RadioVn.Com – Mỗi truyện ngắn là một lát cắt của đời sống, của tâm trạng con người. Người viết giỏi chính là người có khả năng nắm bắt, diễn tả và truyền tải một cách đầy xúc cảm những lát cắt đó tới người đọc. Có lẽ, đó cũng là một trong những lý do khiến chúng ta, những người đọc, đôi khi không nhớ được tên tác giả, nhưng lại nhớ rất rõ một nhân vật, một khoảnh khắc, một tình huống đã gặp của một truyện ngắn hay. Rất có thể, truyện ngắn Ôi Hương Tuyết! của nhà văn Trung Quốc Thiết Ngưng tôi muốn giới thiệu cùng các bạn hôm nay là một truyện ngắn như thế. Bây giờ,chúng ta cùng thưởng thức truyện ngắn này qua bản dịch của dịch giả Vũ Phong Tạo….
——————
Nếu như không có người phát minh ra xe lửa, nếu như không có người đặt đường ray đi vào núi sâu, thì bạn không tài nào phát hiện ra cái bản làng nhỏ Đài Nhi Câu này. Nó và mười mấy hộ dân bản của nó, một lòng một dạ dấu kín mình trong cái nếp nhăn sâu hoắm của dải núi lớn này, từ xuân đến hè, từ thu đến đông, lặng lẽ tiếp nhận sự ôn tồn và thô bạo mà dải núi lớn ban phát cho.
Hơn nữa, hai thanh đường ray nhỏ thó, loé sáng dần dần kéo dài len lỏi tới. Nó dũng cảm trườn lên sườn núi, lại lặng lẽ tiến vào thăm dò thám thính, khúc khuỷu quanh co, cuối cùng vòng dưới chân Đài Nhi Câu, rồi chui tọt vào đường hầm tối đen, rồi lại lao qua một cây cầu, tiếp tục bay đến một nơi xa ngái bí mật.
Không lâu, tuyến đường sắt này chính thức kinh doanh vận tải, mọi người chen chúc nhau đứng ở cổng làng, nhìn thấy con rồng xanh dài thở hồng hộc trên đường, đem theo những luồng gió xa lạ, tươi mới từ bên ngoài rừng núi, leo qua tấm lưng nghèo hèn yếu ớt của Đài Nhi Câu, rồi lại vội vùng hối hả lao đi. Nó chạy vội vàng như thế đó, tiếng động phát ra từ những bánh xe lăn trên đường ray, như muốn nói rằng: Không dừng, không dừng! Không dừng, không dừng! Đúng thế, nó có lý do gì mà đứng chân tại Đài Nhi Câu chứ? Đài Nhi Câu có người muốn đi xa khỏi nhà ư? Bên ngoài núi có người đến Đài Nhi Câu thăm hỏi người thân bạn bè ư? Hay là ở đây có mỏ dầu, có mỏ vàng? Bất luận nói về mặt nào, thì Đài Nhi Câu cũng đều không có đủ sức mạnh níu giữ xe lửa dừng chân bên cạnh sườn nó.
Nhưng, không còn nhớ rõ bắt đầu từ khi nào, trên bảng giờ của những chuyến xe lửa, đã có thêm một cái nhà ga “Đài Nhi Câu” này. Có lẽ hành khách du lịch bằng xe lửa đã nêu ra yêu cầu, trong số những người ấy có mấy vị tiếng nói có trọng lượng muốn làm quen kết thân với Đài Nhi Câu; Có lẽ do một số nam nhân viên phục vụ trên tàu phát hiện ra Đài Nhi Câu có một lũ con gái xinh đẹp mười bảy, mười tám tuổi, mỗi lần đoàn xe lao như bay qua, bọn họ đều kết bạn kết bè đứng ở cổng làng, há hốc miệng ra, thèm muốn, chăm chú ngưỡng vọng xe lửa. Có người chỉ chỏ lên toa xe, thường xuyên có thể nghe thấy bọn họ thùm thụp đấm vào lưng nhau, cười nói the thé. Có lẽ chẳng là cái gì cả, bởi vì Đài Nhi Câu quá bé nhỏ, bé xíu đến đau lòng người, ngay đến con rồng khổng lồ gân sắt xương thép đứng trước mắt nó cũng không thèm ngẩng đầu chậm bước, cũng không thể dừng chân. Tóm lại, Đài Nhi Câu đã lên Bảng giờ tàu, 7 giờ tối hàng ngày, chuyến xe lửa từ Thủ đô chạy đến Sơn Tây dừng một phút ở đây.
Một phút ngắn ngủi này, đã khuấy động sự yên tĩnh lâu nay của Đài Nhi Câu. Trước đây, người Đài Nhi Câu thường xuyên ăn cơm tối xong là chui vào chăn, hình như họ cùng một lúc nghe thấy mệnh lệnh không lời của dải núi lớn. Thế là, những ngôi nhà đá nhỏ bé ở Đài Nhi Câu cùng trong một lúc bỗng nhiên hoàn toàn yên tĩnh, yên ắng đến nặng nề, cam chịu, quen thuộc, giống như yên phận lặng lẽ cúi đầu biểu lộ lòng trung thành của mình với núi lớn rừng sâu. Bây giờ. những cô gái Đài Nhi Câu vừa dọn cơm tối lên bàn ăn đã cuống quýt lên, họ chỉ tâm ăn qua loa vài miếng, là quẳng bát đũa xuống bắt đầu trang điểm chải tóc. Các cô tắm rửa sạch sẽ, loại bỏ những bụi cát, bụi đất vàng bám vào suốt ngày, để lộ ra gương mặt tuy thô ráp nhưng ửng hồng, chải tóc đen bóng, rồi đua nhau mặc những bộ quần áo đẹp nhất. Có người đi những đôi dép mới chỉ đi vào những ngày Tết nguyên đán, có người còn lặng lẽ thoa son bôi phấn lên mặt. Mặc dầu xe lửa đến ga trời đã tối đen, các cô vẫn chiều theo tâm tư của mình, cố ý chăm chút trang phục và dung nhan. Sau đó, các cô chạy ra cổng làng, nơi xe lửa chạy qua. Hương Tuyết thường là người ra khỏi cổng nhà đầu tiên, Phượng Kiều bên hàng xóm là người thứ hai ra theo.
Bẩy giờ, xe lửa phì phò trườn đến Đài Nhi Câu, tiếp theo một hồi còi vang động, thân xe rùng mình một lúc, mới dừng lại bất động. Các cô gái tim đập thình thịch ùa đến, nhìn vào cửa sổ toa xe, như xem phim vậy. Chí có Hương Tuyết nấp ở phía sau, hai tay ôm chặt lấy tai. Trông ngóng xe lửa, cô chạy lên trước tiên, khi xe lửa đến, cô lại co ro ở sau cùng. Cô hơi sợ cái đầu máy to đùng, cái đầu máy hùng tráng thở ra những luồng khói trắng, phảng phất như muốn nuốt chửng Đài Nhi Sơn vào trong bụng. Tiếng hú long trời chuyển đất của nó cũng làm cho cô cảm thấy hoảng sợ. Đứng trước nó, cô chỉ giống một lá cỏ không còn rễ.
“Hương Tuyết, đến xem này!” Phượng Kiều kéo tay Hương Tuyết chỉ chỏ vào đầu một phụ nữ, cô ta chỉ vào những cái vòng vàng gài trên đầu người phụ nữ.
“Tại sao mình không nhìn thấy?” Hương Tuyết nheo nheo mắt.
“Cái chị ngồi bên trong đó, khuôn mặt tròn đó, Xem đấy, còn có cả đồng hồ đeo tay nữa, còn nhỏ hơn cả cái móng tay!” Phượng Kiều lại có thêm phát hiện mới.
Hương Tuyết không nói không rằng gật đầu, cuối cùng cô đã nhìn thấy những cái vòng vàng trên đầu người phụ nữ và chiếc đồng hồ đeo tay còn nhỏ hơn cái móng tay. Nhưng, cô cũng rất nhanh phát hiện ra những cái khác. “Cặp sách bằng da!” Cô chỉ tay về phía một chiếc cặp sách học sinh làm bằng da nhân tạo màu nâu thông thường đặt trên giá hành lý. Đó là chiếc cặp sách học sinh có thể bắt gặp ở mọi thành phố, thị trấn bé nhỏ.
Mặc dầu các cô gái không chú ý đến phát hiện của Hương Tuyết, song các cô vẫn quây tròn lại.
“Ôi, mẹ ơi! Cậu đạp lên chân mình!” Phương Kiều kêu thét lên một tiếng, trách một cô gái chen đến. Cô vẫn hay kêu thét như vậy.
“Cậu hét gì thế, muốn cái cô mặt trằng kia bắt chuyện với cậu ư?” Cô gái bị trách mắng cũng không chịu lép vế.
“Tao xé miệng mày ra bây giờ!” Phượng Kiều quát lại, mắt vẫn chăm chăm nhìn vào cửa lên xuống của toa xe thứ ba.
Một nhân viên công tác trên tàu trẻ trung trắng trẻo xuống xe thật. Cậu ta cao ráo, mái tóc đen bóng, nói tiếng Bắc Kinh đặc sệt rất hay. Có lẽ vì điểm này, mà các cô gái đều gọi cậu ta là “Tiếng Bắc Kinh”. “Tiếng Bắc Kinh” hai tay chống nạnh, nói với những cô gái đứng không xa lắm: “Này, tôi bảo các cô gái trẻ đừng vịn lên cửa sổ, nguy hiểm lắm đấy!”
“Ô, chúng tôi trẻ, còn anh thì già ư?” Phượng Kiều mạnh bạo đốp chát lại một câu. Các cô gái cười lớn một trận, không biết ai đùn đẩy Phượng Kiều lên trước, làm cho cô ta xuýt nữa chạm vào chàng trai, việc làm ấy càng làm cho Phượng Kiều thêm táo bạo. “Ồ, thế các anh ngồi lâu trên xe mà không nhức đầu chóng mặt à?” Cô lại hỏi.
“Thế cái gì giống như con dao lớn trên nóc nhà kia, dùng để làm gì vậy?” Lại một cô gái hỏi. Cô ấy chỉ vào chiếc quạt điện trong toa xe.
“Đun nước ở chỗ nào?”
“Xe chạy đến chỗ hết đường, thì làm thế nào nhỉ?”
“Các anh người thành phố mỗi ngày ăn mấy bữa cơm?” Hương Tuyết đứng ngay sau các cô gái, cũng lí nhí hỏi theo một câu.
“Thật bất trị!” – “Tiếng Bắc Kinh” lọt vào vòng vây của các cô gái, bất lực kêu toáng lên.
Tàu sắp chạy, các cô mới tránh ra một lối, để cho chàng trai đi. Chàng trai vừa xem đồng hồ, vừa chạy về cửa xe, chạy đến cửa xe, lại ngoái đầu nói với các cô: “Lần sau nhé! Lần sau nhất định trả lời các cô!”
Hai chân dài dài của chàng trai khéo léo nhẹ nhàng nhảy lên tàu, tiếp theo lại một trận rầm rầm chuyển bánh, cánh cửa xe màu xanh nặng nề đóng lại trước mặt các cô gái. Đầu đoàn tàu chui vào đêm đen, bỏ lại các cô gái đứng bên hai thanh đường ray lạnh ngắt. Rất lâu, các cô vẫn có thể cảm thấy tiếng rung mỗi lúc một nhỏ của nó.
Tất cả lại trở về yên tĩnh, im ắng khiến mọi người cảm thấy buồn bã. Các cô gái đi về nhà, trên đường vẫn muốn tranh luận mãi về một chuyện nhỏ:
“Đố ai biết có mấy cái vòng tròn vàng cài trên đầu?”
“Tám cái!”
“Chín cái!”
“Không phải!”
“Không phải!”
“Phượng Kiều, cậu nói xem nào?”
“Nó à? Nó còn nhớ “Tiếng Bắc Kinh ấy!”
“Thôi đi cậu! Ai nói là người ấy nhớ đấy!” Phượng Kiều vừa nói vừa nắm tay Hương Tuyết, ý muốn nhờ Hương Tuyết nói đỡ một tiếng.
Hương Tuyết không nói, cuống lên mặt đỏ nhừ. Cô mới mười bẩy tuổi, vẫn chưa biết nói đỡ lời cho người khác trong chuyện này.
“Mặt anh chàng ấy trắng thế!” Cô gái nọ vẫn tròng ghẹo Phượng Kiều.
“Trắng? Chẳng phải nhờ ở lâu trong nhà sơn xanh. Anh chàng đến Đài Nhi Câu mấy ngày thử xem.” Có người nói trong bóng đêm. Không thể, người thành phố may mắn. Muốn bàn đen trắng, bảo họ hãy so sánh với Hương Tuyết của chúng mình. Hương Tuyết của chúng mình, trời sinh ra nước da đẹp, nếu làm theo những cô gái trẻ ngồi trên xe lửa, uốn tóc xoăn xem nào! “Thật bất trị”! Chị Phượng Kiều, chị nói có phải không?”
Phương Kiều không bắt lời, buông tay Hương Tuyết ra. Hầu như mọi cô gái đều tỏ ra coi thường hạ thấp người gì đó của cô thật, trong lòng cô hơi bất bình hộ chàng trai. Không biết tại sao, cô lại nhận định mặt của chàng tuyệt đối không phải do giữ gìn là trắng được, mà đó là nước da trắng trời sinh.
Hương Tuyết lại sẽ sàng đặt tay mình vào lòng bàn tay Phượng Kiều, cô ra hiệu Phượng Kiều nắm chặt tay cô, hình như muốn xin Phượng Kiều khoan dung, hình như cô đã làm cho Phượng Kiều bị oan uổng lây.
“Phượng Kiều, cậu câm ư?” Lại là cô gái nọ lên tiếng.
“Ai câm chứ! Ai như các cậu, chuyên môn ngắm người ta mặt đen mặt trắng. Các cậu thích, các cậu có thể đi theo người ta đi!” Phượng Kiều nói cứng.
“Chúng mình không xứng đôi!”
“Cậu bảo đảm không thích người ta chứ?”
…..
Mặc dầu trên đường tranh cãi gay gắt như vậy, song khi chia tay, mọi người vẫn vô cùng hữu hảo, bởi vì một ý nghĩ khiến mọi người sung sướng lại nổi lên trong lòng các cô: Ngày mai, xe lửa lại vẫn đi qua, các cô vẫn có một phút đẹp tuyệt diệu. So với nó, một bất đồng nhỏ nhoi phải chăng chẳng đáng là bao?
Ôi! Một phút trăm hồng ngàn tía, ngươi chất chứa biết bao vui buồn, hờn giận của các cô gái Đài Nhi Câu!
Ngày tháng trôi qua đằng đẵng, một phút trăm hồng ngàn tía ngày càng trở nên sặc sỡ, chính trong một phút ấy, các cô bắt đầu khoác lên vai những cái làn hình chữ nhật đan bằng cành liễu, chứa đầy hạnh đào, trứng gà, táo tàu, đứng dưới cửa sổ toa tàu, tranh thủ thời gian mua bán hàng hoá, một cách thuận hoà với hành khách. Các cô kiễng chân, hai cánh tay vươn thẳng, đưa từng làn trứng gà, táo đỏ lên cửa sổ toa tàu, đổi lấy miến dong, hộp diêm, bật lửa và những chiếc cặp tóc, xà phòng thơm thuộc về mình, thuộc về những cô gái. Có người còn sẵn sàng chịu đựng nguy hiểm khi về nhà bị mắng chửi, để đổi lấy những chiếc khăn voan sặc sỡ và những đôi tất nilon co dãn thoải mái.
Hình như mọi người đều cố ý “phân phối” Phượng Kiều cho anh chàng “Tiếng Bắc Kinh” nọ. Hàng ngày, cô đều xách làn tìm chàng. Nàng và chàng mua bán cố ý dằng co mặc cả, khi tàu sắp chạy, cô nàng mới ấn cho chàng cả làn đầy trứng gà. Chàng cứ lấy trứng gà trước, lần sau gặp mặt mới trả tiền, cứ như vậy càng thêm tình tứ. Nếu như chàng trả lại cho nàng một bó miến dong, hai chiếc khăn voan, Phượng Kiều sẽ nhất định đưa lại cho chàng một cân miến. Cô cảm thấy chỉ có như vậy mới đáp lại quan hệ của chàng, cô muốn mối quan hệ ấy khác với sự mua bán thông thường. Có khi cô cũng nhớ lại những câu nói của các cô gái: “Cậu bảo đảm người ta không ưng ý cậu không?” Thực ra, có ưng ý hay không, không liên quan đến Phượng Kiều, cô lại không muốn đi với chàng ư?. Nhưng cô muốn đối xử tốt với chàng, lẽ nào chỉ ưng ý mới có thể làm như vậy?
Bình thường Hương Tuyết không nói nhiều, lại nhút nhát, nhưng về mua bán lại là một người có thuận lợi nhất trong những cô gái. Các hành khách thích mua hàng của cô, bởi vì cô rất tin tưởng nhìn bạn, đôi mắt trong suốt như pha lê nói với bạn, cô gái này đứng dưới cửa sổ toa tàu còn chưa hiểu thế nào là bị lừa. Cô vẫn còn chưa biết mặc cả như thế nào, chỉ nói: “Ông bà cứ xem đi!” Bạn nhìn thấy gương mặt cô trong sáng như vừa mới sinh ra trước đây một phút, nhìn đôi môi đỏ mọng như lụa hồng , trong lòng bạn sẽ dând trào một tình cảm tốt đẹp. Bạn không nhẫn tâm đùa rỡn với một cô gái trẻ như vậy, trước mặt cô, người muốn hay tính toán chi li thế nào cũng sẽ trở thành khảng khái vô tư.
Có khi cô cũng tranh thủ lúc rỗi rãi hỏi thăm họ những chuyện ở bên ngoài, hỏi han Trường Đại học Bắc Kinh có nhận người Đài Nhi Câu không, hỏi thăm thế nào là “phổ nhạc ngâm thơ” (điều này cô ngẫu nhiên nhìn thấy trên một quyển sách của một bạn học cùng bàn). Có một lần cô hỏi thăm một người phụ nữ trung niên rằng hộp đựng bút chì có thể tự động đóng mở được không, còn hỏi giá tiền của hộp đựng bút chì ấy. Ai ngờ chưa kịp nghe người ta trả lời, thì xe lửa đã chạy mất. Cô đuổi theo tàu khá xa, đến khi tiếng hú của gió thu và bánh xe ù ù bên tai cô, cô mới dừng chân lại ý thức rằng mình chạy dưới đất như vậy thật nực cười.
Chỉ trong nháy mắt, xe lửa đã mất tăm mất tích. Các cô gái quây quanh Hương Tuyết, sau khi biết nguyên nhân cô đuổi theo xe lửa, các cô bèn cảm thấy buồn cười quá.
“Đồ ngốc thật!”
“Không đáng thế!”
Các cô giống như các bà các chị, vỗ vai cô.
“Chỉ tại mình lần mần, hỏi chậm quá!” Hương Tuyết đâu có cho rằng đây là việc không nên làm, mà chỉ trách mình không nắm chắc thời gian.
“Ôi! Cậu hỏi câu gì khác không được à!” Phượng Kiều xách làn hộ Hương Tuyết nói.
“Ai bảo Hương Tuyết của chúng mình là học sinh chứ!” Cũng có người biện bạch cho Hương Tuyết.
Có lẽ chính là do Hương Tuyết là học sinh, là người duy nhất của Đài Nhi Câu thi đỗ trung học cơ sở, lên học trung học phổ thông.
Đài Nhi Câu không có trường học, Hương Tuyết hàng ngày đi học phải đi đến công xã xa ngoài mười lăm dặm. Mặc dầu không hay nói chuyện là bẩm tính của cô, song vẫn có những chuyện vẫn có thể nói chuyện với các cô gái của Đài Nhi Câu.
Trường trung học của Công xã đâu có nhiều chị em như thế này, tuy bạn học nữ không ít, song lời nói cử chỉ của bọn họ, một ánh mắt, một tiếng cười khinh khỉnh, hình như đều khiến cho Hương Tuyết ý thức được rằng cô từ một địa phương nhỏ đến, từ một địa phương nghèo đến. Bọn họ cố ý hỏi cô hết lần này đến lần khác: “Chỗ các người một ngày ăn mấy bữa cơm?” Cô không hiểu rõ dụng ý của bọn họ, mỗi lần đều cẩn thận trả lời: “Hai bữa!” Sau đó vẫn vui vẻ hỏi lại bọn họ: “Thế chỗ các bạn?”
“Ba bữa!” Mỗi lần bọn họ đều hiên ngang dõng dạc đáp. Sau đó, lại cảm thấy đáng thương và đáng giận về sự chậm chạp ngu ngơ về mặt này của Hương Tuyết.
“Bạn đi học tại sao không mang theo hộp bút chì?” Bọn họ lại hỏi.
“Đây không phải ư?” Hương Tuyết chỉ tay và góc bàn.
Thật ra, bọn họ đã biết tỏng cái hộp gỗ nhỏ trên góc bàn chính là cái hộp bút chì của Hương Tuyết, nhưng bọn chúng vẫn làm ra vẻ ngạc nhiên. Đến lúc này, bạn học ngồi cùng bàn với Hương Tuyết bèn lấy chiếc hộp bút chì làm bằng bột xốp to đùng của mình đặt mạnh xuống bàn. Đây là một chiếc hộp bút chì có thể tự động đóng, rất lâu sau, Hương Tuyết mới biết nó có thể tự động đóng lại, là vì bên trong hộp bút chì có gắn một thỏi nam châm nho nhỏ. Còn hộp gỗ nhỏ của Hương Tuyết, mặc dầu bố Hương Tuyết là thợ mộc đã đặc biệt đóng cho con để mang đi học trung học, nó vẫn là có một không hai ở Đài Nhi Câu. Nhưng ở tại đây, so với chiếc hộp bút chì của bạn ngồi cùng bàn, chẳng hiểu vì sao vẫn cục mịch, cổ lỗ đến thế? Trong tiếng cót két, nó có vẻ xấu hổ, khép nép co ro trên góc bàn.
Lòng Hương Tuyết không tài nào bình tĩnh được nữa, hình như cô bỗng nhiên hiểu ra các bạn học nhiều lần hỏi đi hỏi lại cô, hiểu ra Đài Nhi Câu nghèo nàn đến thế. Cô lần đầu tiên ý thức đây là điều không hay ho,vẻ vang gì, bởi vì nghèo nàn bạn học mới dám hỏi cô hết lần này đến lần khác. Cô nhìn chăm chăm chiếc hộp bút chì kia để trên bàn, cô đoán nó từ thành phố lớn xa lắc đến, đoán giá trị của nó chắc chắn rất ghê gớm. Ba chục quả trứng gà có thể đổi được không? Hay là bốn mươi quả, năm mươi quả? Lúc này, lòng cô bỗng lại nặng trĩu: Tại sao lại nhớ đến những chuyện này? Mẹ gom nhặt trứng gà, không phải để cho cô toan tính chi dùng lung tung! Nhưng, tại vì sao tiếng tý tách hớp hồn kia vẫn luôn luôn kêu văng vẳng bên tai cô?
Giữa thu, gió núi dần dần se lạnh, trời cũng tối ngày càng sớm.
Nhưng Hương Tuyết và bọn con gái vẫn nhớ không sai chuyến xe lửa bảy giờ tối. Bọn họ có thể mặc áo bông hoa, trên đầu Phượng Kiều cài lên chiếc cặp tóc pha lê hữu cơ màu hồng nhạt, trên đuôi bím tóc của một số cô gái còn quấn những chiếc cặp tóc bằng da hoặc cao su. Đó là những thứ mà các cô đổi được bằng trứng gà, hạnh đào, từ trên xe lửa. Các cô bắt chước những cô gái thành thị ngồi trên xe lửa tự trang điểm cho mình, xếp hàng tề chỉnh bên đường sắt, giống như chờ đòn quý khách từ phương xa đến, lại giống như chuẩn bị tiếp nhận duyệt binh.
Xe lửa đã đỗ lại, phát ra những tiếng thở dài nặng nề, giống như đang trách móc cái lạnh giá của Đài Nhi Câu. Hôm nay, nó tỏ ra hơi lãnh đạm: Toàn bộ cửa sổ toa xe đều đóng chặt, hành khách uống trà, xem báo, dưới ánh đèn mờ, không có một người nào liếc nhìn ra ngoài. Những người quen mặt, đi dài trên tuyến đường này tựa hồ cũng đã quên bẵng những cô gái Đài Nhi Câu.
Theo lệ, Phượng Kiều chạy đến toa xe thứ ba tìm “Tiếng Bắc Kinh” của cô.
Hương Tuyết với chiếc khăn choàng tím trên đầu, đổi tay liên tục chiếc làn khoác trên cánh tay, cũng chạy liên tục dọc theo thân tàu. Cô gắng hết sức kiễng cao chân, hy vọng những người trong toa xe có thể nhìn thấy mặt cô. Trên xe vẫn không có người phát hiện ra cô, trái lại, từ trên chiếc bàn nhỏ chất đầy thực phẩm, cô phát hiện ra những thứ mà cô mong ước từ lâu. Sự xuất hiện của nó khiến cho cô không muốn chạy lên phía trước nữa, cô đặt cái làn xuống, tim đập thình thịch, hai tay bíu chặt lấy khung cửa sổ toa tàu, trông rõ đúng là một chiếc hộp bút chì, một chiếc hộp bút chì tự động có lắp thỏi nam châm. Nó cách cô rất gần, tựa hồ chìa tay là có thể sờ thấy.
Một nữ nhân viên trung tuổi phục vụ trên tàu đi lại gỡ tay Hương Tuyết xuống.
Hương Tuyết khoác làn lên tay, đứng từ xa tiếp tục quan sát. Khi cô gái mà cô đoán giống cô nữ sinh ngồi sát cửa sổ, cô quyết định nhảy đến gõ cửa kính. Nữ sinh nọ quay mặt lại, nhìn thấy chiếc làn khoác trên tay Hương Tuyết, xin lỗi vẫy vẫy tay với cô, đồng thời không có ý mở cửa sổ toa xe, không hiểu tại sao cô vẫn chạy theo cửa xe, khi cô đứng tại cửa toa xe, vẫn nắm chặt tay nắm. Nếu như nói khi chạy cô còn chút do dự, thế thì những luồng hơi ấm áp từ trong toa xe toả ra, cái hơi thở đặc biệt của xe lửa lại thêm kiên định lòng tin của cô, cô bắt chước động tác của “Tiếng Bắc Kinh”, mau lẹ nhảy lên bệ cửa xe. Cô dự định đi vào toa xe với tốc độ nhanh nhất, dùng trứng gà đổi lấy chiếc hộp bút chì nhanh nhất. Có lẽ, sở dĩ cô có thể quyết định lên xe trong vòng mấy phút, chính là vì cô có nhiều trứng gà thế này, những bốn mươi quả mà!
Cuối cùng, Hương Tuyết đã đứng trên xe lửa. Cô khoác chặt chiếc làn, cẩn thận đưa bước đầu tiên vào trong toa xe. Lúc ấy, thân xe rung động một cái, tiếp đó, cửa xe bị người ta đóng lại. Khi cô ý thức trước mắt đã xẩy ra chuyện gì, thì đoàn xe đã từ từ rời khỏi Đài Nhi Câu rồi.
Hương Tuyết nhào ra phía cửa xe, nhìn thấy mặt Phượng Kiều lướt qua dưới xe. Xem ra đây không phải là giấc mơ, tất cả hoàn toàn là sự thật, cô thật sự rời xa các chị em, đứng trên xe lửa vừa quen thuộc vừa xa lạ. Cô vỗ tay vào cửa kính, gọi lớn Phượng Kiều:
“Phượng Kiều ơi! Mình làm sao bây giờ đây, mình có thể làm thế nào đây!”
Đoàn tàu vô tình chạy như bay đem theo Hương Tuyết một quãng đường, trong nháy mắt Đài Nhi Câu đã bị bỏ lại phía sau rồi. Nhà ga tiếp theo là Tây Sơn Khẩu.
Tây Sơn Khẩu cách Đài Nhi Câu ba mươi dặm.
Ba mươi dặm, đối với xe lửa, xe hơi thật sự không coi là cái gì, trong câu chuyện phiếm của hành khách, ga Tây Sơn Khẩu đã tới. Ở đây người lên xe không ít, xuống xe chỉ có một hành khách, đó là Hương Tuyết, tay cô không thể thiếu chiếc làn ấy, cô nhét nó vào phía dưới chỗ ngồi của cô nữ sinh nọ.
Trên xe, khi cô đỏ bừng mặt bảo cô nữ sinh, muốn dùng trứng gà đổi lấy chiếc hộp bút chì của cô, không biết tại sao cô nữ sinh lại đỏ mặt lên. Cô nhất định tặng cho Hương Tuyết chiếc hộp bút chì, còn nói rằng cô ở thường trú trong trường, ăn cơm của nhà ăn tập thể, trứng gà mang về cũng không ăn được. Cô sợ Hương Tuyết không tin, lại chỉ vào chiếc huy hiệu nhà trường đeo trước ngực, bên trên ghi rõ mấy chữ “Học viện Luyện khoáng”. Hương Tuyết cảm thấy cô ấy đang động viên an ủi mình, lẽ nào ngoài nhà trường cô không có gia đình sao? Hương Tuyết một mặt mâm mê chiếc hộp bút chì, một mặt nghĩ cách. Đài Nhi Câu dù nghèo đến đâu, cô cũng không thể lấy không đồ vật của người khác. Ngay trong mấy phút rùng mình trước khi xe lửa dừng lại, Hương Tuyết vẫn kịp ấn mạnh chiếc làn vào phía dưới chỗ ngồi của cô nữ sinh, nhanh chóng rời khỏi toa xe.
Cũng ở trên xe, hành khách đã từng khuyên cô ở lại ga Tây Sơn Khẩu một đêm. rồi về Đài Nhi Câu sau. “Tiếng Bắc Kinh” nhiệt tình còn bảo cô, người yêu của anh có người nhà ở trong nhà ga. Hương Tuyết không ở lại, càng không dự định đi tìm người thân nào đó của “Tiếng Bắc Kinh”, lời nói của chàng khiến cô càng cảm thấy oan khuất, oan khuất hộ Phượng Kiều, oan khuất hộ Đài Nhi Câu. Cô chỉ một lòng một dạ nghĩ: Nhanh chóng trở về nhà, ngày mai nghiễm nhiên đàng hoàng đi học, hiên ngang đàng hoàng mở cặp sách, đặt “nó” lên mặt bàn. Những người trên xe đã không hiểu tiếng hú của xe lửa đã từng khiến cho cô, một con hươu nhỏ bị kinh hãi bất lực như thế nào, càng không hiểu nổi cô bé của núi rừng sẽ có bản lĩnh lớn như thế nào trước núi lớn và đêm đen.
Đoàn tàu rất nhanh rời khỏi ga Sơn Tây Khẩu, để lại cho cô một cánh đồng không mông quạnh. Một trận gió rét thổi lại, bao quanh tấm thân cô đơn mỏng manh của cô. Cô cầm chiếc khăn choàng tuột xuống vai cuộn chặt lại lên đầu, thu lu người lại ngồi trên đường ray. Hương Tuyết cảm thấy biết bao nỗi lo sự, hồi bé sợ tóc, một sợi tóc dính vào người, gỡ xuống không được, cô đã cuống lên oà khóc; Lớn lên lại sợ tối đến một mình ra ngoài sân, sợ sâu róm, sợ bị người ta cù (Phượng Kiều khoái nhất chìa tay cù cô). Hiện tại, cô sợ hãi cái ga Tây Sơn Khẩu xa lạ, sợ hãi núi rừng xung quanh đen ngòm. sợ hãi cái yên tĩnh khiến người ta thót tim sởn da gà, khi gió thổi vù vù trong rừng cây nhỏ lân cận, cô lại sợ hãi tiếng động vi vu phát ra từ rừng cây nhỏ. Ba mươi dặm, đi một mạch về nhà, con đường này phải đi qua biết bao cánh rừng to núi nhỏ đây!
Một vầng trăng tròn mọc lên, chiếu sáng cả thung lũng yên tĩnh, con đường nhỏ mờ xám, chiếu sáng những ngọn cỏ vàng mùa thu, những cành cây thô kệch, còn có những bãi lau lách, những hòn đá hình thù lạ quái quỉ, còn có những lùm cây hoang dại mọc khắp núi rừng, còn có chiếc hộp nhỏ phát sáng trong tay Hương Tuyết.
Cô đứng phắt dậy, bỗng nhiên cảm thấy rất hài lòng, gió cũng như hiền hoà đi rất nhiều. Cô phát hiện mặt trăng trong sáng làm sao. Núi rừng được ánh trăng bao bọc, như lồng ngực trang nghiêm, thần thánh của người mẹ; những chiếc là hạnh đào bị gió thu thổi khô, cuốn xoăn lại như những cái chuông vàng treo trên cây, cô lần đầu tiên nghe rõ tiếng hát “xào xạc” của chúng trong đêm, trong gió. Cô không còn sợ hãi nữa, bước mạnh trên những tấm tà vẹt gỗ, xăm xăm đi lên phía trước. Rừng già núi lớn vốn là như vậy! Mặt trăng vốn là như vậy! Cây hạnh đào vốn là như vậy!
Hương Tuyết cứ đi, giống như lần đầu tiên nhận ra thung lũng đã dưỡng dục cô lớn lên thành người. Đài Nhi Câu thì sao đây? Chẳng biết như thế nào, cô bước nhanh hơn. Cô mong sớm nhìn thấy nó, giống như chưa từng nhìn thấy dáng vẻ mới mẻ kỳ lạ của nó.
Đài Nhi Câu nhất định sẽ “phải như thế”: Khi ấy những cô gái Đài Nhi Câu sẽ không khẩn cầu nài nỉ người khác, cũng không cần trả lời những câu cật vấn của người ta. Những chàng trai trẻ đẹp trên xe lửa đều sẽ muốn đến thăm nhà, xe lửa cũng sẽ đỗ lại lâu hơn, có lẽ ba phút, bốn phút, có lẽ mười phút, tám phút. Nó sẽ mở rộng tất cả cửa sổ nhìn về phía Đài Nhi Câu, nếu như lại gặp tình huống như đêm nay, ai cũng có thể ung dung xuống tàu.
Đêm nay, Đài Nhi Câu xẩy ra chuyện gì? Đúng rồi, xe lửa kéo Hương Tuyết đi.
Tại vì sao hiện tại cô hồi ức lại như đùa rỡn vậy? Bốn mươi qủa trứng gà không còn nữa, mẹ cô sẽ nói gì đây? Bố chẳng phải hàng ngày vẫn mong có người thăm con gái, đến hỏi con gái làm vợ ư? Khi ấy, ông ấy mới có nhiều công việc làm không xuể, ông mới có thể phơi tấm thân trần như đồng hun, không kể ngày đêm đóng sập nằm, trạn bát, tủ tường, tranh thủ thu hồi lại học phí của Hương Tuyết.
Nghĩ đến đây, Hương Tuyết đứng lại, ánh trăng hình như cũng nhàn nhạt đi, những thanh tà vẹt gỗ dưới chân cũng trở nên mờ mờ ảo ảo. Về đến nhà sẽ biết nói như thế nào đây? Cô ngắm nhìn những dặng núi chung quanh, núi rừng yên lặng; cô lại ngoảnh nhìn những hàng cây dương bên cạnh, rừng dương xào xạc lên tiếng, đồng thời thật lòng bày vẽ cho cô nên làm như thế nào.
Tiếng nước chảy từ đâu vọng đến? Cô tìm kiếm, phát hiện tại nơi cách đường ray mấy mét, có một con suối nhỏ nông choèn. Cô bước xuống khỏi đường ray, ngồi xuống bên bờ suối nhỏ. Cô nhớ lại hồi nhỏ có lần cùng Phượng Kiều giặt quần áo bên sông, gặp một ông già đổi kẹo vừng. Phượng Kiều khuyên Hương Tuyết đem một chiếc áo lót đổi lấy mấy cái kẹo vừng, còn xui cô nói dối với mẹ rằng, chiếc áo ấy không cẩn thận bị nước sông cuốn trôi mất. Hương Tuyết rất muốn ăn kẹo vừng, song cô dứt khoát không đổi. Cô còn nhớ, ông già tốt bụng ấy đứng chờ đợi cô mãi.
Tại vì sao cô lại nhớ đến chuyện này? Có lẽ hiện tại nên nói dối mẹ vậy, bởi vì kẹo vừng làm sao có thể so sánh với tầm quan trọng của hộp bút chì chứ. Cô sẽ nói với mẹ đây là một cái hộp quý, ai dùng nó, thì có thể tất cả đều thuận lòng như ý, bèn có thể lên đại học, ngồi lên xe lửa đi khắp mọi nới, bèn có thể cầu được ước thấy, cũng sẽ không bị người ta cật vấn mỗi ngày ăn mấy bữa cơm nữa. Mẹ sẽ tin tưởng, bởi vì Hương Tuyết chưa từng lừa dối ai bao giờ.
Tiếng hát của dòng suối du dương, nó phóng khoáng chảy về phía trước, đập vào những hòn đá trong nước, thường xuyên tung lên những bông hoa sóng nước nho nhỏ. Hương Tuyết cũng muốn đi mau, cô vốc nước táp lên mặt, lại đưa bàn tay dính nước vuốt lên mái tóc bị gió thổi rối tung. Nước rất mát, cô cảm thấy rất phấn chấn tinh thần. Cô nói từ biệt dòng suối nhỏ, rồi lại trở về trên con đường sắt dài tít tắp.
Phía trước lại là những gìđây? Là đường hầm, nó lầm lũi ở đây, giống như một con mắt đen của quả núi lớn. Hương Tuyết lại đứng lại, song cô không có lối thoái lui, cô nghĩ đến chiếc hộp bút chì ở trong bụng, nhớ đến ánh mắt hâm mộ của các bạn học, những ánh mắt ấy giống như đang loé sáng trong đường hầm. Cô cúi người nhổ một cây cỏ khô, cài nhánh cỏ khô vào trong bím tóc. Mẹ từng bảo cô, làm như vậy có thể “ trừ tà”. Sau đấy cô chạy vào trong đường hầm. Nói một cách chính xác, là cô xông vào đường hầm.
Hương Tuyết càng chạy càng thấy người nóng ra, cô cởi khăn choàng khỏi đầu, vắt nó vào cổ. Cô đã đi được bao nhiêu dặm đường rồi? Không biết. Mặc cho những loài côn trùng có tên “Bà dệt cửi”, “Ông đèn dầu” trong những lùm cỏ kêu vo ve nhắc nhở cô.
Đài Nhi Câu ở đâu ? Cô nhìn về phía trước, cô nhìn thấy trước mắt có một khối đen ngòm nhấp nhô trên đường ray. Đến gần thêm một chút, cô mới nhìn rõ, đấy là người, là một toán người đi lại phía cô. Người đầu tiên là Phượng Kiều, sau Phượng Kiều là những người em gái của Đài Nhi Câu.
Hương Tuyết muốn chạy nhanh lên, song chẳng biết vì sao chân lại nặng như chìvậy? Cô đứng lên thanh tà vẹt gỗ, ngoảnh đầu lại nhìn đường ray thẳng tắp, dưới ánh trăng rọi chiếu, đường ray loang loáng sáng lên, nó lặng lẽ ghi lại lộ trình mà Hương Tuyết đã đi qua.
Cô bỗng nhiên thấy thót tim, không biết làm sao lại khóc oà lên, đấy là những giọt nước mắt vui sướng, những giọt nước mắt thoả mãn.
Đối diện với quả núi lớn hiểm nguy trắc trở mà lại ôn hoà nhân hậu, trong lòng cô dâng lên niềm kiêu hãnh chưa từng có. Cô lấy mu bàn tay lau nước mắt, gỡ sợi cỏ cài trong bím tóc xuống, rồi giơ cao chiếc hộp bút chì lên, chạy nhào đến tốp người đối diện.
Trong thung lũng đột nhiên vang lên tiếng gào thét hoan hỉ lạc thú của các cô gái. Các cô gọi tên Hương Tuyết, tiếng gọi vang động, nhiệt liệt làm sao. Các cô cười vang, tiếng cười không hề dấu diếm, không hề kiêng kị. Dặng núi cổ xưa bị cảm động đến rung chuyển, nó phát ra tiếng vọng lên bổng xuống trầm, và các cô cùng sung sướng hoan hỉ gọi to:
– Ôi! Hương Tuyết! Hương Tuyết!
Tháng 6 năm 1982
Tác giả: Thiết Ngưng (Trung Quốc) – Dịch giả: Vũ Phong Tạo
Lời bình
Tôi tin rằng, phảng phất trong ý nghĩ của rất nhiều người chúng ta khi đọc truyện ngắn này là ấn tượng gợi nhớ về truyện ngắn Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam. Đó là sự gặp gỡ về ý tưởng giữa hai nhà văn ở hai đất nước, hai thời đại, hai xã hội, hay đó là sự gặp gỡ về khát khao chung thường thấy ở mỗi con người? Sự nghèo khổ và lạc hậu triền miên là cơn cớ mạnh mẽ nhất thúc đẩy con người tìm tới những khoảnh khắc vụt sáng của đời người, sự vụt sáng đúng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, mà ở đây, thông qua chi tiết chờ tàu của người dân ở Đài Nhi Câu, người đọc đã cảm nhận được rất rõ rệt. Đoàn tàu chỉ dừng một phút ở ga xép nhỏ, nhưng trong một phút ấy, ta cảm nhận được sự mừng rỡ, thay đổi, sự xáo trộn mạnh mẽ cả về tâm thế và đời thực của những người dân chưa một lần có ý định rời nhà đi xa. Một phút ấy cũng đánh thức khát khao được vươn lên thay đổi, được khẳng định vị thế và nghị lực của những cô gái, chàng trai nhiều mơ ước như Hương Tuyết. Những trạng thái tâm lý rất tinh tế của Hương Tuyết khi bước xuống tàu và đi bộ trở lại Đài Nhi Câu cho ta hiểu rõ hơn điều đó. Và nếu bạn đã từng sống một cuộc đời triền miên trong bình lặng và nghèo đói, lạc hậu, bạn sẽ thèm có một phút ấy ghê gớm chừng nào. Hãy khoan nói về những triết lý to tát, chúng ta hãy thử cùng nhau ngẫm nghĩ về sự chờ đợi của đời người. Tôi tin rằng, ai trong chúng ta cũng muốn, mỗi ngày qua đi, ta đều có một điều gì đó để chờ đợi. Sự chờ đợi để thấy mình đang tồn tại, sự chờ đợi để thấy cuộc đời còn có ý nghĩa, và sự chờ đợi cũng là cách để ta thấy cuộc đời bớt đi những nhàm chán, vô vị. Phải chăng, ngoài chủ đích nói về khát vọng vươn lên của con người giữa những khó khăn, thách thức, nhà văn Thiết Ngưng còn muốn nói tới một điều như thế khi viết truyện ngắn này?
Dương Kim Thoa