Vụ án trong truyện là cột mốc thứ tư trong sự nghiệp quan án của Địch Nhân Kiệt khi ông đang làm Tri huyện tại Hán Nguyên. Trên đường trở về trấn Hán Nguyên sau kỳ nghỉ phép, Địch huyện lệnh cùng ba vị phu nhân, trợ thủ Đào Cam và người hầu buộc phải tránh bão tại Đạo quán Triều Vân trong núi. Ngay khi chưa bước vào phòng nghỉ, Địch Công đã tình cờ nhìn thấy một sự việc quái dị. Đạo quán Triều Vân cũng là nơi trước đây đã xảy ra ba cái chết đáng ngờ. Trong vài ngày ngắn ngủi lưu lại đây, Địch Công cùng trợ thủ Đào Cam đã nhanh chóng tìm ra manh mối dẫn đến những sự thật đáng sợ.
Dù đã có sơ đồ vẽ ở đầu truyện nhưng khi đọc, Biển khó tưởng tượng nổi khung cảnh vì Đạo quán Triều Vân được mô tả như một nơi hết sức lắt léo phức tạp. Đọc quyển này mà Biển liên tưởng đến bốn cuốn Quán của Yukito Ayatsuji và hai cuốn của Soji Shimada. Trí tưởng tượng của tác giả Robert Van Gulik thật tuyệt vời khi có thể miêu tả chi tiết những khung cảnh và vật dụng cách xa mấy trăm năm trong quá khứ. Tuy biết rằng ngài Van Gulik có thời gian dài nghiên cứu lịch sử + văn hóa Á Đông nhưng không phải ai cũng sử dụng kiến thức đó để viết truyện được như ông.
“Nam nhân chỉ bất tử khi để lại dòng giống của mình trên nhân thế” – đôi lúc, những tư tưởng phong kiến của các nam nhân trong truyện khiến Biển hơi khựng lại, vì Địch Công Kỳ Án vốn được viết theo văn phong của tiểu thuyết phương Tây. Đọc truyện phương Tây mà bắt gặp tư tưởng phong kiến phương Đông, thật sự có chút chưa quen. Nhưng thật kỳ lạ khi Địch Nhân Kiệt không có thái độ kỳ thị gay gắt đối với mối tình đồng tính trong truyện. Những lời góp ý của ngài rất vô tư, hợp tình hợp lý hợp pháp. Có lẽ đôi lúc tác giả Van Gulik cũng dùng tư tưởng hiện đại để gán cho nhân vật cổ đại trong truyện của mình chăng? Truyện của ngài Van Gulik cũng thường xuyên có cảnh phụ nữ khỏa thân (phu nhân khỏa thân ngủ; kỹ nữ khỏa thân chải tóc cạnh cửa sổ để thu hút nam nhân…). Biển tưởng đối với TQ cổ đại lễ giáo phong kiến nghiêm nhặt + tư tưởng trọng nam khinh nữ thì những cảnh xuân sắc công khai như vậy không hề tồn tại, cần rất thận trọng khi đề cập trong truyện, nhưng công nhận nếu có thì càng thêm gia vị cho câu truyện.
Địch Công trong truyện này giữ phép tắc lễ nghi đến mức nhiều lúc Biển thấy tội nghiệp ngài ấy phải ép mình quá mức, ăn không ngon cũng phải khen mỹ vị, bị dẫn đến nơi ẩm ướt trong khi toàn thân đang đau nhức cũng phải nói đó là vinh hạnh của mình… Tôn trọng và tuân thủ lễ giáo là điều nên làm, nhưng luật đặt ra là để phục vụ con người, nếu luật quá hà khắc và vô lý thì chỉ khiến nhân sinh thêm khổ ải.
Nghe đồn nhiều về lỗi chính tả trong sách Phúc Minh nên đến tận khi bộ Địch Công đã xuất bản mười mấy cuốn thì Biển mới đọc (trong tinh thần sẽ bị thất vọng, nhưng không hề). Cốt truyện đương nhiên xuất sắc như những quyển khác của tác giả Van Gulik. Về hình thức của sách thì Biển nhận thấy chữ in to rõ, giấy sạch đẹp, trình bày tốt, có ba lỗi chính tả là “thật” > “thịt”, “ấm cúng” > “ấm cũng”, “đã” > “đá”, ngoài ra không có vụ tên nhân vật mà đầu sách và cuối sách dịch khác nhau. Vụ án trong truyện được xử theo luật giang hồ, rất tuyệt! Bởi mới nói, thành kiến là một thứ tiêu cực có thể ngăn cản người ta nhìn thấy những chân trời mới, sau khi đọc thử một cuốn thì Biển quyết định sẽ tự tin hơn khi mua những sách khác của PM. (Bài review này không phải để PR cho PM nhá).
Bộ Địch Công Kỳ Án có liên quan với nhau không? KHÔNG. Mỗi cuốn là một câu chuyện độc lập. Trong loạt truyện đã xuất bản thì quyển nào hay? Quyển nào cũng hay. Biển đã đọc một số bản dịch cũ của dịch giả Phước Lộc và thấy các quyển đặc biệt hay như Thuyền Hoa Án, Bí mật quả chuông, Tứ bình phong, Thi nhân và sát nhân — giờ thì thấy “Đạo quán có ma”cũng rất hấp dẫn, tin rằng tất cả những quyển khác của ngài Van Gulik viết về Địch Công đều sẽ hay. Đã là mọt trinh thám thì những tác phẩm như vậy nhất định không thể bỏ qua.
(Sea, 6-10-2018)
P.S.:
__ Đắp vỏ trứng gà giã vụn lên vết thương có tác dụng gì?
__ Bức họa con mèo trong truyện thật sự là 1 bức tranh dễ thương
Camellia Phoenix
Từ khóađịch công kỳ án Địch Nhân Kiệt hành trình phá án Người kể chuyện quan án Robert Van Gulik suy luận truyện trinh thám
Xem thêm đề xuất
Mật Mã Tây Tạng – Quyển 3
RadioVn.Com – Giáo sư Phương Tân hét lên mấy tiếng vào miệng hố, không nghe thấy …