoái thương Hiền, đưa đến cho anh một cô vợ đảm. ả đúng tuổi thằng con đầu, không xinh, không xấu, sắc sảo kiểu vừa là đàn ông vừa đàn bà thời kinh tế thị trường. Cái chính là ả dám làm, dám chịu trách nhiệm như việc gắn đời mình với đời “ông già Hiền”. Vất vả lắm cuối cùng trong nhà cũng có được tiếng trẻ khóc, dù mồm miệng thiên hạ đàm tiếu thế nào. Người đàn bà lỡ thì có được đứa con, hóa thành cỗ máy vừa đại tu, vận hành cật lực đến chát chúa. Chỉ khổ cái ông già bệnh tim theo lẽo đẽo, gần như suốt cả hai mươi bốn tiếng. Ngày họ có được cái phòng ở sửa sang lại, thằng con lớn hùng hổ tìm đến:
– Bố ngăn nhà để tôi lấy vợ!
Căn phòng ngăn đôi. Trước đó con chim tu hú kêu buồn và gắt.
Anh Hiền tưởng gục xuống. ả vợ trẻ tinh tướng người thời nay khôn trước tuổi, coi như không có chuyện gì xảy ra, còn bình tĩnh động viên “ông già Hiền” nữa: “Ngăn thì ngăn. Vô tư đi!”. Và cỗ máy cứ vận hành chát chúa. Anh Hiền cứ lẽo đẽo theo. Cho đến một ngày ả nói toạc ra, như là tổng kết cuộc đời người có tên là Hiền:
– Ông quả là con tu hú già khọm!
Người ta hiểu câu ấy theo cách nào cũng được.
Mảnh vườn thuốc phía trước lại như số phận anh Đặng, anh Hiền, số phận cuộc đời. Sau thời gian dài để hoang phế, lại đến phong trào vườn thuốc nam. Lại tay dao tay cuốc, có người còn mang theo súng bắn chim nữa, xông vào chặt phá…
Hôm ấy trời đổ mưa to. Con chim tu hú chờ đêm đến kêu lên một hồi rõ dài, rồi im bặt. Từ đó không thấy kêu nữa.
Tôi buồn. Anh Hiền lại động viên:
– Đừng buồn ông Phan ạ. Lại có loài chim khác đến hót cho chúng ta nghe…
– Chim gì vậy?
Chim có tên lạ lắm: “Vô tư đi!” “Quên đi!”. Ông không nghe chúng đang hót đấy ư?
2: Tước Hiệu Đàn Ông
Tôi thế mà quê mùa cổ lỗ một cục, tưởng cứ gọi số máy điện thoại di động dài ngoẵng 091520909 là thế nào cũng nghe tiếng nói thân thiết tại ngôi biệt thự xinh xắn ở đường Tầu Bay hoặc giả một góc nào đó di động trong thành phố. Vậy mà bấm máy xong thì nghe tiếng sóng tiếng gió ầm ào từ một cửa biển xa lắm. Hóa ra bạn tôi tạm biệt ngôi biệt thự của mình, đưa phu nhân đi nghỉ biển. Thật đúng mốt và thành đạt, việc gì ra việc ấy. Tiếng nói rất vui trong tiếng sóng biển: “Vâng, tôi đây, Ngọc đây…”.
– Anh đang ở đâu đấy?
– Khách sạn Hương biển…
– Nói chuyện với cô nhà tôi chút nhé!…
– Vâng, cảm ơn. Anh sướng quá, làm việc gì cũng ổn, lại việc nào ra việc ấy.
Đúng thế. Nếu bàn đến việc phong tước thì anh Ngọc là một trong những người đàn ông thời nay được nhận “Tước hiệu đàn ông”. Cái thời buổi mà đa phần đàn ông biến thành đàn bà, một số á nam á nữ, số ít thì lại ra vẻ đàn ông quá, ranh ma mà ngu xuẩn chỉ biết tiền, chức, gái và thịt chó… Anh Ngọc không làm ra vẻ ta đây là đàn ông nhng lộ ra rõ ràng chất đàn ông. Thậm chí nhiều lúc anh lẫn vào chất ỏn ẻn dịu dàng của đàn bà, cuối cùng vẫn thòi ra một anh đàn ông chính hiệu. Thế mới là chuyện lạ!
Đã bảo chất đàn ông của anh là việc gì cũng ổn, lại việc nào ra việc ấy. Mới đây anh dựng dậy được “mối tình đã chết” mười mấy năm trời của tôi và em Lan. Dựng gì dậy không khó, cả việc dựng không thành có, dựng xấu thành tốt, dựng ngu dốt lên ghế này ghế nọ… Thời nay đều dễ như bỡn. Còn dựng “mối tình chết” thì chẳng dễ chút nào. Như đề tàiy học về phẫu thuật, về phẫu tích… Còn lạ hơn chuyện chú mèo ma nhảy qua thi hài thì thi hài đứng phắt dậy…
Tôi và em Lan yêu nhau mười mấy năm trời từ lúc em là cô gái xinh đẹp mười tám tuổi. Cuối cùng em nói: “Tình yêu của chúng mình đã chết. Xin anh coi như là em đã chết!”.
Vậy mà hôm qua sau cú điện thoại rất vui của anh Ngọc: “Mời anh trưa nay đến liên hoan món bún với vợ chồng tôi nhé, như ngày xưa ấy mà”, tôi đến ngôi biệt thự của anh ở đường Tầu Bay, thì từ ngoài cửa kính khổ rộng đã nhận ngay ra bóng dáng em Lan xưa ở đó. Từ cô gái mười tám, nay em đã là người đàn bà khép lại thời thiếu nữ của mình từ lâu rồi…
– Em có nhận ra anh không?
– Có.
– Anh có nhận ra em không?
– Có.
– Vậy thì anh chào em!
– Em cũng chào anh…
Trong căn phòng khách đẹp có mặt lúc này cả anh Ngọc và chị Lê, tôi và em đưa mắt nhìn nhau như người ma, người thiên thu. Đôi mắt ấy tôi vẫn nhận ra nét đẹp riêng, dù thời gian đã phủ lên như một tấm voan dày. Vẫn cảm thương, không hề có thù hận, dù người này đã “để chết” cho người kia. Cám ơn và phục tài anh Ngọc (có cả công chị Lê vợ anh nữa) bằng cách nào đó khiến cho tôi và em Lan gặp lại được nhau khi đã có “lời nguyền” không gặp lại nhau nữa, như lời nguyền trước dòng sông. Công đầu là của anh Ngọc. Tước hiệu đàn ông dành cho những người phả được cái hơi thở sự sống, làm cho “mối tình chết” sống lại chăng?
Lần lại “hồ sơ bệnh án” một chút.
Bấy giờ có chàng trai cao, mảnh khảnh, da ngăm đen nắng gió, vừa như anh thợ cày vừa như thi sỹ đồng quê. Về sau được biết, chàng vừa tốt nghiệp đại học ngành địa chất, đang đảm đương công việc kiến trúc xây dựng, lại là chàng trai mơ mộng làm thơ viết văn. Gần nữa thì biết chàng đã sớm hoàn thiện thiên chức người đàn ông, nghĩa là sớm có vợ, một tiểu thư Hà Nội có nhan sắc, có nhà, dù chỉ là gian cấp bốn hồi đó đã là oách lắm rồi, sớm có con, trai hay gái tôi không rõ. Tôi và em Lan bấy giờ thỉnh thoảng xuống căn nhà cấp bốn rất xinh của anh Ngọc và chị Lê, có dàn hoa trước cửa, dự thân mật bữa bún liên hoan hoặc một món gì đó. Ngoài “tình thơ” của tôi và anh Ngọc, chị Lê và em Lan còn có tình chị em gái Hà Nội xinh đẹp, rất khuê các cũng rất đời. Dấu ấn của họ là da trắng, mắt mở to như hiểu thấu tất cả, nụ cười vừa trữ tình vừa cao sang. Lần đầu anh Ngọc đọc cho tôi nghe bài thơ tình có thực trong căn nhà cấp bốn của anh, về cảnh một ngày mưa, giọt mưa tung tóe trước mái hiên, chị Lê ngồi rửa bát…
Tôi thì đang gặp khó khăn, không có được “mái tranh cấp bốn” như anh Ngọc chị Lê để đặt “hai trái tim vàng” vào đó. Từ đó sinh ra khối chuyện…
Một tối ở bờ đê đẫm ánh trăng:
– Hôm qua bố em đến thăm thủ trưởng cơ quan anh đấy. Cụ bảo thằng nào yêu con gái cụ bao năm nay mà cứ như áo gấm đi đêm, chẳng biết mặt ngang mũi dọc ra thế nào cả.
– Chết! Lại có chuyện đó?
– Vậy sao anh không lên nhà em?
– Anh chỉ có mỗi cái xe đạp mi ni cóc gặm này…
– Không sao! Anh cũng cứ lên. Để các cụ biết mặt, cho quen đi. Sau dễ thưa chuyện…
– Lại còn chuyện nhà cửa!…
Anh Ngọc “đón đầu” ngay được và trước đó đã chìa ra bàn tay từ thiện:
– Tôi sẽ tìm cho anh một hộp nhà ở trung tâm thành phố. Cốt để chàng trai ất ơ như anh có khả năng mua được.
Hôm sau anh đưa tôi đến phố Hàm Long, chỉ vào một khu đất mà thợ của anh đang đào bới ngổn ngang ở đó:
– Đấy, nó ở trong khu đất này đây. Cánh xây dựng địa chất chúng tôi chỉ cần có mảnh đất không lầm vào “căn bệnh huyền phù” là có thể dựng nhà, xây hạnh phúc ở đó được!
Rồi anh nói rất vui:
“Huyền phù” là từ địa chất. Nghĩa là tình trạng đất ương ương dở dở như tính tình người ta ấy, không trôi không lắng… Chúng tôi sợ nhất cảnh đó!
Hai từ “huyền phù” của anh chẳng ngờ từ đó ám vào tình yêu của tôi và em Lan. Từ địa chất về đất đai ấy như định mệnh, như ma quỷ thật đáng sợ. Khổ nhất là nó vận vào tình cảnh trai gái thương cảm nhau, vì lẽ vô hình và hữu hình nào đó, mà không lấy nhau được, cũng khôgn bỏ nhau được.
Anh Ngọc gặp và hỏi:
– Anh đã lên nhà thăm các cụ chưa?
– Chưa!
– Anh quyết tâm mua đất ở đấy chưa, dăm bảy mét cũng được?
-…
Anh Ngọc im lặng lắc đầu, lộ nét thương cảm buồn giận xa vắng.
Ngẫm lại, mối tình “huyền phù” của tôi và em Lan, chỉ có những người như anh Ngọc mới thấu hiểu và ra tay cứu giúp. Tôi ân hận đã không làm đúng như hai điều anh Ngọc chỉ ra. Nếu làm đúng hai điều đó thì chắc chuyện tôi và em Lan đã nên cơm nên cháo rồi…
Cuối cùng, tôi chỉ còn cảm nhận được ở mối tình “huyền phù”, mối tình chết” của tôi và em một cái gì còn lại bi tráng.
Tôi lại ngơ ngẩn bắt gặp mối tình của mình trong một bài thơ của anh Ngọc xuất hiện ngày đó và sơms trở thành nổ tiếng. Cũng như ma quỷ vậy. Bài thơ ấy như sau:
Hai phía võng ru
Chúng tôi tìm thấy hài cốt của anh
Không phải dưới ba thước đất
Cũng không phải dưới tầng tầng lá mục
Hai dưới cỏ lấp vùi
Hài cốt của anh giữa lưng chừng trời
Trên chiếc võng dù nắng mưa bạc phếch
Thời gian thời gian đã đưa võng lên cao
Cùng với trăng sao và sức sống cây rừng…
Vân… vân
Vân… vân…
Tất nhiên đây là bài thơ anh viết về sự hy sinh của những chiến sĩ vô danh trong chiến tranh. Sau cơn sốt rét ác tính, người chiến sĩ nằm trên võng mà đi vào thiên thu. Bài thơ không phải thơ tình, mới đọc tưởng chẳng liên quan gì đến những điều riêng tư của mỗi người như tôi và em Lan. Nhưng dù sao đây cũng là bài thơ về cái chết, được cả giới thơ biết đến. Anh Ngọc là người đàn ông có tài phả hơi vào cái chết, làm cho nó được sống lại ở một thế giới khác. Vậy thì tôi có quyền bấu víu vào bài thơ mà suy tưởng những gì về mình, về tình duyên của mình. Phải chăng mối tình của tôi và em Lan cũng vậy, chỉ sau một “dơn sốt rét ác tính” của tình yêu rồi cứ thế mà tắt thở trên chiếc võng ru. Và chẳng phải mới đây anh có tài cất lời ru cho nó thức dậy. Nói anh Ngọc là người đàn ông có tước vị là vậy.
Đúng dịp đó, anh Ngọc lại làm tôi bất ngờ khi anh đưa cho tôi xem một thiên truyện ngắn của anh, cũng về cái chết. Cái tên rất rợn: không phải chết lâm sàng. Anh đa tài quá. Câu chuyện đầy vẻ ma quỉ nhưng lại rất thực. Một người đàn ông thời nay, giầu sang – chức tước, chết cứng trong tòa nhà kín cổng cao tường của mình, mắt cứ mở trừng trừng không khép lại được. Bà vợ đưa hết trí lực của người đàn bà bình tĩnh buông tấm màn xuống, như không có chuyện gì xảy ra, rồi đi mời bác sĩ đến chữa bệnh cho xác chết… Xác chết vẫn mở mắt trừng trừng, bởi cả âm lẫn dương. Thời ta đang sống rồi sẽ có nhiều cái chết không nhắm được mắt như vậy. Lâm sàng là một từ y học, đối nghịch có phi lâm sàng. Hóa ra anh Ngọc còn giỏi cả về y lý.
Đương nhiên, ăn mỗi người mỗi nết, chết mỗi người mỗi bệnh. Cái gã đàn ông chức tước giầu sang trong thiên truyện độc đáo của anh Ngọc, chết không nhắm được mắt, vì lẽ gì thì chắc bạn đọc thừa hiểu. Còn những ai đó thì có thể ngược lại, không nhắm được mắt vì nhớ thương vô vọng đến mòn mỏi.
Phần tôi, bây giờ lại đến lượt bị cái chết từ thiên truyện của anh Ngọc ám ảnh. Cũng như bài thơ trên. Thật tội, hỏng một mối tình đã là chuyện nước mắt buồn đau. Nhưng kỳ lạ là sau đó, thảy những gì xảy ra trong cuộc đời đều như vận vào mối tình đã chết. Từ đó sinh ra liêu trai chí dị, sinh ra tâm thần hoang tưởng…
Trong cuộc đời từ thuở nào người ta từng khuyên đôi lứa là dù thế nào thì cũng giữ lấy tình yêu, đừng để tình yêu tắt thở. Mọi cái chết, nhất là mối tình chết, càng về sau nó ám vào ghê lắm, không thể lường được. Cả lâm sàng và phi lâm sàng.
Còn anh Ngọc, người đàn ông làm việc gì cũng ổn đã lấy lại hơi thở cho “mối tình chết” của chúng tôi. Như những ngôi nhà, những trang văn trang thơ, anh đã xây lên, xin hãy coi đây như những huyền thoại.
Phần mình, tôi vốn không hám và chẳng tường những tước hiệu chức vị mà người đời bày đặt ra, cả ta và tây, xưa lẫn nay. Nhất là thời nay toàn danh hão. Dù biết mình có thể nhầm lẫn ngớ ngẩn, vẫn cứ mong tìm lại những danh hiệu đẹp như Công tước, Bá tước, Huân tước… thậm chí cao hơn nữa, để tặng cho những người đàn ông như anh Ngọc, bạn tôi.
Tác giả: Phan Cung Việt – Người thực hiện: Hải Yến

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *