RadioVn.Com – Ông Ngà về làng
Trong những ngày mới nghỉ hưu, ông Ngà chợt ngộ ra một điều là, cái tình người ở thời buổi này sao mà đơn bạc! Nhớ lúc ông còn đương chức, đương quyền, chả mấy khi ông không có khách. Khách đến không chỉ ở cơ quan mà về nhà họ cũng chẳng buông tha. Muốn có chút thời gian rảnh rỗi để thở, khi ở nhà, ông đã phải dặn vợ con bảo ông đi vắng.
Thế mà từ ngày ông “về vườn” lại chả có ma nào đến với ông nữa!
Ông bao biện và tự an ủi: Có thể anh em bận làm công ăn lương với những toan tính mưu sinh tối ngày thì còn đâu thời gian mà chơi bời, thăm hỏi. Bằng lòng với cách lý giải ấy, ông Ngà yên tâm sống trong cô đơn. Tóc ông bạc rất nhanh. Dù không thiếu thốn nhưng ông gầy đi trông thấy. Ông sẽ không trách móc ai, không trách móc đời, nếu như mới rồi ông không bị tai biến mạch máu não.
Những ngày nằm chữa bệnh theo yêu cầu của ông Ngà tại bệnh viện, khi tỉnh táo trở lại và sức khoẻ dần dần hồi phục, ông mới thấy thấm thía cái thiếu vắng của tình cảm con người đối với nhau. Nó trống rỗng, nó hoang lạnh và ghê rợn. Ông tự vấn lương tâm: Khi đương nhiệm ông ăn ở với mọi người ra sao để đến lúc nghỉ hưu, bị ốm đau, bệnh tật, phải nằm liệt giường hàng tháng, trừ những người ruột thịt, còn bạn bè chiến hữu ngày xưa mấy ai đoái hoài? Dường như ông đang sám hối. Nước mắt ông rỉ ra – Những giọt nước mắt muộn màng, hiếm hoi bây giờ cũng chẳng giúp ông vượt qua nỗi buồn day dứt. May mà ông lắm tiền nhiều của, chạy chữa tốt, nên “thần chết” đã phải “rút quân” chỉ để lại di chứng khiến ông ngây ngây dại dại, đi đứng chậm chạp và hai tay cứ lật bật.
Ra viện, thật lạ lùng, mong ước đầu tiên của ông Ngà là được về thăm quê.
Quê ông Ngà gồm mấy trăm nóc nhà nằm bên bờ sông Đáy. Ngày trước, đấy là một vùng quê chiêm khô, mùa thối, đói nghèo, túng thiếu quanh năm. Thế hệ các ông hầu hết chỉ học xong cấp hai là ở nhà theo trâu. Riêng ông Ngà nhờ được đi bộ đội, được đi chiến đấu, rồi chuyển ngành đi học ra làm cán bộ, làm giám đốc… Bạn bè cùng trang lứa với ông ở quê suốt đời có thằng nào đi đâu ra khỏi làng. Trước kia, mỗi lần về quê gặp lại chúng nó ông thấy tay nào cũng còm cõi, râu ria già khọm. Họ hỏi ông đến khi về hưu về quê chứ? Ông lắc đầu cười trừ. Thực tâm lúc bấy giờ ông cười thầm, ngầm chê mấy lão nông dân cổ cày vai bừa hiểu ông quá ít. Đường đường là một giám đốc, dưới tay có hàng trăm cán bộ, công nhân viên, ông mới ho một tiếng là đã có bao kẻ sợ, ông mới nhức đầu sổ mũi một tí là đã có khối người phải chăm sóc, quà cáp, thăm hỏi. Hơn thế, ông còn xe hơi, nhà lầu ngoài thị xã… Thế thì ông về quê để làm gì? Lại có một lần, có một lão, hẳn là đi uống rượu ở nhà ai về gặp ông Ngà giữa đường làng, cầm tay ông giữ lại, lè nhè bảo: “Ông có về quê thì về từ lúc còn sống, chứ về lúc đã nghẻo thì bà con không cho vào làng đâu”. Câu nói nửa đùa, nửa thật của người nửa tỉnh, nửa say nhắc ông Ngà chợt nhớ đến cái phong tục rất nghiệt ngã ở quê ông. Không rõ từ bao giờ và vì lý do gì người ta đề ra cái “luật” không cho bất cứ ai chả may chết ở đâu đó được đưa vào làng làm tang ma. Hồi còn nhỏ, còn ở quê, chính mắt ông Ngà đã trông thấy các cụ trong làng nhất quyết bắt gia đình tang chủ của một ông cán bộ mãi trên Hà Nội phải tổ chức đám hiếu ở ngay cổng làng, sau đó đưa ra nghĩa trang của làng chứ không được đem về nhà dẫu vợ con ông ấy đang sinh sống ở quê. Nhưng đấy là chuyện của ngày xửa, ngày xưa. Còn bây giờ? Bây giờ chả ở quê thì ở tỉnh chứ ông sợ cái cóc khô gì mà lão già nát rượu kia đe doạ?. Ông Ngà nghĩ thế và cứ cười thầm, thương thay cho mấy lão già ở quê bảo thủ, lạc hậu, lo cho cái sống không lo lại cứ đi lo cho sự chết!
Đấy, làng quê ông Ngà là vậy. Sau trận ốm thập tử nhất sinh, ông lại muốn về thăm quê.
Mà có dễ đến ba bốn năm nay ông Ngà mới về quê. Những lần trước ông về làng bằng ô tô, thắp cho tổ tiên, ông bà nén hương, ăn với vợ chồng thằng cháu trưởng họ một bữa cơm cho nó vui lòng, rồi lại vội vội vàng vàng đi ngay. Lần này, sau mấy lần hỏi mượn ô tô, tay giám đốc mới thay ông lần nào cũng kêu “bận công tác không bố trí được”, cuối cùng ông phải bảo anh con trai thuê tắc-xi.
Được tin ông Ngà mới tai qua nạn khỏi, dịp này về thăm quê mấy ngày, anh em họ hàng, bà con trong làng đến thăm hỏi sức khoẻ ông. Đứa cháu gái lên mười tuổi gọi ông bằng ông trẻ suốt ngày phải đuổi chó và đun nước. Ai đến thăm ông Ngà cũng có quà: Người nải chuối, người vài quả na, người dăm cái bánh… Trong đám người đến chơi và thăm ông, có người ông nhớ, có người ông quên. Có người hình như muốn thử trí nhớ của ông, hỏi ông có còn nhớ ai không? Ông Ngà cố lục tìm trong trí nhớ mà chịu không tài nào nhớ nổi. Ông này liền nhắc lại, có một lần…
Phải rồi, ông Ngà dần nhớ lại, có một lần, có một người kiên trì bấm chuông nhà ông đến mấy bận, con bé “ô-sin” ra mở hai cánh cửa sắt xem ai lại dám liều mạng đòi gặp giám đốc vào giữa giờ nghỉ trưa? Cũng như bao lần trước, cô “ô-sin” bảo ông không có nhà, nếu có công việc gì thì xin mời đầu giờ chiều đến cơ quan giải quyết.
Người khách không nghe, cứ một mực khẳng định là ông có nhà. Lời qua tiếng lại một lúc, ông khách kia nói to lên, cố ý để ông nghe thấy: “Nhờ cháu nói với ông Ngà, tôi là bạn từ thuở chăn trâu với ông ấy đến chơi, nếu không tiếp để tôi về. Tôi ngồi đợi ở quán nước từ sáng, tôi vừa trông thấy ông ấy xuống xe, vào nhà, sao cháu cứ nói dối tôi là ông chủ không có nhà?”. Đã đến nước này, ông Ngà không thể không xuất hiện. Nhưng ông ta là ai? Người khách ấy không có thói quen tự giới thiệu mà ông thì không tiện hỏi, không cần hỏi, thành thử đến tận lúc này ông Ngà vẫn không biết tên của ông ta. Ông chỉ láng máng nhớ, hôm ấy ông ta tự xưng là người cùng quê với ông, được dân làng giao việc tìm gặp ông xin ít tiền tài trợ cho các cụ tu sửa lại đình làng. Phải rồi, vì hôm ấy ông đang có chuyện bực dọc ở trong đầu, lại nay người này đến xin công đức, mai người kia đến xin tiền lập Quỹ tình thương… nên ông đã trả lời ngay người khách không mời mà đến: “Ông về nói với các cụ, tiền của Nhà nước không phải là vỏ hà vỏ hến, nhá. Các vị muốn sửa đình, sửa chùa gì thì đi mà xin ông văn hoá huyện, văn hoá tỉnh, nhá”. Không nói thêm nửa lời, ông khách đứng phắt dậy vỗ đít, ra về. Thì ra cái ông hôm ấy là ông này ư?
Ông Ngà đưa cả hai bàn tay run run nắm lấy tay ông bạn: “Hôm ấy tôi thật có lỗi với ông, với dân làng. Thế đình chùa sửa xong chưa ông?”. “Xong lâu rồi! Hôm nào mời ông ra đình thắp hương”.
Đình làng ông Ngà là một ngôi đình thuộc loại trung bình kể cả về diện tích sử dụng và nghệ thuật kiến trúc. Đình nằm ở giữa làng. Nghe các cụ truyền lại rằng, thành hoàng làng là một người đi đánh giặc về qua đây thì chết. Dân làng thương tình xây đền thờ cúng. Ngày xưa, đình là trung tâm văn hoá của làng. Ông Ngà vẫn còn nhớ, hồi tóc còn để chỏm ông vẫn bám gấu áo bố theo ra đình để xem tế lễ, đánh đu, chọi gà… vào những ngày lễ, Tết. Đình tôn nghiêm là thế, gắn bó với đời sống tâm linh của dân làng là thế, vậy mà có một thời người ta biến cái đình thành cái nhà kho, sân đình thành cái sân kho của hợp tác xã. Thế rồi đình trở thành hoang phế kể từ ngày hợp tác xã làm ăn sa sút. Cách đây mấy năm, các cụ trong làng bàn nhau phải tu bổ lại. Nhưng “đào” đâu ra tiền? Chúng mình già cả rồi. Từ điếu thuốc đến miếng trầu đều phải ngửa tay xin các con mới có. Ông xã, ông huyện thì ai người ta cho để làm cái việc mà họ vẫn bảo là mê tín, dị đoan! Tính đi tính lại mãi, các cụ mới nghĩ ra cái cách là “đi công đức”. Nghĩa là đi xin tiền của thiên hạ, trong đó có những người con của làng hiện đang công tác ở trên huyện, trên tỉnh… để sửa lại đình. Hôm khánh thành, các cụ tổ chức một buổi tế lễ y như ngày trước, trọng thể lắm. Sau lễ là đến hội. Chưa có cờ tướng, chọi gà, đánh vật, nhưng đã lâu rồi, cả làng mới được ăn với nhau một bữa cơm chung, vui hơn hội, ngay trên sân đình làng. Sau cái lần ấy, tình làng, nghĩa xóm như đầm ấm hơn xưa, cởi mở và gắn bó hơn xưa. Hôm ấy, ông Ngà cũng nhận được giấy của làng mời về góp một suất đinh, ăn với dân làng một bữa cơm cho vui, cho thêm phần long trọng. Ông Ngà đã không về. Bận việc là cái cớ, cái chính là ông không muốn “dây” vào việc của các cụ, sợ ảnh hưởng đến uy tín của mình. Lần này về làng, nhân lại có lời mời của ông bạn chưa nhớ tên này, ông Ngà thầm hứa sẽ ra thăm đình, âu cũng là một dịp để tìm lại những kỷ niệm thời thơ ấu của mình, mà có lẽ đã bị thời gian che khuất.
Ông Ngà ra đình làng vào đúng ngày lễ vọng. Sau khi thắp một tuần hương, cung tiến mấy chục ngàn đồng, quay ra ông gặp ngay một người đàn bà. Bà này tuổi chừng sáu mươi, người còm nhom, nhìn cóc cáy ghê ghê vồn vã nắm lấy tay ông Ngà mà nói gần như reo lên: “Ôi, ông Ngà đấy ư? Có phải là ông Ngà đấy không?” – “Phải! Tôi là Ngà đây? Bà là…” – “Tôi là Cội đây”. Trời ơi! Ông thầm kêu lên. Bà Cội! Cô Cội hiền lành, xinh đẹp của làng xưa kia giờ già nua, lọm khọm đến như thế này sao? Không nén nổi xúc động, ông Ngà hỏi: “Các cháu nhà mình trưởng thành cả rồi chứ bà?” – “Cám ơn ông có lời hỏi thăm. Cám ơn ông đã công đức cho làng. Ông Thưởng bảo, nhờ có ông nên chúng tôi mới có đủ tiền để sửa lại cái đình này”. à, cái ông đến xin tiền ông hôm ấy là ông Thưởng. Thưởng “bò cà”. Ông nhớ ra rồi. Nhưng sao Thưởng vẫn nói tiếng tốt cho ông khi ông không làm được việc gì cho làng? Trong lúc ông Ngà tự vấn, bà Cội vẫn kể lể về gia đình của mình cho ông Ngà nghe. Cuối cùng bà chép miệng, thoáng chút như oán trách: “Chỉ tội thằng cháu cả nhà tôi. Giá như ngày ấy…”.
Ngày ấy, cách đây hơn chục năm rồi, Cành là con trai cả của bà Cội học xong cấp ba, vì nhà nghèo nên không dám thi đại học, vì có đỗ bố mẹ cũng không đủ lực nuôi. Cành an phận ở nhà làm ruộng. Nhưng làng lại là vùng quê đất chật, người đông. Ruộng ít, không đủ việc làm, thu nhập thấp, Cành thưa với bố mẹ muốn được ra ngoài làm ăn. Đi đâu, làm gì trong khi mình bằng cấp không, tiền chạy việc không? Bố Cành hỏi thế và khuyên con đừng có mơ tưởng hão huyền. Bà Cội thương con đang tuổi bay nhảy, sức dài vai rộng mà phải quanh năm ngày tháng ru rú ở nhà nghĩ tội cho nó quá, bà mới bàn với chồng nên nhờ ông Ngà. Với bà, ông Ngà không phải là bà con họ hàng thân thích nhưng là người cùng làng, hơn thế, hồi còn nhỏ ở quê hai người vẫn hay chơi với nhau, đi chăn trâu, cắt cỏ cùng nhau, nay ông ấy thành đạt làm ông to ở trên tỉnh, cậy duyên có má hồng, bà sẽ nhờ ông Ngà xin việc cho thằng Cành. Chồng bà Cội vốn là người có tính tự lập, suốt đời không muốn nhờ vả phiền hà ai việc gì, nhưng nghe vợ bàn có lý, vả lại, vì công ăn việc làm cho con hối thúc, ông đành đồng ý.
Cành xách một con gà trống với mấy cân lạc hạt, gọi là có chút quà quê ra thị xã tìm ông Ngà. Hỏi thăm mãi, loanh quanh mãi, cậu ta mới tìm đúng công sở của ông. Chị cán bộ ở phòng hành chính bảo Cành phải ngồi chờ vì giám đốc đang bận họp. Đợi tới gần trưa chị ta mới dẫn Cành lên phòng giám đốc. Không phải ông Ngà bận họp hành gì quan trọng mà là ông bận hầu một ông khách cấp trên đến “làm” mấy ván cờ.
Đưa mắt nhìn lướt nhanh từ đầu xuống chân một anh chàng lạ hoắc đang ngồi khép nép đối diện trước mặt mình, ông Ngà hất hàm hỏi: “Có việc gì?”. Cành nhỏ nhẹ và lễ phép trình bày. Ông Ngà bóp trán vẻ như cố nhớ lại và liên tục hỏi: “Cội nào? Bà Cội nào nhỉ?”. Cành thưa chuyện xong, hướng nhìn vào ông Ngà với ánh mắt cầu xin và hy vọng.
Ông Ngà vẫn ngồi lặng im. Một con tính nhanh lướt qua trong đầu ông. Nhận con người khác vào Sở ông còn được dăm ba “vé”. Nhận thằng cha căng chú kiết này ông sẽ nhận được gì ở nó? Nhờ vả lại không tiền không bạc. Vả, nó có đưa ông cũng không thể nhận! “Dây” vào với mấy bố nhà quê là dễ rách việc lắm. Tốt nhất là không nhận. Không nhận gà, không nhận lạc và dứt khoát không nhận người, cho dù nó là con bà Cội, bà Cành nào đó ở quê, cũng không nhận.
Làm ra vẻ cân nhắc suy nghĩ, một lúc sau ông Ngà mới nói, giọng lạnh tanh: “Anh không có bằng cấp thì làm được cái gì ở đây mà xin? Đã học hành không đến nơi đến chốn lại còn đòi…”. Cành định thưa: “Bác xếp cho cháu làm bất cứ việc gì cũng được. Cháu sẽ vừa làm, vừa tranh thủ học”, nhưng ông Ngà đã xua tay, đứng dậy, tỏ ý không nghe nữa. Mọi việc coi như kết thúc. Ông bảo: “Thôi, anh về đi. Tôi không có nhiều thời gian”.
Hy vọng vụt tắt. Cành choáng váng như đất sụt dưới chân mình. Với tâm trạng nhục nhã ê chề, vì bị khước từ, bị xúc phạm mà không làm gì được họ, giống một kẻ mộng du, Cành đi vô định giữa chốn thị thành. Chẳng may Cành bị tai nạn giao thông. Một thằng cha choai choai phóng xe máy như hoá rồ, tông vào Cành. Hắn bỏ chạy còn Cành thì phải vào viện. Anh bị rạn hộp sọ, chảy máu trong nên phải mổ não. Sau thời gian điều trị, ra viện Cành trở thành người tàn tật. Từ đấy Cành bị câm và không đi lại được nữa. Bố mẹ Cành, các em Cành phải nuôi báo cô Cành.
Ông Ngà giật mình thảng thốt khi biết chuyện về Cành. Không ngờ chuyện lại kết cục bi đát đến như thế. Ông nhận lời mời của bà Cội, phần vì nể, cái chính là vì tò mò mà theo bà về nhà thăm Cành.
Cành nằm thẳng đượt, một tay vắt lên trán như người đang ngủ. Bà Cội lay gọi con. Cành từ từ mở mắt, lơ láo nhìn. Bà Cội hỏi: “Con có nhớ ai đây không? Bác Ngà làng ta đấy. Con không quên chứ?”. Cành nhíu mày, lát sau anh gật gật đầu hai, ba cái. Vậy là Cành vẫn nhớ ông Ngà. Nhìn Cành tiều tụy, teo tóp và trắng bợt ra nằm như dán trên giường, ông Ngà lấy làm thương lắm. Trời ơi, giá như, bà Cội nói, giá như hôm ấy thương hoàn cảnh của Cành ông xếp cho anh ta một việc làm gì đấy thì đâu đến nỗi này! Nhưng bây giờ mới biết thương thì đã muộn, quá muộn mất rồi! Ông run run đưa tay vào túi áo móc ra mấy chục ngàn đồng: “Bác cho cháu chút quà!”. Cành ú ớ lắc đầu không nhận. Ông Ngà cứ đặt vào tay Cành. Thật bất ngờ, anh ta vừa trợn mắt lên, vừa bật dậy, ném mấy tờ bạc mười ngàn đồng vào mặt ông Ngà và rú lên như tiếng hút của một loài thú dữ. Tiếng hú ấy của Cành khiến ông Ngà đột ngột ngã khụy xuống, bất tỉnh nhân sự.
Người nhà bà Cội cùng mấy đứa cháu của ông Ngà vội vã gọi xe ôm đưa ông về thị xã. Người ta đưa ông vào bệnh viện cấp cứu. Nhưng không kịp nữa! Các bác sĩ cho biết, người bị di chứng não, khi tái phát là hết đường cứu chữa.
Nhớ đến nguyện vọng của chồng lúc đang mang bệnh, khi nào ông qua đời thì đưa ông về quê với ông bà, tổ tiên, vợ ông Ngà trình bày ý nguyện ấy với mọi người, nhưng vẫn còn băn khoăn, chả biết bà con có cho vào làng hay không? Lúc bấy giờ chồng bà Cội cũng có mặt ở đấy, nói chắc như đinh đóng cột: “Có chứ! Sao lại không?” – Và, bỗng ông nói thêm: “Từ hai ba chục năm nay, làng ta luôn luôn giơ tay đón những đứa con của làng, dù người ấy còn sống hay đã chết. Bà cứ yên tâm đi. Tôi không dám nói sai bao giờ”.
Tác giả: Xuân Mai
2 – Tiêu chuẩn vẹt
Dù không nói ra, song từ lâu tôi luôn tự hào, cho rằng, mình là người am hiểu nhiều về việc nuôi dạy vẹt, vì gia đình tôi là gia đình nuôi vẹt nhiều đời, tôi lại được cha truyền nghề cho từ bé nên kinh nghiệm dạy vẹt nói tiếng người đối với tôi là chuyện bình thường như người ta uống nước hằng ngày, không có gì cần phải học hỏi ở người khác. Nhưng rồi cách đây không lâu, một sự cố đã xảy ra làm tôi phải xem lại cái tính chủ quan của mình và tôi đã ngộ ra thêm đôi điều về cách đánh giá mức độ thông minh cũng như kinh nghiệm dạy nói cho loài chim này.
Trong số vẹt mà tôi nuôi vào thời gian gần đây, có một con tôi rất thích và luôn luôn cưng chiều hơn những con khác, được tôi đặt tên hơi kêu một chút – thanh điểu. Đó là một con vẹt thuần giống vẹt ta, lông xanh, mỏ đỏ, đuôi dài và được tôi mua lại của mấy đứa bé bắt tận trong rừng mang về bán từ khi nó chưa mọc lông cánh, lông đuôi. Theo tôi, có thể nói thanh điểu là một con vẹt thông minh ít thấy, tỏ ra nổi trội hơn những con khác trong đám. Từ khi trưởng thành, biết nhảy nhót, mỗi lúc tôi đi đâu về mười lần như một, dù đang lúc thời tiết thế nào, hoặc nắng hoặc mưa, nó đều tỏ ra mừng rỡ, nghiêng người , xoè cánh, đầu hơi ngửa ra sau một chút như để chào hỏi, trông giống điệu bộ của một anh hề hóm hỉnh.
Về giọng nói, con thanh điểu cũng đặc biệt hơn những con khác, nó có giọng nói trong trẻo giống hệt giọng của chàng trai đang tuổi trưởng thành, và ngay từ đầu tôi dạy nó câu ” Phúc, lộc thọ muôn năm!” thì con vật nói được ngay, không chút ngượng nghịu, trong khi những con khác phải bày đi, luyện lại hàng chục, có khi hàng trăm lần. Đáng chú ý hơn nữa là con thanh điểu không chỉ thuộc lòng những câu tôi dạy mà nó có tài bắt chước rất nhanh những câu mà mọi người chung quanh nói dù chỉ nghe một lần, trong khi các con còn lại chỉ nói được duy nhất câu mà chủ đã luyện.
Tôi thích con thanh điểu và cũng cưng chiều nó nhất, trong những lần cho ăn, tôi chọn cho nó những hạt bắp, hạt đậu phộng ngon nhất, những trái chuối hay những miếng đu đủ ngon nhất… Thỉnh thoảng tôi còn mang nó đi theo đây đó trong xóm và gặp ai tôi cũng khoe sự thông minh của nó.
Những con vẹt trưởng thành, được luyện nói theo tiếng người trong nhà lần lượt được bán đi và những con vẹt hoang tiếp tục được tôi mua về. Thông thường, một con vẹt được tôi bán với giá từ một triệu đến hai triệu. Riêng con thanh điểu tôi định giá nó phải trên bốn triệu, nhưng thực lòng tôi không có ý định bán nó vì theo tôi nó là con vẹt thông minh nhất.
Tuy nhiên, ngày kia, có một anh chàng trai trẻ đánh chiếc xe ô tô bóng lộn tìm đến nhà tôi mua vẹt. Anh ta tỏ ra rất vui vẻ khi thấy những con vẹt của tôi đồng thanh hô ” Phúc, Lộc, Thọ muôn năm!”. Sau khi xem đi, xem lại và nghe tôi kể, anh chàng trẻ ra chiều thích con thanh điểu thực sự và năn nỉ tôi bán để anh ta làm quà tặng cho Sếp của mình, mặc dù tôi nói giá rất cao, đến bốn triệu hai. Cho con vật yêu quí của mình về nhà người khác tôi buồn lắm nhưng đúng lúc thằng con út của tôi học ở xa đang cần tiền, lại thấy giá một con vẹt đến trên bốn triệu đồng nên tôi cắn răng đồng ý.
Tiền lấy được vừa gửi cho con vài ngày thì anh chàng trẻ quay lại nhà tôi cùng với con vẹt xích chân trên một cành cây khô.
– Ông dạy vẹt kiểu gì vậy?- Vừa thấy tôi anh ta đã đỏ mặt, tía tai, nói với vẻ đầy bực tức- Thế mà bảo đây là con thông minh nhất!
Tôi cố giữ bình tĩnh, hỏi chuyện thì được biết con thanh điểu mấy ngày qua về nhà chủ mới, nó không hề nói câu ” Phúc, Lộc, Thọ muôn năm” như yêu cầu, mà nói lung tung, thậm chí khi thấy quan khách đến dự sinh nhật của Sếp anh bạn trẻ thì nó cứ lặp đi, lặp lại một nội dung rất khó chịu: ” Đồ tham nhũng! Đồ tham nhũng!
Tôi giật mình hoảng hốt. Nhìn mặt thì rõ anh chàng trẻ không hề phịa. Tôi biết tôi đã làm khổ anh ta, làm anh ta phải mất mặt với Sếp của mình, vì chợt nhớ ra, con thanh điểu đã học được câu này trong một lần ông hàng xóm của tôi uống rượu say đã chửi như thế trước mặt nó, khi ông ta bất bình với vị Chủ tịch xã về chuyện đất đai.
Không còn cách nào khác tôi đành chạy quanh xóm mượn tiền hoàn lại cho chàng trai. Nhưng vợ tôi không hiểu được sự tình xảy ra. Bà ấy đùng đùng nổi giận, gây gổ với tôi, cho rằng tôi quá hiền nên mới đi trả tiền lại. Tôi cũng nổi đoá, quát tháo ầm ỉ. Hai vợ chồng trở nên mặt nặng, mặt nhẹ. Lúc đó, bất ngờ, một người bạn của tôi từ thời còn cắt cỏ chăn trâu, làm đến chức Tổng biên tập một tờ báo, giờ đã nghỉ hưu, từ thành phố về quê chơi, ghé thăm. Chẳng dấu được anh ta nên tôi đành kể thật mọi chuyện. Nghe xong, anh bạn tôi bảo:
-Trả tiền lại cho người ta là đúng rồi ! Oâng bà làm ăn kiểu đó có nước chết. Nuôi dạy vẹt lâu năm, một con vẹt như thế mà cũng gọi là con vẹt thông minh được ư? Đó chỉ là một con vẹt hạng bét ! Con vẹt thông minh là con vẹt chỉ có thể nói được những câu mà chủ nó cần nói. Đằng này, con này… nếu xét ở khía cạnh khác thì nó thông minh, nhưng xét tiêu chuẩn vẹt thì nó thuộc hạng bét. Oâng bà để xem, nếu sắp đến có bán nó cho ai, tôi tin người ta cũng sẽ trả lại hoặc thải đi mà thôi.
Thế đấy, vợ chồng tôi đã ngộ ra thêm một tiêu chí để đánh giá loài vật mình nuôi. Cũng từ đó, tôi sợ đám vẹt nuôi của mình trở thành loại hạng bét nên tôi che chắn cẩn thận, không cho nó tiếp xúc với thế giới bên ngoài, chỉ dạy cho nó nghe những điều mà các ông chủ cần nó nói./.
Tác giả: Hoàng Nhật Tuyên
Từ khóaHoàng Nhật Tuyên Vân Anh Xuân Mai
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …