Bài nổi bật

Sơn dương trắng – Văn Thành

RadioVn.Com – Có thể đã nhìn thấy tôi đứng tần ngần ở ngã ba đường, người đàn ông cưỡi con ngựa tía từ dưới suối đi lên  bèn dừng lại. Anh ta mỉm cười thân thiện sau khi đã chỉ lối cho tôi và thản nhiên thúc ngựa phóng vụt đi. Vượt qua vài con dốc nhỏ nữa, bản Chung Chiêng giờ lại hiện ra trước mắt, với hơn chục căn nhà sàn cũ kỹ nằm cạnh suối. Nó vẫn như xưa!… Người đàn ông ngồi dưới gốc cây ban già trông thấy tôi liền đứng dậy. Tôi nhận ra  Cầm Văn Đôi bởi dáng đi ục ịch! Ông thật đúng hẹn. Tôi thầm nghĩ xưa nay ông bao giờ chả thế. Chúng tôi chào hỏi nhau, vồn vã theo cách của người vùng cao: Tức là vỗ vào vai nhau bồm bộp, rồi thong dong đi vào bản.
Việc tôi trở lại bản Chung Chiêng đợt này là do những người Thái ở bản Chung Chiêng đã làm được một việc phi thường, khi bắt giữ và thuần hóa được loài sơn dương trắng và đang mở trang trại nuôi chúng. Đây là loài thú quí hiếm vốn nằm trong sách đỏ, cần được bảo vệ khi đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Bản Chung Chiêng chợt náo động trước sự xuất hiện của tôi. Những tiếng chó sủa ầm ĩ, trên những ô cửa  sổ nhà sàn. Những cái đầu trẻ con lố nhố thò ra, thụt vào, chúng cấu nhau chí chóe và cười rinh rích. Cả người lớn cũng bỏ dở công việc, tò mò đứng nhìn cho đến khi tôi và Cầm Văn Đôi bước lên bậc thang của ngôi nhà sàn mới tinh rộng thênh thang giữa bản… Trong  nhà Cầm Văn Đôi  thật náo nhiệt. Tiệc đón tiếp tôi đã bày sẵn, người đi lại rầm rập, cười nói râm ran. Đèn đuốc được thắp lên dù trời chưa tối hẳn. Rượu cần, rượu choé được khiêng ra… Trong khi các món ăn nóng vẫn tiếp tục được bày  thì những người trong nhà lần lượt đến chào tôi theo phong tục. Trong số ấy tôi nhận ra người thanh niên cưỡi ngựa tía chỉ đường cho tôi hồi nãy, người này tầm thước, phong thái thật hiên ngang mà lễ độ. Đây là Vàng A Lô con rể tôi!  Cầm Văn Đôi vừa nói vừa kéo tôi vào ngồi chỗ trang trọng nhất của bàn tiệc.
– Thật vui quá! Tôi không nghĩ là ông lại về!
– Cũng đã lâu, tôi thật có lỗi với ông, với dân bản, với êm – Ban nãy tôi được biết rằng bà Kẹo mẹ ông vừa mất.
– Ông có lỗi gì đâu! – Cầm Văn Đôi thầm thì như tự nói với mình. Khuôn mặt ông thoáng già đi chục tuổi… Nhưng có lẽ nhìn thấy mọi người đang ăn uống, cười nói vui vẻ, Cầm Văn Đôi nâng chén rượu, cụng với tôi và nói: – Thôi! Ông về hôm nay là vui lắm, ta không nên nói đến chuyện cũ nữa. Tôi với ông phải uống thật say để mừng tình bạn hữu. Đến mai, tôi sẽ bảo Vàng A Lô nó đưa ông đến thăm trại nuôi sơn dương ở thung lũng Hô Be! Được chứ?
– Xin theo lời ông – Tôi sung sướng gật đầu.
*
Hồi trước, tôi và Cầm Văn Đôi cùng học trường nội trú của tỉnh ở ngoài thị xã. Khi chúng tôi đã học được cả một tuần lễ thì thầy chủ nhiệm lớp dẫn vào phòng tôi một cậu mặc áo chàm, da trắng bóc như da con gái, dáng ục ịch: “Đây là bạn Cầm Văn Đôi ở bản Chung Chiêng! Các em giúp bạn giùm thầy nhé…”.  Chàng béo ục này chắc lần đầu ra thị xã nên trông ngơ ngơ như bò đội nón trên phố, nói tiếng Kinh ngọng líu ngọng lô, chỉ giỏi uống nước lã và ăn bốc. Nhưng chỉ mấy ngày sau, mọi chuyện nghe ra ổn cả. Hơn nữa  đội bóng đá của lớp 5B chúng tôi đang thiếu một hậu vệ. Có lẽ cũng do hoàn cảnh nên tôi và Đôi rất thân nhau. Chúng tôi cùng mất cha. Bố tôi là liệt sĩ hy sinh ở chiến trường. Bố Đôi tên là Cầm Văn An trước làm công nhân lái máy cày cho nông trường cũng mất sau một vụ tai nạn do lở đất.
Mùa hè đến, Cầm Văn Đôi bảo:
– Về bản tôi chơi đi?…
– Thì đi!…
– Bản tôi có một con suối rất rộng, có rừng Hô Be đầy nấm hương, cả sơn dương  trắng nữa.
Tôi gật đầu. Nhưng cũng không ngờ được rằng từ cái gật đầu vô tư ấy, chúng tôi cùng nhau sống một mùa hè kinh hoàng nhất của tuổi mười lăm.
Mấy ngày sau, được phép của mẹ, tôi cùng Cầm Văn Đôi khăn gói ngược lên miền Tây. Khi lương thực mang theo gần cạn, cũng là lúc đến bản Chung Chiêng. Đây là một bản nhỏ của người Thái trắng. Ngôi bản đẹp như bức thuỷ mặc được áp sát vào một vách đá của Hoàng Liên Sơn.
Người phụ nữ tóc vấn cao, có khuôn mặt rạng rỡ và phúc hậu cùng một thằng bé đội chiếc mũ nồi, lũn cũn ào ra đón chúng tôi. Đấy là mẹ của Đôi, cô Kẹo mà sau đó tôi gọi là “êm”. Bà Kẹo cũng trạc tuổi mẹ tôi. Hôm ấy cô mặc chiếc quầy ngắn của người đi làm nương, khoe đôi chân to, thẳng với hai bàn chân rộng, ngón xoè ra. Đôi bàn chân ấy thoăn thoắt chạy lên, chạy xuống cầu  thang nhà, đi vào rừng tìm lá cho chúng tôi ngâm chân, xuống suối Nậm Be gùi nước, vác củi… Hàng sáng lại nhẹ nhàng dậy thổi xôi, dồn đầy vào coóng khẩu cho chúng tôi ăn… có thể cũng nhờ đôi bàn chân ấy, dân trong bản kéo đến nghẹt nhà để ngắm nhìn chúng tôi.
Trong mùa hè kì diệu ấy ở Chung Chiêng, tôi được ăn ngô non luộc, xôi sắn đồ thơm phức ăn cùng với cá nướng trên củi quế. Được uống nước suối Nậm Be hãm với cam thảo và củ sâm rừng… Khoác bộ áo chàm thùng thình của Đôi, tôi ào vào vui chơi với lũ trẻ con bản cùng lứa. Ngày ngày ra suối mò cá, bắt cua, đánh đu trên những cành dâu da chín đen. Đêm đêm rủ nhau lên các chòi coi nương, rình xem lợn rừng ăn vụng sắn, nghe hổ cái gầm động đực cùng tiếng chim từ quy gọi nhau suốt đêm dài.
Tôi lớn lên, béo ra. Thỉnh thoảng cô Kẹo lại kéo tôi vào lòng, xoa đầu, sờ má tôi, khen: “Con trai người Kinh của êm xinh quá… Sau này mày phải hay lên đây chơi với thằng Đôi nhé”… Điều này bây giờ nghĩ lại thấy thật xót xa…
Ở bản Chung Chiêng dạo ấy có thể thú vị nhất là thường xuyên được nghe kể chuyện ma. Người kể là Vàng Văn Ún, một người chân thọt đầy bí hiểm. Tối nào lão cũng đốt một đống củi to ngay trước cửa nhà, để dụ bọn trẻ đến, lão vừa ngồi đan, quấn một đồ dùng gì đó bằng mây, vừa kể chuyện. Kiểu cách đan của lão cũng rất lạ: Khi cái đồ vật lão đan kia đã gần xong thì tự dưng lão hừm lên một tiếng, vung con dao sắc lẻm băm vụn thứ đó ra, rồi lại đan cái khác. Ngoài cái chân thọt ra, lưng lão gù gù như lưng gấu. Nghe nói ngày xưa lão đã từng làm thổ phỉ, sau lại vượt sông Nậm Mu sang Lào, đi lính đánh thuê cho phe cực hữu của ông Hoàng Phu Ma chống lại quân cách mạng Pa Thét. Một hôm lão ăn trộm cái túi bạc trắng của tên chỉ huy, bị tên này bắt được bắn cho què cẳng và đuổi đi. Thấy lão bơ vơ, gia đình cha mẹ cô Kẹo thương, bèn gả con gái cho lão. Khi vợ lão đẻ ra một thằng con trai, ít ngày sau tự dưng người vợ  biến mất. Lão khóc om lên rồi đem thằng con trai đỏ hỏn cho cô Kẹo là chị vợ lão nuôi hộ. Đó chính là thằng bé đội mũ nồi mà ta đã biết. Bây giờ, lão vẫn sống vật vờ trong bản…
Những câu chuyện của lão Vàng Văn Ún kể nghe đều rợn tóc gáy. Hôm thì lão kể chuyện hổ cái ở Mường Than biến thành bà già dụ trẻ con vào rừng để chén thịt. Chuyện thầy mo ở bản Chăng Lọi có đuôi. Chuyện chủ tịch xã Mường Khoa mỗi khi đi họp huyện đều giấu sẵn một con rắn độc trong túi dết để phòng thân. Có bọn thổ phỉ chặn đường định cướp tài liệu thì con rắn thò ra, đớp cụt một ngón tay… Toàn chuyện dông dài và phét lác kiểu như thế nhưng lão kể rất cuốn hút bọn chúng tôi.
Trong những câu chuyện Vàng Văn Ún kể, đôi lúc thấy nói đến một loài thú có sừng, lông trắng muốt, sống trên núi đá, gọi là sơn dương. Tương truyền rằng xưa có một vị tiên đồng trên thượng giới, nuôi hai con thú sừng cong, lông trắng như tuyết, có tiếng kêu như tiếng chuông. Tiên đồng quý hai con vật lắm. Tuy vậy do là tiên nên ngài không biết được đó là một con đực, một con cái. Chỉ đến một hôm ngài đi chơi về bắt gặp chúng đang làm tình ngay trên giường ngài ngủ. Tức giận, tiên định phạt chúng tội chết. Nhưng sau nghĩ lại rằng đó là bản tính của sinh linh, nên chỉ đuổi chúng xuống trần gian, giao cho việc giữ các hang động và núi đá. Sau khi đuổi được chúng đi rồi thì ngài không có bạn chơi, đâm ra buồn bã, u uất. Một hôm, ngài bèn xuống hạ giới, tìm xem bọn thú đó giờ sống ra sao, thì thấy chúng gầy gò, nhếch nhác, ăn ở rất bẩn thỉu. Đã thế còn bị các loài thú khác cậy khoẻ bắt nạt, rất khổ!… Ân hận thì đã muộn. Lời nói của thần tiên không thể rút lại được! Thương tình, tiên liền truyền cho sơn dương phép phi thân, để có thể chạy như bay và đi lại dễ dàng trên các sườn núi đá dốc. Để chúng có cái mà ăn, ngài truyền cho giống hạt dẻ, trám đen, sâm rừng và nấm hương cùng nước cam lộ ở đầu các nguồn suối. Trước khi về trời, ngài còn ra sắc lệnh xử tội chết với những kẻ sát hại sơn dương…
Tuy vậy sơn dương trắng cũng rất hiếm. Cả một vùng rừng núi mênh mông may ra cũng chỉ có một, hai con. Đa phần chỉ nhìn thấy vết chân chúng chứ rất ít khi gặp. Có những người suốt đời sống ở sơn cước chỉ ao ước một lần được nhìn thấy sơn dương trắng. Bởi mỗi khi xuất hiện, sơn dương trắng thường mang đến cho người ta may mắn.
Chúng tôi đem chuyện về sơn dương trắng hỏi Vàng Văn Ún và có ý muốn lên thung lũng cao nhất trong vùng là Hô Be để hái nấm hương và rình xem, nhưng mặt lão tối sầm. Lão lụng bụng một câu gì đó rồi đứng dậy.
Một hôm lão rít lên:
– Đừng đi!… Bố mày nói thật đấy. Làm cứt gì có nấm hương với cả sơn dương, toàn cứt trâu, có mà nhung nhúc rắn lục… rồi lại bảo bố mày không nói trước… – Vàng Văn Ún nói như quát.
– Dưng mà ở thung lũng Hô Be có nhiều nấm hương mà?…
– Tuỳ chúng mày… – Nói xong, lão hừm một tiếng, đứng dậy ra về.
*
Những ngày hè đã hết, cô Kẹo đã chuẩn bị mọi thứ cho hai chúng tôi trở lại trường. Đúng như đã hẹn, tôi và Cầm Văn Đôi thực hiện một việc cuối cùng trước khi rời bản là lên thung lũng Hô Be hái nấm hương. Chúng tôi lên đường vào một buổi sáng. Đó là một ngày oi bức lạ thường.
Sau mấy tiếng đồng hồ leo dốc, men theo các triền núi đá chênh vênh, cuối cùng chúng tôi đã đến thung lũng Hô Be hoang vắng, đây là nơi đầu nguồn của dòng Nậm Be.
Vào đầu những vụ đông, khi việc nương rẫy đã vãn, người ta thường lên đây đẵn gỗ, chặt thành từng khúc, vứt vào các hang đá, những nơi ẩm ướt và thiếu ánh sáng. Những khúc gỗ này được tắm trong sương mù và giá rét, nhựa của chúng cứng lại. Mùa xuân đến, tiết trời ấm dần, những thân cây chợt mốc trắng. Một hôm nào đó chúng nhất loạt nhú lên những cái mầm bé xíu như những hạt gạo nếp. Khi gặp  mưa bụi, chúng vươn lên, dài ra, thành những chùm nõn nà, trắng muốt, dáng của những vũ nữ cung đình đội nón. Đó là nấm hương, gia vị cao sang của  người miền Tây.
Vào những ngày như thế, từ trong các hang động, các sườn núi đá vôi, loài sơn dương trắng đã ngủ dậy sau bao ngày dài ẩn náu tránh rét. Mùa đông chúng không ra khỏi hang, chỉ nằm một chỗ, nhai rặt một thứ sắn dây núi vốn ê hề trong các hang động và liếm những giọt nước rỉ ra trên mặt đá…
Mải mê nghĩ về sơn dương, tôi giật thót mình vì một loạt tiếng động lạ trước mặt. Sơn dương! Trời ơi… Một con sơn dương nhỏ, lông trắng phau phau, dừng lại trước mặt tôi. Nó giương cặp mắt hiền và ướt, nhìn tôi một cách thật lạ lùng, kinh ngạc. Chỉ chớp mắt, sơn dương con như bay vút đi. Nhưng có lẽ điều làm tôi kinh ngạc hơn là sau lưng tôi, Cầm Văn Đôi cũng biến mất. Trời oi bức đến nghẹt thở, chân tôi nặng như đá, sự lo lắng, sự sợ hãi trong tôi bỗng bật ra một tiếng hú gọi vụng về. Vách đá ồm ồm nhại lại giọng dọa nạt… Cuối cùng, đáp lại là tiếng kêu của một con chim cắt vọt lên sau một bụi cây.
Tôi run run bước lại phía cây pơ mu, nơi cùng Cầm Văn Đôi hẹn sẽ ăn trưa ở đấy, bỗng rụng rời thấy cái coóng khẩu đầy xôi lạc và muối vừng treo trên cây, các ống bương đựng nước cũng không thấy nữa.
Một tiếng hự… phát ra sau một tảng đá, khiến tôi ngồi thụp xuống.
– Con trai thằng lái máy cày kia! Bố mày hỏi lại, thằng người Kinh đâu?!…
– Nó ở nhà…- Tiếng Đôi đáp lại.
– Con ma rừng vồ mày đi! Lúc qua suối bố mày vẫn còn nhìn thấy nó. Bây giờ mày không nói, bố mày sẽ đập đầu mày vào hòn đá cho mày chết đi, giống như em con mẹ Kẹo mày! Có nói không…
– A…a…ông giết người, ông là kẻ xấu!… Tôi sẽ báo…
Một tiếng bộp…  làm Đôi im bặt. Tôi run rẩy, rón rén ngó ra sau tảng đá lớn, nhìn thấy cảnh tượng như sau: Vàng Văn Ún cởi trần, mặt mày dữ tợn, lão giạng chân, chĩa khẩu súng săn hai nòng vào ngực Cầm Văn Đôi. Cậu này bị trói cả chân lẫn tay bằng những sợi dây rừng, đang quay lơ trên mặt cỏ với bộ mặt rớm máu. Đôi ra sức cựa quậy, ở xung quanh cậu ta, vật dụng đi rừng của chúng tôi lăn lóc, rúm ró mỗi nơi một chiếc.
– Ừ đấy! Bố mày đã giết người đấy, đã buôn thuốc phiện đấy. Bố mày đã giết sơn dương trắng đấy, đã phơi khô để bán cho người ta nấu cao đấy… chạy nhanh về mà báo với thằng trưởng bản Lò Văn On đi! Hừm! Bố mày đã bảo mà…
– Ông giết sơn dương thì Giàng giết ông!…
– Hê…hê…phà ơi! … Mày sắp chết rồi nên bố mày không cần giấu nữa! Bố mày cũng sắp sang bên ấy rồi, để đi theo ngài vua của bố mày. Ngài cho cả gùi bạc trắng, bố mày vào lấy ra đây. Đập chết mày xong, thì bố mày mới đi!!… Hừm! – Nói xong, lão bỏ đi bằng đôi chân cà nhắc.
Đợi cho đến lúc cái lưng gù gù của lão khuất sau một tảng đá, tôi chạy ù ra khỏi chỗ nấp, lao về phía Cầm Văn Đôi với hy vọng sẽ cởi được trói cho cậu ta, để chạy trốn trước khi Vàng Văn Ún quay lại. Nhìn thấy tôi, Đôi nói lạc giọng:
– Hoàng! Chạy đi, về báo với dân bản! Ở đây nguy hiểm lắm. Kệ tôi!…
– Chúng ta cùng trốn! – Vừa nói tôi vừa nâng cậu ta dậy, ra sức gỡ những nút dây mây mà lão Ún thắt rất chặt làm đôi tay cậu ta sưng vù, bầm tím.
Tôi cứ gỡ, cứ gỡ, đến khi sợi dây mây sắp tuột ra thì thấy một vật lành lạnh đè vào gáy. Buông vội tay, ngước lên: Vàng Văn Ún lù lù đứng sau lưng tôi với bộ mặt đầy sát khí! Một cú đạp làm tôi tối tăm mặt mũi, kèm theo một giọng cười đểu giả:
– Mắc bẫy bố mày rồi. Thằng người Kinh ngu ngốc ơi!…
Một cái vả tháo trái nữa, máu mồm tôi phọt ra mặn chát. Ún dùng cái chân què dận lên cổ tôi, rút vòng dây mây đeo trên cổ ra, lão bẻ quặt tay tôi ra sau lưng, trói ghì lại, sau đó lão túm tóc tôi, công một vòng như công dế, lẳng tôi ngã vào cạnh chỗ Đôi đang nằm. Lúc này cậu ta đang van xin lão, rằng chúng tôi chẳng biết gì cả! Chỉ đi hái nấm hương thôi. Hãy tha cho chúng tôi đi, ngày mai chúng tôi còn phải về trường nội trú để học, các bạn chắc đã tập trung  đủ cả rồi…
Sự việc diễn ra quá nhanh làm đầu óc tôi còn choáng váng. Tôi cố định thần lại, vùng vẫy để ngồi dậy, nhìn ra xung quanh và chợt hiểu…
Trước mặt tôi, trên một tảng đá đen, Vàng Văn Ún gập người như một con gấu ngựa. Lưng lão quay về phía chúng tôi trong cái nắng chiều bầm tím…
Minh họa của Thành Chương
Khẩu súng săn được dựa vào vai, thò ra một mẩu đen ngòm…Ngay dưới chân lão, quanh chỗ chúng tôi nằm là bạt ngàn một thứ cây thân mềm trông tựa cây rau diếp, trên ngọn các cây này đều chỉ có một quả trông như một trái cam con xanh đen và mọng nước. Tôi kinh sợ nhận ra đây là một nương thuốc phiện. Nhưng một cảnh tượng nữa còn ghê rợn hơn khi trước mặt Vàng Văn Ún là những bộ lông, đúng hơn là xác của những con sơn dương trắng, được treo lủng lẳng khắp nơi. Chúng đã bị phanh thây. Có những con xác đã khô, cả những con còn đang nhỏ máu… Một cơn gió động cành làm những cái đầu sơn dương đung đưa, trông rất tội nghiệp. Máu muông thú ngày nào cũng đổ. Máu của Hoàng Liên Sơn còn chảy mãi, khôn nguôi?!…
Trời chợt vàng rực, như sáng lên, chúng tôi vẫn lăn lộn trên mặt cỏ khô rát, không khí trở nên đặc quánh. Từ xa xa, mơ hồ có tiếng sấm động, tiếng lạo xạo của sỏi đá vỡ… Tự dưng Vàng Văn Ún tụt xuống khỏi tảng đá,  giương súng và thu người lại như một con báo. “Có người!”, một tia hi vọng loé lên, Cầm Văn Đôi nhè nhẹ đạp lưng tôi ra hiệu. Cùng lúc một con sơn dương xuất hiện. Đó chính là con sơn dương con có cái đốm vàng giữa trán hồi sáng tôi đã gặp. Nhưng giờ nó có vẻ chậm chạp, bơ vơ, thẫn thờ đứng bên một tảng đá, trước nòng súng đang rê đi, rê lại của Vàng Văn Ún. Nó không hề hay biết cái chết thê thảm sắp đến gần? Hay nó cũng đã biết mà không sợ, không cần tránh nữa?
Tôi vật mình, kêu ú ớ. Nhưng như có phép lạ, Cầm Văn Đôi bằng một cách nào đó đã thoát khỏi sợi dây trói. Móc được nắm cỏ ở mồm ra, Đôi gào tướng lên đánh động cho sơn dương con, rồi xoài chân, đạp một cú cực mạnh vào cái mông của Vàng Văn Ún. Lão bị bất ngờ trước cú ra chân của một hậu vệ trái. Ún đổ nhào về phía trước, mặt úp vào một bãi phân trâu.
– Pá mày! Pá mày nhá, cái thằng pá mày… – Tên cựu thổ phỉ chồm dậy vừa chửi vừa giáng cho Cầm Văn Đôi một quả thôi sơn vào bụng, làm cậu ngã ngồi xuống. Đoạn lão vơ khẩu súng chĩa vào Đôi, hừm lên một tiếng, lùi lại vài bước để bóp cò.
Trời đất chợt bụi mù trong gió giật. Không gian bị xé toạc bởi thứ âm thanh lạ. Tôi nhắm tịt mắt lại khi bị một nắm sỏi lạnh buốt ném trúng vào mặt. Một loạt nữa, một loạt nữa to hơn, đập chan chát vào những tảng đá rồi vỡ vụn… Trong muôn ngàn âm thanh chát chúa ấy, tôi nghe tiếng Vàng Văn Ún rú lên,  tiếng của Cầm Văn Đôi tắc nghẹn:
– Mưa đá…á!…
Vồ lấy tôi như một con hổ dữ, trong tích tắc, Đôi cởi phăng sợi dây trói, kéo tôi vùng dậy nép vào một khe đá lớn. Chúng tôi tròn mắt chứng kiến một cảnh tượng lạ kì: Lão Ún ôm đầu, la ôi ối, nhảy nhót như bị ma vồ, cuống cuồng chui tọt vào một cái hang. Lúc này mưa đá dày hơn, rơi ràn rạt, nảy tưng tưng trên mặt đất. Một lát sau mưa ngớt, trên mặt cỏ là một lớp đá trắng phau, loang loáng trong ánh chiều tà. Cả bầu trời chợt tối sầm khi những rừng mây đen từ trên cao sà xuống, dừng lại ngay trên những ngọn cây pơ mu.
Mưa! Mưa rào rào, ầm ầm, cục cằn và vội vã.
Cũng như lúc ập đến, mưa bắt đầu dứt hạt, thung lũng liền hửng nắng, nhưng là những tia nắng cuối cùng còn sót lại. Một niềm vui chợt loé lên vì đã thoát khỏi tay của Vàng Văn Ún, chúng tôi sắp sửa về nhà…
Hi vọng của chúng tôi vừa nhen nhóm đã vụt tắt. Khắp thung lũng Hô Be lại xuất hiện những tiếng động lạ, tiếng ồn ào mỗi lúc một lớn. Chúng tôi đờ người ra khi nhìn thấy những con rồng. Những con rồng này đang chui ra từ những khe núi cao ngất, chúng bay là là trên mặt đất, vừa đi vừa vít gãy những cây con, xô bật gốc những cây cổ thụ. Chúng vụt lớn lên trong chớp mắt, hợp lại với nhau thành một bức tường, cuốn theo vô số cành khô, lá mục và lừ lừ tiến về phía chúng tôi bằng những tiếng hò reo man rợ…
Kéo giật tay tôi trở lại, Cầm Văn Đôi kêu lên tuyệt vọng:
– Chết rồi Hoàng ơi! Lũ quét…
Giữa cơn hồng thuỷ ấy, tôi chợt nghĩ đến Vàng Văn Ún, có thể lão đã bị nước cuốn đi? Nhưng không phải thế! Trên một phiến đá to giữa bốn bề nước gầm réo, Vàng Văn Ún đã ung dung ngồi ở đó không biết tự bao giờ. Không thấy khẩu súng săn, nhưng bên cạnh lão lù lù một đống da thú với mấy chiếc gùi lớn, có lẽ đó là toàn bộ tài sản của đời lão? Lão Ún có vẻ khinh thị, kệnh dệnh khi nhìn thấy chúng tôi vừa chui ra từ hang đá.
Nước lũ kéo về mỗi lúc một mạnh, tảng đá lão ngồi ngập dần. Giờ nó chỉ còn nhô lên như một cái lưng trâu, lão Ún đang cưỡi trên cái lưng trâu ấy. Một con sóng xô đến cuốn bay những chiếc gùi và đống da thú của lão. Một con sóng nữa định cuốn lão đi. May quá, lão đã kịp bám vào một gờ đá. Nhưng rõ ràng lão cũng không trụ lại được bao lâu nữa, nước lũ vẫn gầm thét bốn bề. Lão Ún gồng lưng chống đỡ một cách thật kiên cường và vô vọng. Nhưng khi một con nước khổng lồ, cao như cái nhà lù lù tiến đến, thì lão biết khoảnh khắc cuối cùng đã điểm. Trong giây lát, lão thừ người ra nhìn chúng tôi. Tự dưng lão bật dậy, đứng vững trên phiến đá, vung cả hai tay lên rối rít, hướng về phía chúng tôi, gấp gáp một cách kỳ cục. Đoạn lão gào lên một câu rợn người:
– À à…ô ô…à, ô…à, ô!…
Gào xong, bình thản nhìn con nước như quả núi ập xuống, lão chui tọt vào đấy.
Bất thình lình, tảng đá tôi và Đôi đứng lung lay. Thất kinh quay lại, giờ chúng tôi mới hiểu được ý nghĩa trong cách xua tay của Vàng Văn Ún, nhưng hình như đã muộn. Toàn bộ những con sóng dữ khắp biển Hô Be quay sang tấn công chúng tôi một cách mãnh liệt. Chúng lấy đà từ xa, những bức tường nước này đang từ từ tiến lại. Tôi và Đôi cuống cuồng leo lên một tảng đá nhưng lại bị trượt chân tụt xuống. Lại leo, lại tụt xuống. Trong lúc đang cố sống, cố chết bò lên thì chân tôi đá phải một vật mềm mềm. Một lần nữa tôi lại nhận ra con sơn dương con hồi nãy. Con vật ướt sũng, run cầm cập cứ quấn lấy chân tôi.
Nhưng kìa! Sơn dương con nhảy phóc lên tảng đá, một tảng đá nữa cao hơn. Từ đây nó cứ nhảy lên, nhảy xuống mấy lần như chọc tức chúng tôi, hoặc chơi kiểu ú òa… Ngay phía sau tôi, Cầm Văn Đôi bỗng gào lên sung sướng:
– Nó chỉ đường!…Theo nó! Giàng ơi, sơn dương cứu người!…
Không thể nhanh hơn được nữa! Chúng tôi bò theo vết nhảy của sơn dương con. Khi đã đến một đỉnh núi thì sơn dương con biến mất, lúc này trời sập tối…
Hồi trẻ, tôi theo nghiệp nhà binh, có dịp đi nhiều nơi nên cũng gặp gỡ khá nhiều người, giờ không ít những khuôn mặt trong số đó còn in đậm nét trong tâm trí tôi. Trong đó có Vàng Văn Ún. Nhưng đã từ lâu chúng tôi cũng không còn giận lão nữa.
Còn nhớ khi giữa cơn nước lũ tơi bời, quay cuồng trời đất, Vàng Văn Ún đã trở thành người khác. Lão đã mở tấm lòng ra thương xót chúng tôi. Lúc đứng cận kề bên cái chết, lão cũng đã quên đi chính bản thân mình ra hiệu cho chúng tôi chạy đi, tìm đường sống. Lão đã cứu chúng tôi!…
Về những hành động, những tiếng kêu của Vàng Văn Ún sau này cũng được chúng tôi “giải mã”, đại để là: Hai thằng mày ơi! Hãy chạy đi, để mà sống, sống để học cách làm người… Còn lão thì già rồi, lão có tội thì lão phải chết! Chẳng sợ gì sất! Hừm!… Nhưng lão còn một thằng con trai bồ côi, bồ cút. Lão gửi lại cuộc đời… Hãy xót thương, che chở cho nó. Cái thằng bé vẫn đội cái mũ nồi có múi í! Hừm… Nó tên là thằng Vàng A Lô.
Trước ngày rời bản, tôi quay lại trại nuôi sơn dương một lần nữa. Hôm ấy người ta bu quanh một con sơn dương mới sinh. Con này do đùa nghịch cùng lũ bạn, đầu bị đập vào một vật cứng, đang thoi thóp nằm thở…
Cũng như mọi người, tôi quỳ xuống mặt cỏ ẩm ướt do mưa đêm, để vuốt ve bộ lông trắng muốt như một đụn bông của nó. Sờ nắn cặp sừng con xinh xẻo như một cặp bút chì nhẵn bóng của nó, tôi thơm vào cái mõm thơm tho mùi sữa còn thoang thoảng nấm hương, mong rằng chỉ một vài hôm nữa là nó lại chạy nhảy được.
Theo như trại trưởng Vàng A Lô thì chỉ một thời gian nữa, tức là khi lứa sơn dương này đủ lớn, chúng sẽ được đánh số bảo vệ, được tiêm chủng… Cả khu trang trại này sẽ bị phóng hỏa đốt cháy khi những con sơn dương trắng cuối cùng được thả về rừng.

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *